Chánh Văn Hoàng Anh Tú nói về vụ cặp đôi tự tử vì cha mẹ ngăn cản yêu đương: "Cấm đoán chỉ khiến lũ trẻ chiến đấu chống lại sự cấm đoán mà thôi"

"Tự tử không khiến tình yêu của các bạn đẹp đẽ lên. Tự tử chỉ là cuộc trốn chạy hèn nhát", nhưng cha mẹ cũng cần "chuẩn bị cho con sẵn sàng sự vấp ngã chứ đừng ngăn chúng được vấp ngã", anh Chánh Văn nói.

Tự tử chỉ là cuộc chạy trốn hèn nhát

Sự việc đau lòng về 1 đôi nam nữ tự tử gần đây do bị gia đình cấm cản chuyện yêu đương khiến anh có suy nghĩ như thế nào?

Tôi thực sự không khỏi bàng hoàng và xót xa. Xin lỗi, nhưng ngay lập tức tôi đã muốn trách mắng ngay đôi trẻ ấy dù họ đã không còn nữa. Tự tử luôn không phải và không thể là cách chúng ta giải quyết vấn đề. Tự tử không khiến tình yêu của các bạn đẹp đẽ lên. Tự tử chỉ là cuộc trốn chạy hèn nhát.

Không những thế, nó còn là cách hành xử ích kỷ với cha mẹ mình, những bạn bè, người thân của mình. Tự tử khiến người ở lại mang theo một khoảng trống không bao giờ lấp đầy nổi. Nó giống như một hình phạt tàn khốc dành cho TẤT CẢ những người yêu mến bạn chứ không chỉ riêng người đã khiến bạn muốn tự tử.

Và trong câu chuyện này cũng vậy, không chỉ riêng bố mẹ hai bạn ấy đau lòng mà là TẤT CẢ những người yêu thương hai bạn ấy sẽ đau lòng

Dù đúng như anh nói, nhưng sự việc đau lòng đó đã xảy ra và vấn đề cha mẹ nên để con tự do yêu đương không phải là vấn đề cũ. Thất tình, lựa chọn sai lầm cũng là 1 trải nghiệm nên có để lũ trẻ tự lớn lên phải không, thưa anh?

Đúng! Trong rất nhiều lần tôi tham gia tư vấn cho các bậc phụ huynh có con ở tuổi mới lớn dính vào chuyện yêu đương, tôi đều tập trung vào cha mẹ nhiều hơn là “nhân vật chính”. Bởi rất nhiều các bậc phụ huynh can thiệp quá sâu vào việc trưởng thành của con mình, cho rằng có thể giúp con hạnh phúc hay ngăn ngừa con không phạm phải sai lầm. Mà quên mất rằng hầu hết chúng ta chỉ có thể trưởng thành thông qua việc vấp ngã và đứng dậy. Chuyện yêu đương cũng thế. Đó là một trải nghiệm. Bạn không thể cấm cản nó.

Chánh Văn Hoàng Anh Tú nói về vụ cặp đôi tự tử vì cha mẹ ngăn cản yêu đương: Cấm đoán chỉ khiến lũ trẻ chiến đấu chống lại sự cấm đoán mà thôi-1

Bạn chỉ có thể chuẩn bị sẵn sàng cho việc con bạn nếu ngã. Hãy cứ để chúng ngã và tìm cách đứng lên. Điều bố mẹ nên làm chỉ là trở thành một bờ vai, điểm tựa chứ đừng tranh làm tay vịn, đòn bẩy hay tệ hơn là xây rào quanh con.

Vài phụ huynh cũng hỏi tôi: "Lỡ con em yêu đương dính bầu thì sao? Em phải cấm chứ. Nếu là con anh anh có lo không?". Trời ạ, có gì khiến tôi phải lo khi mà tôi đã cung cấp đầy đủ cho con mình kỹ năng phòng tránh thai lẫn hậu quả thấy được nếu không sử dụng biện pháp phòng tránh thai. Hay có phụ huynh hỏi: "Lỡ con anh yêu một kẻ không ra gì?".

Chúng ta đừng tự doạ dẫm mình nữa. Xin hãy tin con. Chuẩn bị cho con sẵn sàng sự vấp ngã chứ đừng ngăn chúng được vấp ngã.

Lũ trẻ muốn nổi loạn, phá phách là bởi chúng không thấy được lòng tin của cha mẹ dành cho chúng

Thay vì tạo ra những vòng kìm kẹp, những cấm đoán, chúng ta không thể biết điều gì chứa trong đầu lũ trẻ và khi tình yêu thương sai cách bằng những bao bọc và lo lắng có thể gây phản tác dụng như cách chúng có thể làm những điều dại dột trên. Nhưng nhiều cha mẹ vẫn không cam lòng nếu nhìn thấy đường đi của con mình sai, vậy cách tối ưu có thể làm là gì?

ĐỂ TÂM chứ đừng chỉ ĐỂ MẮT. Để Tâm sẽ biết các con đang thiếu gì, cần bổ sung gì. Để Mắt sẽ chỉ nhìn thấy sự bất ổn ở con và lo lắng. Để Tâm là Tin Con và sẵn sàng cùng con vượt qua những vấp ngã trong tương lai.

