Ca sĩ Ngọc Hiền: Thói quen “lười” của bố mẹ khiến con mắc hội chứng tự kỷ ngày càng nặng thêm

Ca sĩ sinh năm 1985 ứa nước mắt kể về hành trình gần 2 năm chữa bệnh tự kỷ cho con.

Rút khỏi showbiz đã 9 năm, ca sĩ Ngọc Hiền không còn tham gia các hoạt động nghệ thuật mà chuyển hướng kinh doanh ở lĩnh vực làm đẹp. Tổ ấm của cô với doanh nhân Ngô Đình Nam ngày càng tràn ngập tiếng cười khi 3 người con lần lượt chào đời. Tuy cuộc sống hôn nhân rất hạnh phúc nhưng cặp đôi luôn đau lòng mỗi lần nhắc về con trai thứ hai vì cậu bé mắc chứng tự kỷ

Ca sĩ Ngọc Hiền: Thói quen lười” của bố mẹ khiến con mắc hội chứng tự kỷ ngày càng nặng thêm-1Nhóm Doremi trước đây gồm Ngọc Hiền, Quỳnh Nga, Trà My Angel

Mỗi lần được hỏi về con trai tự kỷ, cô lại nghẹn ngào và nói không nên lời. Cựu thành viên Doremi cho biết, cũng giống như bao bậc cha mẹ có con bị tự kỷ, cô chỉ mong một điều kỳ diệu sẽ xảy ra, con trai sẽ sống và học tập như bao đứa trẻ cùng tuổi. Hành trình cùng con vượt qua căn bệnh tự kỷ của Ngọc Hiền phần nào giúp được những cha mẹ đang gặp trường hợp tương tự có thêm động lực đồng hành cùng con trên hành trình vạn dặm.

Ca sĩ Ngọc Hiền: Thói quen lười” của bố mẹ khiến con mắc hội chứng tự kỷ ngày càng nặng thêm-2Gia đình hạnh phúc hiện tại của ca sĩ Ngọc Hiền với chồng doanh nhân và 3 con đủ nếp đủ tẻ

Chị phát hiện ra con mình mắc chứng tự kỷ từ khi nào. Cảm giác lúc đó của chị?

Tôi phát hiện những dấu hiệu bất thường của Kaka (con trai thứ hai của Ngọc Hiền) vào khoảng tháng thứ 12-15. Lúc đó, tôi chỉ cho con đi khám tổng quát thông thường và không phát hiện ra. Đến khoảng tháng thứ 18, gọi con không thưa, mắt vô hồn, thích xoay bánh xe, nhẩy nhón gót, dẫm vào đồ vật có đau đến mấy cũng không thấy khóc, và nhiều biểu hiện khác nữa. Lúc đó mới quyết tâm dẫn con tới Đại Học Y khám về tâm lý và làm các bài test kiểm tra. Bác sỹ đánh giá kết quả não bộ chỉ bằng bạn 6 tháng tuổi, chậm phát triển hơn những đứa trẻ bình thường. Lúc đó như sét đánh ngang tai, tim tôi như muốn rụng rời. 

Chị nghĩ nguyên nhân bé Kaka bị mắc chứng tự kỷ là do đâu?


Hội chứng tự kỷ đã được khoa học chứng minh là cũng có thể ngay trong quá trình thụ thai thì một số gen trên cơ thể con bị lỗi, hoặc thiếu những khoáng chất bổ sung và vitamin để não bộ phát triển.

Có thời gian cả 2 chúng tôi bị cuốn vào công việc, dành thời gian cho con không đủ. Thời gian sau sinh, tôi tập trung cho công việc phun xăm thẩm mỹ và điều trị da. Chồng thì tập trung làm khoáng sản. Đều phải đi xa nên con chủ yếu ở nhà cùng bà ngoại và giúp việc. Cách sinh hoạt của mọi người thường là cứ thấy bé không ăn là cho xem TV để dỗ. Mỗi người lại xem một kênh nên TV bật liên tục. Bác giúp việc xem kênh riêng. Bà xem phim dài tập. Con thì 3 bữa là 3 lần dỗ bằng tivi. Việc xem nhiều tivi khiến con ngày càng trở nên thụ động hơn, giảm những cơ hội con được tương tác với những người xung quanh và khám phá thế giới bên ngoài.

Ca sĩ Ngọc Hiền: Thói quen lười” của bố mẹ khiến con mắc hội chứng tự kỷ ngày càng nặng thêm-3Ngọc Hiền và con trai thứ hai Kaka

Điều đầu tiên chị nghĩ đến khi biết bệnh tình của con là gì?

