Thí sinh mang biển đảo, bệnh Ebola vào bài thi lớp 10

Trong bài nghị luận xã hội môn Ngữ văn, nhiều thí sinh đề cập sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép, dịch bệnh Ebola, thói xấu của người Việt.

Trong bài nghị luận xã hội môn Ngữ văn, nhiều thí sinh đề cập sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép, dịch bệnh Ebola, thói xấu của người Việt.

9h45, sau hơn 2/3 thời gian làm bài môn Ngữ văn (120 phút), những thí sinh đầu tiên tại địa điểm thi trường chuyên Hà Nội - Amsterdam đã nộp bài. Phần lớn học sinh đều phấn khởi, sau khi kết thúc môn thi đầu tiên vào lớp 10.

Đề thi Ngữ văn năm nay có 2 phần. Phần I (7 điểm) thuộc bài thơ Đoàn thuyền đánh cá (nhà thơ Huy Cận) nằm trong chương trình sách giáo khoa. Phần II (3 điểm) trích đoạn Những ngôi sao xa xôi của nhà văn Lê Minh Khuê. Đây được coi là câu hỏi tạo cho học sinh nhiều cảm hứng.

Thí sinh mang biển đảo, bệnh Ebola vào bài thi lớp 10
Thí sinh cười tươi sau giờ thi môn Ngữ văn tại điểm thi THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam. Ảnh: Lê Hiếu.

Đề bài nêu: “Từ đoạn trích trên và những hiểu biết xã hội, em hãy viết một đọa văn (khoảng nửa trang giấy thi) trình bày suy nghĩ về thái độ của mỗi người trong mối quan hệ giữa cá nhântập thể".

Thí sinh Nguyễn Ngọc Khánh Linh (THCS Thực Ngiệm, Hà Nội) cho biết: “Câu 1 của đề thi tương đối dễ, áp dụng kiến thức sách giáo khoa. Câu 2 tạo cảm hứng cho thí sinh. Trong phần viết đoạn văn, liên hệ thái độ của mỗi người trong mối quan hệ cá nhân và tập thể, em mang câu chuyện về dịch bệnh Ebola bùng phát năm 2014 vào bài làm. Nhiều người đã mắc căn bệnh, thậm chí sau khi khỏi vẫn bị người khác xa lánh. Theo em, cá nhân không thể xa lánh với tập thể. Tập thể nếu thành công cũng không thể thiếu cá nhân”.

Bạn Bùi Đức Hoàng (THCS Yên Hòa, Hà Nội) nhận định, đề thi dễ thở, phù hợp học sinh. Nam sinh này làm được 80% đề thi. 

Hoàng cho biết, phần liên hệ với cá nhân và tập thể, em mang câu chuyện Trung Quốc đặt giàn khoan HD 981 trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế của nước ta, có những hành động hung hăng, cản phá lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Thí sinh mang biển đảo, bệnh Ebola vào bài thi lớp 10
Đề thi Ngữ văn vào lớp 10 ở Hà Nội.

"Sự kiện này đòi hỏi người dân cả nước cùng đồng hành, chia sẻ, gắn kết với nhau, thể hiện tình yêu nước. Từ nhà trường đến nơi làm việc, học sinh đến người lớn đều có những cách thể hiện tình yêu quê hương đất nước khác nhau, làm nên mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể”, Hoàng dẫn lại bài làm của mình.

Theo Nguyễn Thùy Dương (THCS Phan Chu Trinh, Hà Nội), đề nghị luận xã hội giúp thí sinh hiểu được thái độ đúng đắn khi sống trong môi trường tập thể. Dương đã nhắc đến một vài tật xấu của người Việt như tranh cãi, xô đẩy khi đổi mũ bảo hiểm từ cũ lấy mới trong bài thi của mình.

Thầy Nguyễn Phi Hùng, Tổ trưởng tổ Văn, THPT Anhxtanh Hà Nội nhận xét: Đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10 tại Hà Nội có cấu trúc tương tự như đề thi các năm trước. 

Đề thi gồm hai phần, kiểm tra kiến thức và kỹ năng đọc hiểu văn bản ở hai phần thơ và văn xuôi. Câu 1, 2, 3 của phần I và câu 1, 2 của phần II tái hiện kiến thức và nhận biết, phân tích hiệu quả của các biện pháp tu từ. Đây là phần dễ "ăn điểm" đối với thí sinh. 

Câu 4 của phần I và câu 3 của phần II yêu cầu viết đoạn văn, đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức tổng hợp về thực tế cuộc sống, nội dung tác phẩm văn học, đồng thời phải có kỹ năng diễn đạt, trình bày quan điểm của cá nhân một cách mạch lạc. 

Hai câu 4 phần I và câu 3 phần II là điểm nhấn. Các câu hỏi này đều định hướng học sinh về tinh thần công dân, trách nhiệm của cá nhân trước tập thể và ý thức lao động, góp phần dựng xây đất nước. 

Đây chính là những câu hỏi hay và chiếm trọng số điểm cao trong toàn bộ đề thi và phân hóa đối tượng học sinh. 

Với đề thi này, học sinh chăm chỉ, nắm chắc kiến thức cơ bản có thể hy vọng đạt 7, 8 điểm.

Thạc sĩ Đặng Ngọc Khương, giáo viên Trung tâm Hocmai.vn Online, nhận xét: Đề Ngữ văn vào lớp 10 ở TP HCM vừa sức, tạo được hứng thú đối với học sinh.  

Cấu trúc đề thi phù hợp với 3 câu tương ứng với hai phần: Đọc - hiểu và Làm văn. Cấu trúc này gần giống đề thi minh họa THPT quốc gia (khác ở phần Đọc hiểu chỉ có một ngữ liệu và Nghị luận xã hội không yêu cầu viết dài để đảm báo phù hợp thời gian 120 phút). 

Đề mang tính thời sự, vừa có ý nghĩa giáo dục, đảm bảo tính thẩm mỹ.  

+ Câu 1: Ngữ liệu đọc hiểu rất hay, mang tính thời sự và giáo dục được lòng yêu nước cho học sinh.  

+ Câu 2: Nghị luận xã hội. Vấn đề nghị luận không mới lạ - hiện tượng vô cảm - nhưng vẫn có tính thời sự. Việc đưa hình ảnh minh họa khiến đề Ngữ Văn có tính trực quan và taọ thêm sức hấp dẫn. 

+ Câu 3: Nghị luận Văn học (4 điểm): Lượng kiến thức vừa phải; phần liên hệ giúp học sinh có hướng mở để phát huy tính sáng tạo trong bài viết. 

Với cấu trúc và nội dung như thế này, đề thi sẽ không gây khó cho học sinh mà vẫn có khả năng phân loại học sinh khá - giỏi.


Theo Quyên Quyên/Zing


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.