Tôi biết chứ, lòng mẹ, tâm tư của cha nhiều khi khiến chúng ta lo lắng và sợ hãi cả những điều chưa xảy ra. Như giao xe máy cho con nhưng nhìn giao thông xứ mình mà lo lắng ăn không ngon ngủ không yên khi con đi xe máy ngoài đường.

Nhưng chúng ta sao có thể theo sát con 24/24, hãy giúp con những kỹ năng để TIN vào con. Phần lớn sự kìm kẹp, cấm đoán hay bao bọc, lo lắng đều bắt nguồn từ việc KHÔNG TIN CON. Và lũ trẻ muốn nổi loạn, phá phách là bởi chúng không thấy được lòng tin của cha mẹ dành cho chúng.

Từ việc là ông bố của 3 đứa trẻ đang độ tuổi nhạy cảm, là anh Chánh Văn Hoàng Anh Tú đã từng tiếp xúc với vô số những tâm tư uẩn ức của tuổi teen, anh nhận thấy cha mẹ chúng ta thường mắc những sai lầm gì?

Nhiều lắm! Như chuyện không tin tưởng ở con, luôn nghĩ con bé bỏng như hồi 2-3 tuổi chẳng hạn. Tôi có 12 năm làm Chánh Văn, tiếp xúc hàng trăm ngàn câu hỏi của tụi trẻ nhưng với con mình nhiều khi tôi cũng… quên mất rằng chúng đã lớn và tôi phải đặt lòng tin vào chúng thay vì áp một luật lệ vào chúng. Lắng nghe chúng thay vì chỉ nói và bắt chúng phải làm theo. Tôn trọng chúng thay vì dùng quyền làm cha, làm mẹ.

Chẳng hạn như khi con gái thứ 2 của tôi đọc sách ngôn tình. Tôi, một nhà văn, đương nhiên phản ứng. Nhưng nếu chỉ là phân tích đúng sai về ngôn tình tại sao không nên đọc thì cô bé sẽ chẳng cho vào đầu. Chỉ khi cô bé bất lực với một bài tập làm văn tôi mới có thể nhân chuyện đó để nói với cô bé về giá trị văn chương thực sự.

Rằng ngôn tình không giúp cô bé làm giàu ngôn ngữ, có những cách hành văn đẹp được. Nhất là những dạng ngôn tình mạng được viết bởi những người trẻ thiếu trải nghiệm sống, câu cú lủng củng. Tất cả đều cần học từ thực tế trải nghiệm chứ không thể bằng lý thuyết suông là vậy. Hay như vợ tôi, cái cách cô ấy đem chính cuộc đời mình ra chia sẻ với các con cũng là cách để thuyết phục các con hiểu về giá trị bản thân.

Chánh Văn Hoàng Anh Tú nói về vụ cặp đôi tự tử vì cha mẹ ngăn cản yêu đương: Cấm đoán chỉ khiến lũ trẻ chiến đấu chống lại sự cấm đoán mà thôi-2

Thế giới của lũ trẻ đã phẳng đi rất nhiều, không thể nói dối chúng được đâu.

Một sai lầm nữa mà hầu hết các bậc cha mẹ đều hay mắc phải đó là đem những thước đo giá trị của thế hệ mình ra đo đếm và áp đặt con cái phải theo. Cuộc sống đã thay đổi nhiều rồi. Nếu như ngày xưa học tiếng Nga là số 1 thì bây giờ đâu còn phải vậy? Thế giới của lũ trẻ đã phẳng đi rất nhiều, không thể nói dối chúng được đâu.

Cấm đoán khiến lũ trẻ chiến đấu chống lại sự cấm đoán

Vì sao với lũ trẻ tình cảm yêu đương lại được coi là hàng đầu, thậm chí còn xếp ngôi vị cao hơn cả cha mẹ? Có phải việc gì có thể cấm, nhưng yêu đương tuyệt đối cha mẹ không nên cấm?

Chính xác là cấm đoán khiến lũ trẻ chiến đấu chống lại sự cấm đoán. Chứ nếu bố mẹ nào quái một chút như mẹ vợ tôi chẳng hạn, biết con gái thích một cậu con trai lông bông đấy, thay vì cấm đoán, mẹ vợ tôi thúc giục rủ lên nhà ăn cơm. Một là để giữ chúng trong tầm mắt mình. Hai là khi chúng có nhiều cơ hội tiếp xúc, trải nghiệm sẽ lộ ra những vấn đề bất ổn. Ba là cậu trai lông bông kia cũng “vào chùa phải nể mặt Phật Tổ” mà không dám làm điều gì quá lên với con gái mình.

Và cuối cùng, trong những câu chuyện vu vơ khác, mẹ vợ tôi đã khiến vợ tôi, cô gái 19 tuổi khi đó, thấy gã trai lông bông kia thật chẳng hợp với mình. Là mây tầng nào thì gió tầng đó, vợ tôi tự thấy mình không nên tiếp tục với một gã trai lông bông làm gì cho mất thời gian.

