Tâm thư của phụ huynh về câu chuyện xét tuyển đại học

Từng có con tham dự kì thi đại học “3 chung” và năm nay là kì thi THPT quốc gia, một phụ huynh đã viết một bức “tâm thư” chia sẻ về những mặt được và chưa được trong khâu xét tuyển.

Từng có con tham dự kì thi đại học “3 chung” và năm nay là kì thi THPT quốc gia, một phụ huynh đã viết một bức “tâm thư” chia sẻ về những mặt được và chưa được trong khâu xét tuyển.

Mấy hôm nay, theo dõi báo chí, tôi thấy thông tin về xét tuyển đại học (ĐH) đang rất “nhiễu loạn” và có cả sự phiến diện, sai lệch, thậm chí cực đoan. Tôi nghĩ, với tư cách là một phụ huynh, năm trước có con gái thi “ba chung” và với trách nhiệm công dân của mình, tôi cần bày tỏ chính kiến về Kỳ thi THPT quốc gia, từ chính câu chuyện của gia đình tôi, đã phải vất vả, vật vã như thế nào để con tôi trở thành sinh viên ĐH.

hoso-15082015-4aef3
Vất vả trong việc nộp và rút hồ đều là vì quyền lợi của thí sinh

Rắc rối từ sự chuẩn bị vội vàng

Những gì mà nhiều bậc phụ huynh đang “kêu gào” về quy trình xét tuyển, tôi nghĩ cũng có cái lý của nó. Kỳ thi này, những giải pháp kỹ thuật Bộ GD-ĐT chuẩn bị chưa kỹ càng, đặc biệt là khâu tập huấn đối với các trường. Từ khâu tra cứu điểm thi, Bộ quá máy móc và không lường trước, dẫn đến nghẽn mạng, dẫn đến tình trạng thí sinh và phụ huynh bức xúc vì bao lâu ngóng chờ điểm, đến ngày giờ cần xem điểm thì “nghẽn”, đã tạo ra sự khó chịu, thậm chí cả định kiến với kỳ thi này.

Ngay cả khâu xét tuyển hiện nay, nếu các trường được tập huấn kỹ, được xử lý tình huống khác nhau: ví dụ, tổ hợp môn chênh nhau thế nào, có cộng điểm ưu tiên trong bảng xếp hạng hay không thì cũng phải tính đến, sắp xếp hồ sơ thí sinh như thế nào để thí sinh cần rút thì rút được ngay. Bộ quá chủ quan. Nhưng những sai sót về quy trình xét tuyển đó, đúng là đã khiến nhiều phụ huynh, thí sinh vất vả hơn, cần được nghiêm túc rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, vì là lần đầu tiên thực hiện nên không thể hoàn hảo ngay được. Vì cái gì lần đầu tiên cũng thường nhiều khiếm khuyết.

Tôi nhớ hồi mới thi “ba chung”, dư luận cũng kêu ầm lên về thí sinh ảo, về việc các trường phải bù lỗ. Sau đó thì không thấy bàn đến chuyện đó nữa… Đó là những điểm trừ của kỳ thi THPT quốc gia.

Nhưng đừng phủ nhận mặt tốt của kì thi

Nhưng nhìn một cách rộng ra, sâu hơn và lớn hơn, thì tôi vẫn ủng hộ một kỳ thi quốc gia, vì những lí do sau: Năm ngoái, con tôi thi kỳ thi ba chung. Con tôi đã phải học tới 9 môn thi (6 môn tốt nghiệp) và 3 môn đại học. Trong khi, nếu một học sinh thi khối D (như con tôi) năm nay, các em chỉ phải hoàn thành 4 môn để vừa tốt nghiệp, vừa xét tuyển ĐH, CĐ. Như thế là giảm được nửa số môn thi, về tâm lý là rất ổn.

Còn con tôi, năm trước để vượt qua hai kỳ thi tốt nghiệp và đại học đó, riêng môn Toán, Hóa, tôi đã phải đầu tư số tiền lớn cho con tôi học thêm, mỗi buổi 500.000 đồng. Bản thân tôi dừng tất cả các công việc nghiên cứu trong hàng năm trời để đầu tư cho con. Nhân rộng ra mới thấy các lò luyện thi năm đó kiếm bộn tiền như thế nào.

Việc học thêm quá khủng khiếp để ứng phó với 1 kỳ thi tốt nghiệp và 3 kỳ đại học, cao đẳng. Mỗi đợt thi thì cả nhà tơi bời. Con đi thi, cả nhà đi thi theo. Nhân lên nỗi vất vả của cả xã hội thì tốn kém con số hàng ngàn tỷ đồng. Các em từ các mọi miền đổ về thành phố lớn dự thi. Rồi tắc đường, rồi tai nạn giao thông… Còn năm nay, rõ ràng êm ả hơn rất nhiều. Như năm nay, chỉ thi một lần là xong, cái công đi lại, tốn kém của kỳ thi trước, so với kỳ thi năm nay thì gấp nhiều lần. Nên giờ có vất vả rút hồ sơ một chút thì cũng không thể khủng khiếp bằng năm ngoái và nhiều năm trước.

