- Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
- Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
- Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
- Mục này không có nhuận bút.
Đừng chần chừ nữa, bố mẹ PHẢI ĐỌC NGAY để con không bị xâm hại tình dục
Kẻ xâm hại tình dục có thể là bất cứ ai, xảy ra ở bất cứ đâu nên điều quan trọng là bố mẹ luôn cần ÔN ĐI ÔN LẠI cho con những bài học tự bảo vệ bản thân.
Kẻ xâm hại tình dục có thể là bất cứ ai, xảy ra ở bất cứ đâu nên điều quan trọng là bố mẹ luôn cần ÔN ĐI ÔN LẠI cho con những bài học tự bảo vệ bản thân.
>> Toàn cảnh: Nghi án học sinh lớp 1 bị xâm hại ở Sài Gòn
Những ngày qua, vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em lại nhức nhối hơn bao giờ hết bởi liên tiếp các vụ việc xảy ra: bé gái 7 tuổi bị xâm hại ngay tại trường tiểu học L.T.V (Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh), cháu bé 8 tuổi bị xâm hại tình dục nhiều lần ở Hoàng Mai, Hà Nội. Hiện tại, các phụ huynh đang rất lo lắng tìm mọi cách bảo vệ con mình tránh khỏi vấn nạn này. Quy tắc bàn tay, quy tắc đồ lót… đều được mang ra chỉ dạy trẻ tận tình. Nhưng trong thực tế, những quy tắc ấy lại không được áp dụng với người thân quen, trong khi, hầu hết các trường hợp trẻ em bị lạm dụng, tội phạm lại xuất phát từ những đối tượng mà trẻ gần gũi: người giữ trẻ, người thân, hàng xóm, bạn bè của cha mẹ.
Xâm hại tình dục trẻ em - nỗi đau hằn sâu, vết thương cả thể xác lẫn tinh thần không gì có thể chữa lành được (Ảnh minh họa).
Dưới đây là một số lời khuyên cơ bản hướng dẫn cha mẹ dạy trẻ cách bảo vệ mình nhằm ngăn ngừa tình trạng bị lạm dụng tình dục.
1. Trò chuyện với trẻ
Cha mẹ hãy sử dụng những câu chuyện, những đoạn phim nói về tình trạng trẻ em bị xâm hại để mở đầu cuộc trò chuyện. Hoặc cha mẹ cũng có thể mua một vài quyển sách về giáo dục giới tính để vào giá sách của trẻ. Hãy sử dụng chúng là những cầu nối để bắt đầu một buổi nói chuyện về việc lạm dụng tình dục ở trẻ em.
2. Gọi tên chuẩn xác từng bộ phận trên cơ thể
Cha mẹ nên dạy cho trẻ tên gọi các bộ phận của cơ thể ngay khi trẻ bắt đầu biết nói. Nếu chẳng may, trẻ gặp phải tình huống xấu, trẻ cần phải có khả năng truyền đạt rõ ràng cho cha mẹ hoặc bất cứ ai về những gì đang xảy ra. Gọi tên chính xác các bộ phận trong cơ thể, bao gồm cả “vùng kín” cũng làm giảm sự xấu hổ khi nói về tình dục.
3. Không ai được phép chạm vào bộ phận riêng tư
Bao gồm: dương vật, âm đạo, âm hộ, mông, vú và núm vú.
Đây là những "vùng riêng tư" mà trẻ tuyệt đối không được cho ai nhìn hoặc chạm vào.
Hãy luôn nhắc nhỏ trẻ rằng không ai được phép chạm vào phần riêng tư của trẻ trừ cha mẹ, hoặc bác sĩ nếu cha mẹ có mặt ở đó. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên nhấn mạnh cho trẻ hiểu không ai có quyền chạm vào cơ thể người khác, nếu người đó chưa cho phép, cho dù là nắm tay hay hôn đều không được.
4. Đặt tình huống giả định cho trẻ giải quyết
Cha mẹ hãy đặt những câu hỏi để trẻ học cách giải quyết:
- Con sẽ làm gì nếu ai đó chạm vào… của con?
- Con sẽ nói việc này với ai?
- Con sẽ làm gì nếu người đó dặn “đó là bí mật của chúng ta”?
