Cách cho bé ăn dặm lần đầu tiên và những lưu ý nhất định mẹ phải nhớ

Lần đầu tiên cho trẻ ăn dặm không chỉ các bé mà ngay chính các mẹ cũng có rất nhiều lúng túng, lo lắng.

Liệu bé có thích ứng và an toàn với thức ăn mới hay không? Cho con ăn dặm như này có bị sớm quá hay muộn quá không? Nấu ăn như nào mới đảm bảo dinh dưỡng mà không gây hại cho hệ tiêu hóa của bé?.... Đó chỉ là một số trong vô vàn những vấn đề khiến người làm mẹ băn khoăn và để giải đáp điều đó, Tintuconline mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây.

Cách cho bé ăn dặm lần đầu tiên và những lưu ý nhất định mẹ phải nhớ-1

1. Hậu quả khi cho trẻ ăn dặm quá sớm hoặc quá muộn?

Nhiều mẹ có tâm lý lo lắng sữa mẹ không đủ dưỡng chất khiến bé nhẹ cân, hoặc nghĩ rằng ăn dặm sớm sẽ giúp con mình cứng cáp hơn nên đã vội vàng cho trẻ ăn dặm sớm. Điều này rất không nên bởi ăn dặm sớm (trước 4 tháng tuổi) sẽ gây nên nhiều hậu quả không đáng có cho trẻ như:

- Hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện, chỉ chấp nhận được dạng thức ăn lỏng như sữa mẹ và hệ thống men chưa đầy đủ để tiêu hóa các thực phẩm ăn dặm, từ đó dễ xuất hiện rối loạn tiêu hóa.

- Làm trẻ bú ít sữa mẹ, bỏ lỡ nguồn dinh dưỡng quý giá từ sữa mẹ, không đáp ứng đủ nhu cầu của trẻ và làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh vì thiếu yếu tố bảo vệ từ sữa mẹ.

- Giảm bú mẹ sẽ dẫn tới giảm phản xạ tiết sữa, mẹ có nguy cơ mất sữa sớm. 

- Sự phối hợp các cơ vẫn đang phát triển, do đó ăn dặm quá sớm có thể làm tăng nguy cơ sặc thức ăn gây ngạt.  Sau 6 tháng, bé sẽ thấy dễ dàng hơn để xử lý và nuốt thức ăn, giúp giảm nguy cơ bị nghẹn.

- Bé có thể bị tăng nguy cơ dị ứng với thức ăn, nguy hiểm hơn là tình trạng nhiễm trùng đường tiêu hóa. 

- Ngoài ra, cơ thể bé có thể bị tăng áp lực khi đào thải các chất không cần thiết ra bên ngoài. 

- Tùy theo chất lượng bữa ăn bổ sung, một số trẻ nhận được quá nhiều năng lượng và chất dinh dưỡng có thể dẫn tới béo phì, trong khi một số khác lại nhận được quá ít năng lượng và chất dinh dưỡng, gây suy dinh dưỡng.

- Tăng nguy cơ mang thai sớm của người mẹ nếu không cho trẻ bú mẹ hoàn toàn.

Cách cho bé ăn dặm lần đầu tiên và những lưu ý nhất định mẹ phải nhớ-2

Ngược lại, cũng có một số mẹ lại quá cuồng sữa mẹ, cho rằng đó là nguồn thực phẩm tốt nhất và hoàn thiện nhất cho con (điều này chỉ đúng trong giai đoạn 6 tháng đầu đời), hoặc một số mẹ có thể gặp khó khăn khi bắt đầu cho trẻ ăn dặm nên luôn trì hoãn việc cho trẻ ăn dặm, dẫn đến việc cho trẻ ăn dặm quá muộn (sau 6 tháng tuổi) cũng không hề tốt. Cụ thể:

- Có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng của bé vì sữa mẹ và sữa công thức không còn đủ khả năng bù đắp nhu cầu năng lượng rất lớn lúc này, từ đó dẫn đến suy dinh dưỡng, làm chậm quá trình phát triển về thể chất của bé. 