Khi biết con bị bệnh, tôi không nghĩ được gì hết. Hai vợ chồng rất buồn nhưng cả hai đều cố gắng cứng rắn, tỏ ra mạnh mẽ để đối phương không suy sụp. Nhìn vào ánh mắt chồng, tôi cảm nhận được rằng “hãy cùng nhau chiến đấu em nhé”.

 Hành trình chữa bệnh cho con trai của Ngọc Hiền đã diễn ra như thế nào?

Hành trình cho con là cả chặng đường dài. Mỗi một ngày qua đi dài như hàng thế kỷ. Cả một năm chồng tôi phải từ bỏ công việc để tập trung 100% quỹ thời gian yêu thương dành cho con. Lúc đó tôi đi học ở xa và anh xã không muốn tôi dở dang việc học tập nên vừa chăm con, vừa là chỗ dựa về mặt tâm lý cho vợ.

Một năm đầu tiên, anh ấy chỉ nghe con khóc. Cháu nói được một vài từ đơn nhưng sau đó lại mất ngôn ngữ. Chồng tôi chuyển đổi nhiều cô giáo, nhiều trung tâm để mong tìm ra những phương pháp dạy con phù hợp. Anh còn vào trường Sư Phạm, “đóng doanh trại” ở đó để xin các giáo viên được học để mình về có thể dạy con, hiểu con và biết cách chơi cùng con. Tuy nhiên thì điều đó là không thể. Đúng 22 tháng sau, khi con 40 tháng, tiếng đầu tiên con gọi là “Mẹ ơi...”. Tôi còn tưởng nghe nhầm và nói với con: “Con vừa gọi gì cơ?”. Con quay ra nói: “Mẹ ơi!!!”

Tim tôi thổn thức, như đập loạn nhịp và khóc trong sự sung sướng và hạnh phúc. Tôi hét lên thật to nói với chồng và chỉ biết ôm con bật khóc. Tôi thiết nghĩ tiếng gọi đầu tiên của bạn ý sẽ gọi ba chứ không phải là mẹ. Nhưng điều bất ngờ hoàn toàn ngược lại. Chẳng ai làm cho con cười được trước đó ngoài mỗi lần mẹ cất giọng và hát. Cảm giác lúc này mới thật sự là được làm mẹ.

Điều cần nhất khi chữa bệnh tự kỷ cho trẻ là sự kiên nhẫn. Theo chị, nhận định trên có đúng không?

Sự kiên nhẫn và kiên trì rất cần. Nhưng quan trọng vẫn là tình cảm, ba mẹ phải dành trọn yêu thương cho con. Nếu chỉ có kiên nhẫn không thôi thì chưa đủ, con không được quan tâm, không được điều trị và ngôn ngữ thì sau 3 tuổi khi hành vi và tính cách hình thành, tỷ lệ chữa bệnh của các con càng ngày càng khó khăn hơn.

Ca sĩ Ngọc Hiền: Thói quen lười” của bố mẹ khiến con mắc hội chứng tự kỷ ngày càng nặng thêm-4 Kaka vượt qua tự kỷ là bởi bố mẹ dành trọn tình yêu thương cho con

Với bộ ba thiên thần của mình, chị có vất vả lắm khi chăm con không? Có xảy ra những xung đột kiểu “trận chiến của những đứa trẻ” khiến chị căng thẳng không?

3 thiên thần nhỏ của nhà tôi vô cùng tuyệt vời. Tuệ Lâm ngay khi biết em bị bệnh lúc đó mới gần 5 tuổi nhưng bạn ấy tự nhận thức được việc phải chăm sóc em. Lúc nào cũng canh giúp việc thay ba mẹ vì sợ bật tivi xem nhiều, em sẽ bệnh nặng. Bạn ấy về và kể: “Các bác trông em nhưng toàn ngủ, về ba mẹ xử lý nhé. Bạn ấy như cảnh sát trong nhà. Đưa Kaka ra ngoài đường chơi thì không bao giờ bạn ấy rời em nửa bước. Có những lúc Kaka cáu không bật được tiếng nói, bạn ấy nổi khùng, la hét và cắn chị tím cả tay. Chị Susu khóc một tí rồi chạy lại bảo mẹ: Thôi con không sao, em không biết gì, mẹ đừng mắng em”.

Thương yêu chị lớn vô cùng. Vẫn nhớ ngày tôi sanh Kaka là ngày dọn về nhà mới, lúc đó Susu chỉ 3 tuổi rưỡi. Đón mẹ và em từ viện về, tối hôm đó bạn ấy vào phòng riêng, không cho ba mẹ ngủ cùng và nói: “Ba mẹ chăm em đi, không em khóc đêm đấy, con tự ngủ được”. Cảm ơn vì ông trời đã cho tôi một cô con gái ngoan ngoãn như vậy.