Năm nay, với cách thi ra đề mở, và kết hợp thi “2 trong 1”, lò luyện thi ở các thành phố lớn chết hẳn. Cái này cũng là một thành công ngoài mong đợi, đỡ cho xã hội một khoản tiền vô cùng lớn, tạo tâm lý xã hội, tâm lý khoa cử lành mạnh hơn. Chúng ta từng định dẹp lò luyện bao nhiêu năm, nhưng đều thất bại. Chỉ đến bây giờ, các lò luyện thi cấp tốc đã “tự chết”.

Được tạo cơ hội sao chúng ta lại phàn nàn?

Có người nói Bộ GD-ĐT mắc lỗi lớn khi cho mỗi đợt thì sinh có đến 4 nguyện vọng (NV) trong một trường. Thật ra nhiều NV vẫn tốt hơn cho thí sinh. Bốn NV, nhưng có ai ép thí sinh là phải đăng ký cả 4 NV đâu. Bạn nào thích vẫn có thể chỉ nộp 1 NV và chờ đợi, từ chối các NV còn lại. Giờ Bộ cho đăng ký nhiều NV, là giúp thí sinh thêm cơ hội, không được NV này thì có NV khác, nên vất vả một chút, còn có điểm lùi thì có hơn không?

Giả dụ chỉ cho đăng ký NV1 (như năm 2014), thì nộp xong chờ đỗ, đỗ thì học, không đỗ thì thôi, cũng không phải vất vả rút, nộp hồ sơ. Nhưng như thế, tôi tin là phụ huynh, thí sinh lại “kêu gào” kiểu khác. Tất nhiên, câu chuyện xử lý NV của Bộ quá rối rắm, và nhiều trường làm chưa hết trách nhiệm, làm không khoa học, đã làm khổ một số thí sinh.

Song tôi lại nghĩ, nếu ai đó kêu gào là “Con tôi đang ở đâu trong cái bảng xếp hạng” thì xuất phát từ việc họ ngại động não, ngại suy nghĩ, bởi lẽ: Những năm trước, các em đăng ký vào một trường không dựa vào cái gì cả, rất cảm tính (trừ những em học giỏi, gia đình có điều kiện), không có một cơ sở nào cả. Đăng ký xong thì mới thi. Vậy lúc đó có phụ huynh nào biết được con mình đang ở vị trí thứ bao nhiêu của bảng xếp hạng hay không? Và trượt – đỗ chấp nhận, thì cũng là may rủi chứ. Thế nên mới có bi kịch là học xong không biết làm gì, vì học đã không đúng năng lực của mình, không có đầu ra. Thế mới có chuyện cử nhân sư phạm thì đi làm tiếp thị; sinh viên kỹ thuật thì đi làm kinh tế… Năm nay, có điểm trong tay mới đăng ký, thì ít ra là phải hơn không có điểm trong tay và như thế bớt tù mù hơn nhiều.

Nếu xem xét cả chiều dài lịch sử của kỳ thi ba chung, hay là cách các trường tuyển sinh riêng trước đó thì mới thấy lợi ích lớn mà kỳ thi THPT quốc gia mang lại. Đừng vì một sự vất vả tạm thời mà đánh giá sai lệch, phủ nhận sạch trơn kỳ thi.

Xét vấn đề phải xét nhiều chiều, nói cái gì cũng phải có lý, có tình. Tôi thấy lạ là lúc thi, thí sinh không phải đi lại nhiều, đỡ vất vả hơn thì phụ huynh không nói gì. Giờ vất vả một chút (không phải quá nhiều, vì thực tế rất nhiều em kiên định chỉ 1 NV, không phải rút, nộp) thì phủ nhận sạch trơn là không nên. Và cũng không nên dựa vào tâm lý đám đông để bày tỏ những “ích kỷ cá nhân” mình.

Nhưng tôi nghĩ, Bộ GD-ĐT phải sớm có giải pháp hỗ trợ thí sinh trong khâu rút hồ sơ, để các em không thiệt thòi. Về lâu dài, cụ thể là năm 2016, tôi đề nghị Bộ không nên cho thí sinh đăng ký quá nhiều NV, chỉ 1 NV chính và từ 1, 2 NV bổ sung. Như thế các em sẽ “cân não” hơn khi đăng ký vào các trường và luật chơi được chuẩn bị từ trước, sẽ không có cảnh “đứng núi này trông núi nọ” được.

Bộ có thể cấp cho thí sinh số giấy chứng nhận điểm thi tương ứng với NV đã được xác định. Việc nộp giấy chứng nhận kết quả, có thể cho nộp theo đường bưu điện và khi trượt, thí sinh có thể dùng tiếp giấy chứng nhận điểm thi tiếp theo để nộp. Như vậy, sẽ không còn cảnh thí sinh và nhà trường phải vất vả, rút – nộp hồ sơ nữa.

Theo Dân Trí



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.