- Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
- Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
- Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
- Mục này không có nhuận bút.
3 bước để cha mẹ chỉ nói một lần nhưng con chịu hợp tác hơn
Dạy con nghe lời, chịu hợp tác với yêu cầu của bố mẹ luôn là "bài toán khó" mà phụ huynh nào cũng dễ nản lòng.
Dạy con nghe lời, chịu hợp tác với yêu cầu của bố mẹ luôn là "bài toán khó" mà phụ huynh nào cũng dễ nản lòng.
Rất rất nhiều gia đình gặp tình trạng cha mẹ phải nhắc nhiều lần con mới làm theo. Từ chuyện đi học, đi tắm, dọn cơm ăn, mặc quần áo, dọn nhà dọn cửa, từ 3 tuổi đến 18 tuổi, đầy đủ cả, không thiếu một trường hợp nào.
Mong muốn của bố mẹ là con "nghe lời", nhưng hãy thử nhìn nhận sự việc ở góc khác đi, đó là mong muốn sự "hợp tác" ở con thì mọi việc sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Chị Thủy Tulip, từng là giáo viên ở TP.Hồ Chí Minh, hiện đang định cư ở New Zealand đã chỉ ra những nguyên nhân của tình trạng trẻ không chịu hợp tác với yêu cầu của bố mẹ và gợi ý 3 bước giúp trẻ hợp tác hơn. Bài viết dựa trên hiểu biết và kinh nghiệm cá nhân qua quan sát cách giáo dục trong các gia đình phương Tây và áp dụng vào hoàn cảnh của giáo dục Việt Nam.
Khi bạn yêu cầu con làm bất cứ việc gì thì phải nói thật rõ và ngắn gọn, thậm chí phải làm mẫu cho trẻ (Ảnh minh họa)..
Nguyên nhân của tình trạng con chưa hợp tác, phải nói đi nói lại nhiều lần
1. Cha mẹ chưa thực sự nói với trẻ
Khi bạn nói với con là phải làm việc này, việc kia mà bạn lại ở một nơi nào đó trong nhà gọi với sang phòng, trong khi con đang mải mê xem tivi, chơi game, chơi đồ chơi... Khi tập trung vào cái gì đó, nhất là những thứ đòi hỏi khả năng tập trung cao hoặc những chương trình thú vị, trẻ đang say mê vào đó nên dù bạn có đứng bên cạnh nói, trẻ cũng sẽ không nghe thấy. Trong khi đó, bạn còn không đứng bên cạnh mà đứng rất xa ở đâu đó, lời nói của bạn lúc này đơn giản chỉ là một loại tiếng ồn, không có ý nghĩa gì đối với trẻ.
2. Cha mẹ nói không rõ yêu cầu
Với trẻ nhỏ, khả năng nghe và phân tích ngôn ngữ vẫn còn hạn chế. Khi cha mẹ nói dài thì chưa chắc trẻ đã tiếp thu và nắm được ý chính ngay lập tức. Vì vậy, khi bạn yêu cầu con làm bất cứ việc gì thì phải nói thật rõ và ngắn gọn, thậm chí phải làm mẫu cho trẻ.
Nếu bạn nói con làm một việc gì đó kèm theo hậu quả như "Nếu con không làm cái này thì con sẽ bị thế kia", con bạn ngay lập tức chỉ nắm được "bị thế kia" chứ không nhớ được phần "làm thế này". Vì vậy, bạn chỉ nên nói "Hãy làm thế này giúp mẹ".
Một trường hợp khác là trẻ chưa làm xong cái này, đã bị cha mẹ sai làm cái khác. Điều này gây bối rối và bực bội cho trẻ. Trẻ cảm thấy không khi nào có thể làm hài lòng cha mẹ.
Trường hợp khác nữa là cha mẹ nói chung chung, khi trẻ làm không vừa ý thì lại quát mắng. Nếu bạn muốn trẻ làm theo ý mình thì bạn phải nói rõ hoặc làm mẫu cho con.
3. Cha mẹ cho phép điều tương tự đã xảy ra
Khi trẻ không nghe hoặc nghe thấy nhưng không làm ngay, trẻ biết là cha mẹ chắc chắn sẽ nhắc lại hoặc cùng lắm là bị ba mẹ quát cho vài cái. Sau nhiều lần như thế, trẻ nghĩ lời nói hay yêu cầu của cha mẹ cần làm ngay, và điều đó trở thành thói quen lúc nào không hay.
