Vụ việc vở bài tập Toán lớp 1 dạy trẻ bài bạc qua việc đếm "cơ, rô, chuồn, bích", Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thị Thu Huyền lên tiếng

Tư duy của trẻ khác với người lớn. Có những người lớn vừa nhìn vào là liên tưởng đến bài bạc. Tuy nhiên, trẻ em nhìn các hình này thì chỉ đơn giản là hình.

Mới đây, một bài tập trong Vở bài tập Toán lớp 1 đã gây ra nhiều tranh cãi gay gắt. Theo đó, bài toán này cho trẻ đếm các hình giống như con cơ, rô, chuồn, bích trong bộ bài Tây 52 lá. Những hình ảnh này khiến nhiều phụ huynh cho rằng, sách đang khiến trẻ tập làm quen với bài bạc từ sớm, là phản giáo dục.

Tuy nhiên, luồng ý kiến ngược lại cho rằng: Đây là những suy diễn quá xa và áp đặt nhìn nhận của một số người lớn vào trẻ em, vì trong con mắt trẻ, chúng chỉ thấy đó là các hình thoi, hình cái cây, hình chiếc quạt, hình trái tim mà thôi.

Vụ việc vở bài tập Toán lớp 1 dạy trẻ bài bạc qua việc đếm cơ, rô, chuồn, bích, Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thị Thu Huyền lên tiếng-1

Bài tập Toán gây tranh cãi trong những ngày qua.

Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của Tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thị Thu Huyền, Phó hiệu trưởng Trường Quốc tế Việt Nam - Phần Lan (TP HCM) về vấn đề này:

Có lần tôi cân nhắc cho việc đặt tên một chủ đề trong sách hướng đến học sinh lớp Hai, lớp Ba. Chủ đề này ở nước ngoài thì họ thường đặt "About me"/ "About myself" (dịch nôm là Về tôi/Về chính tôi), nhưng khi chuyển thể sang tiếng Việt thì lại là thử thách.

Tôi đăng đàn lên Facebook cá nhân để nhờ phụ huynh, giáo viên có con em độ tuổi này hỏi giúp tôi với trẻ rằng: khi ba/mẹ/thầy/ cô nói sẽ dạy con những điều để con "là chính con", hoặc "về bản thân con’" thì con đoán là ba/mẹ/thầy/cô sẽ dạy con cái gì?

Tôi nhận lại được khoảng 30 câu trả lời từ trẻ ở trường công, trường tư thục Việt Nam, trường quốc tế, ở nhiều tỉnh thành từ Bắc đến Nam. Có em hoàn toàn không hiểu chữ "chính mình", "bản thân" dù được giải nghĩa, gợi ý. Có em khi được gợi ý chút thì mở rộng câu trả lời thành "dạy về mắt, mũi, tay, chân, dạy con học, dạy con chơi". Có em thì trả lời ngay, rất đầy đủ, sâu sắc rằng "ba/mẹ/thầy/cô sẽ dạy cho con về thân thể, để con biết bảo vệ con".

Kể ra câu chuyện này để thấy rằng xác định được trình độ chung của trẻ là điều vô cùng khó khăn vì mỗi em là một cá thể với đặc điểm cá nhân, gia đình, môi trường sống, cơ hội tiếp cận giáo dục khác nhau. Do đó, các tác giả khi viết sách cho trẻ đều rất thận trọng dù đã tham chiếu ý kiến của các chuyên gia tâm lý, giáo dục hoặc chuyên gia trong lĩnh vực hẹp đó.

Quay trở lại ồn ào về những ngày qua về sách giáo khoa mới dành cho học sinh lớp Một. Có rất nhiều chỉ trích trên mạng, cho rằng trong một bộ sách Toán đã dạy trẻ cờ bạc, đánh bài, đánh phỏm từ rất sớm khi giới thiệu các hình trái tim, cái cây có tán, hình thoi giống như hình trên các lá bài rô, cơ, chuồn.

Mục đích bài tập này là dạy trẻ làm quen với số bằng cách đếm số lượng các hình. Hình ảnh được đưa vào để trẻ tư duy dễ hơn, do độ tuổi này tư duy trực quan hành động và hình ảnh vẫn chiếm ưu thế. Tư duy của trẻ khác với người lớn. Có những người lớn vừa nhìn vào là liên tưởng đến bài bạc. Tuy nhiên, trẻ em nhìn các hình này thì chỉ đơn giản là hình. Nếu có trẻ nào "ồ" lên rằng "giống hình trong bộ bài của bố" thì cũng không vấn đề gì nghiêm trọng vì đó chỉ là trẻ so sánh hình ảnh.

Vụ việc vở bài tập Toán lớp 1 dạy trẻ bài bạc qua việc đếm cơ, rô, chuồn, bích, Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thị Thu Huyền lên tiếng-2

Giáo viên khi dạy nội dung này sẽ yêu cầu trẻ nhìn vào hình vào đếm xem có bao nhiêu "hình nhỏ" trong ô, và có thể giới thiệu tên những hình quen thuộc cho trẻ như "hình trái tim", "hình thoi", "hình cái cây có tán".

