Vì sao người trẻ lười kết hôn?

Thay vì an cư rồi lạc nghiệp, người trẻ đầu tư cho bản thân nhiều hơn và có xu hướng né tránh hoặc trì hoãn việc kết hôn.

Lời tòa soạn:

Trong bối cảnh xã hội hiện đại đầy áp lực và biến động, nhiều người, đặc biệt là giới trẻ đang phải đối mặt với những thách thức mới trên nhiều phương diện của cuộc sống. Một trong những biểu hiện rõ nét của sự thay đổi này chính là quan niệm về hôn nhân và tình yêu. Thay vì đặt nặng việc kết hôn sớm như trước, nhiều người trẻ ngày nay lại có xu hướng trì hoãn hoặc chọn lựa sống độc thân.

Vậy những hệ lụy tiềm ẩn của xu hướng kết hôn muộn là gì? và người trẻ có những chia sẻ như thế nào về vấn đề này? Hãy cùng đón đọc bài viết: "Khi "ngại cưới" trở thành xu hướng chung của thế hệ trẻ" trên Người Đưa Tin.

Khi người trẻ kết hôn muộn

Sống độc thân dường như đang là xu hướng tại nhiều nước ở cả phương Đông lẫn phương Tây. Ngay cả tại những nước châu Á vốn coi trọng gia đình đông đúc như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… thì giờ đây cũng ngày càng có nhiều người ở các lứa tuổi lựa chọn cuộc sống độc thân. Xu hướng này có lẽ cũng đang dần trở nên phổ biến ở các nước Đông Nam Á.

Theo thống kê của Tổng cục Thống kê, tại Việt Nam tỉ lệ người độc thân có xu hướng tăng nhanh, từ 6,2% năm 2004 lên đến 10,1% năm 2019. Độ tuổi kết hôn ở người trẻ cũng đang tăng dần. Tuổi kết hôn trung bình ở nam là 26,2 và ở nữ là 23, cao hơn so với năm 2005 là 25,4 tuổi đối với nam và 22,8 tuổi đối với nữ.

Với nam giới, độ tuổi kết hôn lần đầu lên tới 29,3 tuổi, trong khi nữ là 25,1. Trung bình người ở khu vực thành thị kết hôn khi 28,6 tuổi; con số này là 26,3 ở nông thôn.

Đông Nam bộ hiện là vùng người dân kết hôn lần đầu muộn nhất, ngoài 29 tuổi. Trong đó, tuổi kết hôn lần đầu của người Tp.HCM là 30,4 tuổi; Bà Rịa - Vũng Tàu là 29,3 tuổi. Người dân Khánh Hòa cũng kết hôn muộn, trung bình 29,1 tuổi.

Độ tuổi trung bình để người Hà Nội kết hôn lần đầu năm 2023 là 27,9 tuổi, cao nhất trong vùng Đồng bằng sông Hồng, sớm hơn người Tp.HCM 2,5 tuổi. Thanh niên Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng kết hôn ở tuổi 27,4.

Vùng người dân kết hôn lần đầu sớm nhất là Trung du và miền núi phía Bắc: 24,6 tuổi. Thanh niên ở Lai Châu kết hôn khi mới ngoài 22, sớm nhất cả nước. Người Hà Giang, Sơn La xếp thứ 2 và 3, kết hôn ở tuổi 22,8 và 22,9.
Những năm qua, độ tuổi kết hôn của giới trẻ Tp.HCM luôn cao nhất cả nước, vượt xa nhiều tỉnh thành khác. Năm 2023, lần đầu vượt mốc 30 tuổi. Con số này có xu hướng tăng liên tục từ 2019, bình quân mỗi năm tăng 0,7 tuổi.

Ảnh hưởng của việc kết hôn muộn hiện nay chính là mức sinh thấp và tốc độ già hóa dân số. Tại Tp.HCM số con trung bình của một phụ nữ thành phố trong độ tuổi sinh đẻ là 1,32, trong khi năm ngoái là 1,42, giảm ở mức cảnh báo, thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế Việt Nam đang duy trì là 2-2,1 con trên mỗi phụ nữ.

Tình trạng người trẻ kết hôn muộn đang là vấn đề được xã hội đặc biệt quan tâm. Một trong những biện pháp Chính phủ đưa ra để giải quyết mức sinh thấp là tập trung vận động nam, nữ thanh niên không kết hôn muộn, không sinh con muộn (khuyến khích kết hôn trước 30 tuổi).

Trong khi các bậc làm cha, làm mẹ có con trong độ tuổi kết hôn hết sức ủng hộ và đồng tình với biện pháp này thì nhiều người trẻ đã gần 30 tuổi vẫn "bình chân như vại".

