Vụ nam sinh lớp 7 bị đánh hội đồng ở Hà Nội: Những học sinh hành hung bạn bị xử lý thế nào?

Theo luật sư Đặng Văn Cường, vụ việc nam sinh lớp 7 trường THCS Đại Đồng, tất cả các cháu bé đều là nạn nhân của việc thiếu giáo dục, thiếu quan tâm của cha mẹ, của cơ sở giáo dục...

Những học sinh hành hung bạn trong vụ nam sinh lớp 7 bị đánh hội đồng ở Hà Nội có phải đi trại giáo dưỡng?

Ngày 24/11, lãnh đạo Phòng GDĐT huyện Thạch Thất, Hà Nội cho biết, nam sinh bị đánh hội đồng hồi tháng 9 là em Vũ Văn Tuấn K., học lớp 7 tại Trường THCS Đại Đồng, hiện vẫn đang cần sự hỗ trợ điều trị tâm lý và sức khỏe.

Theo vị lãnh đạo này, các cơ quan chức năng cùng nhà trường đã vào cuộc làm rõ 6 em học sinh khác có hành vi đánh hội đồng em K. Đối với các em gây ra sự việc, sau đó đã nhận lỗi, nhà trường đã có hình thức kỷ luật theo nội quy, gia đình các em cũng phải phối hợp để giáo dục các em.

Vụ nam sinh lớp 7 bị đánh hội đồng ở Hà Nội: Những học sinh hành hung bạn bị xử lý thế nào?-1

Bé K. liên tục hoảng loạn, sợ người lạ sau khi bị bạn hành hung. Ảnh: Gia Khiêm

Trao đổi với PV Dân Việt, TS. Luật sư Đặng Văn Cường, Uỷ viên ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, cho rằng đây là một vụ việc rất đáng thương đối với gia đình nạn nhân khi hậu quả của hành vi bạo hành, bạo lực học đường ra xảy ra là quá nghiêm trọng. 

Theo luật sư Cường, chính quyền địa phương, nhà trường cần phải có những động thái tích cực để hỗ trợ gia đình nạn nhân có chi phí, có điều kiện để điều trị tâm lý, sức khỏe cho cháu bé. Cơ quan chức năng cũng cần vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc, xác định trách nhiệm của nhà trường, người đứng đầu cơ sở giáo dục này và giáo viên chủ nhiệm, những người có liên quan khi để vụ việc xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng như vậy.

Vụ nam sinh lớp 7 bị đánh hội đồng ở Hà Nội: Những học sinh hành hung bạn bị xử lý thế nào?-2

TS. Luật sư Đặng Văn Cường, Uỷ viên ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam. Ảnh: NVCC

"Hành vi của các cháu bé là cố ý gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe cho người khác. Tuy nhiên các cháu bé này chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nên vấn đề trách nhiệm hình sự sẽ không đặt ra. Thế nhưng cần phải xem xét trách nhiệm của người lớn khi để xảy ra sự việc như vậy. Cần làm rõ nguyên nhân điều kiện để xảy ra hành vi vi phạm, xác định hậu quả đã gây ra, xem xét trách nhiệm của các cơ quan đơn vị tổ chức cá nhân để xử lý theo quy định của pháp luật", luật sư Cường cho biết.

Luật sư Cường cho rằng, trong vụ việc này thì tất cả các cháu bé đều là nạn nhân. Các cháu bạo hành với học sinh khác cũng là nạn nhân của việc thiếu giáo dục, thiếu quan tâm của cha mẹ, của cơ sở giáo dục. Sự thiếu trách nhiệm dẫn đến các cháu hành động thiếu ý thức, xâm phạm đến sức khỏe của học sinh khác. 

"Các cháu bé gây ra sự việc còn quá nhỏ, chưa nhận thức được hành vi của mình và đó là kết quả của sự thất bại trong giáo dục nhân cách đối với các cháu bé này. Bởi vậy, vấn đề không phải là đổ lỗi, truy trách nhiệm cho các cháu bé này mà phải truy trách nhiệm với người lớn, với cha mẹ và cơ sở giáo dục", luật sư Cường nhấn mạnh.

