- Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
- Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
- Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
- Mục này không có nhuận bút.
Hãy đọc bài này trước khi bạn định HÉT LÊN với con
La hét chỉ là một phương pháp cảnh báo, việc hét lên không phải là một hình phạt hoặc cách bạn xử lý những sai phạm nho nhỏ hàng ngày của con.
>> Hai cách dạy con ngoan cực hiệu quả mà nhiều cha mẹ Việt không hề biết
Có bố mẹ hét lên với con mọi lúc mọi nơi, có thể thỉnh thoảng chuyện đó mới xảy ra (nhưng trận nào cũng thật dữ dội), hoặc có bố mẹ không bao giờ làm thế. Nếu bạn không hét lên với con, xin chúc mừng! Bạn là người cha/người mẹ tuyệt vời, biết cách kiểm soát cảm xúc của mình! Còn nếu bạn từng làm vậy với con, thực ra cũng rất đáng thông cảm, bạn cũng là con người mà. Nhưng chúng ta nên biết những tiếng la hét thực sự sẽ ảnh hưởng đến con như thế nào và cách bạn có thể giảm hoặc loại bỏ "thói quen" đó ra khỏi cuộc sống của bạn.
La hét không phải lúc nào cũng xấu nhưng...
Bạn không đọc nhầm đâu. Tiếng hét đôi khi hữu ích và thậm chí cần thiết. Theo quan điểm của các nhà tâm lý học: "Tiếng la hét giống như tiếng báo động của con người. Hãy thận trọng khi sử dụng và chỉ dùng nó như là một tín hiệu cảnh báo sự nguy hiểm". Việc la hét là một hình thức hiệu quả để cảnh báo cho trẻ về những tình huống nguy hiểm tiềm ẩn. Nhưng bạn nên nhớ rằng la hét chỉ là một phương pháp cảnh báo, không phải là một hình phạt hoặc cách bạn xử lý những sai phạm nho nhỏ hàng ngày của con.
Dưới đây là những hậu quả của việc la hét với con mà có thể nhiều bố mẹ không lường trước được:
1. Khiến trẻ hiếu chiến hơn
Tiếng la hét có thể khiến con bạn phản ứng đáp trả bạn (Ảnh minh họa).
Nếu bạn muốn con dừng một hành vi nào đó hoặc trở nên bình tĩnh, thì việc liên tục la hét không phải là cách để đạt được mục đích. Hãy nhớ rằng, lúc này con bạn đang hết sức lo sợ do lỗi lầm mình gây ra và sẽ phản ứng lại những gì hoàn cảnh tác động lên nó. Nếu bạn phản ứng bình tĩnh thì thái độ đó sẽ giúp khơi dậy cảm giác an toàn, tin tưởng và tình yêu bên trong con.
Ngược lại, nếu bạn la hét, quát mắng, thì nó sẽ đẩy bộ não của đứa trẻ vào trạng thái "sẵn sàng chiến đấu". Não bộ của con có cơ chế tự vệ để bảo vệ con trước mọi nguy hiểm. Nó sẽ khởi động chế độ đóng băng hoặc tham chiến. Tiếng la hét có thể khiến con bạn phản ứng đáp trả bạn (chúng có thể đánh bạn nếu chúng thấy mình đã đủ sức). Nó cũng có thể khiến cho con bỏ đi không thèm đếm xỉa đến bạn, bỏ chạy hoặc nhìn chằm chằm vào bạn trong sợ hãi. Các nghiên cứu não bộ đã chứng minh rằng, về lâu dài, việc bị bố mẹ la hét sẽ "làm cho trẻ em hiếu chiến hơn về thể chất và cả lời nói".