- Trẻ bú mẹ hoàn toàn khi trên 6 tháng tuổi sẽ không nhận đủ các vi chất dinh dưỡng dẫn đến các rối loạn như thiếu máu thiếu sắt, còi xương do thiếu Calci. 

- Việc trì hoãn ăn dặm tới sau 6 tháng có thể khiến trẻ phản kháng, không chịu ăn thức ăn đặc. 

- Hệ miễn dịch đang trong giai đoạn phát triển và hoàn thiện của trẻ cũng bị ảnh hưởng. 

- Khi bé được cho ăn dặm quá muộn, các con có thể bị chậm phát triển các kỹ năng vận động liên quan đến ăn uống, chẳng hạn như kỹ năng nhai, kỹ năng nuốt, cầm nắm thức ăn,...

Cách cho bé ăn dặm lần đầu tiên và những lưu ý nhất định mẹ phải nhớ-3


2.  Khi nào cho bé bắt đầu ăn dặm?

Như đã phân tích ở trên, ăn dặm quá sớm hay quá muộn đều không tốt và khiến bé phải đối diện với nhiều nguy cơ. Vậy đâu là thời điểm thích hợp nhất để cho bé bắt đầu ăn dặm?

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trẻ nên bắt đầu được cho ăn dặm khi tròn 6 tháng tuổi (180 ngày sau sinh). Đây là thời điểm cần và thích hợp nhất để bắt đầu cho bé làm quen với những loại thức ăn bổ sung (ngoài sữa) từ các phương pháp ăn dặm khoa học. Lý do cụ thể hơn có thể lý giải như sau:

- Trong 6 tháng đầu đời, trẻ nên được nuôi dưỡng hoàn toàn bằng sữa mẹ vì giá trị dinh dưỡng trong sữa mẹ rất cao và rất tốt cho sự phát triển của trẻ, giúp trẻ tăng cường sức đề kháng. 

- Hệ tiêu hóa của trẻ đã phát triển khá hoàn chỉnh nên có thể hấp thụ những thức ăn đặc và phức tạp hơn so với sữa mẹ.

- Tốc độ tăng trưởng của trẻ tăng lên, sữa mẹ không đáp ứng đủ nhu cầu cho bé.  

- Ăn bổ sung khi trẻ được 6 tháng tuổi giúp trẻ phát triển, hoạt động tốt và khỏe mạnh. Nhưng nhiều mẹ cho rằng sau 6 tháng sữa mẹ đã giảm dinh dưỡng nên cần bổ sung ăn dặm. Đây là suy nghĩ chưa đúng. Sữa mẹ vẫn giữ nguyên dưỡng chất tuy nhiên không đáp ứng đủ cho nhu cầu phát triển ngày càng cao của bé. 

- Giai đoạn này mẹ vẫn cần tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ vì sữa mẹ cung cấp hơn một nửa nhu cầu dinh dưỡng của trẻ. Từ 12 - 14 tháng tuổi, sữa mẹ cung cấp 1/3 nhu cầu dinh dưỡng của trẻ. Ngoài ra, sữa mẹ còn cung cấp các yếu tố miễn dịch giúp trẻ phòng tránh các loại bệnh, gắn kết mẹ con giúp trẻ phát triển tâm lý.

Cách cho bé ăn dặm lần đầu tiên và những lưu ý nhất định mẹ phải nhớ-4

3. Cách cho bé ăn dặm lần đầu tiên hiệu quả

Để cho bé ăn dặm lần đầu suôn sẻ và hiệu quả, các mẹ cần tìm hiểu và quan sát để tìm ra thời điểm ăn dặm phù hợp nhất với con yêu vì tuổi tác không phải là cơ sở duy nhất để chúng ta lựa chọn thời điểm lần đầu ăn dặm cho bé. Cụ thể, khi trẻ đã được 6 tháng tuổi, mẹ hãy chú ý nhận biết những dấu hiệu của con. Nếu trẻ có những thay đổi dưới đây thì đã đến lúc mẹ nên cho bé ăn dặm: 

- Bé đã có thể tự ngồi thẳng hoặc có thể ngồi thẳng với sự hỗ trợ của ghế ăn dặm.

