Từ một đại gia có tiếng trên thị trường sắt thép, nay cả hai cha con ông Phạm
Văn Thụ, Chủ tịch kiêm TGĐ Công ty Thái Sơn bị khởi tố, bắt giam.
Câu chuyện của cha con ông Thụ là bài học đắt giá với doanh nghiệp phải vay quá
nhiều tiền ngân hàng để kinh doanh, trong khi lãi vay quá cao...
Đại gia thành con nợ
Ngày 8-8, Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã bắt giam ông Phạm Văn Thụ,
chủ tịch kiêm TGĐ Công ty Thái Sơn về hành vi “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” liên
quan đến các khoản vay ngân hàng.
Con trai ông Thụ là Phạm Hải Thanh, nguyên TGĐ Công ty Thép Thái Sơn, ông Dương
Hoàng Sơn, nguyên giám đốc Công ty TNHH MTV Sắt thép Thanh Sơn cũng bị khởi tố
cùng tội danh.
Thông tin ông Thụ bị bắt giữ khiến nhiều đại gia làng sắt thép Hải Phòng thấy
buồn. Bởi lâu nay ông được tiếng là “làm ăn đàng hoàng”.
Năm 1995, ông Thụ thành lập Cty Thái Sơn chuyên kinh doanh sắt thép phế liệu,
phá dỡ tàu cũ và nhanh chóng phất lên. Năm 2007, ông Thụ mở rộng đầu tư vào đóng
tàu, sản xuất phôi thép, bất động sản… Sản lượng bán hàng của công ty khoảng
10-20 nghìn tấn/tháng, doanh thu hơn 4.000 tỷ đồng/năm.
Năm 2011, Cty Thái Sơn lọt vào Top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam,
và là doanh nghiệp xuất nhập khẩu sắt thép lớn nhất Hải Phòng.
Ở cái thời hoàng kim đó, Cty Thái Sơn được nhiều ngân hàng “săn đón” cấp lượng
vốn lớn. Năm 2008, do kinh tế khủng hoảng, giá sắt thép giảm mạnh tới 50% cùng
với việc không bán được hàng, Cty Thái Sơn lâm vào khó khăn.
Lượng hàng tồn kho lớn, luôn tồn khoảng 70-80 nghìn tấn, nên năm đó lỗ khoảng
250 tỷ đồng.
Trong thời gian này, Cty Thái Sơn đã bán vật tư cho công ty công nghiệp tàu thủy
Thái Sơn (công ty con) với trị giá hơn 110 tỷ đồng để thực hiện hợp đồng đóng
mới 3 con tàu đã ký với công ty cho thuê tài chính II (ALCII).
Năm 2009, ALCII mới giải ngân được 60 tỷ đồng thì bị vỡ nợ và ngừng giải ngân.
Đến tháng 5-2010, công ty Thái Sơn chỉ thu hồi được 85% tiền gốc và mất lãi.
Đến năm 2011, tín dụng càng bị thắt chặt, lãi vay tới 24% (chưa kể các chi phí),
Cty Thái Sơn bắt đầu mất cân đối tài chính, không thể trả nợ đúng hạn và ngừng
trả lãi.
![]() |
Cha con đại gia Phạm Văn Thụ bị bắt, để lại món nợ trên 1.300 tỷ đồng (Trụ sở Cty TNHH công nghiệp thương mại Thái Sơn tại Hải Phòng, một trong các doanh nghiệp của gia đình ông Thụ). |
Tính đến tháng
2-2012, dư nợ vay của công ty Thái Sơn tại 13 tổ chức tín dụng
(12 ngân hàng và 1 công ty tài chính) là hơn 752 tỷ đồng.
Trong đó, nhiều ngân hàng tại Hà Nội và Hải Phòng có dư nợ lớn,
từ 70 -100 tỷ đồng. Đến thời điểm này, 100% khoản nợ của công ty
Thái Sơn đã thành nợ quá hạn.
Ngoài ra, Cty Thái Sơn còn nợ 7 công ty khác hơn 180 tỷ đồng.
Cty TNHH Thép Minh Thanh (trụ sở tại TPHCM), do ông Phạm Hải
Thanh (con trai ông Thụ) là giám đốc, hiện có dư nợ 380 tỷ đồng.
Như vậy, tổng số nợ của hai doanh nghiệp của bố con ông Thụ là
trên 1.300 tỷ đồng.
Ngày 14-8, trao đổi với Tiền Phong, một cán bộ của Cty Thái Sơn
cho biết, “Chỉ từ khi công ty Trường Sa vào mua công ty chúng
tôi thì quan hệ giữa công ty Thái Sơn và các chủ nợ trở nên căng
thẳng. Ngân hàng mới làm đơn tố cáo ông Thụ lừa đảo”.
Theo cán bộ này, Cty Trường Sa đã mua Cty Thái Sơn chỉ với giá
…1 USD (20.000 đồng) nhưng chưa được Sở KH&ĐT Hải Phòng cấp đổi
đăng kí kinh doanh mới.