Khi bé thứ hai bị bệnh, chị nghĩ rằng mình dành tình thương nhiều cho bé thì hai bạn còn lại có ghen tị không? 

Khi bầu em bé thứ ba, nhờ những bài báo chia sẻ về câu chuyện con trai, tôi kết nối được rất nhiều bà mẹ và gia đình từ mọi miền tổ quốc. Tôi cũng chia sẻ động viên rất nhiều gia đình. Lúc đó có một chị ở miền Trung có điện thoại nói với tôi rằng: “Con trai lớn chị trước cũng giống bé nhà em, sau đó cháu chữa khỏi cho tới khi chị sanh em bé thứ hai thì bạn ấy tỵ, ghen với em và bị lại nên em cẩn thận nhé”.

Lúc đó, tôi rất hoang mang vì biết con mình không giống như những đứa trẻ bình thường. Tôi đã phải vuốt ve, nói chuyện, cho Kaka nói chuyện với em trong bụng bầu để bạn ấy có cảm giác gần gũi, và yêu thương em mình. Tối nào, Kaka cũng ghé tai, ghé mặt nói chuyện và tóm chân em đạp. Và thật bất ngờ khi sanh Leo thì Kaka yêu em khủng khiếp. Không ghen hay tỵ nạnh với em bao giờ. Kaka còn trông em hộ mẹ. 

Vợ chồng chị có định hướng cho con về tương lai, sự nghiệp từ nhỏ không? Cách anh chị chăm sóc và dạy dỗ các bé như thế nào?

Vợ chồng tôi luôn để con phát triển một cách tự nhiên. Thích điều gì thì làm điều đó. Sau đó khi nhìn nhận rõ sở thích và sở trường của con thì vợ chồng tôi mới bắt đầu hướng dần cho con. Tuy nhiên tôi để các bé học tiếng Việt sõi một chút thì sau này cả nhà sẽ quay trở về Úc để đoàn tụ và cho các bé học hành tại quê nội.

Có câu nói “Làm ba mẹ của con khó, làm bạn cùng con còn khó hơn”, chị nghĩ thế nào về câu nói này?

Chắc chắn là như vậy! Qua 3 năm đầy chấn động và khủng hoảng cả về tâm lý, tôi hiểu rất rõ hai từ “trách nhiệm”. Trách nhiệm của chúng ta ngoài việc làm cha làm mẹ mà con phải quan tâm chăm sóc và làm bạn cùng con. Chơi cùng con và dành nhiều thời gian hơn cho con.

Ca sĩ Ngọc Hiền: Thói quen lười” của bố mẹ khiến con mắc hội chứng tự kỷ ngày càng nặng thêm-5
Theo Ngọc Hiền, bố mẹ cần chơi cùng con và dành nhiều thời gian hơn cho con.

Thời đại hiện nay, trẻ nhỏ thường dễ tự cô lập chính mình cùng chiếc smartphone. Chị nghĩ vấn đề này có nghiêm trọng không? Chị cân bằng việc chơi và học của con cùng công nghệ như thế nào?

Tôi hiểu rất rõ điều này. Khi con mắc bệnh thì hầu như gia đình tôi “cai” luôn tivi. Không ai được xem trong thời gian con bị bệnh. 26 tháng cả nhà cùng con vượt khó. Càng chiều cho con xem để con không quấy, để con ăn thì chính là hại con. Và khi Kaka bắt đầu tiến triển thì mỗi ngày, gia đình tôi cho con xem vào buổi chiều sau 4h. Chỉ được xem 15 phút và xem các chương trình dạy tư duy và ngôn ngữ cho trẻ chứ không xem hoạt hình hay những chương trình không hữu ích cho con.

Nếu như những đứa trẻ của mình không được như kỳ vọng của mình, chị sẽ làm gì?

Vợ chồng tôi không bao giờ quá tập trung vào vấn đề, bởi khi tập trung vào nó quá nhiều thì vấn đề mãi mãi không được giải quyết. Thường thì, vợ chồng tôi đi vào việc tìm ra giải pháp, không trách mắng hay đánh chửi con. Luôn luôn dùng những câu hỏi mở để con trả lời: “Ba mẹ rất buồn, làm thế nào để con học tốt hơn? Cho ba mẹ biết lý do tại sao điểm kiểm tra yếu, do con không học bài hay do điều gì?” hay “Làm thế nào để con không nghịch ngợm và ngoan hơn hả Kaka. Con có biết là con đang bướng không?”.

Và như vậy các con sẽ tự tìm ra lỗi của mình, tự trả lời và cùng ba mẹ tìm ra hướng giải quyết.

Cảm ơn chị vì đã chia sẻ câu chuyện của mình!

 

Theo Xuân Tiến – Vietnamnet.vn
 


trẻ tự kỷ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.