- Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
- Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
- Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
- Mục này không có nhuận bút.
Nói với trẻ 6 kiểu này là cha mẹ đang dạy con "dìm hàng" người khác
Nhiều cha mẹ không biết chính mình đang dạy con dìm hàng người khác và không trợ giúp khi bạn bè thất bại.
Đôi khi, chính cha mẹ là người dạy con "dìm hàng" người khác. Ảnh minh họa |
Chị Vũ Thu Hương (Trung tâm Cá siêu quậy) cho biết, bệnh thành tích đang ăn sâu vào mỗi thành viên trong gia đình, phá hỏng đi những thứ quý giá như tình cảm bạn bè, tình cảm giữa cha mẹ và con cái, làm bọn trẻ trở nên chơi xấu nhau hơn. Bọn trẻ dễ dàng cười nhạo bạn bè khi thấy bạn thất bại; cũng dễ dàng nghĩ đến những hành vi chơi xấu bạn, thậm chí trở thành bạo lực học đường. Hậu quả bọn trẻ phải gánh chịu nặng nề hơn, đó chính là sự cô độc.
Trong chúng ta, không ai không biết rằng lúc thất bại, lúc khổ đau cũng là lúc cần có sự trợ giúp tinh thần rất lớn. Nhưng rõ ràng, bệnh thành tích đã khiến cho chúng ta “xử” nhau nhiều hơn là chia sẻ khi thất bại. Thói quen thích dìm hàng người khác là một biểu hiện vô cùng xấu xí mà chúng ta đã quá quen thuộc. Điều này có thể đem lại sự hả hê lớn cho những người chứng kiến cảnh người khác đau khổ. Nhưng nếu chúng ta là người đang gặp thất bại thì sao? Rõ ràng cảm giác cô độc đến mức đau đớn khiến cho chúng ta đôi khi không dám khóc, không dám thể hiện nỗi đau đớn của mình.
Có mấy ai nghĩ rằng, chính các cha mẹ cũng đang dạy con dìm hàng người khác, dạy con không trợ giúp bạn bè khi thất bại:
1. Các cha mẹ hãy nhớ lại xem đã bao giờ nói với con là phải xếp thứ nhất lớp chưa? Đã bao giờ chúng ta mắng con khi thấy điểm học của con thấp hơn một bạn nào đó chưa? Chắc chắn, không ít cha mẹ mắng con: Con phải học giỏi hơn nó chứ, nhà mình phải hơn đứt nhà đó. Con không thể ngu hơn nó được.
Những dạng câu mắng này tưởng như sẽ giúp trẻ có động lực phấn đấu. Tuy nhiên, điều này không chính xác. Tạo áp lực cho trẻ để chúng học tập không khiến chúng tìm ra niềm vui và sự đam mê tìm hiểu mà chỉ khiến chúng cảm thấy việc học tập là vô cùng mệt mỏi. Chưa kể điều đó còn khiến trẻ ghét bạn bè và luôn cảm thấy rõ sự cạnh tranh. Sống với sự cạnh tranh đó, tình bạn của trẻ không bao giờ là thực sự thuần khiết. Đôi khi trẻ sẵn sàng dìm hàng lẫn nhau nếu có cơ hội.
Tạo áp lực cho trẻ để chúng học tập không khiến chúng tìm ra niềm vui và sự đam mê tìm hiểu mà chỉ khiến chúng cảm thấy việc học tập vô cùng mệt mỏi. Ảnh minh họa |
2. Cha mẹ đã bao giờ lấy gương người tốt việc tốt ra để cho con học
tập chưa? Có thể nói, đây là cách dạy dỗ xúc phạm trẻ nhất. Điều này thể
hiện cha mẹ đánh giá con theo thành tích, theo ước vọng. Nó sẽ gây cảm
giác khó chịu cho trẻ với chính cha mẹ mình và với đối tượng được đem ra
ca ngợi. Bọn trẻ sẽ vô cùng bực bội và đôi khi trút giận lên “tấm
gương” đó. Nếu có cơ hội, bọn trẻ sẽ lập tức lên tiếng chê bai và dìm
hàng “tấm gương” đã khiến chúng khổ sở.
3. Cha mẹ có nói xấu ai
đó trước mặt con không? Tại cơ quan, công sở, các cha mẹ có dìm hàng ai
đó, hành hạ ai đó không? Đừng nghĩ trẻ con không biết, chúng cảm nhận
cực tốt. Đó là chưa kể đôi khi niềm vui đắc thắng trong lòng chúng ta
không kìm nén được bộc lộ ra ngoài khi đối phương gặp nạn sẽ được trẻ
tiếp nhận vô cùng nhanh. Từ đó, thái độ vô cảm với đồng loại, tìm cách
dìm hàng đồng loại sẽ được trẻ học hỏi ngay tức khắc.
Điều bọn trẻ cần là sự động viên kịp thời, trẻ cũng sẽ học theo mà động viên bạn. Ảnh minh họa |
4. Cha mẹ đã bao giờ dạy con trợ giúp bạn khi bạn gặp khó khăn chưa?
Nếu chưa dạy thì con vô cảm trước người khác cũng là bình thường. Nếu lo
việc giúp người khác cũng có thể vướng vào hiểm họa cho chính mình, cha
mẹ có thể dặn con: Nếu thấy ai đó gặp nạn, con biết mình không thể cứu
được hoặc hoàn cảnh đó có thể khiến con gặp nguy hiểm thì con không nên
lao vào cứu nhưng hãy nhấc máy gọi cho cấp cứu hoặc cảnh sát. Đó chính
là cách cứu giúp tốt nhất cho người bị nạn.
5. Một đứa trẻ gặp
khó khăn khi làm việc gì đó, thái độ của các cha mẹ thế nào? Thường thì,
phần lớn các cha mẹ sẽ lao ra làm hộ đứa trẻ ngay. Nếu các cha mẹ đứng
đó quan sát, cổ vũ, động viên đứa trẻ thực hiện, rồi vỗ tay reo mừng khi
chúng thành công, rõ ràng bọn trẻ sẽ học hỏi được rất nhiều. Thái độ
coi thường trẻ, luôn tính cách làm hộ con cũng sẽ khiến bọn trẻ không
cảm thấy cần động viên, chia sẻ với ai.
6. Khi con không làm tốt
việc gì đó, cha mẹ sẽ làm gì? Hầu hết các cha mẹ tự đánh giá là bọn trẻ
chưa thể làm được và đôi khi còn nói xúc phạm chúng. Điều bọn trẻ cần là
sự động viên kịp thời và nếu cha mẹ làm thế, lần sau bạn bè chưa hoàn
thành tốt công việc, trẻ cũng sẽ học theo mà động viên bạn.
Theo Phụ nữ Việt Nam