Thông minh, "gan lì" chinh phục Đường lên đỉnh Olympia

Võ Quang Phú Đức, học sinh Trường THPT chuyên Quốc học Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế), trở thành nhà vô địch "Đường lên đỉnh Olympia 2024" đầy thuyết phục

Thi đấu thông minh, có chiến thuật, Võ Quang Phú Đức dẫn đầu ở cả 4 vòng thi và giành vòng nguyệt quế của chương trình "Đường lên đỉnh Olympia 2024" với 220 điểm.

Nỗ lực học tập, tích lũy kiến thức

Trận chung kết "Đường lên đỉnh Olympia 2024" diễn ra ngày 13-10 với 4 nhà leo núi: Trần Trung Kiên - học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong (Phú Yên), Nguyễn Quốc Nhật Minh - Trường THPT chuyên Hùng Vương (Gia Lai), Võ Quang Phú Đức - Trường THPT chuyên Quốc học Huế và Nguyễn Nguyên Phú - Trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội.

Sinh ra trong một gia đình có mẹ là kỹ sư nông nghiệp, còn bố là kỹ sư cơ khí, ngay từ nhỏ, Phú Đức đã thích tìm hiểu mọi thứ xung quanh. Em cũng rất thích "Đường lên đỉnh Olympia" và mong muốn trở thành thí sinh của chương trình để chinh phục vòng nguyệt quế.

Thông minh, gan lì chinh phục Đường lên đỉnh Olympia-1

Võ Quang Phú Đức và các thí sinh trong giây phút nhận vòng nguyệt quế. Ảnh: HẢI HƯNG

Phú Đức luôn nỗ lực học tập, tích lũy kiến thức để thỏa niềm đam mê của mình. Suốt 11 năm liền, em luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Môn học Phú Đức yêu thích nhất là toán và ngoại ngữ. Nam sinh đến từ cố đô này cũng thích tìm hiểu những điều mới lạ trong thế giới xung quanh mình.

Bước vào trận chung kết "Đường lên đỉnh Olympia 2024" với tâm lý thi đấu hết mình, Phú Đức đặt mục tiêu cố gắng giành được kết quả cao nhất. Em dành nhiều thời gian trau dồi, củng cố kiến thức, ôn luyện kỹ năng với tâm lý tự tin, thoải mái. Dù vậy, trước trận đấu quan trọng, nhà leo núi này không tránh được lo lắng.

Buổi tối trước trận chung kết, Phú Đức khó ngủ. Trước đó, đã có lúc em không cảm thấy tự tin và phải tập thiền để kiểm soát cảm xúc. Theo nhà vô địch, thiền giúp cơ mặt của em không biến đổi, có thể kiểm soát cảm xúc tốt hơn.

Xứng đáng giành vòng nguyệt quế

Chia sẻ ngay sau phút đăng quang, Phú Đức tiết lộ bí quyết giúp em trở thành nhà vô địch chương trình chính là sự "gan lì" và một chiến thuật thông minh. Phú Đức luôn cố gắng để đạt điểm số cao nhất ở phần "Khởi động" để lấy lợi thế cho mình trong các phần thi sau.

Khi được hỏi khoảnh khắc đáng nhớ nhất của trận đấu, nhà vô địch cho hay đó chính là phần thi "Vượt chướng ngại vật". Khi Phú Đức bấm chuông trả lời câu hỏi rất sớm với tốc độ cực nhanh, em đã tin mình trả lời đúng. Nhà vô địch cho biết em không hoàn toàn bấm chuông trong một phút ngẫu hứng mà đã có sự chuẩn bị trước.

Trước đó, Phú Đức đã nghĩ tới khả năng đáp án của "Vượt chướng ngại vật" có thể là một từ gồm 7 chữ cái. Trong đầu em có 3 phương án "Net Zero", "Đoàn kết" hay "Điểm tựa". Sau khi câu hỏi đầu tiên được công bố, em lập tức loại bỏ 2 phương án "Đoàn kết" và "Điểm tựa", chỉ còn lại đáp án "Net Zero", dù đây là một quyết định mang tính rủi ro rất cao.

Với Phú Đức, trong một trận chung kết năm, bấm chuông trả lời câu hỏi đầu tiên thì khả năng sai sẽ rất lớn. Nếu sai, lợi thế lớn sẽ mất đi, nhưng nếu đúng thì đó sẽ là cơ hội quý giá để tạo khoảng cách với các đối thủ.

Khoảnh khắc bản thân căng thẳng nhất trong trận chung kết, đối với Phú Đức, chính là lúc nhà leo núi Nguyễn Nguyên Phú đến từ Hà Nội chỉ còn cách em 20 điểm. Chiến thuật của Phú Đức là tạo lợi thế lớn ở 3 phần thi đầu. Tuy nhiên, ở phần thi "Về đích", vì đổi đáp án đúng từ cây "bão táp" sang cây "phong ba", Phú Đức đã bị Nguyên Phú lấy mất 20 điểm quý giá.

Nhớ lại khoảnh khắc đổi đáp án đúng thành sai này, Phú Đức cho rằng không đổi đáp án thì cuộc chơi sẽ không có nhiều cảm xúc như vậy. Chính những cảm xúc đó mới giúp cuộc chơi trở nên thú vị.

Theo Người lao động

Xem link gốc Ẩn link gốc https://nld.com.vn/thong-minh-gan-li-chinh-phuc-duong-len-dinh-olympia-196241013203053262.htm

Đường lên đỉnh Olympia


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.