Bé lớp 6 tức giận chỉ vì mẹ không nặn kem đánh răng cho mình và bài học khuyến khích các bà mẹ “lười biếng”

Trên mạng xã hội từng xuất hiện câu chuyện về một người mẹ hiếm muộn phải rất vất vả mới sinh được một cô con gái khi đã ngoài 40 tuổi. Chính vì vậy, cô đã yêu thương, chiều chuộng con quá mức khiến đứa trẻ trở thành điển hình của những đứa con sống dựa dẫm, ỷ lại vào bố mẹ.

Cụ thể, cô bé trong câu chuyện học đến lớp 6 vẫn gần như không tự làm được bất cứ việc. Buổi sáng thức dậy, cô bé đã được mẹ chuẩn bị cho đồ ăn sáng, đưa quần áo cho thay, lấy giúp giầy để đi… trước khi đến trường. Buổi tối, khi cô bé làm bài tập, người mẹ sẽ soạn sẵn sách vở ngày hôm sau cho vào cặp giúp con, thậm chí còn đút trái cây vào miệng cho con ăn khi đang học… Rồi một hôm, người mẹ bị ốm, bà nằm trên giường nhưng không quên nhắc nhở con gái đã đến giờ đánh răng đi ngủ. 

Cô bé đi vào nhà tắm nhưng đã một lát sau đã lao ra hỏi: “Mẹ ơi, hôm nay mẹ không nặn kem đánh răng cho con thì làm sao con đánh răng được?”. Nhìn thấy bộ dạng tức giận của con gái, người mẹ sửng sốt đến không nói nên lời. 

Bé lớp 6 tức giận chỉ vì mẹ không nặn kem đánh răng cho mình và bài học khuyến khích các bà mẹ lười biếng”-1

Câu chuyện nhỏ nhưng lại có tính chất báo động về cách nuôi dạy con của không ít ông bố bà mẹ hiện nay khi mà họ đang bao bọc con quá mức và chăm chỉ hết cả phần của con. Để tránh tình trạng tương tự xảy ra, các bậc phụ huynh cũng nên “lười biếng” đúng cách để con cái có thêm cơ hội trưởng thành và phát triển lành mạnh.

1. Học cách chậm một nhịp để trẻ thử

Là cha mẹ, chúng ta thường đánh giá thấp con cái của mình là yếu đuối, kém cỏi và phụ thuộc vào sự chăm sóc của cha mẹ. Tuy nhiên, chúng sẽ học được rất nhiều thứ với tốc độ đáng kinh ngạc nếu các bà mẹ sẵn sàng chờ đợi con cái của họ với sự tin tưởng và không làm điều đó cho chúng bất cứ lúc nào.

Chẳng hạn như một đứa trẻ ngồi trước bữa sáng là quả trứng luộc chưa bóc vỏ, bé chỉ nhìn mà không làm gì được để ăn, một lúc sau bé bắt đầu khóc, bố muốn giúp, mẹ ngăn lại để bé tự bóc, lần đầu bé chỉ bóc được một phần tư quả trứng. Hôm sau bố mẹ lại không giúp, bé tự bóc trứng, sau một tuần bé bóc trứng thành thục và ăn ngon lành không cần ai giúp. Tương tự như vậy, trẻ có thể học cách tự mặc quần áo, cài cúc áo, tự đi giày, buộc dây giày… nếu cha mẹ học được cách “lùi lại” không giúp đỡ, để trẻ tự làm.

Thực tế, ngay từ khi sinh ra, trẻ đã có bản năng tự chăm sóc và bảo vệ mình, khi trẻ muốn thử làm theo ý mình thì cha mẹ nên rút bàn tay che chở của mình lại, dành một khoảng thời gian cho trẻ có cơ hội thử, thậm chí là “thử và sai”. Hãy buông bỏ đúng cách để trẻ tự làm, bạn sẽ thấy bọt xà phòng làm trẻ hứng thú với việc giặt giũ, chiếc kéo không làm tổn thương bàn tay của bé mà chỉ giúp trẻ sáng tạo hơn. Việc chúng ta bao bọc, giúp đỡ quá mức sẽ vô tình làm “kho báu” tự lập và bản năng tự học, tự khám phá thế giới của trẻ không được đánh thức.

2. Tránh bảo vệ con quá mức

Không ít lần người lớn thấy phát hoảng khi trẻ có hành vi nguy hiểm: trẻ cầm chiếc cốc thì sợ bé làm rơi vỡ hoặc đổ nước vào người, trẻ cầm cây chổi lau nhà thì sợ bé bị bẩn, bé định bước xuống bậc thang thì sợ bé ngã…

Những ngăn cấm của người lớn mỗi khi bé định làm việc gì sẽ dẫn đến cảm giác đầu tiên của bé là thế giới xung quanh đầy dẫy những điều đáng sợ. Lâu dần trẻ sẽ không dám khám phá, có tính nhút nhát và hay sợ hãi. Bảo vệ trẻ trước những nguy hiểm tiềm tàng là cần thiết, tuy nhiên trẻ có quyền được lớn lên bằng những khám phá riêng của chúng. Chúng ta không thể đảm bảo sẽ bảo vệ được trẻ cả đời, thế nên hãy cho chúng cơ hội tự bảo vệ mình.

