Phụ huynh băn khoăn tuyển sinh đầu cấp sau khi bỏ sổ hộ khẩu

Từ ngày 1/1, theo quy định tại luật Cư trú, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú chính thức hết giá trị sử dụng. Do đó, phụ huynh ở các thành phố lớn đang quan tâm đến việc các trường sẽ tuyển sinh đầu cấp thế nào khi không còn sổ hộ khẩu.

Những năm trước, sổ hộ khẩu hoặc tạm trú là một trong những thủ tục bắt buộc khi học sinh nộp hồ sơ nhập học đầu cấp.

Vì vậy, Luật Cư trú chính thức có hiệu lực với quy định mới về sổ hộ khẩu, nhiều phụ huynh băn khoăn khi thực hiện thủ tục nhập học cho con tại trường cần những giấy tờ gì thay thế cho sổ hộ khẩu và thủ tục cũng như quy trình ra sao.

Là phụ huynh có con đang học lớp 5 và tới đây sẽ lên lớp 6, chị Nguyễn Thu Thủy (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) băn khoăn: “Khi sổ hộ khẩu không còn giá trị thì căn cứ vào đâu để phụ huynh biết được con mình sẽ được vào học lớp 6 và học trường nào trên địa bàn quận.

Trong khi quy định tuyển sinh đầu cấp những năm trước, tôi thấy trong thành phần hồ sơ yêu cầu nộp bản sao sổ hộ khẩu hợp lệ.

Không biết năm nay còn yêu cầu này nữa hay không? Và nếu không thì thay sổ hộ khẩu bằng giấy tờ nào.

Tôi mong sớm có thông tin cụ thể để phụ huynh có thể nắm được”.

Phụ huynh băn khoăn tuyển sinh đầu cấp sau khi bỏ sổ hộ khẩu-1

Ảnh minh họa

Cùng cảnh có con sắp bước vào kỳ tuyển sinh đầu cấp, anh Lê Phi Hùng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) băn khoăn: “Con tôi chuẩn bị sẽ vào lớp 1, trong khi các bậc học như mầm non, tiểu học các con chưa đủ tuổi để làm căn cước công dân.

Vì vậy, khi làm thủ tục nhập học sẽ cần đến các loại giấy tờ nào để có thể phân học sinh đúng tuyến.

Rồi bỏ sổ hộ khẩu và tạm trú, các nhà trường sẽ làm thủ tục cho các con đi học như thế nào, tôi lo nhất là phụ huynh có phải vất vả hơn vì những loại giấy tờ khác không... để cho con đi học đúng tuyến”.

Cũng theo phụ huynh này thì 3 năm trước, con lớn vào lớp 1, khi nộp hồ sơ cho con, Ban tuyển sinh hướng dẫn khi nộp hồ sơ cần có giấy gọi vào học lớp 1, bản sao giấy khai sinh, bản sao hộ khẩu hoặc tạm trú dài hạn và hộ khẩu để đối chiếu thông tin còn căn cứ phân về trường nào trên địa bàn.

Khi tiếp nhận hồ sơ nhập học, nếu phát hiện khác với thông tin đã đăng ký trong đơn đăng ký xét tuyển lệch với thông tin về tạm trú thì ngay lập tức học sinh sẽ bị loại.

Lâu nay việc tuyển sinh các lớp đầu cấp thực hiện theo nguyên tắc phân tuyến căn cứ vào nơi cư trú.

Khi học sinh có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú ở phường nào thì sẽ được phân tuyến vào học các lớp đầu cấp tại trường đóng trên địa bàn đó hoặc địa bàn lân cận.

Hằng năm UBND các phường sẽ thống kê danh sách học sinh trong độ tuổi để ban tuyển sinh quận làm căn cứ phân bổ chỉ tiêu cụ thể, lập danh sách học sinh vào từng trường.

Trao đổi với Vietnamnet, ông Phùng Ngọc Oanh - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Ba Vì (Hà Nội) cho hay: “Tuyển sinh đầu cấp cho năm mới này sẽ đợi hướng dẫn của Sở GD-ĐT Hà Nội.

Tuy nhiên, hiện nay mỗi học sinh đều có mã định danh nên tôi cho rằng về cơ bản thì tuyển sinh cũng không có quá nhiều thay đổi.

Bởi lẽ, có mã định danh theo hệ thống quản lý dữ liệu thì có thể biết học sinh cư trú ở địa bàn nào để phân theo đúng tuyến. Phụ huynh cứ yên tâm, sẽ có hướng dẫn cụ thể để thực hiện”.

Bà Nguyễn Thị Hương - Trưởng phòng GD-ĐT quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cũng cho biết, bỏ sổ hộ khẩu sẽ không có khó khăn gì trong tuyển sinh đầu cấp nên phụ huynh có thể yên tâm.

“Thông thường, trước mùa tuyển sinh Sở GD-ĐT sẽ ra văn bản hướng dẫn chi tiết và thực tế trong những năm qua, địa bàn cũng không gặp khó khăn gì và tôi tin năm nay cũng thế”, bà Hương nói .

Theo VietNamNet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/bo-so-ho-khau-tuyen-sinh-dau-cap-the-nao-2098590.html

tuyển sinh


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.