
Tối ngày 28/3/2025, một sự kiện gây xôn xao mạng xã hội đã diễn ra khi streamer ViruSs (Đặng Tiến Hoàng) và rapper Pháo (Nguyễn Diệu Huyền) tham gia phiên livestream để đối chất về mối quan hệ tình cảm giữa họ. Đáng nói, sự kiện này lại thu hút tới hàng triệu người xem cùng lúc, có thời điểm lượt xem lên tới 4 triệu, tạo nên một “cơn sốt” trên các nền tảng trực tuyến.
![]() |
Hiện tượng ViruSs - Pháo: Khi sự nhảm nhí chiếm sóng mạng xã hội |
Trong bối cảnh đất nước đang đối mặt với hàng loạt vấn đề kinh tế, xã hội cần được ưu tiên giải quyết, thật khó hiểu khi hàng triệu người trẻ lại dành thời gian lúc 1 giờ sáng để theo dõi cuộc đối chất giữa ViruSs và Pháo - hai nhân vật vốn không đại diện cho bất kỳ giá trị tri thức hay đạo đức nào đáng để học hỏi. Hiện tượng này không chỉ phản ánh sự xuống cấp của thị hiếu giải trí mà còn đặt ra câu hỏi lớn về định hướng của giới trẻ ngày nay.
Giới trẻ đang hướng đến điều gì?
Đáng lẽ, thanh niên - lực lượng nòng cốt của tương lai đất nước - phải tập trung vào học tập, nghiên cứu, khởi nghiệp và cống hiến. Tuy nhiên, thay vì đầu tư thời gian vào những hoạt động mang tính xây dựng, hàng triệu người lại bỏ công sức để theo dõi hai nhân vật tranh cãi về tình yêu, đạo lý sống một cách nhảm nhí. Điều này cho thấy một bộ phận giới trẻ đang bị cuốn vào những trào lưu vô bổ, xa rời thực tế và thiếu đi những lý tưởng cao đẹp.
Không chỉ dừng lại ở việc đối chất vô nghĩa, cuộc tranh luận này còn bị biến thành một màn thể hiện lố bịch, với những phát ngôn thiếu suy nghĩ, những bài hát mang nội dung phản cảm, tục tĩu như “Sự nghiệp chướng”. Đây không phải là lần đầu tiên các sản phẩm âm nhạc của những nhân vật như Pháo gây tranh cãi vì lời lẽ dung tục, thiếu tính giáo dục. Sự nổi lên của những nội dung như thế này không chỉ làm lệch chuẩn thẩm mỹ âm nhạc, mà còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, suy nghĩ của giới trẻ.
Vai trò của truyền thông và xã hội
Sự kiện này đặt ra một vấn đề lớn đối với truyền thông và nền tảng mạng xã hội. Việc những nội dung kém chất lượng, thậm chí có phần độc hại, liên tục được đẩy lên top xu hướng cho thấy sự thiếu kiểm soát và định hướng của các nền tảng. Trong khi những câu chuyện về tấm gương học tập, lao động sáng tạo lại ít được quan tâm, thì những nội dung câu view, giật gân lại tràn lan, chi phối sự chú ý của công chúng.
Hơn lúc nào hết, các cơ quan quản lý, truyền thông và chính những người sử dụng mạng xã hội cần phải có trách nhiệm trong việc lựa chọn và lan tỏa những giá trị tích cực. Nếu không, chúng ta đang mặc nhiên để cho những nội dung vô bổ lấn át những giá trị đích thực.
Đất nước đang cần sự đóng góp của giới trẻ để phát triển, không phải để chạy theo những trào lưu nhảm nhí, những cuộc tranh cãi vô nghĩa trên mạng. Một triệu người trẻ thức khuya để theo dõi cuộc đối chất giữa ViruSs và Pháo là một thực trạng đáng báo động. Đã đến lúc xã hội cần lên tiếng mạnh mẽ hơn để định hướng giới trẻ, để họ không bị cuốn theo những thứ phù phiếm, mà thay vào đó là tập trung vào học tập, lao động và xây dựng tương lai.
Dấu hiệu vi phạm pháp luật và quy định hiện hành
Không chỉ nhảm nhí, phiên livestream này còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật và quy định hiện hành. Cụ thể, theo Nghị định 147/2024/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 25/12/2024, chỉ các mạng xã hội đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội mới được phép cung cấp tính năng livestream hoặc các hoạt động có phát sinh doanh thu.
Nếu ViruSs và Pháo thực hiện livestream trên nền tảng không có giấy phép hợp lệ, hoặc nếu họ phát sinh doanh thu từ hoạt động này mà không tuân thủ quy định, thì có thể xem xét dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, tại Nghị định 147/2024/NĐ-CP cũng quy định về trách nhiệm của người sử dụng mạng xã hội trong việc đảm bảo nội dung không vi phạm thuần phong mỹ tục, không gây ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng. Việc công khai tranh cãi về đời tư, đặc biệt liên quan đến mối quan hệ tình cảm, có thể bị xem là vi phạm quyền riêng tư và gây ảnh hưởng xấu đến văn hóa ứng xử trên mạng.
Việc quản lý hoạt động livestream theo quy định mới, người thực hiện livestream cần xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân để đảm bảo trách nhiệm và minh bạch trong hoạt động trực tuyến.
Nếu ViruSs và Pháo không thực hiện xác thực này, họ có thể vi phạm quy định về quản lý hoạt động livestream.
Từ góc độ quản lý nhà nước, sự kiện livestream giữa ViruSs và Pháo có thể có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật hiện hành về hoạt động livestream và nội dung trên mạng xã hội. Cần xem xét kỹ lưỡng các yếu tố như giấy phép của nền tảng, nội dung phát sóng và việc tuân thủ quy định xác thực tài khoản để xác định mức độ vi phạm và áp dụng biện pháp xử lý phù hợp.

Theo Công Thương