Rất mỏng manh ranh giới hướng nghiệp và 'ép không thi lớp 10'?

“Nhiều học sinh sau khi học hết lớp 9, sau khi được xét tốt nghiệp thì nên đi học nghề. Bởi với các em, việc học cấp THPT thực sự khó khăn, đôi khi không đủ khả năng; nhưng tiếc là bố mẹ các em không chấp nhận điều đó” - một hiệu trưởng nhận định.

Những ngày qua, dư luận xôn xao trước luồng thông tin một số trường học vận động, thậm chí ép buộc học sinh yếu kém không tham gia dự thi vào lớp 10 công lập. Thay vào đó, chọn hướng học trường tư hoặc học nghề.

Dù chưa rõ thực hư song đây là vấn đề đã âm ỉ trong dư luận nhiều năm qua. Thậm chí cũng xuất hiện những nghi hoặc phải chăng đến từ cả áp lực phân luồng; hay mượn danh tư vấn hướng nghiệp để vận động học sinh yếu kém không thi lớp 10 nhằm đảm bảo thành tích.

Chia sẻ với VietNamNet, ông Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT M.V.Lômônôxốp (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay, việc phân luồng học nghề sau lớp 9 là bài toán cực kỳ khó khăn. 

“Tôi nghĩ rằng nhiều học sinh sau khi học hết lớp 9, sau khi được xét tốt nghiệp thì nên đi học nghề. Bởi với các em, việc học cấp THPT thực sự khó khăn, đôi khi không đủ khả năng; nhưng tiếc là bố mẹ các em không chấp nhận điều đó”. 

Theo ông Tùng, rõ ràng, xu thế là cần phân loại một nhóm học sinh chuyển sang học nghề nhưng tỉ lệ đó là cực thấp.

“Ở các vùng quê thì khả thi vì học sinh tự bỏ học mà đi làm. Còn ở các thành phố lớn, hay như Hà Nội là cực khó, tỷ lệ các ca tư vấn thành công chắc chỉ khoảng 1/1000”, ông Tùng nói.

Tuy nhiên, ông Tùng cho rằng, việc hướng nghiệp và ép buộc học sinh không thi là 2 việc hoàn toàn khác nhau về bản chất cũng như cách thực hiện. 

“Một bên là với cái tâm rất thật của nhà giáo, để những em học sinh quá yếu so với chuẩn của Bộ GD-ĐT có một hướng đi khác ngoài việc học. Còn một bên rõ ràng chỉ là để chạy theo thành tích”.

Theo ông Tùng, hiện nay, rất nhiều trường đã có định hướng hoặc cho học sinh tìm hiểu về nghề sớm hơn, nhưng thực tế chưa thể bài bản và sâu khi thiếu đội ngũ chuyên gia về hướng nghiệp. 

“Cuối năm lớp 9 mới định hướng nghề nghiệp theo tôi là muộn, nếu có thể thì nên làm dần từ đầu năm lớp 8. Còn hiện nay, chương trình của chúng ta tập trung định hướng nghề nhiều hơn ở năm lớp 10”.

Ông Tùng cho rằng, như ở Hà Nội hiện nay, tổng số trường, lớp đủ cho tất cả học sinh tốt nghiệp THCS có thể học tiếp cấp THPT. 

Song, nhu cầu vào các trường THPT tốp đầu, có tiếng quá cao, cộng với việc mật độ dân cư ở một số khu vực cao đột biến trong nhiều năm nay. Bên cạnh đó còn nhiều gia đình khó khăn về kinh tế, khó cho con theo học được ở trường tư thục cũng khiến cho nhu cầu vào trường công lập tăng cao. 

Rất mỏng manh ranh giới hướng nghiệp và ép không thi lớp 10?-1

Ông Đoàn Tiến Trung, Phó trưởng phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy (Hà Nội) nhận định, cũng có trường hợp hiểu nhầm giữa trường, giáo viên và phụ huynh trong quá trình truyền đạt, tư vấn. “Ví dụ cô giáo bảo lực học con như thế này, chỉ có khả năng đỗ vào trường này, trường kia, thì có thể phụ huynh lại hiểu rằng giáo viên ép học sinh phải thi vào trường đấy”.

