Thời còn đi học tôi từng bị bắt nạt: Vì sao xoay một vòng, lỗi rồi cũng về phía nạn nhân?

Thật khó để lấy cớ "khi ấy còn nhỏ biết gì đâu", vì câu đùa cợt đó sẽ là nỗi đau đi cùng nạn nhân theo năm tháng.

"Bắt nạt học đường" là vấn nạn không hề mới, thế nhưng gần đây, nó tiếp tục trở thành đề tài được tranh luận sôi nổi trên MXH. Nhiều cư dân mạng đã không ngại chia sẻ lại quá khứ với những trải nghiệm tương tự như từng bị bắt nạt, bị tẩy chay... Những chia sẻ này dường như đã giúp mọi người có cái nhìn đa chiều hơn, nhất là với một sự việc có thể xảy ra đối với bất kì bạn trẻ nào còn ngồi trên ghế nhà trường.

Thời còn đi học tôi từng bị bắt nạt: Vì sao xoay một vòng, lỗi rồi cũng về phía nạn nhân?-1
(Ảnh minh hoạ)

1. Tôi cũng từng bị các bạn miệt thị, ruồng rẫy... 3 năm như vậy không dám mở lời với ai, tuyệt vọng nhiều khi không muốn đi học vì sợ đến lớp gặp bạn bè. Giáo viên chủ nhiệm thì quan tâm nhưng lớp gần 50 bạn, cô không quản hết được. Tôi có nói cô cũng chỉ nói xong rồi thôi, nói 2 - 3 lần chứ nói nhiều làm sao được.

Bây giờ, những người bắt nạt đó gặp lại thì cũng không nhớ những gì mà họ đã làm với mình. Thế nhưng những thứ tôi gánh chịu hồi cấp 3 bây giờ vẫn còn hậu quả, nó khiến tôi không đủ tự tin, rụt rè trong giao tiếp.

2. Tôi hiểu cảm giác bị cả lớp bắt nạt. Hồi cấp 3 tôi mập nhất trong lớp, lớp toàn con gái. Tụi nó chê tôi mập bằng những từ như "heo", "mập". Những từ đó nói rất dễ dàng nhưng cái tai phải nghe thì đau thấm tận tim luôn.

Khó chịu thì tụi nó bảo giỡn, có đứa nhây còn bảo "Mày mập thiệt chứ đâu có sai". Lời nói các bạn nói ra thấy vui, đặt biệt danh cho người khác nghe thấy thú vị nhưng khi người khác nghe cảm thấy đau lòng.

Vậy cuối cùng ai là người có lỗi? Xoay một vòng người có lỗi lại là nạn nhân.

Thời còn đi học tôi từng bị bắt nạt: Vì sao xoay một vòng, lỗi rồi cũng về phía nạn nhân?-2
(Ảnh minh hoạ)

3. Hồi năm cấp 2, mình có học chung với một bạn luôn bị hơn 80% các bạn trong lớp đem ra cười cợt, trêu đùa, khinh khi... Nhiều khi giờ ra chơi chỉ thấy bạn đó ngồi một góc rồi lấy giấy ra vẽ bậy bạ thôi. Cuộc sống bạn đó chắc có lẽ tốt hơn khi lên cấp 3. Học một trường khác. Và chẳng bao giờ gặp những người cũ nữa.

Bị bắt nạt đôi khi không cần qua hành động đâu. Cử chỉ và thái độ thôi cũng đủ mệt mỏi rồi.

4. Người trêu chọc luôn coi nhẹ vấn đề, nghĩ rằng đó chỉ là câu đùa. Nhưng người nghe thì lại khác. Hồi cấp 2 mình cũng từng bị một nhóm bạn xa lánh, dù không đến mức tẩy chay nhưng cũng rất kinh khủng, đến mức mình phải chọn thi trường cấp 3 khác để không phải học cùng những người ấy nữa. 

Bây giờ lớn hơn, bọn mình vẫn là bạn bè xã giao bình thường nhưng có những chuyện cả đời này mình không thể quên được. Sự việc ấy cũng bắt nguồn từ 1 câu nói đùa của mình khiến bạn ấy khó chịu, lúc đó mình nghĩ đơn giản chỉ là đùa vui, nhưng có lẽ mình đã thực sự làm tổn thương bạn ấy. Lỗi là ở mình, mình cũng đã nhận lại những câu nói, hành động, sự dè bỉu từ một nhóm bạn và mình nghĩ là nó vượt xa so với những gì mình đã gây ra. 

