Xúc động cảnh ông nội dúi từng đồng tiền lẻ vào tay cháu, con gái ngủ gục trên lưng bố trên chuyến xe ngày nhập học

Xa nhà bốn năm là quãng thời gian không dài nhưng cũng đủ khiến sinh viên vơi bớt cái xốc nổi tuổi trẻ và trở thành một cái tôi không còn ngây thơ như cấp ba.

Xa nhà bốn năm là quãng thời gian không dài nhưng cũng đủ khiến sinh viên vơi bớt cái xốc nổi tuổi trẻ và trở thành một cái tôi không còn ngây thơ như cấp ba. Con liệu có hư hỏng, có bị cám dỗ nơi thành phố phồn hoa kéo theo… là vô vàn nỗi lo khiến không cha mẹ nào yên tâm để con lại một mình.

Sinh viên học xa nhà là vấn đề phiền muộn của bất cứ bạn trẻ, xa gia đình, xa ba mẹ, đặt chân vào thế giới người lớn trưởng thành với những gánh nặng không tên nặng trĩu trên vai. Có những ngày tháng cô đơn trên đại học dài tưởng chừng như vô tận. Đi học về chen chúc trên chiếc xe bus mệt mỏi, đứng giữa thành phố rộng lớn nhưng chẳng có lấy người bạn thân, đi về lại đối diện với 4 bức tường câm lặng đến đáng sợ.

Nhưng những ngày tháng đại học vẫn chưa mường tượng rõ ràng trong đầu các bạn tân sinh viên. Người lo lắng nhất lúc này chính là ba mẹ và gia đình. Lo cho khoản học phí đầu năm không biết xoay sở ở đâu, lo tìm nhà trọ rồi lại lo con mình không đủ ăn, đủ mặc, lo con buồn khi không bằng bạn bằng bè… 18 năm trời mà giờ phải xa gia đình hàng chục cây số thử hỏi có cha mẹ hay ông bà nào không lo đứt lòng đứt ruột cho được.

Cứ mỗi năm lại thế, dân mạng lại truyền tay nhau những câu chuyện xúc động mùa nhập học. Đó như lời nhắc nhở những bạn trẻ đi để trở về, để luôn nhớ rằng ở nhà vẫn luôn có người sẵn sàng giang rộng vòng tay chào đón bạn.

Xúc động cảnh ông nội dúi từng đồng tiền lẻ vào tay cháu, con gái ngủ gục trên lưng bố trên chuyến xe ngày nhập học-1

“Dựa vào lưng bố mà ngủ đi con, mai là còn mình con ở trên này thôi đấy!” Ảnh: My Bùi.

Từ miền quê xa xôi cách hàng trăm cây số, ba mẹ theo chân con lên đường nhập học. Dù thương con lắm nhưng ba mẹ nào cũng chỉ ở được dăm bữa, ai rồi cũng phải rời xa để tiếp tục kiếm thêm những đồng thu nhập. Khoảnh khắc khiến người xem rưng rưng nước mắt được chụp trên chuyến xe bus nhập học, con gái tựa đầu vào bố ngủ, còn người bố thì nhìn ra hướng ngoài xe bus xa xăm.

Nữ sinh viên chắc hẳn đã có giấc ngủ ngon giấc vì đã có bố ở đây, là điểm tựa và bờ vai vững chắc che chở cho cô bạn. Nhưng không ai biết tâm trạng người bố liệu có được bình yên như vậy không. Có khi ông đang nghĩ về khó khăn nơi đất khách con mình phải đối mặt hay những khoản tiền đóng đầu năm không biết sẽ xoay xở ở đâu…

Lo cho con đi học đại học là cả bài toán kinh tế. Gánh nặng mang tên hàng trăm triệu đặt trên vai không chỉ các bậc phụ huynh thành phố mà còn nặng trĩu trên vai ba mẹ ở quê. Nhưng ai cũng coi đại học là cánh cửa đổi đời cho con nên chẳng ai nỡ khước từ tâm nguyện của đứa trẻ muốn đi học cho bằng bạn bằng bè. Bố mẹ chúng ta có nhiều người đã từng rơi rớt trên quãng thời gian đèn sách. Họ thấu hiểu hơn bao giờ hết giá trị của con chữ "Đại học", giá trị của cái tấm bằng đỏ cũng là ước mơ mà tuổi trẻ của họ đã phải một lần dở dang. Có thể họ là những cô cậu đã phải bỏ học từ lớp 3, những người quanh năm phải đầu tắt mặt tối với đồng áng. Có thể cái gì họ không chắc chắn nhưng một điều không bao giờ thay đổi: Dù mình nghèo nhưng con mình không được phép bỏ học!

