Sách tiếng Việt lớp 1 xưa, vì sao bao nhiêu năm vẫn in hằn trong trí nhớ?

"Tôi học bộ sách giáo khoa Học vần lớp 1, xuất bản năm 1974, tức ngót nghét cũng đã 46 năm, hầu như nhiều bài thơ, đoạn văn trong đó tôi vẫn còn ghi nhớ".

Những ngày này, khi sách Tiếng Việt 1 bị phản ánh bởi lạm dụng phương ngữ, từ ngữ xa lạ, câu từ trúc trắc, sử dụng truyện ngụ ngôn chắp vá thiếu tính nhân văn, nhiều phụ huynh càng hoài niệm những cuốn sách xưa cũ. Họ lục lọi lại, tìm mua, "chuyền tay" nhau những file hình để dạy con học, để tặc lưỡi và tiếc nuối.

Sách tiếng Việt lớp 1 xưa, vì sao bao nhiêu năm vẫn in hằn trong trí nhớ?-1

Sách tiếng Việt cũ chứa đựng cả một trời thương nhớ.

Với những người lớn đã từng là đứa trẻ lớp 1 năm xưa ấy, những trang sách ố vàng không chỉ là bài học vỡ lòng đầu tiên mà còn là kỉ niệm đầy yêu thương, là những gì trong trẻo nhất, vô tư, hồn nhiên nhất. Từ mạch nguồn khơi gợi ấy, nhiều người bất giác nhớ về cô giáo cũ, đứa bạn cùng bàn kẻ đường phấn "chia đôi", con đường làng với dòng kênh xanh ngày ngày đi học. Mỗi năm mùa khai trường, vô tình thấy ai đó chia sẻ một trang sách cũ là cả một trời ký ức ùa về, thân thương trìu mến lắm.

"Như cố nhân nhiều năm xa cách nay bỗng trở về, chỉ cần hé mở một hình ảnh thôi là đọc thuộc được cả trang sách đó", một cô giáo thế hệ 7x bày tỏ khi vô tình bắt gặp một bài thơ cũ được chia sẻ trên mạng xã hội.

Sách xưa đầy chất liệu nuôi dưỡng tâm hồn

Cả tuổi thơ của nhiều thế hệ ngày đó chỉ mong đến cuối tháng 8, khi mẹ mua cho quyển sách giáo khoa mới để hít lấy hít để cái mùi sách. Có những quyển là sách cũ của anh chị em bị kiến, mối đục lỗ, phải lấy giấy báo cũ bọc lại, dán nhãn đè lên nhưng vẫn nâng niu trân quý vô cùng bởi nó không chỉ là kiến thức nữa, mà là cả bầu trời khát khao, mơ ước.

Vẫn còn nhớ, những cuốn sách của thập niên 70, 80 với công nghệ in sách còn thô sơ. Ngày ấy cũng chưa có công nghệ vi tính, toàn bộ tranh minh họa đều do họa sĩ vẽ tay nhưng mỗi bài thơ, mỗi câu chuyện đều là một bài học nhỏ nhẹ nhàng nuôi dưỡng tâm hồn. "Nhiều bài bây giờ mình vẫn còn thuộc. Những bài đọc bây giờ đọc tối nay, sáng mai quên mất. Khó nhớ mà không gần gũi, trách sao trẻ em không có hứng thú", chị Bích Thủy, một phụ huynh ở quận Phú Nhuận, TP.HCM chia sẻ.

Sách tiếng Việt lớp 1 xưa, vì sao bao nhiêu năm vẫn in hằn trong trí nhớ?-2

 

"Trong cửa hàng giải khát" - sách tập đọc lớp 1 năm 1985.

Mình vẫn còn đọc cho con nghe câu chuyện Trong cửa hàng giải khát: Trong cửa hàng giải khát, một anh bộ đội bước vào. Lưng anh đeo chiếc ba lô to kềnh. Mồ hôi ướt đẫm chiếc áo mầu cỏ úa, anh đang loay hoay tìm chỗ ngồi. Thì một em bé chừng 7 tuổi đứng dậy nắm tay anh. Mời chú ngồi vào chỗ cháu, anh bộ đội mỉm cười và dắt em bé vào cùng ngồi với mình.