4. Trẻ cần có sự chuẩn bị khi chuyển từ hoạt động này sang hoạt động kia
Từ hoạt động thú vị như xem tivi, chơi, nói chuyện chuyển sang các hoạt động có phần chán nản và mệt mỏi như đọc sách, ngồi vào bàn làm bài, ngay cả người lớn cũng sẽ thấy thật khó khăn. Bạn không thể mong đợi nói một cái là con làm ngay lập tức được, bởi vì nó là tâm lý của con người. Cái gì hứng khởi thì nhanh lắm, nhưng cái gì chán thì dĩ nhiên là sẽ tìm cách trì hoãn.
Dạy con kĩ năng lắng nghe, nghe là phải nhìn vào mắt của người đối diện (Ảnh minh họa).
3 bước xây dựng thói quen chỉ nói một lần con hợp tác luôn
Bước 1: Đảm bảo con thực sự chú ý đến lời nói của cha mẹ
Con bạn đang xem tivi/ đang chơi điện tử/ điện thoại/ipad, hãy nhẹ nhàng đến bên cạnh, chạm vào người con để gây chú ý, sau đó nói con dừng chơi, tắt âm thanh của tivi. Chỉ bắt đầu nói khi con bạn đã nhìn bạn. Lúc này, bạn đang giao tiếp với con, nhưng đồng thời bạn cũng dạy con kĩ năng lắng nghe, nghe là phải nhìn vào mắt của người đối diện.
Bước 2: Đảm bảo con hiểu rõ yêu cầu
Khi bạn nói với con, bạn cần nói ngắn gọn, rõ ràng cần làm việc gì, trong bao nhiêu phút, lúc nào, bao giờ, và tốt nhất là ở dạng câu hỏi để trẻ phải trả lời.
Chỉ cần nói ngắn gọn: "Đã gần tới 7 giờ tối rồi, con sẽ phải làm gì lúc 7 giờ tối nhỉ?". Hoặc: "Sau 2 phút nữa, con sẽ đi lấy đồ phơi giúp mẹ. Nhắc lại cho mẹ biết, con sẽ phải làm gì nào?".
Hãy nói với giọng nhẹ nhàng, bình tĩnh, tươi vui, cho dù con không hợp tác ngay cũng cần kiềm chế. Nếu bạn không thay đổi bản thân nhưng cứ mong con ngoan, nghe lời trong vòng một đêm thì điều đó khó thành hiện thực.
Bước 3: Theo dõi và kiểm tra
Cha mẹ chính là người huấn luyện của trẻ và trẻ thì hay quên. Khi bắt đầu tập cho trẻ một thói quen gì đó, bạn phải đứng đó, giám sát cho tới khi trẻ có thái độ tự giác.
Nếu trước giờ bạn quát trẻ, nhắc trẻ nhiều lần mà vẫn không cải thiện tình hình, vậy bạn thử cách mới.
Cha mẹ phải nghiêm túc và đảm bảo lời nói của mình trước sau như một (Ảnh minh họa).
Các nguyên tắc khi áp dụng 3 bước trên
Hãy tin tưởng vào trẻ: Tin rằng con mình sẽ tiến bộ hơn, tin rằng con mình nhất định sẽ làm được những điều mà bạn nghĩ rằng trẻ sẽ cần.
Hãy cho trẻ thời gian để chuyển tiếp hoạt động: Nếu con bạn có càu nhàu, bực bội vì bị tắt tivi và phải đi học, đang chơi mà phải đi ăn, đi tắm, bạn nên đến nói cho con biết con sẽ phải ngừng nó trong bao nhiêu lâu nữa, để trẻ có sự chuẩn bị tâm lý.
Hãy chấp nhận sự trì hoãn của trẻ nhưng không thỏa hiệp: Khi bạn chấp nhận con mình có sự trì hoãn, bạn sẽ bình tĩnh hơn và tiến hành các bước đưa con vào thói quen tốt. Nhưng bạn không thỏa hiệp. Tới giờ đó là con phải làm, không được thêm tí tí, không là không. Bạn phải nghiêm túc, đảm bảo lời nói của bạn trước sau như 1, không có ngoại lệ, và không có du di.
Khen trẻ bất kì khi nào có cơ hội: Dù trẻ bớt trì hoãn chỉ cần 1 giây, bạn cũng cần khen trẻ ngay, khen tới khi trẻ làm được như ý cha mẹ muốn.
Phải lắng nghe và thấu hiểu trẻ: Thấy trẻ có thái độ khó chịu, cha mẹ nên gọi tên cảm xúc của trẻ, để trẻ thấy rằng cha mẹ hoàn toàn có thể hiểu trẻ đang nghĩ gì.
Theo Helino