- Khi đưa thức ăn gần bé, bé có phản xạ mở miệng hoặc tỏ ra vô cùng thích thú, tò mò với những đồ ăn mà cha mẹ mang đến. Thậm chí, bé có thể đưa tay ra để với thức ăn. 

- Bé có phản xạ thè lưỡi, dùng lưỡi để lấy thức ăn và nuốt khi được bố mẹ bón thức ăn cho. 

Thông thường, khi trẻ có cân nặng gấp đôi so với lúc trẻ sinh ra, cũng là thời điểm mà cha mẹ có thể cho con ăn dặm lần đầu tiên.  

Bên cạnh đó có những lưu ý đặc biệt quan trọng, mẹ cần nhớ khi cho bé ăn dặm lần đầu:

- Lựa chọn thời điểm ăn dặm và kiểu ăn dặm tốt nhất, phù hợp nhất với trẻ. 

- Ăn dặm nhưng không thay thế sữa mẹ hoàn toàn, mẹ cần điều chỉnh chế độ ăn dặm của con để cân bằng với nguồn dinh dưỡng từ sữa mẹ. 

Cách cho bé ăn dặm lần đầu tiên và những lưu ý nhất định mẹ phải nhớ-5

- Mẹ không nên ép trẻ ăn nhiều ngay từ đầu mà phải ăn ít một kiểu thăm dò, có thể chỉ khoảng 1 đến 2 muỗng, khi bé thích ứng và tiêu hóa tốt mới tăng dần lượng ăn và số bữa ăn. Nếu trẻ ngậm miệng, nhè thức ăn, hay quay sang chỗ khác hoặc khóc lên khi thấy đồ ăn,... thì mẹ không nên ép con ăn. Tốt nhất, mẹ nên dừng lại và chờ đến khi trẻ đói thì tiếp tục cho trẻ ăn.

- Đối với những loại thực phẩm mới, nếu bé không muốn ăn, mẹ không nên ép con mà hãy kiên nhẫn thử lại vào lần sau. Trẻ cần thời gian để thích nghi với những thực phẩm mới. 

- Trẻ nên được bắt đầu ăn dặm bằng gạo trắng nấu bột nhuyễn và lỏng. Không chỉ tăng cường bổ sung dưỡng chất, gạo cũng là thực phẩm lành tính và ít có nguy cơ dị ứng so với những loại ngũ cốc khác. 

- Nên cho con ăn bột ngọt trước và bột mặn sau. Cụ thể, mẹ nên cho con ăn thử bột ngọt trước. Mẹ chỉ cần pha sữa công thức với sữa mẹ và không cần cho thêm thực phẩm nào khác. Nếu thấy bé thích nghi tốt sau 2 đến 4 tuần, mẹ có thể chuyển sang bột mặn. Khi chuẩn bị bột mặn cho bé, mẹ nên cho thêm thịt, cá, một số loại rau,… để cung cấp đầy đủ những dưỡng chất cần thiết dành cho trẻ. 

- Trong lần đầu tiên ăn dặm, mẹ chỉ nên cho bé ăn thức ăn dạng lỏng và chỉ duy nhất 1 bữa/ ngày. Khi thấy trẻ có biểu hiện thích nghi tốt, hệ tiêu hóa hoạt động tốt, mẹ hãy tăng dần số bữa ăn lên. 

- Khi tập ăn dặm, bé có thể gặp phải tình trạng dị ứng thức ăn, hoặc những vấn đề về tiêu hóa,… cha mẹ phải chú ý quan sát. Nếu con có biểu hiện bất thường, mẹ cần nhanh chóng đưa con đến các cơ sở y tế để được các bác sĩ tư vấn, thăm khám bệnh cho con kịp thời. 

Theo V.K (tổng hợp) - Vietnamnet


Ăn Dặm


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.