Từ vụ cô bị học sinh ném dép, nghề giáo đang là nghề nguy hiểm?

Trước khi xảy ra vụ cô giáo bị học sinh ném dép ở Tuyên Quang, hai giáo viên tại Lạng Sơn đã mất việc vì một bài "tố" của phụ huynh trên mạng. Người làm nghề giáo đang phải đối mặt với nhiều rủi ro.

Giáo viên có cảm giác mình là... nạn nhân dự bị

Cô P.T.H., giáo viên âm nhạc Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, là nạn nhân của bạo lực học đường do chính học sinh của mình gây nên.

Theo các đoạn clip lan truyền trên mạng, cô H. bị nhóm đông học sinh liên tục ném dép vào người, văng tục, chốt cửa nhốt cô trong lớp. Đỉnh điểm, khi một chiếc dép ném trúng vào trán, cô giáo đưa tay lên sờ trán mấy giây rồi nằm lăn xuống nền nhà bất động. 

Từ vụ cô bị học sinh ném dép, nghề giáo đang là nghề nguy hiểm? - 1

Nhóm học sinh quây giáo viên, có hành vi và lời nói thô tục (Ảnh cắt từ clip).

Trong toàn bộ quá trình cô giáo bị bạo lực học đường kéo dài hơn 4 phút, không có sự xuất hiện can thiệp của đồng nghiệp hay lãnh đạo nhà trường.

Theo báo cáo của UBND huyện Sơn Dương, sự việc xuất phát từ khúc mắc giữa cô H. và học sinh lớp 7C. Khi cô gọi học sinh vào lớp học, học sinh không vào. Khi học sinh xin ra ngoài, cô không đồng ý cho ra. Câu chuyện tưởng như đơn giản này đã gây nên tình trạng hỗn loạn sau đó ở lớp 6A như trong clip.

Nguyên nhân đằng sau những hình ảnh trong clip chưa được cơ quan chức năng kết luận. Song, dù với bất kỳ lý do gì, việc học sinh tấn công giáo viên bằng hành động và lời nói lăng mạ như trong clip là không thể chấp nhận trong môi trường học đường.

Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), Ủy viên Ban chấp hành Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam - nhận định: "Rõ ràng hành vi ứng xử của giáo viên và học sinh trong các clip này là rất bất thường, không phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, không phù hợp với kỷ luật trong hoạt động giáo dục, ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường cũng như hoạt động giáo dục nói chung. 

Đồng thời, những hành vi của học sinh có nguy cơ xâm phạm sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của giáo viên".

Theo dõi câu chuyện, cô Nguyễn Thị Hẹn - giáo viên ngữ văn đã nghỉ hưu tại Quảng Ninh - nêu quan điểm: "Trong bối cảnh nhất cử nhất động của giáo viên bị "soi" gắt gao, chỉ cần một lỗi nhỏ cũng sẽ thành câu chuyện lớn trên mạng xã hội, nghề giáo đang trở thành nghề nguy hiểm với danh dự và nhân phẩm con người".

 

Theo cô Hẹn, sự theo dõi, quan tâm và đánh giá khắt khe của xã hội với nghề giáo có mặt tích cực là khiến người thầy phải nỗ lực trau dồi chuyên môn và giữ gìn phẩm cách, xứng đáng với vị trí này.

Nhưng mặc khác, thực trạng đó gây áp lực lớn với giáo viên, khiến họ sợ hãi mà chán nản với nghề, mất đi nhiệt huyết cần thiết.

"Ai cũng có cảm giác mình là... nạn nhân dự bị! Bởi thầy cô cũng là con người, không thể nào đúng mọi lúc mọi nơi. Khi họ không đúng, họ lập tức trở thành con mồi của dư luận", cô Hẹn chia sẻ.

Giáo viên mầm non mất việc vì "không niềm nở" với phụ huynh

Vào đầu tháng 11, hai giáo viên tại một trường mầm non tư thục thuộc tỉnh Lạng Sơn bị mất việc chỉ vì một bài đăng của phụ huynh lên mạng xã hội.

Bài đăng này phản ánh thái độ của giáo viên đứng lớp "không niềm nở" với phụ huynh và trẻ khi đón - trả. Phụ huynh nhờ cô tháo dây buộc tóc cho trẻ trước khi đi ngủ thì cô quên. 

Từ vụ cô bị học sinh ném dép, nghề giáo đang là nghề nguy hiểm? - 3

Một giờ học của trẻ mầm non tại Hà Nội (Ảnh: Mầm non Tam Hưng A).

Giáo viên đứng lớp và hiệu phó nhà trường lập tức bị cho thôi việc mà không thông báo trước, không được giải trình về thông tin phản ánh của phụ huynh. 

Sau khi gửi đơn thư xin trợ giúp pháp lý lên các cơ quan chức năng, vào cuối tháng 11, hai giáo viên mới được nhà trường gọi lên trao đổi, thỏa thuận bồi thường vì đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không có lý do chính đáng.

Cô giáo L.T.H., một trong hai giáo viên bị cho nghỉ việc, theo dõi câu chuyện của cô P.T.H. ở Tuyên Quang đã bày tỏ sự đồng cảm.

"Cảm giác cô giáo cô đơn không được ai bảo vệ, không biết cầu cứu ai. Nghề giáo ngày nay không còn được xem trọng. Từ xã hội, phụ huynh đến học sinh đều có thể gây sức ép, đưa ra những đòi hỏi đôi khi vô lý.

Khi học sinh có hành vi bạo lực học đường với giáo viên như vậy, lãnh đạo nhà trường cần xem xét lại cách quản lý. Kỷ luật kỷ cương trường học đã được xây dựng hay chưa, học sinh có được giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống hay không? Gia đình có dạy cho trẻ về tôn sư trọng đạo? Tại sao trẻ có thể thiếu tôn trọng và bạo hành ngược cô giáo như thế?

Trong trường hợp này, nhà trường và tổ chức công đoàn phải lên tiếng bảo vệ lấy lại danh dự cho giáo viên. Bởi dù có lý do gì phía sau, hành vi của học sinh với giáo viên vẫn không thể chấp nhận được", cô L.T.H. nêu ý kiến.

Theo Dân Trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/giao-duc/tu-vu-co-bi-hoc-sinh-nem-dep-nghe-giao-dang-la-nghe-nguy-hiem-20231206220922642.htm

học sinh


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.