"Trẻ em ngày nay được "sùng bái" quá mức, không dừng lại sẽ trả giá đắt"

TS Nguyễn Thành Nam cảnh báo nhiều người đang bắt đầu thời kỳ "sùng bái" trẻ em, coi trẻ là cái rốn của vũ trụ. Nếu không kịp điều chỉnh, chúng ta sẽ phải trả giá rất đắt.

Giáo viên ngày càng sợ học sinh, sợ phụ huynh, sợ cộng đồng mạng

Từ vụ việc giáo viên bị học trò ném dép xảy ra ở Trường THCS Văn Phú, Sơn Dương, Tuyên Quang, hay thực trạng văn hóa "tôn sư trọng đạo" đang ngày càng mai một, chuyên gia giáo dục TS Nguyễn Thành Nam,  thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân bởi trẻ con ngày nay đang được "sùng bái" quá mức.

Theo ông Nam, trong vụ việc cô giáo ở Tuyên Quang bị học trò ném dép vào người việc quan trọng không phải kết luận ai đúng, ai sai mà phải tìm được gốc rễ của vấn đề để "trị bệnh tận gốc".

"Dẫn đến câu chuyện buồn này là hệ quả của một cái sai tích lũy từ rất lâu rồi. Kết tội cho bên nào đều vô nghĩa, cần nhìn sâu và rộng hơn để thấy cái nguyên nhân cốt lõi phía sau", ông Nam nói.

Trẻ em ngày nay được sùng bái quá mức, không dừng lại sẽ trả giá đắt - 1

TS Nguyễn Thành Nam cho rằng cảnh báo xã hội đang bắt đầu đi vào thời kỳ "sùng bái" trẻ em và chúng ta cần phải có hành động ngay nếu không sẽ để lại hậu quả lớn (Ảnh: NVCC).

Ông thẳng thắn nói, giáo viên ngày càng sợ học sinh, sợ phụ huynh, sợ cộng đồng mạng. Vị trí của giáo viên ngày nay không còn được như xưa. Giáo viên sợ cả phụ huynh lẫn học sinh vì đụng chút là bị "bóc phốt", vì vậy họ không dám mạnh tay xử phạt học sinh.

Thực tế dịp 20/11 vừa qua, xã hội đã hết sức bức xúc khi một giáo viên mất việc vì phụ huynh "tố" trên Facebook vì không tháo dây buộc tóc cho con khi đi ngủ.

Quay trở lại việc hàng loạt học sinh mới lớp 7 ở Tuyên Quang cùng "bắt tay" nhục mạ giáo viên, thoải mái quay clip có thể thấy rõ các em đang rất tự tin vào việc không bị trừng phạt.

"Với điện thoại thông minh ở trên tay và sự ủng hộ của bạn bè, nhiều đứa trẻ còn nhỏ đã rất tự tin, dứt khoát và mạnh mẽ "tấn công" giáo viên của mình. Sức mạnh đó chỉ có thể đến từ một niềm tin chắc chắn về việc không thể bị trừng phạt", ông Nam diễn giải.

TS Nguyễn Thành Nam thẳng thắn chỉ ra rằng nguyên nhân là do sự "sùng bái" trẻ em, hễ ở trường học sinh có chuyện gì xảy ra thì cứ đem thầy cô và nhà trường ra "xử" trước và "xử" nặng. Điều đó làm cho nỗi sợ của giáo viên và nhà trường trở lên lớn hơn bao giờ hết, đồng thời học sinh và phụ huynh cũng trở nên quá đáng hơn bao giờ hết.

Giáo viên và nhà trường ngày càng có ít thẩm quyền và phương tiện để giáo dục trẻ. Chúng ta đòi hỏi họ rất nhiều nhưng không cho họ đủ thẩm quyền và phương tiện để giáo dục con cái chúng ta. Thầy cô giáo và nhà trường đang ở vị trí rất thấp và dễ dàng bị tấn công, bị bắt phải trả giá nếu xảy ra vấn đề.

Đừng coi trẻ là cái rốn của vũ trụ 

TS Thành Nam cảnh báo xã hội đang bắt đầu đi vào thời kỳ "sùng bái" trẻ em nói riêng, giới trẻ nói chung. Chúng ta cần phải thay đổi quan niệm này và có hành động ngay.

"Chúng ta đang bắt đầu đi vào thời kỳ sùng bái trẻ em, nếu không nhận diện vấn đề và kịp thời điều chỉnh thì diễn biến sẽ ngày càng tệ và xã hội sẽ phải trả giá", ông Nam nói.

Trẻ em ngày nay được sùng bái quá mức, không dừng lại sẽ trả giá đắt - 2

Cô giáo ở Tuyên Quang bị nhóm học sinh chốt cửa, ném dép vào người (Ảnh cắt từ clip).

Theo vị tiến sĩ, chuyện này không phải thấy ngay kết quả. Cho đến khi nào chúng ta nhận ra vấn đề ngày hôm nay và quyết định thay đổi sẽ phải sau đó vài năm, thậm chí vài chục năm vấn đề mới có thể được khắc phục.

Ông cho rằng hiện nay có nhiều gia đình mong muốn con "Tây hóa", muốn tôn trọng sự khác biệt, cá tính của trẻ nhưng lại đi học "lỏm" phần ngọn mà không tiếp cận đầy đủ hệ giá trị văn hóa.

"Tôi cho rằng người lớn nên tự tin hơn trong việc dạy con trẻ giá trị văn hóa truyền thống. Sự kính trọng người già, nghe lời cha mẹ và thầy cô giáo luôn là cái đích cao cả nhất, là hệ giá trị vĩnh cửu, không bao giờ bị lỗi thời. Tuyệt đối không nên coi trẻ em là cái rốn của vũ trụ", TS Nguyễn Thành Nam nhấn mạnh.

Theo Dân Trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/giao-duc/tre-em-ngay-nay-duoc-sung-bai-qua-muc-khong-dung-lai-se-tra-gia-dat-20231207144246968.htm

học sinh


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.