Phụ huynh Hà Nội thoát bẫy lừa đảo ‘con đang cấp cứu’

Nhiều phụ huynh tại Hà Nội nhận được cuộc gọi lừa đảo, nói con bị tai nạn cần phẫu thuật gấp. Ngay lập tức, hàng loạt trường học thông báo, nhắc nhở phụ huynh nâng cao cảnh giác.

Phụ huynh Hà Nội thoát bẫy lừa đảo ‘con đang cấp cứu’-1

Kẻ lừa đảo thường nắm rõ thông tin của phụ huynh và học sinh. Ảnh: Hcamag.

14h ngày 13/3, chồng của chị Hồng Vân (Hà Nội) nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ, thông báo con gái chị (học sinh lớp 11, trường THPT Chu Văn An) đã gặp tai nạn.

Do đã cập nhật thông tin các trường hợp tại TP.HCM, chồng chị Vân tỉnh táo và không sập bẫy. Tuy nhiên, đến 16h23, chị Vân tiếp tục nhận cuộc gọi từ số điện thoại 0768107537.

"Kẻ lừa đảo nắm rất rõ thông tin của con gái tôi, từ tên, tuổi đến trường, lớp. Do được chồng nhắc nhở, tôi dập máy ngay lập tức và nhắn tin cho con để xác minh. Đến tối, khi tôi thử gọi lại thì họ không nghe máy, gọi bằng số của chồng thì thông báo bị chặn", chị Vân nói.

Hàng loạt trường cảnh báo

Chia sẻ với Zing, chị Vân cho biết nếu không được chồng cảnh báo trước, chắc chắn chị sẽ hoảng loạn khi nghe thông tin từ kẻ xấu bởi trước đó, trường con cũng có trường hợp gặp tai nạn tương tự.

Hiện tại, vị phụ huynh lo lắng vì sao những kẻ lừa đảo lại có được thông tin của phụ huynh và học sinh, thậm chí biết rất rõ về trường, lớp con đang theo học.

"Tôi lo lắng thông tin của phụ huynh, học sinh có thể đã bị rò rỉ từ nhà trường hoặc công ty bảo hiểm mà tôi tham gia. Hình thức lừa đảo quá bất nhân, đem sức khỏe, sự an toàn của con ra làm mồi nhử", chị Vân bức xúc.

Phụ huynh Hà Nội thoát bẫy lừa đảo ‘con đang cấp cứu’-2Phụ huynh Hà Nội thoát bẫy lừa đảo ‘con đang cấp cứu’-3
Cả hai vợ chồng đều chị Vân đều nhận được cuộc gọi lừa đảo. Ảnh: NVCC.

Trao đổi với Zing, bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng trường THPT Chu Văn An (Tây Hồ, Hà Nội), cho biết gần đây, nhà trường nhận phản ánh từ 2 phụ huynh, thông báo bị kẻ xấu mạo danh giáo viên, nhân viên y tế nhắn tin: "Con gặp tai nạn đang ở bệnh viện cấp cứu, cần chuyển tiền ngay để nhập viện".

"Hai phụ huynh này đều cảnh giác, xác minh thông tin từ nhà trường, giáo viên chủ nhiệm nên không bị lừa", vị hiệu trưởng nói và cho biết ngay sau đó, nhà trường yêu cầu các giáo viên chủ nhiệm thông báo đến phụ huynh của tất cả lớp trên toàn trường để tránh bị lừa.

Thông báo nêu rõ: "Kẻ xấu nắm rất rõ thông tin của học sinh và tên chính xác của giáo viên, kể cả môn dạy. Nếu cha mẹ học sinh nhận được tin nhắn, cuộc gọi tương tự, liên hệ ngay với phó hiệu trưởng hoặc thầy cô chủ nhiệm để xác minh".

Đồng thời nhà trường cũng báo cáo với Sở GD&ĐT Hà Nội và cơ quan chức năng để ngăn chặn kịp thời tình trạng này.

Tương tự, đại diện trường THCS Nguyễn Trường Tộ (Đống Đa, Hà Nội) cũng ghi nhận một trường hợp phụ huynh phản ánh vào sáng 13/3. Ngay sau đó, giám thị nhà trường kiểm tra và xác nhận học sinh vẫn học bình thường.

