Trẻ bật khóc vì học online quá dài

“Con cố gắng lắm rồi, giờ con không còn năng lượng để học online nữa”, con trai chị T.L. (Thanh Xuân, Hà Nội) bật khóc khi trò chuyện với mẹ sau 3 tháng học trực tuyến.

Tháng tám, hai đứa con của chị T.L. bước vào năm học mới đầy hào hứng dù không thể đến trường do dịch Covid-19. Được bố mẹ giải thích, các con hiểu đây là tình thế bắt buộc để đảm bảo an toàn.

“Tuần trước, con bật khóc nức nở khi nói với tôi về việc chán học online, mong ngóng ngày đến trường”, chị T.L. nhớ lại khoảnh khắc bất lực của con trai đang học lớp 5.

Ba tháng học online

Hai con chị T.L. đều học tại trường tư thục danh tiếng. Ngay khi dịch bùng phát, trường nhanh chóng tổ chức dạy học trực tuyến, đồng thời có thêm các phong trào như cho trẻ tập thể dục mỗi tuần một lần, làm việc nhà rồi chụp ảnh gửi giáo viên, tạo nhóm… Thời gian đầu, gia đình rất ủng hộ việc học online. Các con cũng học hăng say và thường xuyên được giáo viên khen vì hăng hái, tích cực học bài.

Trẻ bật khóc vì học online quá dài-1
Con trai chị T.L. mệt mỏi, chán nản vì phải học online suốt 3 tháng. Ảnh: T.L.

Tuy nhiên, dù giáo viên cố gắng, nữ phụ huynh đánh giá chất lượng học tập chỉ đạt 30-40%. Ở lớp con trai nhỏ, học sinh thường xuyên vào muộn, cô giáo mất thời gian để điểm danh nên phải dạy bù sang giờ ra chơi. Tiết giải lao giảm từ 10 phút xuống 5 phút. Con cũng chỉ có thể quanh quẩn trong nhà. Thời gian nghỉ ít, con ngồi lại luôn trước máy tính, mở YouTube xem.

Như vậy, hàng ngày, con tiếp xúc màn hình từ 8h đến 11h rồi lại từ 13h30 đến 16h30 hoặc 17h. Bé lớn đang học lớp 7 của chị cũng ở trong tình trạng tương tự.

“Con đang ở giai đoạn dậy thì hoặc tiền dậy thì với rất nhiều thay đổi về mặt tâm, sinh lý nhưng lại phải ngồi cả ngày trước máy tính, gần như không được vận động”, người mẹ chia sẻ về nỗi lo con học online suốt 3 tháng.

Chị tâm sự hai tháng ở nhà thấy rất bí bách, dù vẫn còn công việc, thường xuyên tương tác với đồng nghiệp, bạn bè. Trong khi đó, những đứa trẻ học online suốt ngày. Các con không tiếp xúc bạn bè, thầy cô, thiếu sự vận động. Bé trai lớp 5 đang học trong môi trường gần như chỉ “một chiều” khi giáo viên không đủ thời gian để cho học trò phát biểu nhiều.

Trong khi đó, ở lớp của con học khối 7, các bé tắt camera khi học. Giáo viên đặt câu hỏi, nếu không biết hoặc không muốn trả lời, các con tìm đủ lý do như mạng không ổn định, mic hỏng.

Chị T.L. từng rất buồn khi nhận được tin nhắn của cô giáo tâm sự việc những đứa trẻ luôn giữ im lặng trong lớp học cùng lời nhắn nhủ “các con không làm được cũng phải nói với cô, cứ im lặng như vậy, cô không biết các con đang làm gì, lo lắng lắm”.

Thời gian gần đây, vợ chồng chị đi làm trở lại. Hai con ở nhà, tự học online trong nỗi lo lắng của bố mẹ. Có hôm về nhà, chị kiểm tra lịch sử trình duyệt và thấy con xem YouTube cả ngày.

“Không phải chúng tôi không biết chặn nhưng con ở nhà học trực tuyến đã khổ lắm rồi. Nếu chặn kênh giải trí nữa, các con biết làm gì? Không thể chỉ bắt chúng ngồi trước màn hình, nghe mãi một người nói”, nữ phụ huynh nói.

Vì thế, khi con trai khóc nức nở tâm sự “con chịu hết nổi rồi, cạn kiệt năng lượng để tích cực học”, người mẹ hiểu đã đến lúc cần cho trẻ đến trường, “tái hòa nhập” cộng đồng.

Mong con được đến trường sớm

Chị T.L. không phàn nàn về việc dạy học trực tuyến vì hiểu nhà trường và giáo viên đã nỗ lực rất nhiều trong thời gian qua. Tương tự, cả phụ huynh lẫn con trẻ cũng cố gắng nhiều nhưng thời gian học online kéo dài, vượt quá khả năng chịu đựng của trẻ. Người lớn đã đi làm, đi chơi, tiếp xúc rất nhiều người khác, trẻ ở nhà cả ngày cũng không an toàn. Do đó, không nên đóng cửa trường học trong thời gian dài như vậy.

“Dịch Covid-19 nguy hiểm nhưng còn nhiều bệnh khác cũng nguy hiểm không kém. Đặc biệt, việc bắt trẻ tạm dừng đến trường trong thời gian dài khiến các con rất bí bách, ảnh hưởng đến tâm, sinh lý”, chị T.L. nói.

Chị hy vọng con có thể đi học ngay từ đầu tháng 11 thay vì học online hết kỳ I. Thậm chí, nữ phụ huynh cho rằng lẽ ra, Hà Nội nên cho trẻ đến trường sớm hơn, dù đúng là trong tình hình dịch bệnh hiện nay, cha mẹ vẫn còn lo lắng.

Nếu được đi học, học sinh cũng như nhà trường sẽ thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho rằng cần cân nhắc tác hại của việc cho trẻ ở nhà. Theo ông, các loại rối loạn tâm lý, bệnh về mắt, béo phì thậm chí còn nặng nề hơn Covid-19. Bên cạnh đó, chất lượng học online lại kém.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/tre-bat-khoc-vi-hoc-online-qua-dai-post1273436.html?fbclid=IwAR0UZTQC4mY5W9aBVA-cy1ljraf24fPy1WZ7--tFB7q316_zKii1e2Q_zkw

học online


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.