Hay câu chuyện ngụ ngôn Con quạ khôn ngoan trong sách tập đọc lớp 1 thế hệ của mình. Nhờ vào trí thông minh, chú quạ sống sót khỏi cơn khát, qua đó giúp con hiểu thêm về sự kiên trì, chịu khó trong cuộc sống. So sánh những câu chuyện ngụ ngôn "phỏng theo" của sách tiếng Việt năm nay lại đầy sự lọc lừa, dối trá. Liệu những đứa trẻ sẽ học được gì?", chị Thủy chia sẻ tiếp.

Sách tiếng Việt lớp 1 xưa, vì sao bao nhiêu năm vẫn in hằn trong trí nhớ?-3

"Ngày xưa nhớ bài đầu tiên lớp 1 là bài Chó bảo gà: "Gà định vào vườn rau, chó bèn sủa gâu gâu, công lao người trồng trọt vất vả đã bao lâu, gà không được vào đó, để phá hoại hoa màu". Ai học thời đó chắc gần 50 tuổi trở lên rồi, vậy mà 50 mươi năm qua bác vẫn nhớ những bài học thuộc lòng của lớp 1, sách ngày xưa hay thật sự, câu ca dễ đi vào người. Ngày nay ngôn từ theo hướng hiện đại, cảm thấy nó xa xôi quá", một phụ huynh thế hệ 6x nhớ lại.

Còn những người trẻ hơn, thế hệ 8x đời đầu thì nhắc nhau về bài thơ thấm đẫm tình yêu quê hương đất nước này:

Ta yêu quê ta ...

Yêu từng bờ ruộng lối mòn

Đỏ tươi bông gạo biếc ngờm ngàn dâu

Yêu con sông mặt sóng xao

Dòng sông tuổi nhỏ rì rào hát ca

Yêu hàng ớt đã ra hoa

Đám dưa trổ nụ đám cà trổ bông

Yêu sao tiếng mẹ ru nồng

Tiếng thoi lách cách bên nong dâu tầm…

Một thời yêu dấu còn đọng lại trong lời văn: Bao tháng, bao năm, mẹ bế anh em chúng con trên đôi tay mềm mại ấy/ Cơm chúng con ăn, tay mẹ nấu; nước chúng con uống, tay mẹ xách, mẹ đun/ Trời nóng, gió từ tay mẹ đưa chúng con vào giấc ngủ. Trời rét, vòng tay mẹ lại ủ ấm cho chúng con/ Lúc nào, ở đâu, quanh chúng con cũng mang dấu tay mẹ… 

Sách tiếng Việt lớp 1 xưa, vì sao bao nhiêu năm vẫn in hằn trong trí nhớ?-4

"Tôi ước các con tôi được học lại quyển sách này...".

Những bài học đầu tiên tuy giản dị nhưng quá đỗi nhân văn và trong sáng; gieo vào lòng những đứa trẻ bao ý niệm đẹp đẽ về thế giới xung quanh và những bài học làm người ý nghĩa. "Tôi ước các con tôi được học lại quyển sách này. Sau hàng chục năm, tôi vẫn không quên những bài học bởi nội dung đơn giản, trong sáng, dễ tưởng tượng và ghi nhớ", bạn Đan Vy bày tỏ.

Câu từ đơn giản, chân thật, dễ học, dễ nhớ

Nhiều người cho rằng, sách tiếng Việt ngày xưa nội dung nhẹ nhàng, vô cùng thân thuộc, hình ảnh đơn giản, sắp xếp hợp lý, thầy cô dễ dạy, trẻ dễ học, phụ huynh dễ kèm. Vào lớp 1, hầu hết những đứa trẻ lúc đó mới được cô giáo dạy ghép vần, viết những chữ cái đầu tiên. Vậy mà vẫn học rất thảnh thơi, không phải vội vàng chạy đua theo chương trình, vì kiểu gì cuối năm cũng biết đọc, biết viết.

