Thêm quan điểm về bức ảnh cậu bé không được giấy khen: Đừng mặc định trẻ học kém lớn lên sẽ lãnh đạo "bọn học giỏi", ít lắm!

"Sau này em học kém sẽ làm chủ và đi thuê mấy em học giỏi? Điều này cũng có nhiều. Nhưng mặc nhiên kết luận em không giấy khen sau này sẽ làm chủ nghe thật buồn cười" - anh Nguyễn Đức Sơn chia sẻ.

Vào cuối mỗi năm học, nhà trường sẽ vinh danh những em học sinh xuất sắc bằng giấy khen và các phần thưởng nhỏ như bút vở,... Nhận được giấy khen chính là niềm vui lớn nhất trong đời học sinh. Bởi nó là minh chứng cho việc các em đã nỗ lực thế nào trong suốt một năm qua. Tuy nhiên có những em vì thành tích học tập chưa tốt nên không thể nhận giấy khen. 

Mới đây, bức ảnh chụp tại một lớp học đã vô tình làm nổ ra một cuộc tranh cãi gay gắt trong cộng đồng mạng. Theo đó trong khi cả lớp đều nhận được giấy khen thì chỉ riêng một cậu bé không có và ngồi tiu nghỉu, lạc lõng bên cạnh các bạn. Nhiều người sau đó thương cảm cho cậu học trò nhỏ này. Không chỉ vậy, một bộ phận cư dân mạng còn cho rằng: Những đứa trẻ nhận giấy khen đều là "gà công nghiệp" và có thể cậu bé không được phần thưởng kia lại chính là "sếp tương lai đang ngồi chọn lựa nhân viên".

Thêm quan điểm về bức ảnh cậu bé không được giấy khen: Đừng mặc định trẻ học kém lớn lên sẽ lãnh đạo bọn học giỏi, ít lắm!-1Bức ảnh đang khiến cộng đồng nổ ra nhiều cuộc tranh cãi.

Mới đây, anh Nguyễn Đức Sơn - CEO Interloka, Chủ tịch Học viện thương hiệu Plato đã nêu quan điểm của mình về vấn đề này. Chia sẻ của anh nhận được nhiều lời khen vì mang lại cái nhìn chân thực và khách quan. Cụ thể như sau:

"Nên tự hào khi học giỏi thật sự!

Có giấy khen không đồng nghĩa học giỏi và chẳng liên quan gì sau này ra đời sẽ thành công. Nhất là nền giáo dục cuồng thành tích.

Nhưng đừng vì thế mà kết luận tất cả các em có giấy khen đều gà công nghiệp. Học giỏi không có nghĩa làm giỏi. Nhưng học giỏi thật sự không dễ đâu. Nhiều doanh nhân xuất sắc tôi biết hồi học sinh học rất giỏi các bạn ạ.

Không có giấy khen không có nghĩa khi nào cũng kém. Nhưng đừng vì bệnh thành tích của những giấy khen mà bỗng dưng gán đủ thứ hay ho cho người ngồi tay không. Khiên cưỡng hết sức!

Sau này em học kém sẽ làm chủ và đi thuê mấy em học giỏi? Điều này cũng có nhiều. Nhưng mặc nhiên kết luận em không giấy khen sau này sẽ làm chủ nghe thật buồn cười. Với cá nhân nào đó thì vẫn đúng đấy nhưng tôi không tin số đông học kém ra đời sẽ thành công hơn học giỏi (thật sự).

Thêm quan điểm về bức ảnh cậu bé không được giấy khen: Đừng mặc định trẻ học kém lớn lên sẽ lãnh đạo bọn học giỏi, ít lắm!-2


Quan điểm cá nhân của một người cấp 1 và cấp 2 học dốt đến trung bình, chưa bao giờ được bằng khen. Nhớ lại hồi đó tôi chẳng bị kỳ thị gì cả. Chỉ có điều vì kém nên tôi luôn có cảm giác tự ti và không vui khi đến lớp. Tôi ước giá như hồi đó mình đừng học dốt như vậy.

Bỏ qua những chiếc giấy khen. Tôi thích những người học giỏi thật sự. Giỏi thật sự rõ ràng họ thông minh hơn tôi, cho dù vào đời có người thành công có người không.

Phản đối bệnh thành tích tệ hại là đúng rồi. Nhưng vô tình cổ vũ cho những em lười học cũng chẳng hay gì. Nguy hiểm hơn là các bạn non nớt nghĩ rằng chẳng cần học đâu lớn lên giỏi là làm boss thôi. Vĩ nhân thì đúng là không phụ thuộc mấy vào trường học. Nhưng 99.99% nhân loại là người thường mà.

Vậy nên học giỏi thật sự thì nên tự hào. Nhưng đừng mặc định học giỏi sẽ thành công. Học không giỏi, cũng bình thường, trời chưa sập đâu mà lo. Nhưng đừng mặc định cho trẻ học không giỏi lớn lên sẽ lãnh đạo "bọn học giỏi". Ít lắm, trừ khi có tài đặc biệt nào đấy.

Bỗng dưng nhà nhà sợ nhận học giỏi và học kém lại có chuyện để kể.

Hay thật!".

Theo Nhịp Sống Việt

Xem link gốc Ẩn link gốc http://nhipsongviet.toquoc.vn/them-quan-diem-ve-buc-anh-cau-be-khong-duoc-giay-khen-dung-mac-dinh-tre-hoc-kem-lon-len-se-lanh-dao-bon-hoc-gioi-it-lam-222020107214755883.htm

giấy khen


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.