Không phải trường xịn đẹp, đây mới là tiêu chí mẹ Đỗ Nhật Nam chú trọng khi chọn trường mẫu giáo cho con

Không phải những ngôi trường khang trang với cơ sở vật chất long lanh, những tiêu chí chọn trường mẫu giáo mà mẹ Đỗ Nhật Nam gợi ý tập trung chủ yếu vào những tiêu chuẩn khác.

Không phải những ngôi trường khang trang với cơ sở vật chất long lanh, những tiêu chí chọn trường mẫu giáo mà mẹ Đỗ Nhật Nam gợi ý tập trung chủ yếu vào những tiêu chuẩn khác.

Với tất cả các phụ huynh, thời điểm quyết định cho con đi học luôn là bước ngoặt đánh dấu sự thay đổi lớn không chỉ với trẻ mà còn với cả gia đình. Chính vì thế, một trong những mối quan tâm lớn của các cha mẹ là làm thế nào để chọn trường mẫu giáo cho con theo học lâu dài, không phải chuyển trường.

Sẽ có những tiêu chí khác nhau được đặt ra với mỗi gia đình, và điều kiện về thời gian, kinh tế, mức độ đầu tư cho con của mỗi bậc phụ huynh cũng hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, mong mỏi lớn nhất của tất cả cha mẹ vẫn là tìm được một môi trường học tập phù hợp nhất để con nhanh chóng hòa nhập với môi trường mẫu giáo.

Nếu bố mẹ nào chuẩn bị cho con đi học mầm non, hãy tham khảo bài viết của chị Phan Hồ Điệp - mẹ Đỗ Nhật Nam dưới đây để chọn được trường mầm non tốt nhất cho con:

Thế nào là một trường mầm non tốt? Tiêu chuẩn thì có nhiều nhưng mình nghĩ sẽ tập trung ở những điểm chính sau đây, các bạn xem có đồng ý không nhé:

Một trong những tiêu chí chọn trường mầm non mà chị Phan Hồ Điệp gợi ý là phụ huynh cần xem xét trường học có tận dụng mọi cơ hội để trẻ gần với thiên nhiên hay không.

1. Các giáo viên luôn có mặt trong giờ học, giờ chơi của trẻ nhưng không phải để làm hộ mà để nhắc nhở, động viên và giám sát sự an toàn cho trẻ.

2. Trường học tận dụng mọi cơ hội để trẻ gần với thiên nhiên: Một vài cái cây đặt trong góc phòng; một vài bình cá; lọ hoa trong phòng cô hiệu trưởng và em nào cũng có thể ghé qua chơi…

3. Trong thời gian biểu của trường luôn có thời gian chơi tự do: khi đó các trẻ được lựa chọn trò chơi riêng hoặc chơi theo nhóm, theo vòng, tự quyết định bạn "lãnh đạo". Hầu hết các tương tác xã hội sẽ được hình thành khi chơi tự do.

4. Trường có quy định cụ thể giữa hành vi trong lớp và hành vi ở các nơi khác như phòng ăn, phòng tập. Từ 2 tuổi trẻ có thể điều chỉnh hành vi để phù hợp với các hoàn cảnh khác nhau và trường học là nơi lý tưởng để trẻ thực hành điều đó.

5. Trường có giao "bài tập về nhà" cho trẻ: Bài tập sẽ yêu cầu về việc ghi nhớ, ví dụ: Con nhờ bố mẹ kí vào tờ giấy này/ Con nhớ đọc bài thơ cho mẹ/ Con nhớ cùng bố chơi trò chơi này/ Con nhớ buổi học tới mang theo một chiếc lá/ Con nhớ mang theo một đồ chơi con thích ở nhà và kể cho các bạn về đồ chơi đó… Đây chính là bước khởi đầu để con sẽ dễ dàng hơn khi học tiểu học. Tất nhiên các cô giáo cần nhắc nhở các con trước khi ra về và kiểm tra vào sáng hôm sau.

6. Trường có những nhận xét tỉ mỉ về các kĩ năng thực hành của các bé, ví dụ:

Con có tuân thủ các quy định đơn giản trong lớp không?

Con có thể ở gần bạn khác mà không đánh bạn không?

Con có lắng nghe cô nói trong vòng 10 phút không?

