Sáng 19.9, Huyền Chip đã có một buổi ra mắt cuốn du ký “Xách ba lô lên và đi”. Trước đó, cuốn sách này,  nhất là tập hai “Đừng chết ở Châu Phi”, đã làm dậy sóng dư luận. Với các việc đã làm của Huyền Chip nêu trong cuốn sách, nhiều bạn trẻ đã đặt câu hỏi: Huyền Chip có phải tấm gương tốt?

Huyền sinh ra ở một gia đình ở Nam Định, trong một gia đình cũng không khá giả gì. Sau khi tốt nghiệp PTTH, Huyền dự một hoạt động ở bên Malaysia, sau đó được một diễn giả bên đó đỡ đầu và cho một cơ hội ở lại đó làm việc. Rồi bắt đầu hành trình là đi Brunei, dự định ban đầu là đi 3 ngày vì đã đặt vé khứ hồi để về. Nhưng khi sang đến Brunei, Huyền nảy sinh ý định đảo Đông của Malaysia nên gửi email về cho sếp nói rằng không về Malay nữa.

Một thành viên mạng xã hội Vitalk cho rằng: “Như vậy, chuyến đi của Huyền Chip bắt đầu bằng việc “bỏ bom” nơi làm việc bằng một cái “email”. Đây là hành vi thiếu nghiêm túc và không tôn trọng nơi làm việc của mình, cũng như người tạo cơ hội cho Huyền có việc làm dù mới chỉ tốt nghiệp cấp 3. Như vậy, các bạn trẻ học được bài học gì hay từ việc này?”.

Không ít người tỏ ra bức xúc cho rằng sách của Huyền Chip sẽ vô tình tạo  ra một ảo tưởng tai hại cho một bộ phận thanh – thiếu niên. Họ nghĩ rằng Huyền Chip rất tài giỏi, dám thể hiện mình và muốn làm theo. Nhưng thực tế cuộc sống không may mắn quá nhiều như trong sách của Huyền Chip, rất nhiều nguy hiểm nếu không tìm hiểu trước.

Bạn Nguyễn Đức An cho bức xúc: “Những nguy hiểm đề cập trong sách không nhiều, tuy nhiên cũng đủ thấy đi bừa như vậy có ngày bỏ mạng, dẫn chứng trong sách là cuộc biểu tình đụng độ ở Palestine. Cung cấp thông tin theo kiểu nửa vời như Huyền Chip chẳng khác nào bạn đẩy người ta vào nguy hiểm cả.

Huyền Chip bảo "Thật ra thì có những nước không xin được visa nhưng mình vẫn vào, và trong sách có đề cập. Vậy nên nó không dành cho những người chậm tiến". Không biết Huyền có biết tội "vượt biên" sẽ bị xử thế nào không?”.


Trong buổi hội thảo ra mắt cuốn sách, Huyền Chip có nói "Đi đến đâu mình tìm việc làm, kiếm tiềm sinh hoạt và mua vé máy bay đến đó" (!?). Câu nói này khiến không ít độc giả tỏ ra nghi ngờ.

Bạn Đức An đặt câu hỏi: “Không bằng cấp, không biết tiếng bản địa, không biết có Cty nào ở cái đất nước nghèo hơn cả VN này dám thuê bạn làm part-time với mức lương 10USD/giờ (theo như bạn nói)? Mà cho là có đi nữa, bạn có ý thức được là mình đang cổ xúy cho các bạn trẻ "đi làm chui" ở nước ngoài? Tội này có thể bị xử phạt hành chính, đi tù, thậm chí bị trục xuất và bị từ chối cấp visa trong 10 năm?”.

Tại diễn đàn Vitalk, thành viên Soi cho rằng: “Khoan bàn đến việc Huyền Chip có nói dối về chuyến đi không nhưng mình nghĩ Huyền có đi thật, thì mới có những bức ảnh như thế. Nhưng điều mình thấy phản cảm đó là việc em tìm cách trốn vé vào khu tham quan, vé tàu xe, ăn trộm thứ nọ thứ kia, ca ngợi những người bạn cũng balô như em mà trèo tường, giả làm dân địa phương để trốn vé... mà theo như em nói "nếu thỉnh thoảng không làm gì tội lỗi thì không cảm thấy mình là con người. Con nhà mình 16 tuổi, mong là nó không đọc và làm theo tác giả quyển sách này".

Thành viên Habi thì cho rằng vấn đề visa là một dấu hỏi lớn. Vấn đề này nhiều người đặt nghi vấn, Huyền Chip chỉ cho biết việc xin visa không hề dễ dàng chứ không kể chi tiết việc Huyền đã làm thế nào để có được visa. Có nhiều nước Huyền Chip không thể xin visa được nên đành phải bỏ cuộc như Nam Phi, và một vài nước khác. Thành viên này cho rằng: “Việc làm của Huyền Chip là một việc làm phạm pháp, vô cùng nguy hiểm, không có gì đáng để khoe ra trên sách cả”.

Gs-TS Nguyễn Lân Dũng lấy danh dự để bảo đảm uy tín cho người đọc.

Có mặt tại buổi họp báo ra mắt cuốn sách, GS-TS Nguyễn Lân Dũng đã lấy uy tín của mình để thuyết phục các bạn trẻ hãy tin Huyền Chip, đồng thời ca ngợi cách viết văn cũng như cho rằng Huyền Chip là hình mẫu thanh niên hiện nay, dám nghĩ dám làm. Tuy nhiên, câu nói của giáo sư có vẻ như vẫn khiến nhiều người không phục.

Tất nhiên, không ít ý kiến đồng tình với ý kiến của GS-TS Nguyễn Lân Dũng cho rằng việc dám đi, dám làm của Huyền Chíp là đáng được biểu dương.

Bạn Linh Luong cho rằng: “Viết được sách đã khó, bán được sách còn khó hơn, làm được như vậy là quá giỏi rồi. Bạn thích thì bạn mua đọc, còn không thích thì thôi. Huyền Chip có ước mơ, dám nghĩ, dám làm... đấy là điều tốt”.

Đồng ý với ý kiến của Linh Lương, Rich Minh cho rằng: “Tây họ đi 50-100 nước với vài ngàn USD là chuyện rất bình thường. Mình du học ở Anh về, biết cuộc sống nước ngoài ra sao.

Bản thân Huyền chip học hành tử tế, tiếng Anh giao tiếp tốt và có bản lĩnh để đi thì mình cũng tin Huyền có thể đi 25 nước. Mong Huyền không chỉ đi 25 nước, mà là 50-100 nước.

Có những quyển sách được xuất bản sang các thứ tiếng khác để nhiều bạn trẻ Việt Nam có động lực để dám nghĩ dám làm. Dù có điều kiện đi chăng nữa, việc một cô gái đi du lịch một mình qua nhiều quốc gia xa lạ cũng là điều đáng khâm phục, ít nhất là ý chí và nghị lực, đáng để giới trẻ học tập”.

Theo Lao động