Nghĩ như 'teen' để cùng con vượt sốc tuổi dậy thì

Khi con gái ở tuổi teen, chị cũng phải teen như con. Đây là kinh nghiệm của chị Cù Thị Nguyệt Tùng (51 tuổi, ở Việt Trì, Phú Thọ) khi cùng con vượt sốc ở tuổi dậy thì.

Khi con gái ở tuổi teen, chị cũng phải teen như con. Đây là kinh nghiệm của chị Cù Thị Nguyệt Tùng (51 tuổi, ở Việt Trì, Phú Thọ) khi cùng con vượt sốc ở tuổi dậy thì.

1. Con gái út Nguyễn Thu Trang của chị Tùng năm nay 14 tuổi. Ở tiểu học Thu Trang luôn là học sinh (HS) giỏi, còn giành giải Nhất thành phố môn Toán. Lên cấp 2, Trang học tại lớp chuyên Văn ở trường chuyên của tỉnh, là lớp trưởng, còn được chọn vào đội tuyển thi HS giỏi Văn. Chị Tùng tưởng mọi việc sẽ suôn sẻ mãi như vậy. Nhưng, chỉ sau 1 học kỳ năm lớp 6, Trang bắt đầu có biểu hiện chán học và học yếu dần. Lên lớp 7, khủng hoảng tăng hơn khi Trang bị phân tán tư tưởng, chỉ muốn bỏ hết sách vở. Kỳ thi sát hạch lần đó, Trang đạt kết quả gần thấp nhất đội tuyển. Vốn rất cá tính, Trang đã tự gặp cô chủ nhiệm, đề nghị được ra khỏi đội tuyển thi Văn và xin chuyển lớp khác.

Mâu thuẫn giữa chị Tùng và con gái bắt đầu bùng nổ. Chị Tùng không muốn con chuyển lớp, ra khỏi đội tuyển HS giỏi. Trong khi đó, Trang lại cho rằng, mẹ không hiểu mình. Cả hai mẹ con đều thất vọng về nhau.

img_4545.JPG

Chị Nguyệt Tùng (trái) và con gái Nguyễn Thu Trang

Hiểu rằng, trong thời @, nuôi con không chỉ dựa vào bản năng mà còn cần đến kiến thức, một ngày, biết tin có chuyên gia tâm lý tới Việt Trì nói chuyện về đề tài cha mẹ giúp con vượt qua khủng hoảng tuổi dậy thì, chị Tùng đã cùng con gái tới tham dự. Tại đây, trước sự chứng kiến của rất đông người, con gái chị đã đứng lên phát biểu, chỉ trích mẹ không hiểu mình. Tuy nhiên, cũng vì thế mà chuyên gia tâm lý đã giúp chị tích cực để hóa giải mâu thuẫn với con.

Theo lời khuyên của chuyên gia, chị cố gắng dành thật nhiều thời gian cho con. Thay vì định hướng con bằng những câu mệnh lệnh như: “Mẹ cấm con chuyển lớp!”, “Con không được ra khỏi đội tuyển HS giỏi!”, chị chuyển hướng thủ thỉ với con: “Con quyết định thế nào mẹ cũng ủng hộ con. Nhưng, mẹ là người đi trước nên có nhiều điều có lẽ mẹ hiểu hơn con. Mục tiêu lâu dài của con là thi vào trường cấp 3.


Nếu bây giờ con chuyển sang học lớp khác, con sẽ phải bắt tay từ đầu. Liệu thời gian có chờ đợi con không?”. Chị Tùng bằng lời nói đã chứng minh cho con thấy mình là đồng minh chứ không phải người đối đầu áp chế của con. Chị đưa cho con những câu hỏi mở để con tự suy nghĩ chứ không trả lời thay cho con. Sau mấy ngày suy nghĩ, con gái của chị đã đồng ý không chuyển khỏi lớp chuyên nữa.

Nhờ chị thường xuyên chia sẻ mà hai mẹ con bắt đầu hiểu nhau hơn. Chị Tùng có thói quen là khi đi họp phụ huynh HS, bao giờ cũng ghi lại tên một số bạn đặc biệt trong lớp của con như lớp trưởng, tổ trưởng, các bạn hay chơi cùng con. Trước, khi con đi học về, chị hỏi: “Hôm nay thế nào?”, Trang đáp gọn lỏn: “Bình thường ạ!”, mẹ con chẳng còn gì để nói tiếp. Nay, chị hỏi: “Con học tốt chứ? Bạn A hôm nay có làm bài không? Bạn B được mấy điểm?”... để gợi mở cho con gái chia sẻ. Ngay cả trong sinh hoạt gia đình, chị cũng luôn nói với con bằng những câu gợi mở, đề nghị chứ không ra lệnh. Muốn con giúp việc nhà, thay vì nói: “Con rửa bát đi!”, chị nói: “Con có thể giúp mẹ rửa bát được không?”. Nghe vậy, Trang vui vẻ làm theo mà không phản kháng lại.

2. Con trai đầu của chị Tùng năm ngay đã ngoài 30 tuổi. Song, chị Tùng vẫn nhớ như in hồi con trai dậy thì và cũng từng rơi vào khủng hoảng. Biểu hiện của con trai chị cũng là chán học và ham chơi điện tử. Ngày đó, để quản lý con, chị Tùng đã phải tự đánh số vào từng trang vở của con để chắc chắn rằng con không xé vở và có ghi bài mỗi ngày.

Một lần, chị đi theo con trai đến lớp học thêm, chỉ thấy sách vở con để trên bàn còn con đang chơi điện tử ở quán internet gần đó. “Tôi giận vô cùng nhưng vẫn nói nhẹ nhàng, nhắc con trai quay lại lớp học thêm. Tôi biết nếu mình mắng mỏ, sỉ nhục con ở chỗ đông người, con sẽ nổi khùng và phản kháng để bảo vệ lòng tự trọng”, chị Tùng tâm sự. Tối đó, khi về nhà chị mới đóng cửa trò chuyện cùng con. Chị nói với con trai về nỗi vất vả của bố mẹ để con thấu hiểu và thay đổi. Sau đó, con chị dần vượt qua khủng hoảng, trở về đúng quỹ đạo là một chàng trai ngoan ngoãn, chịu khó học. Từ kinh nghiệm nuôi con trai lớn, chị hiểu rằng, chị một lần nữa, sẽ phải đồng hành với con gái vượt qua cú sốc ở lứa tuổi này.

Chị Tùng nói, con ở tuổi teen rất muốn làm người lớn. Vì thế, chỉ cần thấy người lớn tôn trọng và hiểu mình là con sẽ hợp tác. Câu chị thường nói với con là: “Mẹ tin ở con!”. Khi con gái ở tuổi teen, chị cũng... teen như con. Cuối tuần, chị thường rủ con gái đi mua đồ cùng mình. Hai mẹ con còn chọn những bộ đồ đôi để mặc cho giống nhau. Bây giờ, chị Tùng đã có thể tự hào là quan hệ hai mẹ con thật sự tốt đẹp. Trang đã học tốt trở lại khiến chị rất yên tâm.

Theo Phụ nữ Việt Nam


kỹ năng dạy con

Giáo dục

Tuổi dậy thi


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.