Tính đến việc lùi thời điểm kết thúc năm học

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, đã có nhiều tỉnh, thành phố quyết định cho học sinh tạm dừng đến trường. Vì không thể kiểm tra học kỳ trực tuyến, một số địa phương bối rối và tính đến kịch bản lùi thời gian kết thúc năm học.

Tối 3/5, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Hà Nội, ông Lê Hồng Chung, cho biết, từ ngày 4/5, toàn bộ học sinh các cấp từ mầm non đến THPT của thành phố sẽ tạm dừng đến trường đến khi có thông báo mới. Thông báo này khiến phụ huynh bất ngờ vì trước đó, Sở GD&ĐT Hà Nội thông tin, học sinh các cấp vẫn sẽ quay lại trường học sau dịp nghỉ lễ.

Sáng 3/5, học sinh các trường THCS-THPT đã quay lại trường học trong bối cảnh các phương án phòng dịch chặt chẽ được kích hoạt. Theo ông Chung, tạm dừng đến trường, thầy trò sẽ chuyển sang dạy và học trực tuyến. Trước đó, Hà Nội yêu cầu các trường chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để dạy học trực tuyến khi cần thiết nên không gặp bất ngờ hay khó khăn.

Một số trường học khác cũng đã chuẩn bị cho việc kiểm tra định kỳ sớm hơn so với kế hoạch. Tuy nhiên, chiều 3/5, Hà Nội chuyển đổi phương thức dạy học để đối phó dịch bệnh khiến một số trường trở tay không kịp.

Các trường cho biết, trước đó đã có kế hoạch cho việc kiểm tra, đánh giá học kỳ 2. Bà Phạm Thị Xuân Oanh, Hiệu trưởng Trường THCS Kim Giang (Hà Nội), nói rằng, nhà trường dự kiến hoàn thành việc kiểm tra học kỳ 2 ở các khối lớp trong ít ngày tới. Trước đó, trường đã tính hết các phương án, cho học sinh kiểm tra định kỳ xong, những tuần còn lại sẽ hoàn thành chương trình, kết thúc năm học. Do đó, nếu phải học trực tuyến cũng không ảnh hưởng đến kế hoạch dạy học của nhà trường. Chỉ lo khối lớp 9, các em chuẩn bị cho kỳ thi vượt cấp, việc học trực tuyến khó đảm bảo chất lượng được như học trên lớp, bà Oanh nói.

Tính đến việc lùi thời điểm kết thúc năm học-1

Một số trường học khác cũng đã chuẩn bị cho việc kiểm tra định kỳ sớm hơn so với kế hoạch. Tuy nhiên, chiều 3/5, Hà Nội chuyển đổi phương thức dạy học để đối phó dịch bệnh khiến một số trường trở tay không kịp.

Ông Lê Đức Thuận, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Ba Đình (Hà Nội), cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đơn vị yêu cầu các nhà trường thống kê, báo cáo các trường hợp cán bộ, giáo viên, học sinh rời khỏi Hà Nội trong dịp lễ, học sinh liên quan các F1, F2, F3. Từ đó, báo cáo UBND quận để có phương án cách ly, xử lý kịp thời, tránh việc dịch bệnh lây lan trong trường học.

Theo ông Thuận, ngay từ đầu năm học, các nhà trường được giao quyền chủ động xây dựng kế hoạch phù hợp, hiệu trưởng có quyền quyết định, đẩy thời gian tổ chức kiểm tra, đánh giá học sinh lên sớm hơn, sau đó hoàn thành chương trình năm học.

Học trực tuyến, khó kiểm tra, đánh giá

Tính đến tối 3/5, Vĩnh Phúc là một trong 5 địa phương quyết định cho học sinh tạm dừng đến trường từ ngày 4-9/5 để học trực tuyến. Ông Trịnh Văn Mừng, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông - Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc, cho biết, thời điểm này, học sinh các trường chuẩn bị cho kiểm tra định kỳ; hoàn thành chương trình để ôn tập thi vượt cấp, thi tốt nghiệp THPT. Học sinh, các trường không bị động với việc học trực tuyến, học qua truyền hình. Học sinh được gia đình trang bị điện thoại, máy tính nối mạng để sẵn sàng vào học theo lịch nhà trường sắp xếp. Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc chỉ đạo các trường ưu tiên xếp thời khoá biểu thuận lợi cho học sinh lớp 9, lớp 12 để các em học, đảm bảo nội dung, kiến thức chuẩn bị cho các kỳ thi vượt cấp, thi tốt nghiệp THPT.

Tuy nhiên, theo quy định của Bộ GD&ĐT về dạy học trực tuyến, giáo viên chỉ được kiểm tra, đánh giá thường xuyên, còn kiểm tra định kỳ, cuối kỳ phải được thực hiện trên lớp. Nếu dịch sớm được khống chế, học sinh sẽ quay lại trường để hoàn thành chương trình, kiểm tra cuối kỳ 2. “Nếu dịch bệnh kéo dài sẽ ảnh hưởng đến khung thời gian năm học. Khi đó, Sở sẽ xem xét, tham mưu xin ý kiến cấp trên về việc lùi thời gian kết thúc năm học, nhằm đảm bảo chất lượng học tập”, ông Mừng nói.

Tính đến tối 3/5, có 5 tỉnh, thành phố cho học sinh nghỉ học để phòng chống dịch COVID-19. Các địa phương chỉ đạo nhà trường trong thời gian nghỉ học trên lớp sẽ dạy học bằng hình thức trực tuyến, truyền hình… nhằm đảm bảo thực hiện chương trình, kế hoạch năm học.

Tương tự, tại Hà Nam sau khi có ca mắc COVID-19, tỉnh này thông báo khẩn cho học sinh nghỉ học từ ngày 4/5 đến khi có thông báo mới. Các cấp học được yêu cầu chuyển đổi phương thức dạy học từ trực tiếp sang trực tuyến. Lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Hà Nam cho biết, nếu dịch kéo dài, sẽ phải tính đến phương án đề xuất Bộ GD&ĐT cho phép lùi thời gian kết thúc năm học.

Ông Nguyễn Văn Phê, Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên, cho biết, hiện tại, để phòng dịch COVID-19, tất cả học sinh các cấp ở huyện Phù Cừ nghỉ học trực tiếp. Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường chuyển sang dạy học trực tuyến trong 1 tuần. Nếu dịch được khống chế, học sinh ở đây sẽ tiếp tục tới trường, không ảnh hưởng kế hoạch dạy và học. Nếu tình hình dịch căng thẳng, Sở sẽ căn cứ thực tế để có phương án tiếp theo. Ông Phê cho rằng, thời điểm này, nếu dạy học trực tuyến kéo dài, các trường sẽ không thể kiểm tra định kỳ, kiểm tra cuối năm học.

Theo Tiền Phong


Covid-19


Bộ xương khủng long dài bằng 2 xe buýt được bán đấu giá hơn 6 triệu USD
Một bộ xương khủng long Apatosaurus dài 21m, nặng hơn 22 tấn, được đặt tên là Vulcan, gần đây đã trở thành hóa thạch khủng long lớn nhất từng được bán đấu giá khi nó được mua với giá khoảng 6,4 triệu đô la tại một cuộc đấu giá ở Pháp.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.