"Lời văn, đoạn văn, câu thơ hay như thế, cảm xúc như thế, nội dung nhân văn như thế, tiếng Việt đẹp như thế, tranh minh họa đậm chất Việt như thế… bao thế hệ đã học và trưởng thành. Mà ngày xưa chỉ học có một buổi sáng, chiều về làm đủ mọi việc, tối về xem bông hoa nhỏ, đọc viết qua qua mà học trò vẫn giỏi, vẫn ngoan. 

Tôi nghĩ cũng từ những trang sách với những lời văn đơn giản, chân thật, gần gũi với đời sống của học sinh, trẻ dễ tiếp thu, không bị áp lực nhưng vẫn học được đủ lễ nghĩa trí tín, cách đối nhân xử thế hay lòng nhân ái, yêu thương. Thật thấy buồn vì hầu như những tinh hoa ngày ấy giờ đã bị những nhà biên soạn sách bỏ quên hoàn toàn", một phụ huynh tiếc nuối.

Sách tiếng Việt lớp 1 xưa, vì sao bao nhiêu năm vẫn in hằn trong trí nhớ?-5

Một trang sách tập đọc lớp 1 cũ với câu từ đơn giản, chân thật, dễ học, dễ nhớ.

Mấy mươi năm đã trôi qua với nhiều đợt cải cách. Thế nhưng ở mỗi giai đoạn, những cuốn sách giáo khoa tưởng chừng đã bị lãng quên ngày ấy hóa ra chỉ là được tạm gác lại trong một ngăn sâu thẳm của ký ức, để rồi thi thoảng trỗi dậy như một niềm nhắc nhớ về những tháng năm tuyệt đẹp đã đi qua.

Thời đại 4.0, sách xưa có những chỗ không còn phù hợp. Chúng ta không thể giữ mãi những bài học cũ. Cải cách là cần thiết, nhưng cải cách làm sao để vẫn giữ được cái hồn của dân tộc. Thay đổi sách hợp với thời đại, để trẻ vẫn yêu tiếng nước mình chứ không phải khiến tâm hồn trẻ khô khan và đầy mưu mẹo. "Theo tôi, năm nay cả 5 bộ sách chẳng có bộ nào thật sự hay và nhân văn cả. Nếu không chịu suy nghĩ để làm tốt hơn thì hãy giữ nguyên cho tụi nhỏ nó nhờ. Đừng làm hời hợt rồi mất công, tốn của vào những sản phẩm vô bổ ấy", một phụ huynh nêu ý kiến.

Sách tiếng Việt lớp 1 xưa, vì sao bao nhiêu năm vẫn in hằn trong trí nhớ?-6

Thay đổi sách hợp với thời đại chứ không phải khiến tâm hồn trẻ khô khan và đầy mưu mẹo.

"Tại sao dù có bao nhiêu năm đi qua, những thế hệ cũ vẫn nhớ như in và rung động, bồi hồi khi nhắc về một bài thơ, bài tập đọc cũ?", bạn Mai Hương trả lời cho câu hỏi này bằng dòng chia sẻ: "Phải chăng đó là kết quả của tính chân, thiện, mỹ chứa đựng trong mỗi trang sách xưa cho tâm hồn mỗi người trở nên thanh khiết, trong veo và yêu thương nhiều hơn? Làm sao mà quên được "Trường em", "Mèo con đi học", "Cô dạy", "Cây bàng", "Bàn tay mẹ"... 

Đến hôm nay, khi đã là cô giáo, trong giờ ôn luyện, củng cố, thỉnh thoảng tôi vẫn tìm những trang sách xưa để chỉ muốn nói với học sinh một điều: Sách xưa dạy cô những điều chỉ giản dị vậy thôi, nhưng giá trị mang lại thì to lớn vô cùng".

 

 THEO PHÁP LUẬT VÀ BẠN ĐỌC 

Xem link gốc Ẩn link gốc http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/sach-tieng-viet-lop-1-xua-vi-sao-bao-nhieu-nam-van-in-han-trong-tri-nho-162201810103313036.htm

tiếng việt lớp 1

sách giáo khoa

học sinh


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.