Luật sư cũng đưa ra dẫn chứng, theo quy định tại điều 12 của Bộ luật hình sự thì tuổi chịu trách nhiệm hình sự là từ 14 tuổi trở lên. Nếu các học sinh gây ra sự việc này chưa đủ 14 tuổi thì chưa đủ tuổi để chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. 

Vụ nam sinh lớp 7 bị đánh hội đồng ở Hà Nội: Những học sinh hành hung bạn bị xử lý thế nào?-3

Em K. thường xuyên nổi nóng, dấu hiệu không bình thường sau khi bị bạn hành hung. Ảnh: Gia Khiêm

"Nếu hành vi là đặc biệt nghiêm trọng thì mới có thể bị đưa vào trường giáo dưỡng. Với sự việc nêu trên thì hậu quả là nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng và độ tuổi của các học sinh này dưới 14 tuổi nên chưa đủ điều kiện để đưa vào trường giáo dưỡng. Theo quy định của luật xử lý vi phạm hành chính thì đưa vào trường giáo dưỡng là biện pháp xử lý hành chính áp dụng đối với người có hành vi vi phạm pháp luật nhằm mục đích giúp họ học văn hóa, học nghề, lao động, sinh hoạt dưới sự quản lý, giáo dục của nhà trường", luật sư Cường nói.

Trong vụ việc này, cha mẹ của các học sinh đã gây ra thương tích, tổn hại sức khỏe cho học sinh khác phải bồi thường toàn bộ những chi phí cứu chữa, chi phí điều trị cho nạn nhân. Cơ sở giáo dục này cũng phải có một phần trách nhiệm trong việc bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân khi để xảy ra sự việc trong quá trình học sinh học tập trên lớp.

Vụ nam sinh lớp 7 bị đánh hội đồng ở Hà Nội: Những học sinh hành hung bạn bị xử lý thế nào?-4

Hình ảnh bé K. bị bạn bạo hành dã man trước đó. Ảnh chụp màn hình

Uỷ viên ban chấp hành, Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cũng cho biết, vụ việc này là tiếng chuông cảnh tỉnh cho tình trạng bạo lực học đường đang diễn biến phức tạp trong giai đoạn hiện nay. Ngoài việc xem xét trách nhiệm của phụ huynh, của cơ sở giáo dục và của các học sinh đã gây ra sự việc này thì cơ quan chức năng cũng làm rõ nguyên nhân điều kiện thực hiện hành vi vi phạm pháp luật để thực hiện các giải pháp phòng ngừa tích cực. 

"Các bậc phụ huynh cũng cần phải rút ra bài học trong việc quản lý, bảo vệ con em mình. Giáo viên và lãnh đạo nhà trường cũng cần phải rút kinh nghiệm về vụ việc này. Cơ quan chức năng sẽ xem xét trách nhiệm của người đứng đầu và giáo viên quản lý lớp khi để xảy ra trường hợp bạo lực học đường gây hậu quả nghiêm trọng như vậy", luật sư Cường nói thêm.

Vụ nam sinh lớp 7 bị đánh hội đồng ở Hà Nội: Chuyên gia cảnh báo khủng hoảng sức khoẻ tâm thần sau đại dịch Covid-19

Trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay, sau khủng hoảng đại dịch Covid-19 thì đến khủng hoảng sức khoẻ tâm thần, vấn đề tâm lý, tổn thương, lo âu trầm cảm có dấu hiệu gia tăng. 

Khủng hoảng sức khoẻ tâm thần là nền tảng dẫn đến hành vi bạo lực và hành vi gây hấn xuất hiện nhiều hơn trong xã hội chứ không chỉ riêng trong học đường. Cả xã hội bị tổn thương sức khoẻ tâm thần, thầy cô cũng trở nên căng thẳng hơn, bố mẹ, xã hội… cũng trở nên căng thẳng hơn.

Vụ nam sinh lớp 7 bị đánh hội đồng ở Hà Nội: Những học sinh hành hung bạn bị xử lý thế nào?-5

PGS.TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC

"Tất cả những điều đó lại dồn xuống làm cho khả năng chống chịu về căng thẳng của trẻ vừa kém lại người yếu thế nhất trong gia đình, nhà trường. Khi một người tức giận cách thức tốt nhất giải toả stress là dồn người khác qua lời nói hoặc qua hành vi mang tính chất bạo lực. Đó là một trong những vấn đề chính. 

