Xâm hại trẻ em: “Con trai chẳng mất gì” và lỗ hổng giáo dục kỹ năng

Hàng loạt vụ việc trẻ em nam là nạn nhân của các hành vi xâm hại, dâm ô với tính chất và mức độ khác nhau đã xảy ra thời gian qua.

Hàng loạt vụ việc trẻ em nam là nạn nhân của các hành vi xâm hại, dâm ô với tính chất và mức độ khác nhau đã xảy ra thời gian qua. Đáng nói, trong nhiều trường hợp, trẻ em nam và các bậc phụ huynh lại chưa nhận thức được rõ ràng các hành vi xâm hại, coi đó là chuyện bình thường.

Xâm hại trẻ em: Con trai chẳng mất gì” và lỗ hổng giáo dục kỹ năng-1

Bác sĩ Nguyễn Trọng An - nguyên Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐTBXH cho rằng, vấn đề giáo dục giới tính trong hệ thống giáo dục vẫn chưa thực sự được coi trọng. Ảnh: KT

Trẻ nam hay nữ đều có thể là nạn nhân của xâm hại

Chủ nhiệm dự án giáo dục giới tính S Project Nguyễn Thị Song Trà (Dự án vừa nhận giải thưởng tình nguyện quốc gia 2018 – PV) cho hay, dù là trẻ em gái hay trẻ em trai thì việc đảm bảo an toàn đều cần được chú ý bậc nhất. Khi bị xâm hại, các em đều rơi vào trạng thái khủng hoảng, lo sợ và có thể luôn sống trong ám ảnh. Nhiều em nói ra, nhiều em biết cách để bảo vệ mình, song cũng có nhiều em tìm đến những điều tiêu cực để thoát khỏi nỗi sợ hãi.

“Nhiều bạn trai, thậm chí nhiều bậc phụ huynh cho rằng may mắn khi là con trai và không bị xâm hại. Khi đứng các lớp dạy về kiến thức giới tính, tôi thấy rằng nhiều bạn nhỏ rất chủ quan khi nghĩ mình là con trai, mình mạnh mẽ và không ai dám xâm hại mình. Các bạn luôn nghĩ mình phải bảo vệ các bạn gái và chưa nghĩ phải tự bảo vệ chính mình mặc dù các bạn cũng có thể là nạn nhân” – Chủ nhiệm dự án S Project cho biết.

Xâm hại trẻ em: Con trai chẳng mất gì” và lỗ hổng giáo dục kỹ năng-2
Nguyễn Thị Song Trà trong buổi dạy về kiến thức giới tính cho trẻ. Ảnh: S Project.

Về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Trọng An - nguyên Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐTBXH cho rằng, vấn đề giáo dục giới tính trong giáo dục vẫn chưa thực sự được coi trọng, lên lớp 5 học sinh mới được học về giới tính, tuy nhiên chỉ có một vài tiết đưa vào môn Sinh học, Giáo dục công dân do đó hầu hết các em không hiểu rõ thế nào là giới tính và chưa có các kỹ năng phòng chống bạo lực và xâm hại tình dục.

Từ nhỏ do không được giáo dục kỹ lưỡng nên nhiều ông bố bà mẹ có suy nghĩ rằng: “Trẻ trai có vấn đề gì đâu, chỉ sờ soạng một chút mất gì đâu, trẻ gái mới lo”, chính vì thế nên những câu chuyện trẻ em trai bị xâm hại tình dục đang trở nên phổ biến, và một điều ngày càng lộ rõ là những kẻ ấu dâm, xâm hại tình dục chỉ thích trẻ em từ 9 đến 14 tuổi. Đây là lỗ hổng trong giáo dục trong nhà trường cũng như gia đình.

Theo bác sĩ Nguyễn Trọng An, những suy nghĩ “May mà em là con trai”, “Là con trai chẳng mất gì” là những sự “ngây thơ” do thiếu kiến thức. Thực chất các em đang bị dâm ô, chính vì thế nên những người có hành vi dâm ô mới có thể chống chế rằng đây chỉ là hành động yêu, đùa quá mức với học trò.

Xâm hại trẻ em: Con trai chẳng mất gì” và lỗ hổng giáo dục kỹ năng-3
Trường THCS Trần Phú (Hà Nội), nơi vừa xảy ra sự việc thầy giáo bị tố dâm ô 7 nam sinh. Ảnh: Nguyễn Hà

“Khi là nạn nhân của dâm ô thì trẻ em trai hay trẻ em gái đều bị ảnh hưởng, sang chấn tâm lý như nhau. Trẻ em gái thường sẽ có biểu hiện như lo lắng, sợ người lớn, bỏ học, trầm cảm, thậm chí tự tử và trẻ em trai cũng tương tự, nhưng có một điều trẻ trai khi bị xâm hại tình dục sẽ có những sang chấn đột ngột, trở thành những người rất hung hãn, trở thành người gây ra tội ác, có hành động bạo lực, xâm hại một thế hệ trẻ em mới” – bác sĩ Nguyễn Trọng An cho biết.

Giáo dục giới tính song song với giáo dục pháp luật

Theo bác sĩ Nguyễn Trọng An, cần thiết phải đưa giáo dục giới tính vào hệ thống giáo dục càng sớm càng tốt, từ lúc trẻ đang học mẫu giáo cho đến khi trẻ lớn dần lên thì các kiến thức, kỹ năng được đưa vào nhiều hơn theo sự hiểu biết của trẻ. Song song với đó phải đưa giáo dục pháp luật vào, chỉ rõ rằng nếu như vi phạm các vấn đề về xâm hại tình dục, dâm ô sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật ra sao. Có như thế mới có tính răn đe đồng thời cũng tạo nên sự hiểu biết pháp luật.

Chủ nhiệm dự án Giáo dục giới tính S Project cũng cho rằng giáo dục nên khẩn trương đưa lĩnh vực này thành một môn học thay vì lồng ghép và hời hợt. Chính các giáo viên phải là người hiểu, thẳng thắn với bài giảng, không có khoảng cách với trẻ hay thái độ hời hợt, tận tình và có phương pháp giảng dạy hợp lý. Bên cạnh đó, trường học cũng phải là nơi tiếp cận và hỗ trợ xử lý nhằm đảm bảo an toàn của trẻ. Ở mỗi gia đình hãy cùng con tìm hiểu, và chia sẻ nhiều hơn với con. Bỏ qua những suy nghĩ chỉ trẻ em gái bị xâm hại, phải luôn đồng hành theo sát con.

Theo Laodong


hành vi xâm hại

Xâm hại trẻ em

dâm ô trẻ em


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.