- Con sẽ làm gì nếu họ đe dọa như sẽ đánh con, hoặc không cho con kẹo nếu con nói chuyện này ra ngoài?
5. Quy tắc "không bí mật"
Nếu ai đó, thậm chí là ông bà, nói với trẻ “Đây là bí mật của chúng ta” thì trẻ nên trả lời một cách mạnh mẽ nhưng lịch sự: “Không có bí mật nào ở trong nhà của con cả”. Cha mẹ nên lặp đi lặp lại câu “thần chú” này để trẻ luôn nhớ: “Đôi khi chúng ta có những bất ngờ nhưng không bao giờ được giữ bí mật. Cha mẹ và con sẽ nói cho nhau nghe về mọi thứ”.
6. Quy tắc “đồng ý”
Nếu ai đó muốn chạm vào trẻ thì chắc chắn phải nhận được sự đồng ý từ trẻ (Ảnh minh họa).
Cha mẹ nên nói rõ cho trẻ hiểu quy tắc cơ bản khi muốn chạm vào cơ thể người khác, đó là xin phép. Và nếu họ nói “không được phép” thì mình phải dừng lại, không được tùy tiện chạm vào người khác. Quy tắc “đồng ý” nên được thực hiện trong gia đình. Ví dụ: cha mẹ muốn hôn trẻ thì phải xin phép “mẹ hôn con một cái có được không?” và ngược lại.
7. Khuyến khích trẻ kể những điều đã xảy ra khiến trẻ sợ hãi, buồn hoặc không thoải mái
Lắng nghe trẻ nói, đồng cảm và ôm trẻ là cách cha mẹ trấn an con mình, rằng cha mẹ vẫn luôn ở bên bảo vệ con. Vì vậy, việc thường xuyên nói chuyện, chia sẻ thông tin giữa cha mẹ và trẻ là rất quan trọng.
8. Cam kết với trẻ là cha mẹ sẽ không bao giờ trách mắng
Thường những kẻ lạm dụng tình dục trẻ em hay hù dọa là nếu nói ra chuyện này thì cha mẹ sẽ không yêu trẻ nữa. Đã có những đứa trẻ chấp nhận chịu đựng nỗi đau một mình. Vì vậy, khi nói chuyện với con, cha mẹ nên quan tâm đến cảm nghĩ của trẻ.
Cha mẹ hãy hỏi trẻ nếu trong trường hợp đó, trẻ có nói với cha mẹ không, sẽ làm gì? Từ đó, cha mẹ có thể đưa ra những lời gợi ý để giúp trẻ giải quyết tình huống. Điều quan trọng là cha mẹ cần cam kết sẽ không tức giận, không la mắng, luôn yêu thương trẻ.
9. Không bao giờ ép trẻ ôm hôn ai, kể cả người thân
Trẻ có quyền được từ chối ôm hoặc hôn bất kỳ ai nếu trẻ không muốn, kể cả cha mẹ và ông bà (Ảnh minh họa).
Trẻ có toàn quyền với cơ thể của mình. Cha mẹ cần cho phép trẻ quyền được từ chối ôm hoặc hôn bất kỳ ai mà trẻ không muốn, kể cả cha mẹ và ông bà. Vì tội phạm lạm dụng tình dục trẻ em không phải chỉ có người lạ, mà đối tượng còn có thể chính là những người thân quen và trong gia đình.
10. Không để trẻ ở một mình với bất kỳ ai, ngoại trừ cha mẹ thật sự tin tưởng người đó
Hầu hết phạm nhân trong những vụ lạm dụng tình dục đều có quen biết với gia đình nạn nhân: như hàng xóm, giáo viên, người thân hoặc bạn bè của cha mẹ - những người hầu như chúng ta không đề phòng. Tuy nhiên, nếu cha mẹ tin vào bản năng, tin vào linh cảm và chú ý đến con của mình thì hoàn toàn có thể phòng tránh được những đối tượng này.
11. Khuyến khích trẻ tin tưởng vào cảm giác của mình
Nếu cảm thấy có điều gì đó không an toàn, trẻ nên bỏ đi ngay và thông báo cho cha mẹ biết điều đó càng sớm càng tốt. Trẻ cần phải hiểu điều quan trọng là giữ an toàn cho bản thân hơn là giữ lịch sự.
Theo H.Hạnh (Trí Thức Trẻ)