Sinh viên "gào khóc" vì bị yêu cầu mua 3 bộ đồng phục mất 1 triệu đồng

Tiền may đồng phục 1 triệu, tiền học phí 5,3 triệu, tiền tin nhắn SMS, tiền hệ thống quét trùng lặp, tiền sinh hoạt đầu khóa... Hàng loạt yêu cầu về các khoản thu khiến tân sinh viên hoa mắt.

Sinh viên gào khóc vì bị yêu cầu mua 3 bộ đồng phục mất 1 triệu đồng - 1

Sinh viên Trường Đại học Giao thông vận tải TPHCM được quy định mặc đồng phục cả quần lẫn áo khi đến trường (Ảnh: UTH).

Đồng phục cả bộ, đến trường phải mặc

Đọc thông báo các khoản thu nhập học, N. (TPHCM) - tân sinh viên Trường Đại học Giao thông vận tải TPHCM (UTH) - chưa biết mở miệng nói với bố mẹ như thế nào. Gia đình khó khăn, vì thế, ba mẹ N. phải nhặt nhạnh từng ngọn rau để bán kiếm tiền cho N. ăn học.

Theo danh mục các khoản đóng góp của trường, ngoài 5,3 triệu đồng tạm thu học phí 15 tín chỉ học kỳ I còn một số khoản thu như: tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, thư viện số toàn khóa, tin nhắn SMS một năm, sinh hoạt chính trị đầu khóa, hệ thống quét trùng lặp...

Đáng chú ý, danh mục này kê khai tiền đồng phục với mức đóng gần 1,1 triệu đồng cho 2 áo sơ mi, 2 quần tây, 1 bộ quần áo thể dục, 1 thẻ đeo sinh viên.

"Em cố gắng học thật tốt để thi vào trường công lập cho học phí thấp. Thế nhưng, đọc hàng loạt khoản thu trên thông báo khiến em lo lắng. Em không hiểu, sao phải mua tới tận 3 bộ đồng phục lên đến hơn 1 triệu đồng? Em thấy đồng phục áo là được rồi, đây trường yêu cầu mua cả áo và quần", N. cho hay.

Trong khi đó, V.H. chia sẻ "rét run người" khi nghĩ phải đóng 1 triệu đồng cho mấy bộ đồng phục mà em nghĩ không cần thiết lắm. Nam sinh tính nhẩm, 1 triệu đủ tiền ăn được gần một tháng.

Còn P.P. (Bến Tre) vốn từng vui mừng vì thoát cảnh phải mặc đồng phục suốt từ tiểu học tới giờ thì nay lại rời vào trầm mặc.

"Để chuẩn bị là tân sinh viên, em đã mua rất nhiều đồ mới. Vậy mà trường buộc phải mua thêm 3 bộ đồng phục. Em có nhắn tin hỏi bên tư vấn thì được trả lời là quy định mua đủ 3 bộ. Ai muốn mua thêm thì được chứ ít hơn lại không được. Nghe tới đồng phục là em ám ảnh. Chất lượng vải, đường may thường xấu, mua về chẳng dám mặc", P. nói.

Không mặc đồng phục sẽ không được vào trường

Trả lời với phóng viên Dân trí những thắc mắc về đồng phục, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn -Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Giao thông vận tải TPHCM - cho biết: "Đồng phục là truyền thống, tự hào cũng như thể hiện sự bình đẳng của UTH.

Việc mặc đồng phục đến trường còn tôn trọng kỷ luật và không phân biệt giàu nghèo. Bên cạnh đó, UTH là nơi đào tạo về giao thông vận tải, đặc biệt là ngành hàng hải đòi hỏi tính kỷ luật rất cao".

Sinh viên gào khóc vì bị yêu cầu mua 3 bộ đồng phục mất 1 triệu đồng - 2

Đại diện nhà trường cho biết việc quy định mặc đồng phục có nhiều ý nghĩa (Ảnh: UTH).

Ông Tuấn cho hay về đồng phục, sinh viên có quyền lựa chọn nơi may, nhà cung cấp hoặc có thể xin từ người thân quen. Theo quy định của nhà trường, khi bước chân vào cổng trường UTH, sinh viên phải mặc đồng phục.

"Mặc đồng phục sẽ đảm bảo an ninh an toàn hơn, không để người ngoài trà trộn vào trường lấy đồ dùng, tư trang của sinh viên", ông Tuấn lý giải.

Hàng loạt câu hỏi được đặt ra về việc yêu cầu mặc đồng phục có "triệt tiêu" sự sáng tạo, tính cá nhân của sinh viên hay không, tại sao phải buộc mặc cả áo và quần, thay vì chỉ cần đồng phục áo.

Đại diện nhà trường bày tỏ: "Những năm học trước, nhà trường chỉ quy định đồng phục áo nhưng có sinh viên lại mặc quần không nghiêm túc. Do đó, năm nay, trường quy định thêm đồng phục quần", vị trưởng phòng cho hay.

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ thêm, để tạo môi trường cho sinh viên giao lưu, trau dồi kỹ năng, sáng tạo, nhà trường và đoàn thanh niên, hội sinh viên thường xuyên tổ chức rất nhiều hoạt động ngoại khóa. Tại các sự kiện này, sinh viên được mặc thoải mái, thể hiện cá tính mỗi người.

Theo Dân Trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/giao-duc/sinh-vien-gao-khoc-vi-bi-yeu-cau-mua-3-bo-dong-phuc-mat-1-trieu-dong-20230828043802508.htm

đồng phục học sinh


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.