Nhưng sự trả đũa thì luôn nhiều hơn mà. Không phải chuyện ai là người sai mà vấn đề là những người từng chịu tổn thương thì dù là nạn nhân hay không cũng sẽ nhớ mãi vết thương ấy không thể quên được, nó đã trở thành vết sẹo trong lòng rồi. Vậy nên đừng coi nhẹ chuyện đùa cợt người khác, bạn thấy vui không có nghĩa là người ta thấy vậy.

Thời còn đi học tôi từng bị bắt nạt: Vì sao xoay một vòng, lỗi rồi cũng về phía nạn nhân?-3
(Ảnh minh hoạ)

5. Năm lớp 4, cô giáo bắt chúng mình mua bút "Luyện viết chữ đẹp" đúng chuẩn trên phố Lý Thường Kiệt để viết chính tả. Nhưng hôm đó, do chưa kịp mua nên mình có mượn 1 đứa bạn viết thử, chẳng may làm ngòi bút bị gai, viết xấu hơn. Bạn bắt mình phải đền. Ngày nhỏ mình không có tiền lại không dám nói thật với mẹ. Mình chỉ kể cho anh trai, nào ngờ đến tai mẹ. Mẹ không mắng mà cho mình đúng số tiền đó để mua cái bút khác trả cho bạn. Tuy nhiên, mình lại không dám bắt bố đèo tận lên phố để mua bút nên mình quyết mua 1 cái bút giá trị tương tự ở trước cổng trường.

Và đúng là bạn ấy không chịu, lại đúng ngày có bài kiểm tra viết... Bị cô giáo phê bình viết xấu hơn, bạn ấy cùng 1 nhóm bạn nữ khác hẹn mình vào nhà vệ sinh. Các bạn dồn mình vào góc tường và chửi: "Mày có biết là tại mày mà cái * bị cô phê bình hay không?", "Bao giờ mày mua đúng cái bút đó đền nó". Thế là 1 bạn khác đạp 1 cái rất mạnh vào nắp bồn cầu, trừng lên chửi mình. Mình không nói gì, bạn túm tóc mình lên và nói: "Mày có trả lời tao không?".

Thật sự mình rất sợ, đó là cảm giác rất kinh khủng. Chiều đi học về mình cứ tủi thân khóc mãi nhưng không cho ai biết. Mình cũng bị nhóm bạn tẩy chay và phải chơi với 1, 2 bạn cũng gần như bị xa lánh trong lớp. Quãng thời gian đó đúng là "ác mộng" đối với mình

6. Trẻ con mà, ừ thì trẻ con có những đứa rất nhạy cảm với từng cử chỉ của người khác. Hồi cấp 2 mình ít nói kiệm lời, ăn mặc không đẹp, người xấu nên hay bị body shaming, xong cả đám cho là mình không cùng đẳng cấp và không chơi với mình. Mọi người không ai hiểu, họ chỉ nghĩ đó là do mình không chịu nói chuyện với các bạn thôi, họ đâu hiểu rằng thà mình ngồi 1 góc còn hơn ngồi chung để bị kỳ thị mình. 

Sau này đi họp lớp, họ còn nói là hồi đấy mình không thèm chơi với ai cả nên không ai giữ liên lạc, hẹn mình đi họp lớp rất khó... 

Thời còn đi học tôi từng bị bắt nạt: Vì sao xoay một vòng, lỗi rồi cũng về phía nạn nhân?-4
(Ảnh minh hoạ)

Qua những câu chuyện cư dân mạng chia sẻ, có thể thấy với họ, không phải cứ đòn roi, đánh nhau mới là bắt nạt. Đôi khi tổn thương của các nạn nhân chỉ đến từ thái độ, lời chê bai, thậm chí là ánh nhìn không mấy thân thiện từ các thành viên trong lớp. Vậy nên hãy cố gắng tử tế nhất có thể dù bạn có đang ở tuổi nào, thật khó để lấy cớ "khi ấy còn nhỏ biết gì đâu". Vì câu đùa cợt đó sẽ là nỗi đau đi cùng nạn nhân theo năm tháng.

Nguồn: Facebook

Nguồn ảnh: We Heart It.

Theo Trí Thức Trẻ

Xem link gốc Ẩn link gốc http://ttvn.toquoc.vn/thoi-con-di-hoc-toi-tung-bi-bat-nat-vi-sao-xoay-mot-vong-loi-roi-cung-ve-phia-nan-nhan-22020218214258374.htm

Giang Ơi

Bắt nạt học đường

bạo lực học đường


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.