Chết vì được ngân hàng cho vay... “đảo nợ”
Trong báo cáo gửi các ban ngành TP Hải Phòng ngày 4-7, hơn một
tháng trước khi bị bắt, ông Thụ cho biết, cuối năm 2008, Cty
Thái Sơn gặp khó khăn, dư nợ vay lớn nên không thể trả nợ đúng
hạn. Áp lực trả nợ gốc và lãi ngày càng lớn.
Trong vòng 4 năm (2008-2011), công ty Thái Sơn đã phải trả lãi
cho các tổ chức tín dụng hơn 400 tỷ đồng. Trong khi đó, các ngân
hàng bắt đầu thắt chặt tín dụng, khước từ mọi đề nghị vay vốn
mua hàng mới, không cho gia hạn nợ hay giảm lãi…
“Các tổ chức tín dụng chỉ hỗ trợ bằng cách cho vay mới để trả nợ
cũ và lãi nên công ty hầu như không tạo được nguồn vốn mới để
kinh doanh sinh lời. Công ty liên tục phải bán hàng hóa đã thế
chấp để trả lãi”- ông Thụ phân trần và cho rằng, đây là cách
“cực chẳng đã” phải làm để giúp công ty có lượng vốn duy trì
hoạt động, chờ cơ hội mới để vực dậy.
Mặc dù hình thức “vay đảo nợ” bị ngân hàng nhà nước cấm, nhưng
Cty Thái Sơn vẫn tìm được “cửa” để lách.
Theo một cán bộ NHNN, Cty Thái Sơn đã dùng vốn vay ngân hàng để
trả nợ cho chính ngân hàng chủ nợ (đảo nợ) và các ngân hàng
khác.
Bằng cách bán hàng cho các công ty trong nhóm và dùng lô hàng
này thế chấp vay vốn tại nhiều ngân hàng, Cty Thái Sơn đã có
được vốn để trang trải nợ nần. Thực chất, dòng tiền chỉ chạy
vòng quanh giữa các ngân hàng chủ nợ.
Qua xác minh, đã phát hiện 8 công ty có liên quan đến hoạt động
vay vốn lòng vòng của công ty Thái Sơn, gồm: Cty TNHH Thép Minh
Thanh, Cty TNHH công nghiệp tàu thủy Thái Sơn, Cty TNHH TM công
nghiệp Minh Thanh, Cty TNHH thương mại cơ khí An Dương, Cty TNHH
TM và VTB Hoàng Long, Cty CP công nghiệp thương mại Thanh Sơn,
Cty TNHH Thép Miền Trung, Cty TNHH công nghiệp đầu tư phát triển
thương mại Dương Bình.
Cuối năm 2010, ông Phạm Hải Thanh đã vay 270 tỷ đồng của chi
nhánh ngân hàng Đông Á tại TPHCM để mua tổng cộng 12.000 tấn
hàng dưới danh nghĩa Cty Thép Minh Thanh.
Sau đó, ông Thanh bán lại các lô hàng cho Cty Thái Sơn. Cty Thái
Sơn dùng số hàng này thế chấp vay vốn của nhiều ngân hàng để trả
nợ.
Một chủ nợ tại Hải Phòng cho biết, khi cho vay thế chấp bằng
hàng hóa, ngân hàng thường cho cán bộ tín dụng xuống tận nơi
kiểm tra hàng hóa. Nhưng nhiều khi, nhân viên công ty chỉ vào
một đống sắt thép trên bãi nói đây là lô hàng. Cán bộ tín dụng
cứ nhìn thấy hàng là tin rồi.
“Nếu ngân hàng không giám sát chặt chẽ, thì công ty có thể “qua
mặt” cán bộ tín dụng để mang hàng đi bán”, vị chủ nợ nói.
Nhưng ở đây, sở dĩ nhiều ngân hàng bị quả đắng khi cho vay bằng
tài sản thế chấp là hàng hóa, còn do dữ liệu về tài sản bảo đảm
là hàng hóa đăng kí tại Trung tâm thông tin tín dụng (Ngân hàng
nhà nước) và Cục đăng kí giao dịch bảo đảm chỉ thể hiện: loại
hàng, khối lượng, tên người vay, ngân hàng cho vay. Mà không có
bất cứ thông tin gì về tình trạng lô hàng lưu ở đâu, hiện còn
hay đã bán.
Thậm chí, nếu doanh nghiệp “phù phép” thay đổi chủ sở hữu lô
hàng và tiếp tục đem hàng hóa đó thế chấp ở nhiều ngân hàng, thì
hệ thống cũng không phát hiện được. Đây là một trong nhiều kẽ hở
để doanh nghiệp dùng một tài sản thế chấp cho nhiều khoản vay.
Theo một chuyên gia ngân hàng, với các khoản vay thế chấp bằng
hàng hóa, ngân hàng cần xem xét các điều kiện liên quan đến
nghĩa vụ trả nợ như có tài sản thế chấp, tài sản bổ sung hay
không?
Vì có ngân hàng chỉ cần có hàng hóa thế chấp mà không cần tài
sản bảo đảm, nên khi doanh nghiệp không trả nợ thì rất dễ bị mất
vốn.
Theo Tiền phong