Xúc động cảnh ông nội dúi từng đồng tiền lẻ vào tay cháu, con gái ngủ gục trên lưng bố trên chuyến xe ngày nhập học-2

Bữa cơm giản dị của người mẹ nghèo và bạn sinh viên năm nhất trong ngày nhập học ở trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM.

Xúc động cảnh ông nội dúi từng đồng tiền lẻ vào tay cháu, con gái ngủ gục trên lưng bố trên chuyến xe ngày nhập học-3

Xúc động cảnh ông nội dúi từng đồng tiền lẻ vào tay cháu, con gái ngủ gục trên lưng bố trên chuyến xe ngày nhập học-4

Từng đồng học phí có thể đếm xuể nhưng tình thương của cha mẹ chẳng có thước đo giá trị nào có thể cân đo được. (Ảnh: Diễn đàn UTE TV)

Vậy đấy, cha mẹ có thể nghèo vật chất nhưng để con nghèo như mình là điều không ai chấp nhận. Những con người vĩ nhân ấy có thể là bất kỳ ai, có thể là bất kỳ người đàn ông hay người đàn bà đi đôi dép lê, áo sờn rách nào bạn từng bắt gặp hôm nhập trường.

Đó là người mẹ nghèo trải thức ăn lên nền gạch trong ngày nhập học trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM. Bữa cơm bình dị chỉ vài món kho, vài món canh đặt ngay hông tòa nhà nhưng ai nhìn cũng thấy ấm áp quá! Chẳng cần manh chiếu hay mâm cơm, chẳng cần cái bàn như trong cửa hàng sang trọng, người mẹ cứ thế gắp thức ăn cho bạn sinh viên năm nhất mà không quên dặn dò: "Ăn no nghe con". Ai đó nói bạn đó sẽ ngại ngùng trước "mâm cơm" quê bày sẵn nhưng chẳng phải cuộc đời quá nhiều rắc rối để bạn đoán xem cái nào đúng, cái nào sai. Có phải chúng ta đã quá lí trí và khô khan khi phán xét mọi thứ mà quên mất điều này đều xuất phát từ lòng yêu thương bao la của người mẹ, rằng hai mẹ con chẳng mong đợi gì hơn niềm hạnh phúc khi được ăn bữa cơm cùng nhau.

Đó cũng có thể là người cha nghèo đếm từng đồng tiền lẻ rồi dúi vào tay con trai trong ngày nhập học. Người cha đi đôi dép tổ ong vàng đậm cũ kĩ , đang cẩn thận đếm lại từng đồng tiền để đưa cho con trai đang chú tâm vào màn hình điện thoại. Những đồng tiền bằng cả một năm làm ở quê, là những đồng dù mua cốc nước ông cũng thấy tiếc. Nhưng đưa cho con đóng học thì dù một giây, người bố cũng chẳng mảy may so đo hay tính toán.

Xuất hiện đưa tân sinh viên nhập học những ngày vừa qua không thiếu bóng dáng những người ông, người bà - người quan tâm đến chuyện học hành của chúng ta không thua kém gì cha mẹ. Đã qua thời đỗ đại học là cả nhà cùng đi "Vinh quy bái tổ" nhưng vẫn còn khỏe là còn đưa cháu đi học, phải nhìn tận mắt cổng trường đại học của cháu thì ông bà mới an lòng được.

Xúc động cảnh ông nội dúi từng đồng tiền lẻ vào tay cháu, con gái ngủ gục trên lưng bố trên chuyến xe ngày nhập học-5

Xúc động cảnh ông nội dúi từng đồng tiền lẻ vào tay cháu, con gái ngủ gục trên lưng bố trên chuyến xe ngày nhập học-6

"Ông bà già lắm rồi, tích cóp được có vài đồng thôi nhưng nhất định phải để dành cho con cháu. Nhìn đôi tay ông bà run run cầm tờ tiền đưa cho mình mà thấy nghèn nghẹn ở cổ họng". (Ảnh: Trần Hạnh)

"Đây là ông nội mình. Ông 95 tuổi, bà cũng đã 85 tuổi. Nghỉ Tết nghỉ lễ xong, cứ mỗi lần rời nhà đi học là ông bà mỗi người lại gọi ra một góc cho tiền. Ông bà già lắm rồi, tích cóp được có vài đồng thôi nhưng nhất định phải để dành cho con cháu. Nhìn đôi tay ông bà run run cầm tờ tiền đưa cho mình mà thấy nghèn nghẹn ở cổ họng. Có thể ông bà không biết cháu mình cần bao nhiêu tiền để trang trải cho cuộc sống ngoài kia, ông bà chỉ cần biết rằng có bao nhiêu là sẽ cho cháu bấy nhiêu. Vì rằng lúc nào cũng lo cháu mình không đủ ăn, đủ mặc, lo cháu buồn khi không bằng bạn bằng bè…", tác giả của những bức hình trên chia sẻ.

