Phụ huynh không đồng tình, Hà Nội vẫn cho học sinh lớp 1, 2 tới trường thi học kỳ trực tiếp

Mặc dù phụ huynh không đồng tình nhưng Sở GD&ĐT Hà Nội vẫn yêu cầu cho học sinh lớp 1, lớp 2 tới trường để kiểm tra học kỳ trực tiếp.

Chị Hà Thị Thảo (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) băn khoăn với yêu cầu kiểm tra học kỳ trực tiếp tại trường bởi vì con gái lớp 1 của chị còn chưa nắm vững các quy định về phòng chống dịch bệnh. Hơn nữa, mỗi ngày Hà Nội có gần 2.000 ca mắc mới nên chị Thảo cho rằng việc đưa các con qua lại trường để thực hiện một bài kiểm tra là không cần thiết.

“Việc cho trẻ đến trường trong giai đoạn này thi trực tiếp là không hợp lý, nhất là với những trẻ lớp 1 và lớp 2 đã học online từ đầu năm tới giờ, vậy mà cuối kỳ lại yêu cầu đến trường kiểm tra trực tiếp.

Trong khi Hà Nội số ca mắc Covid-19 vẫn không ngừng tăng lên mỗi ngày, học sinh nhỏ tuổi đến trường khó tránh khỏi việc nói chuyện, tiếp xúc với nhau rồi lại tiềm ẩn vô số nguy cơ. Học trực tuyến cả kỳ học rồi thì giờ kiểm tra trực tuyến cũng được, miễn là các con được an toàn”, chị Thảo nói.

Không chỉ chị Thảo mà nhiều phụ huynh cũng tỏ ra bất an về việc những ngày tới con phải quay lại trường thực hiện bài kiểm tra.

Phụ huynh không đồng tình, Hà Nội vẫn cho học sinh lớp 1, 2 tới trường thi học kỳ trực tiếp-1
Ảnh minh họa

Trước đó, Sở GD&ĐT Hà Nội ban hành hướng dẫn tổ chức kiểm tra học kỳ với học sinh tiểu học thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, ứng phó dịch Covid-19.

Theo đó, đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết việc đánh giá định kỳ được thực hiện linh hoạt vào các thời điểm phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học thực tế tại các đơn vị.

Việc kiểm tra định kỳ phải được tổ chức nghiêm túc, đúng quy định, đánh giá đúng chất lượng học tập của học sinh; có thể thực hiện chia lớp thành nhiều nhóm nhỏ; linh hoạt thực hiện vào các thời điểm phù hợp với từng đối tượng và tình hình diễn biến dịch Covid-19 tại các đơn vị, trong đó:

Đối với lớp 1, lớp 2: Bài kiểm tra định kỳ được tổ chức bằng hình thức trực tiếp, các cơ sở giáo dục thực hiện các giải pháp linh hoạt, phù hợp với thực tế đảm bảo an toàn trong phòng dịch.

Cụ thể, lập kế hoạch thời gian thực hiện bài kiểm tra định kỳ; tổ chức họp với cha mẹ học sinh để phổ biến, hướng dẫn, tạo sự đồng thuận về phương án thực hiện.

Cùng với đó là cơ sở giáo dục thực hiện chia nhỏ số học sinh/lớp đảm bảo an toàn phòng dịch để tổ chức hướng dẫn, ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức, định hướng nội dung “cốt lõi” cho học sinh trước khi tổ chức bài kiểm tra định kỳ đối với môn Toán, môn Tiếng Việt linh hoạt vào các thời điểm, phù hợp với từng đối tượng và tình hình diễn biến dịch Covid-19 tại đơn vị để đánh giá học sinh cuối học kỳ I và cuối năm học theo quy định.

Trong trường hợp bất khả kháng, tại thời điểm kiểm tra định kỳ, học sinh không thể đến trường để làm bài kiểm tra bằng hình thức trực tiếp, cơ sở giáo dục tiểu học có trách nhiệm báo cáo phương án, điều kiện tổ chức cho học sinh làm bài kiểm tra định kỳ bằng hình thức trực tuyến về Phòng Giáo dục và Đào tạo để được kiểm tra các điều kiện đảm bảo theo quy định trước khi thực hiện.

Đối với các lớp 3, lớp 4, lớp 5: Bài kiểm tra định kỳ được tổ chức linh hoạt bằng các hình thức trực tiếp, trực tuyến khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định, phù hợp với điều kiện cụ thể và diễn biến tình hình dịch Covid-19 tại đơn vị vào thời điểm tổ chức đánh giá; thực hiện bài kiểm tra định kỳ đối với các môn học: Tiếng Việt, Toán, Khoa học, Lịch sử và Địa lí, Ngoại ngữ, Tin học, Tiếng dân tộc tại các thời điểm cuối học kỳ I và cuối năm học.

Riêng lớp 4, lớp 5 có thêm bài kiểm tra định kỳ vào giữa học kỳ I và giữa học kỳ II đối với môn Toán và môn Tiếng Việt theo quy định.

Theo Infonet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://infonet.vietnamnet.vn/gioi-tre/hoc-duong/phu-huynh-khong-dong-tinh-ha-noi-van-cho-hoc-sinh-lop-1-2-toi-truong-kiem-tra-hoc-ky-truc-tiep-401306.html

học trực tiếp


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.