Chần chừ kết hôn vì muôn vàn lý do

Có một thực tế hiện nay nhiều bạn trẻ không hứng thú với việc kết hôn. Mặc dù họ biết việc yên bề gia thất chỉ là chuyện sớm muộn nhưng có nhiều lý do khiến những người trẻ này trì hoãn lập gia đình.

Tạ Minh Thu (32 tuổi, Hà Nội) - là MC, diễn viên chia sẻ với Người Đưa Tin rằng, phần lớn nguyên nhân do sự phát triển của xã hội hiện đại đã tạo ra nhiều cơ hội cho người trẻ, giúp họ có thể phát triển sự nghiệp và thu nhập ở mức cao.

"Nhiều bạn trẻ hiện nay có tài năng, được học tập và làm việc trong môi trường tốt, tạo nhiều điều kiện thuận lợi, gặt hái được nhiều thành công, có mức thu nhập cao và địa vị trong xã hội”, Minh Thu chia sẻ.

Khi đã thành đạt, các bạn trẻ trở nên kỹ càng hơn trong việc lựa chọn bạn đời. Họ có những tiêu chí khắt khe hơn so với trước đây. Khi không gặp được người đủ tiêu chí thì các bạn trẻ sẽ có tâm lý ngại yêu, lười kết hôn.

Vì sao người trẻ lười kết hôn?-1
Minh Thu cho biết khi đã thành đạt, các bạn trẻ trở nên kỹ càng hơn trong việc lựa chọn bạn đời.

Song song với đó, xã hội hiện đại nên nam nữ bình đẳng, điều này cũng khiến các bạn nữ trẻ luôn ý thức được giá trị của bản thân. Khi lựa chọn bạn đời, họ luôn đặt "cái tôi" của mình lên hàng đầu. Điều này, dẫn đến việc khi xảy ra mâu thuẫn họ khó có thể dung hòa và thường dẫn tới chuyện tình cảm rơi vào bế tắc, chia tay.

Ngoài ra, những thay đổi về ngoại hình sau khi lập gia đình và sinh con cũng khiến một số bạn nữ cảm thấy tự ti. Trong khi đó, nhiều công việc lại yêu cầu yếu tố ngoại hình.

"Trước những vấn đề đó, tâm lý thường là không muốn đánh đổi với việc sinh con”, Minh Thu chia sẻ.

Thêm một yếu tố khác cũng khiến nhiều bạn trẻ ngại lập gia đình, đó là một số công ty nước ngoài khi tuyển dụng còn có những ràng buộc như không tuyển những người mới lập gia đình, trong khoảng 5 - 10 năm không được sinh con.

"Đây cũng là rào cản khiến cho nhiều bạn trẻ không dám đánh đổi. Từ đó, có tâm lý ngại lập gia đình”, Minh Thu nói.

Bạn Tạ Minh Thu (32 tuổi, Hà Nội) - MC, diễn viên chia sẻ về quan điểm kết hôn ở giới trẻ.

Ngoài nỗi lo về trách nhiệm, việc tìm được một người phù hợp với bản thân cũng là một vấn đề.

Hoàng Anh (31 tuổi) hiện đang làm việc trong lĩnh vực truyền thông và tổ chức sự kiện tại Hà Nội chia sẻ: "Gia đình tôi giục tôi kết hôn từ khi mới ra trường, nhưng cho đến nay cũng được gần 10 năm rồi, mỗi năm lại bị giục từ gia đình, người thân, bạn bè xung quanh. Hầu hết bạn bè cùng trang lứa của tôi đã kết hôn và lập gia đình, chỉ còn khoảng 10% là chưa”.

Hoàng Anh cho rằng, để đi đến việc kết hôn, người ta cần phải có "duyên" với nhau. Anh chia sẻ về kế hoạch của bản thân: "Trước đây, tôi đã lên kế hoạch rõ ràng như thế này: 22-25 tuổi, mới ra trường, cần tìm lối đi và công việc phù hợp để phát triển; 25-30 tuổi, xây dựng sự nghiệp và có công việc ổn định, cũng như tài chính.

Độ tuổi 30 trở lên thì là thời điểm đẹp để kết hôn, khi chúng ta đã đủ chín chắn, bản lĩnh và tài chính để lo cho gia đình nhỏ và người thân”.

Vì sao người trẻ lười kết hôn?-2
Theo quan điểm của bạn Hoàng Anh để đi đến việc kết hôn, người ta cần phải có "duyên" với nhau.

Tuy nhiên, hiện tại ở tuổi 31, Hoàng Anh vẫn chưa tìm được "nửa kia" để hoàn thành kế hoạch của mình. Anh cho biết, một trong những lý do khiến nhiều người trẻ ngại kết hôn là do tiếp xúc với quá nhiều tin tiêu cực liên quan đến ly hôn, xung đột gia đình, hoặc các trách nhiệm như sinh con.