"Hình thoi" có thể là một tên khó nhớ hơn nên giáo viên có thể bỏ qua, gọi ngắn gọn là "hình" cũng không ảnh hưởng đến mục tiêu cần đạt ở bài tập này.

Nó không có gì liên quan đến bài bạc, hay tên gọi "cơ, rô, chuồn" mà người lớn đem từ thói quen của mình vào cả.

Nói rộng hơn về lập luận chỉ trích dành cho bộ sách: xu hướng trẻ mê bài bạc, ảnh hưởng việc học không phụ thuộc vào việc trẻ biết những hình ảnh này mà là do sự quản lý, dạy dỗ con của các gia đình. Thực chất, nhiều loại bài là các trò chơi trí tuệ (board games) được khuyến khích để phát triển tư duy của trẻ. Các trò chơi bài Tây với 52 lá thông thường nếu hướng dẫn tốt theo từng độ tuổi thì cũng là hoạt động có thể rèn tính nhẩm cho trẻ nếu chơi kiểu 3 lá, cộng điểm (nút); rèn kỹ năng ra quyết định trong các thể loại luật chơi khác có tính đối kháng và phức tạp hơn.

Mới đây, lại có những chỉ trích khác về cách dùng thuật ngữ "âm’ và "chữ" trong sách tiếng Việt lớp Một. Có những phụ huynh băn khoăn khi lệnh trong sách là "nói to tiếng có âm a, nói thầm tiếng không có âm a' trong một bài tập có hình con gà, chiếc lá, con cá, cái nhà, con thỏ, quả cà (nhiệm vụ 1).

Tương tự, một nhiệm vụ khác (nhiệm vụ 2) là "tìm tiếng có âm c" với các hình ảnh đính kèm là lá cờ, con cá, con vịt, con cú, con cò, con dê.

Sang nhiệm vụ tiếp theo (nhiệm vụ 3) lại là "tìm chữ a, chữ c" và gắn kèm các hình chữ "a" "e", "c","s","i",…

Có vẻ việc gọi tên "âm" và "vần" mới nghe thì thấy không tách bạch. Nhưng thực chất nhiệm vụ 1, 2 gắn với yêu cầu nói nên ở mệnh lệnh này, bộ sách dùng thuật ngữ "âm" liên quan đến tiếng phát ra từ miệng. Nhiệm vụ 3 gắn với yêu cầu viết ở mức độ thấp là nhận diện mặt chữ nên dùng thuật ngữ "chữ" là "cái được viết xuống". 

Giáo viên khi dạy trên lớp sẽ giải thích ngắn gọn là học sinh hiểu ngay. Học sinh lớp Một không phải chuyên gia ngôn ngữ nên cũng không thắc mắc quá nhiều về các thuật ngữ. Ở lớp Một cũng không bắt các em phải định nghĩa "âm", "chữ" theo chuẩn khoa học. Vì vậy, các em hiểu không hiểu theo cách mà cha mẹ, người lớn lo lắng, và thực tế là trẻ học các bài này đều hiểu đúng nội dung sách giáo khoa truyền tải.

Tuy nhiên, các ý kiến chỉ trích (đã được rút xuống) đã gây một sự lo lắng thiếu chính xác và thái quá về những nội dung được dạy.

Những ý kiến của cộng đồng trong thời gian qua nếu nhìn nhận một cách tích cực thì cho thấy mức độ quan tâm và phản biện xã hội về giáo dục của người dân đã tăng lên rất nhiều so với giai đoạn trước. Đây cũng là cơ hội để các chuyên gia giáo dục giải thích để mọi người hiểu sâu sắc hơn ý đồ của người viết sách và cách tư duy của học sinh nhỏ tuổi. Không có bộ sách nào là hoàn hảo, có thể có những sai sót nhỏ cần chỉnh lý ở các lần tái bản nhưng hành trình cho ra đời một bộ sách, nhất là sách giáo khoa thì rất kỹ lưỡng, tập hợp nhiều chuyên gia, phản biện nhiều lần qua nhiều vòng thẩm định và được chứng tỏ trên thực tiễn giảng dạy.

Do đó, trước khi chỉ trích, lên án, phụ huynh và cộng đồng nên bình tĩnh xem xét và đặt vấn đề để các chuyên gia đầu ngành, các tác giả giải đáp, thay vì đưa ra các nhận xét thiếu cơ sở khoa học, dẫn dắt dư luận đến các nhận định tiêu cực nghiêm trọng hơn.

Theo Pháp luật và bạn đọc

Xem link gốc Ẩn link gốc http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/vu-viec-vo-bai-tap-toan-lop-1-day-tre-bai-bac-qua-viec-dem-co-ro-chuon-bich-tien-si-giao-duc-nguyen-thi-thu-huyen-len-tieng-162201709133045428.htm

biên soạn sách giáo khoa


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.