Thông tin cảnh báo nhanh chóng được phát đi: “Hiện nay, có hiện tượng kẻ xấu mạo danh giáo viên trường gọi điện cho phụ huynh thông báo con bị tai nạn giao thông và yêu cầu phụ huynh chuyển tiền. Đề nghị quý phụ huynh cảnh giác và gọi điện cho thầy cô chủ nhiệm để kiểm chứng”.

Trong khi đó, trường THCS Thăng Long (Ba Đình, Hà Nội) cũng ghi nhận 2 trường hợp phụ huynh nhận được cuộc gọi lừa đảo tối ngày 13/3.

"Theo phản ánh, kẻ lừa đảo nói giọng miền Nam, thông tin rằng học sinh bị ngã cầu thang ở trường và phải cấp cứu. Trước đó một tuần, chúng tôi đã gửi tin nhắn trực tiếp cho phụ huynh để nhắc nhở cảnh giác. Vì vậy, nghe giọng miền Nam, phụ huynh kịp thời tỉnh táo, không bị lừa tiền", Hiệu trưởng Nguyễn Thanh Hà cho biết tối 13/3, nhà trường tiếp tục gửi tin nhắn cảnh báo lần 2 tới phụ huynh.

Trường Marie Curie (Hà Nội) cũng đưa ra khuyến cáo: “Khi có sự việc bất thường xảy ra đối với học sinh, giáo viên chủ nhiệm sẽ liên lạc trực tiếp đến phụ huynh. Nếu cần tiền để làm thủ tục nhập viện, nhà trường sẽ chủ động thu xếp, phụ huynh không phải chuyển tiền cho bất kỳ ai”.

Tại trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội), ngay sau khi các vụ lừa đảo được thông tin trên báo đài, nhà trường đã lập tức tuyên truyền đến phụ huynh và học sinh.

"Ngày 13/3, 3 phụ huynh nhận được cuộc gọi lạ và tỉnh táo. Tuy nhiên, vẫn có phụ huynh làm việc gần trường nên đến tận nơi xác minh để yên tâm", bà Đỗ Thị Bảy, Phó hiệu trưởng trường THPT Phan Đình Phùng, cho biết nhà trường tiếp tục yêu cầu giáo viên chủ nhiệm thông báo đến phụ huynh.

Phụ huynh Hà Nội thoát bẫy lừa đảo ‘con đang cấp cứu’-4
Nhiều trường học tại Hà Nội thông báo nhắc nhở phụ huynh cảnh giác.

Sở GD&ĐT Hà Nội lưu ý

Ông Hoàng Hữu Trung - Trưởng phòng Chính trị tư tưởng - Khoa học công nghệ, Sở GD&ĐT Hà Nội - cho biết hiện tại một số trường trên địa bàn đã có thông tin phản ánh về sở. May mắn, các trường hợp báo cáo phụ huynh khi nhận được cuộc gọi, tin nhắn đã cảnh giác, xác minh thông tin từ nhà trường, giáo viên chủ nhiệm nên không bị lừa.

“Chúng tôi đã nắm được thông tin và sẽ đề xuất với lãnh đạo có văn bản nhắc nhở các nhà trường về nội dung này", ông Trung cho biết.

Ông Trung nhận định chiêu trò lừa đảo này không mới, tuy nhiên, nó đánh vào tâm lý phụ huynh thường lo lắng khi biết tin con gặp chuyện nên dễ bị lừa. Vì vậy, phụ huynh phải hết sức cảnh giác. Nếu nhận được bất kỳ thông tin, cuộc gọi từ số điện thoại lạ phản ánh về con em mình, việc đầu tiên phụ huynh cần làm là liên hệ ngay với nhà trường để xác minh.

“Một số trường hợp kẻ xấu gọi điện liên hệ, mạo danh là giáo viên đang dạy bộ môn của lớp. Vì vậy, phụ huynh cần gọi điện đến giáo viên chủ nhiệm để xác minh”, ông Trung nói và cho biết sở sẽ yêu cầu các trường có số máy thường trực để phụ huynh liên lạc, tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin.

Ngoài ra, ông Trung lưu ý khi tham gia các giao dịch ngoài xã hội, phụ huynh cần cẩn trọng khi cung cấp thông tin cá nhân và gia đình.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/phu-huynh-ha-noi-thoat-bay-lua-dao-con-dang-cap-cuu-post1411742.html?fbclid=IwAR15jz4HO3H399tM2d_W_4E5adJOulEpjF1c1rNkh4lv0yI8bBNZcbnN3LA

lừa đảo

Hà Nội


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.