"Hiện nay, tình hình ly hôn do không hợp, không có kinh tế mà lấy nhau về dẫn đến cãi nhau, cũng như sự ràng buộc của con cái khiến nhiều người trẻ ngại hay sợ kết hôn. Họ tự lo cho bản thân được rồi, chưa chắc đã lo được cho người khác”, Hoàng Anh chia sẻ.

Ngoài ra, áp lực xã hội, gia đình và bạn bè cũng là một yếu tố khiến nhiều người trẻ ngại kết hôn. Họ muốn tự do, độc lập và không muốn bị ràng buộc bởi các trách nhiệm gia đình.

Trong khi đó, anh Lâm Tú (32 tuổi, Hà Nội) cũng nêu quan điểm lý do anh chưa lập gia đình là phải mua được nhà trước và ngoài ra anh chỉ thích yêu mà không thích cưới.

“Tôi quan niêm phải có nhà trước mới tính đến chuyện cưới xin, trong khi đó tôi cũng chỉ thích yêu không thích cưới vì sợ ràng buộc, mất tự do”, anh Tú nói.

Cũng chia sẻ với Người Đưa Tin, bạn Hoa Trà (27 tuổi, Hà Nội) cho biết, có nhiều lý do khiến người trẻ ngại kết hôn như: Áp lực cuộc sống, kinh tế khiến bản thân lo lắng nếu lập gia đình sẽ gặp nhiều khó khăn về tài chính. Từ vấn đề tài chính cũng ảnh hưởng rất nhiều đến tình cảm vợ chồng sau hôn nhân.

“Cùng với đó, tôi cũng mong muốn có đủ khả năng kinh tế để nuôi con. Bởi, hiện nay cạnh tranh học tập nên tôi luôn muốn tìm môi trường tốt nhất cho con”, Hoa Trà chia sẻ.

Bên cạnh đó, lý do người trẻ ngại kết hôn được Hoa Trà đưa ra là sau khi kết hôn người phụ nữ sẽ phải thêm trách nhiệm chăm lo gia đình, bố mẹ hai bên, con cái… không có thời gian cho bản thân, sự nghiệp.

Vì sao người trẻ lười kết hôn?-3
Hoa Trà chia sẻ rằng có nhiều lý do khiến người trẻ ngại kết hôn như: Áp lực cuộc sống, kinh tế....

Việc có nhiều cặp đôi ly hôn, đời sống hôn nhân không hạnh phúc, bạo lực gia đình, ngoại tình cũng là một trong những lý do ảnh hưởng đến việc kết hôn. Ngoài ra, để lựa chọn được người phù hợp để chung sống lập gia đình là điều không dễ dàng.

“Mong muốn có thêm nhiều trải nghiệm, tự do, thoải mái điều này sẽ khó có được sau khi kết hôn”, Hoa Trà cho biết thêm.

Liên quan đến việc kết hôn muộn sẽ ảnh hưởng đến sinh sản, Hoa Trà cho biết cô thường xuyên tìm hiểu và nắm rõ độ tuổi sinh con tốt nhất của phụ nữ.

“Việc sinh con trong độ tuổi sẽ là tốt nhất cho cả người mẹ và em bé. Tuy nhiên, việc đảm bảo về nuôi nấng cho con phát triển một môi trường tốt nhất cũng là vấn đề tôi quan tâm khiến chưa chọn kết hôn và sinh con thời điểm hiện tại”, Hoa Trà nói.

Thực tế, kết hôn muộn đồng nghĩa với việc sẽ có con muộn, vấn đề khoảng cách tuổi tác với con cái, sự đối lập về suy nghĩ của hai thế hệ, có thể gây ra nhiều mâu thuẫn trong gia đình… Điều này trực tiếp ảnh hưởng đến quá trình nuôi dạy, chăm sóc con trẻ, đặc biệt là khi bạn đã lớn tuổi.

Việc kết hôn và sinh con là lựa chọn của mỗi người, tùy vào điều kiện và kế hoạch của cá nhân, gia đình để quyết định việc kết hôn, sinh con, bảo đảm chăm sóc, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Dù vậy, các chuyên gia y tế, dân số cũng đưa ra lời khuyên người trẻ cần coi trọng việc kết hôn sớm, đây cũng là cách để đánh dấu sự trưởng thành và hướng tới một tương lai ổn định. Đồng thời, thể hiện trách nhiệm của công dân đối với xã hội và cộng đồng, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

(Còn tiếp)

Theo Người đưa tin

Xem link gốc Ẩn link gốc https://www.nguoiduatin.vn/vi-sao-nguoi-tre-luoi-ket-hon-204240810080916354.htm

kết hôn


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.