Trường ĐH Kinh tế Quốc dân thành ĐH Kinh tế Quốc dân: Không chỉ là bớt một từ trong tên

Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay tên ĐH Kinh tế Quốc dân sẽ thay thế cho Trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Dù chỉ bớt đi một từ đầu tiên trong cái tên, nhưng mở đường cho chữ “Đại” lên đầu và giúp trường hướng tới cái “Đại” trên mọi phương diện.

Ngày 12/1, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn công bố quyết định chuyển Trường ĐH Kinh tế Quốc dân thành ĐH Kinh tế Quốc dân và trao quyết định công nhận Hội đồng đại học, Chủ tịch hội đồng, Giám đốc ĐH Kinh tế Quốc dân. 

Cụ thể, PGS.TS Bùi Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân trở thành Chủ tịch Hội đồng ĐH Kinh tế Quốc dân.

GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân trở thành Giám đốc ĐH Kinh tế Quốc dân.


Trường ĐH Kinh tế Quốc dân thành ĐH Kinh tế Quốc dân: Không chỉ là bớt một từ trong tên-1Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn trao quyết định công nhận Hội đồng đại học, Chủ tịch hội đồng, Giám đốc ĐH Kinh tế Quốc dân. 

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay từ nay cái tên ĐH Kinh tế Quốc dân sẽ thay thế cho Trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Sự khác biệt chỉ ở chỗ bớt đi một từ đầu tiên trong cái tên, nhưng mở đường cho chữ “Đại” lên đầu và giúp trường hướng tới cái “Đại” trên mọi phương diện.

Theo Bộ trưởng, sự khác nhau của “đại học” và “trường đại học” không phải ở chỗ to hay nhỏ. Trường đại học cũng có thể phát triển quy mô rất lớn, có kết quả nghiên cứu đào tạo chất lượng cao và đẳng cấp quốc tế. 

“Đại học quan trọng ở chỗ là một thực thể lớn với cấu trúc bên trong, đòi hỏi khả năng và trình độ quản trị cao. Đại học cho phép phát huy quyền tự chủ và sự năng động. Quyền tự chủ có thể thực hiện tới tận đơn vị cấp thấp nhất và tới các các nhóm chuyên môn, các nhà khoa học. 

Nếu thiết kế mô hình tổ chức không hướng tới được sự giải phóng năng lực sáng tạo từ bên trong thì sự chuyển đổi mô hình không đem lại mấy giá trị”, Bộ trưởng nói.

Trong định hướng phát triển thời gian tới, theo Bộ trưởng, ĐH Kinh tế Quốc dân cần hướng tới cơ cấu đa ngành một cách hợp lý, đa ngành nhưng vẫn phát huy được lợi thế, sở trường và sức mạnh truyền thống. Đa ngành không có nghĩa tất cả những gì người khác làm, mình cũng làm. “Không nên xa rời mục tiêu và sứ mệnh chính của mình. Bản sắc và thương hiệu của nhà trường cần nối tiếp và phát huy trong mô hình tổ chức mới”, Bộ trưởng nói.

Ngoài ra, với thầy cô trong ban lãnh đạo, sự thay đổi tên gọi từ hiệu trưởng sang giám đốc không chỉ là đổi mới về tên mà cần có tầm nhìn mới, tư duy quản trị mới cho phù hợp với đối tượng quản lý đã khác trước về quy mô và tính chất.

Về công tác tổ chức, mỗi trường, đơn vị, tổ chức bên trong cần có cơ chế tự chủ phù hợp, có chức năng, nhiệm vụ riêng, không trùng lặp và phải là phần ghép hữu cơ không thể thiếu, tạo nên tổng thể của một đại học hoàn chỉnh và mạnh mẽ. 

Trường ĐH Kinh tế Quốc dân thành ĐH Kinh tế Quốc dân: Không chỉ là bớt một từ trong tên-2Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi lễ.

Cũng tại buổi lễ, GS.TS Phạm Hồng Chương, Giám đốc ĐH Kinh tế Quốc dân cho hay sự chuyển đổi sang mô hình đại học là sự khẳng định vị thế đặc biệt của ĐH Kinh tế Quốc dân trong nền giáo dục đại học ở Việt Nam. 

Với việc thành lập 3 trường: Trường Kinh tế và quản lý công, Trường Kinh doanh, Trường Công nghệ, ĐH Kinh tế Quốc dân có bước chuyển biến lớn, thể hiện tầm nhìn chiến lược, trở thành đại học thông minh, hiện đại, là trung tâm đào tạo bồi dưỡng nhân tài, là địa điểm làm việc của những chuyên gia hàng đầu trong đào tạo, nghiên cứu về kinh tế, quản lý kinh doanh và ứng dụng công nghệ, là lựa chọn ưu tiên cao nhất cho học sinh xuất sắc.

ĐH Kinh tế Quốc dân là đại học thứ 9 của Việt Nam, bên cạnh ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Thái Nguyên, ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế TPHCM, ĐH Duy Tân. Trong đó, ĐH Duy Tân là đại học tư thục đầu tiên ở nước ta.

Theo Vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/cong-bo-quyet-dinh-chuyen-truong-dh-kinh-te-quoc-dan-thanh-dh-kinh-te-quoc-dan-2362483.html

ĐH Kinh tế Quốc dân


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.