Bé lớp 6 tức giận chỉ vì mẹ không nặn kem đánh răng cho mình và bài học khuyến khích các bà mẹ lười biếng”-2

Ngoài ra, sự tò mò của trẻ không được thỏa mãn còn có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hơn. Hãy tưởng tượng nếu trẻ không thử cảm giác cầm vào cốc nước ấm để chúng thỏa chí tò mò, thử cảm nhận và rụt tay lại khi thấy nóng thì lần sau khi không có sự quan sát của cha mẹ có thể trẻ sẽ bị bỏng với cốc nước nóng hơn. Hãy mạnh dạn để cho trẻ thử (trong một giới hạn an toàn) sẽ tốt hơn nhiều với việc cố ngăn chặn chúng bằng mọi cách. “Vấp ngã” cũng là một cách để trưởng thành, vậy nên bố mẹ đừng hạn chế sự khám phá của con, bảo vệ con quá mức nhân danh tình yêu cũng là làm hại con mà nhưng nhiều người lại không hề hay biết.

3. Đừng bao giờ đánh giá thấp khả năng của trẻ

Có một hiện tượng rất thú vị thường gặp trong cuộc sống là khi con bị ngã, không ít người mẹ đã lập tức lao tới với tốc độ nhanh nhất để đỡ bé dậy, suýt xoa xem bé có va đập gì không, có chảy máu hay hương tích gì không ... và đứa trẻ sẽ khóc. Tuy nhiên nếu không có cha mẹ ở bên, hầu hết trẻ ngã sẽ tự đứng dậy và tiếp tục chơi. Vì vậy, bạn đừng bao giờ đánh giá thấp khả năng của trẻ, trẻ mạnh mẽ hơn những gì người lớn nghĩ và trẻ không bao giờ thiếu dũng khí để đối mặt với thất bại.

Nhiều bố mẹ rất cần cù và lo toan mọi việc cho trẻ, từ giúp con vệ sinh cá nhân, giúp con thay quần áo, thậm chí cho con ăn từng miếng một… Rõ ràng là mỗi một hành động nhỏ như vậy đều chứa chan tình yêu thương của bố mẹ dành cho con, thế nhưng chính tình yêu thương đó cũng là trở ngại lớn nhất cho sự trưởng thành của trẻ trong tương lai.

4. Học cách nói “không” với con bạn

Thực tế cuộc sống đã chứng kiến nhiều trường hợp những thanh niên, sinh viên không biết nấu ăn, phòng ở lộn xộn không biết dọn dẹp, không biết lo cho bản thân khi đến một môi trường mới, mọi việc vẫn phải dựa dẫm vào sự giúp đỡ của cha mẹ. Bên cạnh đó, không ít cha mẹ quen chăm sóc con dẫn đến cho dù con lớn đến tuổi nào thì trong mắt cha mẹ con vẫn là “trẻ con”, đôi khi “tặc lưỡi” tự làm cho nhanh khỏi phải “dát cổ bỏng họng” hoặc khỏi phải “làm lại” khi con làm không vừa ý. Chính điều này đã khiến trẻ hình thành những tính cách xấu, rất khó sửa chữa khi lớn lên.

Bé lớp 6 tức giận chỉ vì mẹ không nặn kem đánh răng cho mình và bài học khuyến khích các bà mẹ lười biếng”-3

Do đó, khi trẻ muốn tự làm thì người lớn nên nuôi dưỡng sự hứng thú của trẻ, từ đó rèn luyện kỹ năng, tính tự lập và sự tự tin. Dần dần cha mẹ cũng sẽ thấy thoải mái hơn với việc “buông lỏng” đó.

Tương tự như vậy trong việc học tập hay trong cuộc sống hàng ngày của trẻ, cha mẹ nên học cách kiên nhẫn “tỏ ra không biết”, không làm tất cả, không can thiệp để trẻ sử dụng trí não của mình trước, tự độc lập suy nghĩ tìm ra giải pháp…. Cha mẹ chỉ nên làm bạn đồng hành gợi mở hướng giải quyết vấn đề nếu vấn đề quá khó và quan trọng hơn là học cách chấp nhận sự không hoàn hảo trong kết quả trẻ làm được. Biết đâu trong cách giải quyết của trẻ có những điều thú vị mà ngay cả người lớn cũng không nghĩ ra.

Ngoài ra, cha mẹ cũng nên kiềm chế không cằn nhằn, không mắng mỏ hay to tiếng quát tháo với trẻ bởi những điều này dễ gây ra sự phản ứng chống đối ở trẻ. Thay vào đó, cha mẹ hãy nhẹ nhàng gợi mở ra những giải pháp để cùng trẻ giải quyết vấn đề từ đó trẻ học cách tự kiểm soát cảm xúc, phát triển ý chí, sự kiên trì và sự hợp tác với người khác, đó đều là những phẩm chất quan trọng trong sự phát triển của trẻ sau này.

Theo V.K - Vietnamnet


Nuôi Dạy Con


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.