Thí sinh dừng thi nửa chừng vì dịch COVID-19 sẽ thi lại thế nào?

Với thí sinh đã dự thi một số môn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đợt 1 sau đó không thể tiếp tục thi vì COVID-19, các em được sử dụng kết quả các môn thi, tiếp tục dự thi các môn còn lại ở kỳ thi đợt 2.

Ngày 8/7, tại cuộc họp báo thông tin về kỳ thi, lãnh đạo Bộ GD&ĐT nói rằng, ban đầu, đơn vị hướng dẫn địa phương tổ chức 2 đợt thi, trong đó đợt 1 không có thí sinh liên quan COVID-19, nhưng sau đó một số địa phương có văn bản đề nghị được tổ chức 1 đợt thi. Bộ GD&ĐT đồng ý với kế hoạch đó với điều kiện, thí sinh có nguyện vọng, địa phương có phương án cho mọi tình huống có thể xảy ra, đặt vấn đề an toàn của thí sinh, cán bộ coi thi lên trên hết.

Thực tế, trong quá trình tổ chức thi, một số địa phương đã phải dừng thi ở một số điểm thi vì phát hiện thí sinh liên quan COVID-19, như Bắc Giang, Đồng Tháp, Phú Yên. Tại TP.HCM, trong thời gian thi mới phát hiện thí sinh F0, khiến cả phòng thi, điểm thi hoang mang. Về việc này, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD&ĐT, nói rằng, các địa phương không hề bị động mà đã chuẩn bị các kịch bản ứng phó. Ở TP.HCM, sau khi phát hiện F0, điểm thi sử dụng phòng thi dự phòng, giãn cách, cách ly tập trung thí sinh liên quan sau khi kết thúc kỳ thi. Với thí sinh đã thi một số môn, sau đó không thể tiếp tục thi vì COVID-19, các em được sử dụng kết quả các môn thi, tiếp tục thi các môn còn lại ở kỳ thi đợt 2.

TP.HCM phát hiện F0, F1 trong ngày thi cuối

Chiều 8/7, tin từ Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, trong ngày, một số điểm thi ở thành phố phát hiện thêm các ca F0, F1. Tại điểm thi Trường THCS Vân Đồn, quận 4 và điểm thi Trường THCS Âu Lạc, quận Tân Bình, mỗi nơi phát hiện 1 thí sinh (đã xét nghiệm âm tính ngày 3/7) có kết quả nghi nhiễm trưa 8/7. Hai thí sinh này được cách ly y tế, các thí sinh chung phòng thi được bố trí ở 2 phòng dự phòng. Tại điểm thi Trường THCS Tùng Thiện Vương, quận 8, một thí sinh có kết quả xét nghiệm âm tính ngày 3/7. Tuy nhiên, cha mẹ của thí sinh này đi xét nghiệm cộng đồng ngày 5/7 theo mẫu gộp và có kết quả dương tính; khi xét nghiệm lại theo mẫu đơn thì mẹ của thí sinh này dương tính (thông báo sáng 8/7). Thí sinh này có bạn chở đi thi và khi xét nghiệm nhanh thì có kết quả âm tính. Hai thí sinh này và một thí sinh có dấu hiệu mệt mỏi được thi tại phòng thi dự phòng và giữ ở lại điểm thi vào buổi trưa để chiều thi tiếp.

Một số điểm thi khác có thí sinh F1. Điểm thi Trường THPT Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân có hai thí sinh; điểm thi Trường THCS Phú Định, quận 6 có một thí sinh; điểm thi Trường THPT Lương Thế Vinh, quận 1 có một thí sinh. Các thí sinh này trước đó tham gia xét nghiệm sàng lọc COVID-19 do Sở GD&ĐT tổ chức ngày 3/7 và có kết quả âm tính, tuy nhiên, người nhà của thí sinh lại có kết quả dương tính trong ngày và 7-8/7. Trước đó, trong ngày thi đầu tiên (7/7), TP.HCM phát hiện một số thí sinh mắc COVID-19 đã dự thi hai môn Ngữ văn và Toán. Ngay sau đó, các điểm thi này phải thắt chặt các biện pháp phòng dịch, tách đôi phòng thi có liên quan, đảm bảo thí sinh vẫn tiếp tục tham gia kỳ thi…

Chiều 8/7, ông Đỗ Đình Đảo, Trưởng điểm thi Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, cho biết, 23 thí sinh ngồi chung phòng thi với ca dương tính SARS- CoV-2 ở điểm thi đã được đưa đi cách ly ở khách sạn gần trường ngay từ tối 7/7. "Sáng nay, trước khi đi thi, các thí sinh đã được lấy mẫu xét nghiệm, kiểm tra sức khỏe. Việc đưa đón các em này đi thi đều được cơ quan chức năng thực hiện. Vào tối hôm trước, gia đình các thí sinh đã mang đồ dùng cá nhân, tài liệu ôn tập vào trước cho các em", ông Đảo nói.

Các điểm thi có trường hợp nghi dương tính SARS- CoV-2 cũng được ngành chức năng TP.HCM thực hiện các biện pháp y tế, cách ly ban đầu tại điểm thi và sau đó di chuyển đến các khách sạn gần đó tối cùng ngày. "Việc ăn uống, di chuyển trong ngày thi thứ hai của thí sinh được cơ quan chức năng chăm sóc, bố trí. Điểm thi cũng đã mời các phụ huynh có con chung phòng thi với thí sinh nghi nhiễm đến để trao đổi các bước xử lý tiếp theo", lãnh đạo một điểm thi nói.