2. Việc liên tục la hét sẽ dạy con rằng bạn không nói nghiêm túc cho đến khi hét lên
Thông thường, chúng ta la hét con với hy vọng rằng chúng sẽ học được cách hợp tác, nghe lời bạn mà không cần phải la hét vào những lần tiếp theo. Nhưng điều này có tác dụng ngược lại. Nó dạy cho con bạn rằng: bạn không nghiêm túc đâu, chúng không cần phải nghe lời đâu, hãy cứ chờ cho đến khi bạn bắt đầu la hét thì mới là nghiêm túc và chúng mới phải làm những gì bạn yêu cầu. Điều này thật nguy hiểm.
3. Giảm khả năng giao tiếp và tiếp thu
Tiếng la hét không phải là một cách giao tiếp hiệu quả. Có một thực tế trớ trêu là chính bạn đang hét lên với con để mong con không hét lên trong cơn ăn vạ, khóc lóc nữa. Chúng ta hét lên với hi vọng rằng nếu chúng ta nói to (hoặc hét lớn) thì con sẽ chịu ghi nhớ những gì mình nói. Nhưng điều đó không thực sự xảy ra. Dù bạn có đang phân tích có lý như thế nào, nhưng nếu bạn đang hét lên, thì những lý luận đó cũng sẽ không "thấm" vào con 1 cách hiệu quả như khi bạn áp dụng các phương pháp bình tĩnh hơn (trừ khi đó là trường hợp nguy hiểm).
Theo các nhà tâm lý học thì tiếng hét không truyền tải được nội dung thông điệp đến trẻ em, dù là trẻ lớn hay nhỏ, bởi vì bạn đang khiến chúng bận rộn bảo vệ bản thân mình khỏi một nguy cơ tiềm tàng hoặc thực sự (nguy cơ đó chính là "cơn điên" của bạn) và chúng sẽ hoàn toàn quên mất nội dung đối thoại.
4. Hủy hoại niềm tin của con dành cho bạn
La hét nhiều sẽ làm xói mòn niềm tin của con với bạn (Ảnh minh họa).
Điều này thật đúng. Việc bạn thường xuyên sử dụng sự sợ hãi để con làm theo những gì bạn muốn hoặc mọi việc được theo ý mình thì sẽ làm xói mòn niềm tin của con với bạn.
Thay vì la hét, bạn có thể:
- Tiếp cận hoặc giải quyết vấn đề 1 cách hài hước.
- Cảnh báo trẻ 1 cách bình tĩnh về việc dọn dẹp đồ chơi của mình hoặc đi ngủ đúng giờ.
- Phản ứng lại tình huống bằng sự đồng cảm, nhìn từ quan điểm của con, chứ không phải là phản ứng lại vấn đề. Ví dụ, bạn có thể nhìn từ góc độ của con rằng con đã có 1 buổi tối chơi vui vẻ như thế nào trước khi đi ngủ, con đã hạnh phúc và sáng tạo như thế nào trong việc lắp ghép những mô hình mới, chứ không phải là đã gây ra 1 đống lộn xộn các mảnh ghép lego.
Có thể bạn không hoàn hảo, nhưng hãy cố giữ bình tĩnh
Thật không dễ để giữ bình tĩnh khi đã 12 giờ đêm mà lũ trẻ vẫn còn đang thức và quậy phá, nhất định không chịu đi ngủ; chúng làm vỡ món đồ đắt tiền bạn mới mua; chúng không chịu làm bài tập và bị khiển trách; chúng trốn học đi chơi; …
Nhưng việc giữ bình tĩnh của bạn sẽ được đền đáp. Bạn sẽ nuôi dạy được những đứa trẻ đầy lòng tin, tình yêu và biết chịu trách nhiệm, chứ không phải là những đứa trẻ luôn nơm nớp sợ hãi hay sẵn sàng gây gổ. Nếu trước đây cha mẹ bạn liên tục hét vào mặt bạn khi bạn còn bé, đừng lặp lại "truyền thống gia đình" đó với con bạn. Hãy mạnh mẽ hơn! Cả con bạn và bạn đều xứng đáng được hạnh phúc hơn, chứ không phải là ám ảnh hoặc ghét nhau vì những trận la hét trong quá khứ!
Theo Trí thức trẻ