Anh đã chứng kiến 1 câu chuyện đau lòng nào mà nỗi ám ảnh của cha mẹ, của những người ở lại, còn mãi khi con họ chọn cách chủ động kết thúc cuộc đời mình?

Chánh Văn Hoàng Anh Tú nói về vụ cặp đôi tự tử vì cha mẹ ngăn cản yêu đương: Cấm đoán chỉ khiến lũ trẻ chiến đấu chống lại sự cấm đoán mà thôi-3

Tôi đã từng chứng kiến một cậu em mê rock và bất lực trước sự kiểm soát, thiếu tin tưởng ở cha mẹ. Rồi cậu cũng học theo Kud Coban, ngôi sao nhạc Rock tự sát ở tuổi 27, cậu cũng ra đi khi mới 24. Từ đó đến nay đã hơn 10 năm nhưng thứ đau đớn nhất là những người bạn của cậu. Là cô bạn gái của cậu.

Trong họ, khoảng trống mà cậu ấy tạo ra mãi mãi không lấp đầy được. Bố mẹ cậu 10 năm rồi vẫn dằn vặt bản thân mà không sao thoát ra khỏi. Người chết rồi thì không biết gì nữa nhưng kẻ ở lại mới là dằng dặc những đớn đau.

 Nhưng chẳng thể oán trách chúng “nhẫn tâm” với cha mẹ khi chúng chẳng còn trên cõi đời này nữa. Tâm sinh lý của những đứa trẻ lớn lên vô cùng nhạy cảm, cha mẹ cần gỡ những nút rối hoặc thấu hiểu là vô cùng cần thiết để tránh những trường hợp đau lòng như trên xảy ra. Nhưng giữa hàng loạt lý thuyết thì theo anh “câu thần chú” có thể áp dụng trong mọi tình huống là gì?

Tôi cũng không có câu thần chú chung nào hết. Bởi mỗi đứa trẻ đều cần một câu thần chú riêng do chính bố mẹ chúng tạo ra. Câu thần chú đó không phải là những câu nói “Bố mẹ yêu con” hay “Đừng có mà tự tử”. Câu thần chú đó phải là sự mở lòng của cha mẹ với con cái. Nó được kết nối thông suốt.

Ở đó, mọi suy nghĩ của con đều có thể nói ra cùng bố mẹ và sẽ không bao giờ bị bố mẹ phán xét đúng sai. Kể cả suy nghĩ sai thì bố mẹ vẫn thấy có thể thêm nhiều cách nghĩ khác chứ không phải lo sốt vó lên. Là chúng ta, các bậc cha mẹ, đều sẽ có một vạn tám ngàn suy nghĩ cũng hay ho không kém để con tuỳ chọn tham khảo thêm. Hãy cho con nhiều tùy chọn thú vị hơn một chọn lựa mà bố mẹ đang hoang mang. Thậm chí, hãy tìm hiểu để cùng con đưa ra nhiều giải pháp tốt hơn.

Như khi cậu cả nhà tôi cho rằng một hình xăm không có gì là xấu (vì vợ chồng tôi rất không thích con cái xăm mình). Thì thay vì cấm nó, vợ chồng tôi chỉ đưa ra những vấn đề cậu ấy cần phải giải quyết. Như định kiến xã hội. Như yêu cầu của nhiều cơ quan nhà nước. Như những khắt khe của… bố mẹ bạn gái cậu ta mai này. Là để cậu ấy tự lựa chọn.

Chánh Văn Hoàng Anh Tú nói về vụ cặp đôi tự tử vì cha mẹ ngăn cản yêu đương: Cấm đoán chỉ khiến lũ trẻ chiến đấu chống lại sự cấm đoán mà thôi-4

Câu thần chú đó không phải là những câu nói “Bố mẹ yêu con” hay “Đừng có mà tự tử”. Câu thần chú đó phải là sự mở lòng của cha mẹ với con cái.

Nếu vẫn muốn xăm mình, hãy chuẩn bị tâm lý cho kỹ. Tôi không biết mai này cậu ấy lớn rồi có xăm mình không nhưng tôi biết chắc cậu ấy sẽ học được sự chịu trách nhiệm nếu cậu ấy vẫn muốn xăm mình.

Theo Pháp luật và bạn đọc

Xem link gốc Ẩn link gốc https://afamily.vn/chanh-van-hoang-anh-tu-noi-ve-vu-cap-doi-tu-tu-vi-cha-me-ngan-can-yeu-duong-cam-doan-chi-khien-lu-tre-chien-dau-chong-lai-su-cam-doan-ma-thoi-2020091120304911.chn

Anh Chánh Văn

tự tử


Không muốn làm mẹ vì nỗi đau quá khứ đeo bám
Anh đã đến phá "lớp băng giá" quanh cô. Và cô đã hoàn toàn đổ gục vì anh đồng ý chỉ cần hai vợ chồng là đủ. Nhưng mới cưới hơn 2 tháng thì cô đã dính bầu. Cô thực sự không muốn sinh con vì những ám ảnh trong quá khứ…

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.