Con có ghi nhớ được các chỉ dẫn của cô không?

Con có thực hiện các công việc có hai bước với một lần nhắc nhở không?

Con có thể ngồi ăn suốt một bữa mà không cần nhắc nhở không?

Con có tỏ ra bực mình, khó chịu, chán nản, buồn bực khi gặp một nhiệm vụ khó không.

Con có chơi hòa đồng với các bạn khác không?

Con có dễ hòa nhập, dễ thích nghi với những tình huống thay đổi (ví dụ giáo viên mới) không?

Con có thể thực hiện công việc liên quan đến học bao gồm 2-3 bước không? ( ví dụ tự tô màu và vẽ hình lên một tờ giấy để tặng mẹ)..

Trường không dùng ti vi làm phương tiện để "dụ" trẻ (Ảnh minh họa).

Các tiêu chí này cần tỉ mỉ và cô giáo, nhà trường có thể đánh giá theo thang điểm theo từng tuần hoặc từng tháng. Các cô cũng có kĩ năng nhận xét để bố mẹ có thể hiểu được con khi ở trường nhưng đồng thời thấy vui vẻ với những tiến bộ nho nhỏ của con.

7. Nhà trường có phần thưởng "vật chất" cho bé ví dụ thưởng bằng bắp cải, cà rốt và dặn các con mang về cùng với bố mẹ nấu bữa tối.

8. Nhà trường có những cách tổ chức các buổi lễ linh hoạt, thay vì khai giảng ở trường có thể tổ chức trong một bảo tàng, một công viên…

9. Giờ ăn không có cảnh các cô chan nước vào bát rồi ngồi xúc một loạt. Hãy để cho các con được ăn theo nhu cầu. Các bố mẹ cũng đừng sốt ruột, đừng chỉ có câu hỏi duy nhất với các cô là: Hôm nay cháu có ăn được không? Trẻ chạy nhảy nhiều, hoạt động nhiều ắt sẽ có nhu cầu ăn.

10. Trường không dùng ti vi làm phương tiện để "dụ" trẻ. Đến nhiều trường mầm non thấy cảnh các con ngồi dưới nền nhà nhất loạt ngước lên xem ti vi, thấy xót xa cho mắt của các bé lắm.

11. Trường có những quy tắc cho cả con và cho cả bố mẹ. Mình vẫn luôn muốn trường học là nơi có những vị trí đặc biệt trong lòng trẻ.

12. Các cô trong trường ăn mặc giản dị, đừng để móng tay dài vì mầm non có những đặc thù riêng khi dạy học.

Những tiêu chuẩn này không tốn tiền, không cần phải là những trường tư thục với giá học phí cao mới làm được, phải không bạn.

Hôm trước mình đi nói chuyện ở một trường mầm non khu vực Lĩnh Nam, mình cứ đứng ngẩn người trước thư viện của trường. Nó quá đẹp với nhiều đầu sách nhưng mình thích hơn cả là trong thư viện có một cái ống "bí mật". Ở đó trẻ có thể nhấc nắp lên và tụt xuống dưới. Ngay cả cầu thang đi cũng có một đường dành cho đi bộ, một đường dành cho các bạn thích trượt.

Ôi, chắc sẽ có nhiều trò chơi tuổi thơ "thần thánh" lắm từ những cầu trượt này. Mình tin rằng đó là những ngôi trường được làm nên từ kí ức tuổi thơ, từ tình yêu với con trẻ.

Vài nét về tác giả

Chị Phan Hồ Điệp (sinh năm 1975) là giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Chị được nhiều phụ huynh ngưỡng mộ về cách nuôi dạy con trai - "thần đồng" Đỗ Nhật Nam - người được biết đến với bảng thành tích đáng nể: Tổng biên tập tờ báo Creative Melange (tờ báo tuổi Teen của Đông Nam Á), kỷ lục dịch giả nhỏ tuổi nhất và là tác giả nhiều cuốn sách "Tớ đã học tiếng Anh như thế nào", "Những con chữ biết hát", "Bố mẹ đã cưa đổ tớ"...

Theo Helino


chọn trường cho con

Phan Hồ Điệp

Đỗ Nhật Nam

chọn trường mẫu giáo

chọn trường mầm non


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.