Thứ 2, sau đại dịch Covid-19, các trường học quay trở lại nhịp học bình thường, cùng một lúc có quá nhiều việc đổi mới chương trình, cô giáo cũng quá tải, tổn thương sức khoẻ tinh thần dẫn đến ứng xử, phát hiện, giáo dục các vấn đề liên quan đến bạo lực học đường cũng yếu kém đi. Tất cả tập trung vào theo kịp chương trình mới, dạy học, cập nhật với nội dung của chương trình mới, công nghệ… Ai cũng bận, công tác phòng chống bạo lực học đường sau đại dịch dường như không phải là một trọng tâm nữa", ông Nam nói. 

Vụ nam sinh lớp 7 bị đánh hội đồng ở Hà Nội: Những học sinh hành hung bạn bị xử lý thế nào?-6

Ông Nam cho rằng, chưa có sự bắt tay chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và các tổ chức xã hội cho việc phát hiện, ngăn ngừa hình thức bạo lực học đường. Ảnh: Gia Khiêm

Bên cạnh đó, ông Nam cho hay, bạo lực không chỉ có bạo lực thân thể mà cả bạo lực tinh thần, bạo lực trên mạng. Bạo lực thân thể hiện nay ít và khó phát hiện, ngăn chặn. 

"Mọi người chưa quen dấu hiệu những đứa trẻ bị bạo lực tinh thần, chưa quan tâm lắm đến những hành vi con mình có thể trở thành trẻ đi bắt nạt. Bố mẹ căng thẳng, bận rộn cũng không có thời gian quan tâm đến việc con cái tiếp cận với mạng xã hội. Tại Việt Nam, 13 tuổi mới được trang bị kiến thức về sống an toàn trên không gian mạng thì trước đó đã cho con tiếp cận với tất cả các chất liệu bạo lực, tình dục không phù hợp trên mạng… Tất cả những điều này làm tăng nguy cơ trẻ lên mạng nhiều sẽ gặp đối tượng xấu, tiếp cận những nội dung xấu, bị bắt nạt hoặc trở thành kẻ bắt nạt ở trên mạng", ông Nam phân tích.Ông Nam cho rằng, chưa có sự bắt tay chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và các tổ chức xã hội cho việc phát hiện, ngăn ngừa hình thức bạo lực học đường. Sự việc đã xảy ra chúng ta không biết cách thức ứng xử ổn. Ngay cả kẻ bắt nạt cũng phải tư vấn tâm lý để đảm bảo hành vi bắt nạt không xảy ra nữa.

Bên cạnh đó, tất cả những việc sau khi đã xảy ra mới lên truyền thông kêu cứu, phản ánh vấn đề trong khi hành động từ lúc phòng ngừa không làm một cách theo hệ thống. Cần phải có chương trình hợp tác giữa các bên để đưa ra chiến lược cụ thể về việc phòng chống bạo lực học đường như thế nào.

"Ví dụ huấn luyện khả năng giải quyết xung đột hay chương trình giảng dạy phòng chống bạo lực học đường cho cả học sinh, phụ huynh và giáo viên. Triển khai chương trình hoà giải trong nhà trường một cách rốt ráo những quy tắc ứng xử mà nhà trường đã xây dựng. 

Đối với giáo viên cũng phải tăng cường những năng lượng tích cực, xây dựng trường học hạnh phúc như thế nào, chương trình phòng ngừa bắt nạt, xây dựng hệ thống phát hiện sớm những học sinh có nguy cơ bị đe doạ, sàng lọc các em có nguy cơ bị lo âu, trầm cảm, biểu hiện hung hăng… Cần phải triển khai phòng tham vấn học đường tại các nhà trường và do người có năng lực chuyên trách…", ông Nam nói thêm.

Theo Dân Việt

Xem link gốc Ẩn link gốc https://danviet.vn/vu-nam-sinh-lop-7-bi-danh-hoi-dong-o-ha-noi-nhung-hoc-sinh-hanh-hung-ban-bi-xu-ly-the-nao-20231124233710134.htm?fbclid=IwAR1lR4EuD6qPtquCzfrWKu_fHoPskZMgBvBFJuBLIKWJ6Hkj1J6E-54lTK8

bạo lực học đường


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.