Một số ý kiến nghi ngờ, mức chỉ tiêu 25-30% học sinh được định hướng học nghề có thể tạo ra áp lực khác cho các nhà trường, khiến không chỉ học sinh kém, mà học sinh khá cũng bị vận động. Tuy nhiên, ông Trung khẳng định các trường không bị áp chỉ tiêu phân luồng. Theo ông Trung, việc định hướng cũng phải tùy từng đối tượng, phải dựa trên năng lực từng em, "không thể buộc học sinh khá đi học nghề”.

Chính vì căn cứ vào năng lực từng học sinh, ông Trung cho biết Phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy cũng không thể đưa ra chỉ tiêu rằng trường này, trường kia phải phân luồng bao nhiêu. 

Ông Trung lấy ví dụ, trên địa bàn, Trường THCS Cầu Giấy là trường chất lượng cao của quận, tỷ lệ đỗ trường THPT chuyên, đi du học rất nhiều, dẫn đến việc học sinh vào trường nghề rất ít.

PGS.TS Chu Cẩm Thơ (Trưởng Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) nhìn nhận, hoạt động giáo dục hướng nghiệp không phải là phân luồng. 

“Phân luồng vốn là biện pháp của cơ quan quản lý xã hội, để góp phần đảm bảo cơ cấu nguồn nhân lực trong tương lai.

Trong khi đó, hướng nghiệp giống như một sứ mệnh của giáo dục, tức đem đến cho con người kiến thức, kỹ năng và cả hành trình trải nghiệm để nhận ra thế mạnh của bản thân, từ đó biết xã hội cần gì, cơ hội của mình là gì để có thể thích nghi với xã hội, là công dân của xã hội,...”, bà Thơ nói. 

Nhấn mạnh chủ trương hướng nghiệp từ bậc THCS là đúng, song PGS.TS Chu Cẩm Thơ cho rằng, giáo dục hướng nghiệp không chỉ là trách nhiệm của riêng nhà trường mà cần phải có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội (bao gồm cả doanh nghiệp, trường nghề). 

“Ngày nay, việc hướng nghiệp cần phải được thực hiện từ sớm. Chuyện hướng nghiệp giống như một việc cần phải làm trong cả hành trình giáo dục. Vì thế, không thể dùng điểm số, kết quả học tập hay kiến thức để làm tham số duy nhất cho hướng nghiệp, càng không thể để đến cuối cấp mới thực hiện hướng nghiệp.

Việc giáo viên, nhà trường nói rằng “học sinh không nên thi vào lớp 10” mà không chỉ dẫn cho các em cần đi đâu, làm gì tiếp theo hoặc có sự định hướng rõ ràng để có thể đưa ra lựa chọn phù hợp, đó cũng không phải là hoạt động hướng nghiệp. Vì lẽ đó, đôi khi, ranh giới giữa hướng nghiệp và ép buộc cũng sẽ rất mỏng manh”.

Do vậy, PGS.TS Chu Cẩm Thơ cho rằng, cần phải có cách làm chuẩn mới có thể đem lại giá trị và hiệu quả. Trong đó, hướng nghiệp chỉ đạt hiệu quả khi giúp cho học sinh biết về thế mạnh của mình, khiến họ hiểu được bản thân hợp với cái gì, có thể làm được gì, ai có thể hỗ trợ họ, xã hội sẽ đón nhận họ thế nào.

Ngoài ra, việc hướng nghiệp cũng cần dựa trên sự cân bằng giữa độ phù hợp về năng lực, sở thích của người học; việc dự báo nguồn nhân lực và điều kiện của gia đình, xã hội trong việc hỗ trợ người học ở các bậc tiếp theo.

Bà Thơ cũng thẳng thắn nhìn nhận, thực tế hiện nay cơ cấu dân số và nhu cầu học tập của Hà Nội nói riêng, ở các địa phương nói chung còn nhiều vấn đề gây khó cho việc phân luồng. Chẳng hạn, việc phân bố học sinh ở nội thành rất lớn. Các em này thường có nhu cầu học tập đại học cao, muốn theo học THPT để có thể đạt được nguyện vọng đó; còn ở vùng ngoại thành, vùng khó khăn thì lại rất khác. 

Cơ cấu trường nghề, sự phối hợp trong công tác hướng nghiệp cũng chưa được như mong muốn, dồn trách nhiệm lên nhà trường, trong khi các trường lại khá thiếu nguồn lực. Bà Thơ cho rằng, đây đều là những cản trở không hề nhỏ cho công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS.

Theo VietNamNet


thi lớp 10


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.