Theo Sở GD&ĐT TP.HCM, Sở đã cùng các điểm thi phát sinh ca nghi nhiễm phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai nhanh, quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch. Phối hợp tổ chức xét nghiệm nhanh, xét nghiệm PCR cho các thành viên liên quan. Các phòng thi liên quan trường hợp nghi F0 được chia thành 2 phòng thi dự phòng, tăng giãn cách và thực hiện các biện pháp an toàn. Các trường hợp khác sử dụng phòng thi dự phòng cho thí sinh. Bên cạnh đó, khử khuẩn toàn bộ điểm thi sau mỗi buổi thi. Sở GD&ĐT cho biết đã tổ chức động viên, làm công tác tư tưởng cho thí sinh cùng phòng thi với trường hợp nghi nhiễm yên tâm hoàn thành các môn thi còn lại; hướng dẫn thí sinh đăng ký thi đợt 2; có biện pháp phân luồng riêng, quản lý việc đến điểm thi, di chuyển trong điểm thi đến phòng thi của thí sinh…

Phổ điểm từ trung bình khá đến khá

Ngày 8/7, thí sinh hoàn thành bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội và Ngoại ngữ. Nhiều thí sinh, giáo viên nhận xét, đề thi cơ bản, có môn khó hơn đề minh họa, cũng có môn giảm độ khó nhưng không bất ngờ với thí sinh.

Cô Nguyễn Thị Lĩnh, giáo viên Bộ môn Lịch sử Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh, đánh giá, đề thi năm nay rất nhẹ nhàng, cơ bản, bám đúng cấu trúc đề tham khảo nhưng vẫn đảm bảo sự phân hoá cao. Trong 40 câu hỏi có nội dung phong phú từ kinh tế, chính trị tới ngoại giao, không nặng về quân sự như những năm trước. "Đa số học sinh sẽ đạt được mức điểm từ 6-7, còn thí sinh khá, giỏi có thể đạt điểm 8-9,5 đảm bảo có tính phân loại tin cậy để các trường đại học làm căn cứ xét tuyển", cô Lĩnh nói.

Cô Nguyễn Thị Hồng Quyên, Trường THPT Biên Hòa (Đồng Nai), nói rằng, đề thi Địa lý không khó, không có đáp án gây nhiễu, làm khó, do đó phổ điểm sẽ ở mức 7 điểm. Cô Dương Thị Thúy Nga, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nhận định, đề thi Giáo dục công dân diễn đạt rõ ràng, không có câu hỏi lắt léo, đánh đố; cấu trúc phù hợp, bám sát các vấn đề thực tiễn, đảm bảo phân hóa tốt. Với đề này, học sinh nắm vững kiến thức cơ bản có thể dễ dàng đạt điểm 7-8.

Với môn Ngoại ngữ, nhiều giáo viên nhận định, đề cơ bản, giữ nguyên cấu trúc. Với đề này, mặt bằng chung học sinh ở các vùng thuận lợi, có điều kiện học ngoại ngữ sẽ đạt điểm cao, còn học sinh ở vùng nông thôn, vùng khó khăn sẽ đạt điểm trung bình khá. Giáo viên Tổ Tiếng Anh - Hệ thống giáo dục Học Mãi nhận xét, có 80% câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu, phần còn lại là các câu hỏi vận dụng và vận dụng cao. Tuy nhiên, đề không có câu hỏi cực khó, đánh đố.

Với môn Sinh học, cô Nguyễn Thị Hằng Nga, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng, đề thi vừa sức với học sinh và có sự phân hóa rõ ràng. Với môn Vật lý, thầy Vũ Ngọc Dũng, Trường THPT Lục Ngạn số 1 (Bắc Giang), nhận định, thí sinh học lực trung bình dễ dàng đạt được điểm 6-7. Thầy Dũng dự đoán, sẽ có khá nhiều điểm 8-9 điểm, rất ít điểm 10. Thầy Trần Đức Tuấn, Tổ phó tổ Hóa học Trường THPT Lục Ngạn số 1, cho rằng, với môn Hóa học, thí sinh trung bình có thể đạt điểm 5-6; thí sinh khá điểm 8; thí sinh giỏi điểm 9; thí sinh xuất sắc điểm 10; phổ điểm chủ yếu nằm trong khoảng 6-8.

Theo Tiền Phong

Xem link gốc Ẩn link gốc https://tienphong.vn/thi-sinh-dung-thi-nua-chung-vi-dich-covid-19-se-thi-lai-the-nao-post1353560.tpo

thi tốt nghiệp THPT


Bộ xương khủng long dài bằng 2 xe buýt được bán đấu giá hơn 6 triệu USD
Một bộ xương khủng long Apatosaurus dài 21m, nặng hơn 22 tấn, được đặt tên là Vulcan, gần đây đã trở thành hóa thạch khủng long lớn nhất từng được bán đấu giá khi nó được mua với giá khoảng 6,4 triệu đô la tại một cuộc đấu giá ở Pháp.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.