Vì sao lại có thêm luận án "tiến sĩ cầu lông"?

Nhiều người thắc mắc vì sao một luận án "tiến sĩ cầu lông" mới bị hội đồng thẩm định của Bộ GD&ĐT đánh giá chưa đạt, nay lại xuất hiện thêm luận án tương tự?

Dư luận những ngày gần đây xôn xao về luận án tiến sĩ "Nghiên cứu lựa chọn biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động Câu lạc bộ Cầu lông Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2" của nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thu Hồng.

Một số ý kiến cho rằng, luận án này có nhiều điểm tương đồng với luận án của nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh có tên "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức, viên chức thành phố Sơn La", từng gây tranh cãi trên các diễn đàn hồi tháng 5/2022.

Theo đó, cả 2 luận án tiến sĩ nói trên cùng thuộc chuyên ngành Giáo dục học, cơ sở đào tạo là Viện Khoa học Thể dục thể thao. Đề tài cũng có phần tương đồng khi một luận án nghiên cứu về "giải pháp phát triển môn cầu lông", một luận án nghiên cứu "biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động câu lạc bộ cầu lông". Đặc biệt là tương đồng về "sự xứng tầm" khi đa số ý kiến cho rằng, cả 2 luận án đều chưa xứng tầm là luận án tiến sĩ.

Vì sao lại có thêm luận án tiến sĩ cầu lông?-1Bìa luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thu Hồng (Ảnh chụp màn hình).

Trao đổi với phóng viên Dân trí về vấn đề trên, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT nhận định, đề tài luận án tiến sĩ "Nghiên cứu lựa chọn biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động Câu lạc bộ Cầu lông Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2" của nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thu Hồng trước hết chưa phù hợp với ngành đào tạo là Giáo dục học.

TS Vinh phân tích, giáo dục học thể chất hay sư phạm thể thao có đặc trưng là học trong thực hành. Ngành này đề cập đến cả cách thức học tập của trẻ em và thanh thiếu niên cũng như kiến thức và kỹ năng sư phạm mà giáo viên, huấn luyện viên cần hỗ trợ để họ học tập một cách hiệu quả. Sư phạm thể thao là nghiên cứu về nơi mà thể thao và giáo dục kết hợp với nhau.

"Theo tôi, những vấn đề nghiên cứu phù hợp ở đây có thể là vấn đề liên quan tới chương trình học, việc dạy và học, kiểm tra đánh giá, các yếu tố tâm sinh lý tác động…, để đưa ra bài giảng về bộ môn cầu lông cho hiệu quả.

Đề tài nghiên cứu về "biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động câu lạc bộ cầu lông" không phải ngành Giáo dục học. Việc lựa chọn đề tài sai với ngành đào tạo đã đủ để bác bỏ luận án", ông nói.

Bên cạnh đó, TS Vinh cũng cho rằng luận án nói trên không có ý nghĩa khoa học, không thấy tính cấp thiết của đề tài. Thậm chí, những "biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của câu lạc bộ" vốn có thể tìm ra mà không cần tới việc nghiên cứu trong vài năm.

"Đây là trách nhiệm của nghiên cứu sinh khi chọn đề tài này để nghiên cứu, đặc biệt có trách nhiệm của người thầy hướng dẫn và cơ sở đào tạo. Theo tôi, phải xem thầy hướng dẫn có đúng nguồn gốc là từ ngành sư phạm thể chất không", TS Vinh nêu quan điểm.

Nhiều người thắc mắc vì sao một luận án "tiến sĩ cầu lông" mới bị dư luận phản ứng hồi tháng 5, bị hội đồng thẩm định của Bộ GD&ĐT đánh giá chưa đạt, nay lại xuất hiện thêm một luận án "tiến sĩ cầu lông" tương tự, TS Vinh nhận định, những luận án nói trên đều đã được nghiên cứu sinh làm trong vài năm nay, đây là giai đoạn "trồng cây đến ngày hái quả".

Vấn đề cốt lõi ở đây là cơ sở đào tạo phải nghiêm túc xem xét lại trách nhiệm.

"Theo tôi, Bộ GD&ĐT cần rà soát, xem xét trách nhiệm của cơ sở đào tạo, thậm chí tạm dừng tuyển sinh đào tạo bậc tiến sĩ khóa mới và chấn chỉnh chất lượng đào tạo nếu thấy có những hạn chế, yếu kém, thiếu liêm chính trong nghiên cứu khoa học.

Ngoài ra, giải pháp quan trọng nhất là thầy hướng dẫn phải có tâm và đủ trình độ năng lực trong nhánh khoa học đó. Nếu cứ để những luận án chưa xứng tầm liên tiếp xuất hiện sẽ mang tiếng cho giới học giả trong nước", ông nói.

Được biết, ngày 17/10, Viện Khoa học Thể dục Thể thao có quyết định về việc thành lập Hội đồng chấm luận án tiến sĩ Giáo dục học cấp Viện về đề tài "Nghiên cứu lựa chọn biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động Câu lạc bộ Cầu lông Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2" của nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thu Hồng.

Hội đồng chấm luận án gồm 7 thành viên, do PGS.TS Trần Hiếu, Chủ tịch Viện Khoa học Thể dục Thể thao làm chủ tịch. Tới nay, luận án này vẫn chưa tới thời gian bảo vệ.

Phóng viên Dân trí đã liên hệ với PGS.TS Trần Hiếu, Chủ tịch Viện Khoa học Thể dục Thể thao và đặt câu hỏi về luận án nói trên, tuy nhiên chưa nhận được phản hồi.

 

 

Theo Dân trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/vi-sao-lai-co-them-luan-an-tien-si-cau-long-20221126220041949.htm?fbclid=IwAR2_NUuEroHLWL9e6eYxxT1FVFReXa2u0NI57yCDPA2CbZ4Q2RTxHxAzB98

tiến sĩ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.