Tuyển sinh lớp 10: Giám đốc Sở Giáo dục Nghệ An 'góp ý' nóng với Bộ GD&ĐT

GS.TS Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An cho rằng, nên có cơ chế cộng điểm ưu tiên, khuyến khích cho học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 từ năm 2025 nhằm thúc đẩy việc học ngoại ngữ ở các địa phương.

GS.TS Thái Văn Thành cho biết, thời điểm này, Sở GD&ĐT Nghệ An cũng đang chờ quy chế hướng dẫn tuyển sinh THCS – THPT của Bộ GD&ĐT để làm căn cứ xây dựng phương án tuyển sinh đầu cấp năm 2025, trong đó có tuyển sinh lớp 10 THPT trình UBND tỉnh phê duyệt.

Sau nhiều năm các địa phương tự xây dựng phương án tuyển sinh lớp 10 THPT, với việc ban hành quy chế tuyển sinh mới, Bộ GD&ĐT quy định một số nội dung nhằm có sự thống nhất, tránh mỗi nơi làm một kiểu là đúng đắn.

Tuy nhiên, TS Thái Văn Thành cho rằng, trong dự thảo quy chế tuyển sinh THCS – THPT Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến rộng rãi người dân cần bổ sung, điều chỉnh một số nội dung nhằm phù hợp với thực tiễn thực hiện chương trình GDPT 2018.

Bộ GD&ĐT dự kiến quy định, nếu địa phương tổ chức thi tuyển vào lớp 10 gồm 3 môn thi, trong đó có Toán và Ngữ văn, môn thi thứ ba hoặc bài thi tổ hợp do Sở GD&ĐT lựa chọn. Dự thảo nêu “việc lựa chọn môn thi thứ ba có sự thay đổi qua các năm nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện”.

Tuyển sinh lớp 10: Giám đốc Sở Giáo dục Nghệ An góp ý nóng với Bộ GD&ĐT-1

Năm học 2024-2025 là năm đầu tiên lứa học sinh lớp 9 trên toàn quốc sẽ bước vào kỳ tuyển sinh lớp 10 theo chương trình GDPT mới. (ảnh: Như Ý)

Trước hết, ông Thành khẳng định, việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT với 3 môn là phù hợp, đánh giá được kiến thức nền tảng lẫn năng lực, sở trường của học sinh. Trong chương trình mới, bậc THCS trang bị kiến thức nền tảng nhưng hiện nay việc phân luồng không hiệu quả, đa số học sinh sau khi tốt nghiệp THCS vẫn tiếp tục học lên THPT. Điều khác nhau đó là tùy năng lực, điều kiện, em thích học ở trường có điểm tuyển sinh cao, em học gần nhà, em có năng lực tốt hơn học ở trường chuyên.

Phương án tốt nhất là ngoài 2 môn bắt buộc Toán, Ngữ văn thì môn thi thứ ba phải do học sinh lựa chọn nhằm phù hợp năng lực của các em. Điều này cũng phù hợp, liên thông khi lên THPT các em được lựa chọn tổ hợp học tập. Khi đó, số lượng học sinh đăng ký môn thi thứ ba nào cũng phải tổ chức cho các em dự thi và lấy điểm tuyển sinh. Tuy nhiên, để làm được như vậy đòi hỏi công tác tổ chức thi, ra đề thi vất vả hơn.

Việc tổ chức bài thi tổ hợp không phải là vấn đề khó trong chương trình GDPT mới vì học sinh THCS đã được học môn tích hợp kiến thức Khoa học tự nhiên gồm 3 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học hay Lịch sử - Địa lý. Trong quá trình học, các em đã quen với cách kiểm tra, đánh giá tích hợp kiến thức các môn. Năm học này, tỉnh Nghệ An cũng đã xây dựng đề thi để tổ chức kỳ thi học sinh giỏi có bộ môn tích hợp.

Tuy nhiên quy định tổ chức môn thi thứ ba phải thay đổi qua các năm theo ông Thành là chưa phù hợp, gây khó khăn cho công tác tổ chức của các địa phương. Bởi lẽ, để thay đổi môn thi qua các năm, Sở GD&ĐT sẽ phải có phương thức để chọn năm nay thi môn này, năm sau thi môn khác như hình thức bốc thăm. Với phương án này, cũng có tình huống, học sinh bỏ qua môn học đã thi năm trước đó nên mục tiêu "giáo dục toàn diện" khó đảm bảo như mong muốn.

Tránh đánh đố, bốc thăm

Ông Thành cũng góp ý kiến cho dự thảo của Bộ GD&ĐT về việc hướng tới xây dựng phương án thi làm sao tránh sự đánh đố, bốc thăm để tổ chức môn thi thứ ba.

Hiện nay, chúng ta đang hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc, học sinh đến trường ngoài học kiến thức cần được trang bị kỹ năng, được giao lưu, xây dựng tình cảm với bạn bè, học hỏi lẫn nhau trong việc ứng xử, làm được việc có ích. Người giáo viên đứng lớp cũng được khuyến khích xây dựng phương pháp dạy học mới hấp dẫn, để học sinh thích học, thích đến trường.

“Do đó, không thể dạy học áp đặt, đánh đố học sinh bằng cách bốc thăm hay thấp thỏm chờ đợi môn thi chỉ nhằm mục tiêu trang bị đều kiến thức tất cả các môn”, GS.TS Thái Văn Thành nói.

Ngoài ra, để thực hiện chủ trương lớn dần dần đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học cũng cần có cơ chế, chính sách thúc đẩy. Ở các thành phố lớn, có điều kiện học sinh, phụ huynh có nhận thức tự trang bị năng lực ngoại ngữ sớm cho con đã đành, ở những nơi khó khăn hơn, học sinh cần có động lực.

Các việc cần làm ngay có thể như đưa tiếng Anh trở thành môn thi thứ ba hoặc tuyển thẳng; cộng điểm ưu tiên, khuyến khích đối với tất cả học sinh có chứng chỉ quốc tế. Tùy tình hình thực tế ở từng địa phương để có chính sách phù hợp.

“Trong giáo dục, 3 yếu tố cốt lõi để thúc đẩy chất lượng bao gồm: thầy tốt, chương trình tốt và cơ chế thúc đẩy. Trước khi học sinh có nhận thức được việc có ngoại ngữ sẽ thuận lợi trong chuyển đổi số, cơ hội việc làm, thu nhập tốt… để tự học, cần thiết có cú hích. Tránh xây dựng những chính sách mang tính nửa vời, không đạt được mục tiêu giáo dục như mong muốn”, ông Thành nói.

Theo Tiền Phong

Xem link gốc Ẩn link gốc https://tienphong.vn/tuyen-sinh-lop-10-giam-doc-so-giao-duc-nghe-an-gop-y-nong-voi-bo-gddt-post1697011.tpo

thi vào lớp 10


Loại lá thơm phức là 'kho' dinh dưỡng cực bổ, ở Việt Nam đi đâu cũng thấy
Lá mắc mật, một loại thảo dược quen thuộc trong y học cổ truyền mà còn trong cả ẩm thực Việt, đang ngày càng được chú ý bởi những lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe. Từ hỗ trợ tiêu hóa, giảm đau, kháng viêm đến bảo vệ gan, lá mắc mật thực sự là một "thần dược" từ thiên nhiên mà bạn không nên bỏ qua.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.