Ông bà chúng ta đôi lúc lạc hậu lắm, chẳng biết Facebook hay Zalo là gì, cũng chẳng biết cái gọi là áp lực người trẻ khi thấy xung quanh ai cũng đang phát triển. Ông bà sống ở thời chiến nên chỉ cần thấy chúng ta có đồ ăn ngon, có quần áo mặc là thấy hạnh phúc lắm rồi. Ông bà hay kể ngày xưa mình chỉ học hết tiểu học, không phải muốn khuyên ta bỏ học khi hết cấp ba mà là biết trân trọng hơn bốn con chữ "tấm bằng đại học".

Những thành phố lớn không chỉ là câu chuyện của sự phát triển đô thị, của những vấn đề môi trường – xã hội mà nó còn chứng kiến cảnh những người trẻ rời quê hương, bỏ lại những người già ở lại. Càng sinh viên cuộc sống lại càng bận rộn. Có những bạn trẻ cả tháng về mấy lần nhưng cũng chẳng ngồi bên ông bà được mấy vì mải chạy theo những giá trị hay những mối quan hệ ảo sau màn hình điện thoại. Niềm vui của tuổi già là con cháu, mấy ai đã chủ động tìm kiếm những sở thích khác bên ngoài xã hội. Vậy nên dù chúng ta thấy khoảng cách thế hệ cứ lớn dần nhưng tình cảm ông bà lại chẳng bao giờ vơi đi.

Xúc động cảnh ông nội dúi từng đồng tiền lẻ vào tay cháu, con gái ngủ gục trên lưng bố trên chuyến xe ngày nhập học-7“Cháu cứ việc mơ những giấc mơ đẹp, thế giới ngoài kia để ông lo”. Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc người ông lớn tuổi quạt mát cho đứa cháu trai tranh thủ chợp mắt trước giờ nhập học ở trường ĐH Bách Khoa Hà Nội. (Ảnh: HUST Media Club)

"Hãy tự lập hết đi, những người trẻ phải tự biết lo cho chính mình". Báo đài và truyền thông thi nhau rao giảng về những đứa trẻ ở Nhật rời nhà khi tròn 18 tuổi, về những tranh cãi mỗi mùa nhập học sao phải theo con lên trường đến khổ như vậy. Nhưng tôi nghĩ mỗi nước lại có một văn hóa khác. Đơn giản họ chọn được khổ vì con cháu và họ cũng vui vì cái khổ ấy. Dường như trong tiềm thức mỗi gia đình nước ta có một ý nghĩ "phải khổ vì con cháu", để sợi dây gia đình cứ thế gắn kết qua từng thế hệ và để con cháu biết vẫn còn một nơi là "nhà" để quay về.

Thời gian cứ thế sẽ trôi và bốn năm đại học trôi qua nhanh lắm. Những bữa cơm gia đình rồi cứ thế thưa thớt và khoảng cách gia đình cứ thế xa hơn. Các bạn tân sinh viên có thể học đủ thứ kĩ năng trên trời, có thể quên đi cái này, cái nọ. Nhưng tôi mong các bạn không quên bài học về tình cảm gia đình, không mượn lý do "Con bận lắm nha" để trốn cả nửa năm mới về nhà một lần.

Vì ông bà và ba mẹ chẳng ở bên ta được mãi mãi.
 

 

Theo Helino

 


Sinh viên

Câu chuyện xúc động

hình ảnh xúc động


Bộ xương khủng long dài bằng 2 xe buýt được bán đấu giá hơn 6 triệu USD
Một bộ xương khủng long Apatosaurus dài 21m, nặng hơn 22 tấn, được đặt tên là Vulcan, gần đây đã trở thành hóa thạch khủng long lớn nhất từng được bán đấu giá khi nó được mua với giá khoảng 6,4 triệu đô la tại một cuộc đấu giá ở Pháp.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.