Cho bé ăn dặm đúng cách cầm nắm những nguyên tắc gì?

Để bé ăn dặm thuận lợi và an toàn, phụ huynh cần cho bé ăn dặm đúng cách và tuân thủ những nguyên tắc cơ bản dưới đây.

1. Nên cho bé ăn dặm từ thời điểm nào?

Có không ít mẹ mắc sai lầm khi chọn thời điểm cho bé ăn dặm, nhiều mẹ sợ sữa không đủ sẽ khiến bé đói nên cho ăn dặm sớm từ giai đoạn bé chưa đủ 6 tháng tuổi, ngược lại cũng có nhiều mẹ sợ cho ăn sớm là ảnh hưởng đến đường tiêu hóa của bé nên lại cho bé ăn dặm rất muộn. Cả 2 phương án này đều không nên mà tốt nhất mẹ hãy cho con ăn dặm đúng thời điểm.

Cho bé ăn dặm đúng cách cầm nắm những nguyên tắc gì?-1

Cụ thể, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trẻ nên bắt đầu ăn dặm khi tròn 6 tháng tuổi, vì những lý do sau:

- Vào giai đoạn 6 tháng tuổi thì hệ tiêu hóa của trẻ đã phát triển khá hoàn chỉnh nên có thể hấp thu những thức ăn đặc và phức tạp hơn so với sữa mẹ.

- Cơ thể trẻ thật sự cần những thức ăn bổ sung để phát triển khỏe mạnh vì nguồn sữa mẹ sau 6 tháng đã không đủ đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày của trẻ nữa.

- Đồng thời các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyến khích các bậc phụ huynh nên bắt đầu giai đoạn cho trẻ ăn dặm vào thời điểm 6 tháng và kết thúc ở tháng thứ 24.

Ngoài ra, bố mẹ cũng nên chọn thời điểm ăn dặm phù hợp trong ngày để thuận lợi cho việc hấp thụ chất dinh dưỡng, an toàn cho hệ tiêu hóa cũng như mức độ hợp tác của trẻ sẽ tăng lên. Đó là:

- Cho bé ăn khi bé tỉnh táo: Mẹ không nên cho bé ăn khi bé đang buồn ngủ, vì khi đó sẽ làm mất giấc ngủ cả bé đồng thời bé không thể tập trung ăn, sẽ khiến bé quấy khóc. Bữa ăn dặm có thể kéo dài, do đó, mẹ nên chọn lúc bé thật tỉnh táo để cho bé ăn.

- Cho bé ăn vào giữa buổi sáng và buổi trưa: Mẹ nên cho bé ăn vào lúc giữa buổi sáng, vì khi đó, bé không quá đói và cũng không quá no, cơ thể sẽ hấp thụ chất dinh dưỡng tốt hơn, tránh ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa non nớt của bé.

- Cho bé ăn 1 - 2 tiếng sau khi uống sữa: Trước bữa ăn khoảng 1 - 2 tiếng, mẹ nên cho bé bú sữa hoặc uống sữa để bé không quá đói. Khi cho bé ăn lúc bé quá đói sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hệ tiêu hóa của bé, đồng thời làm giảm cảm giác thèm ăn của bé.

- Không nên cho bé ăn sau 19 giờ: Sau 19 giờ, không nên cho bé ăn vì khi ăn no, bé sẽ khó ngủ. Sau 19 giờ, hệ tiêu hóa của bé bắt đầu làm việc chậm, bé dễ bị đầy hơi, khó tiêu.

Bên cạnh đó, mẹ nên chú ý cho bé ăn 3 - 4 bữa mỗi ngày, thời gian cách nhau để tránh bé quá đói hoặc quá no.

2. Nguyên tắc cho bé ăn dặm đúng cách

Để quá trình ăn dặm của bé diễn ra suôn sẻ, đảm bảo dinh dưỡng và sức khỏe thì bố mẹ nhất thiết phải học cách cho bé ăn dặm đúng cách, cụ thể là phải nắm rõ và tuân thủ những nguyên tắc ăn dặm cơ bản dưới đây:

Cho bé ăn dặm đúng cách cầm nắm những nguyên tắc gì?-2

Nguyên tắc ăn dặm từ ngọt đến mặn:

Thời gian đầu mới tập ăn dặm, bố mẹ nên lựa chọn bột ăn dặm vị ngọt trước sau đó mới chuyển qua bột ăn dặm vị mặn. Bột ăn dặm vị ngọt có hương vị gần giống với sữa mẹ, giúp bé dễ dàng thích nghi hơn. Khi bé đã quen với kết cấu đặc của bột, mẹ có thể chuyển dần sang bột vị mặn để bé làm quen thêm với mùi vị mới.

Nguyên tắc từ ít đến nhiều, từ loãng đến đặc:

Cho bé tập ăn dặm với lượng thức ăn ít trước, sau đó tăng dần theo thời gian. Về độ đặc cũng vậy để hệ tiêu hóa của bé có thời gian thích nghi dần, không phải thay đổi đột ngột và làm việc quá sức.  Ví dụ mẹ có thể bắt đầu bằng 1 -2 thìa bột với lượng nước sao cho đặc như nước cơm rồi tăng dần lên sau 3-4 hôm ½ thìa. Cứ như vậy tăng dần chứ không được cho bé ăn quá đặc, quá nhiều khi mới bắt đầu. 

Tuân thủ nguyên tắc này giúp bé dễ dàng thích nghi với kết cấu đặc của thức ăn, đảm bảo an toàn cho hệ tiêu hoá và cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ.

Làm quen với thực phẩm mới trong 3-5 ngày:

Khi muốn giới thiệu một món ăn mới, ba mẹ cần cho con làm quen trong 3 - 5 ngày. Tuyệt đối không được thay đổi liên tục các món ăn khiến bé choáng ngợp, chưa kịp thích nghi.

Cách làm quen thức ăn mới này còn giúp cho bé ấn tượng với các món ăn lâu hơn. Khi đó, bé sẽ nhớ được hương vị, màu sắc và kết cấu của từng loại thực phẩm trong món ăn. Ba mẹ cũng có thể đánh giá món ăn đó có gây ra dị ứng hay phản ứng phụ cho bé khi ăn hay không một cách chính xác. 

Chế độ ăn đầy đủ 4 nhóm thực phẩm:

Khi lên thực đơn ăn dặm cho bé, mẹ cần đảm bảo đủ 4 nhóm thức ăn để bé phát triển toàn diện. Cụ thể:

- Nhóm bột đường gồm có: gạo, bột mì, bún, phở, ngô, khoai…

- Nhóm đạm gồm có: thịt, cá, trứng, sữa, tôm, đậu nành và các loại đậu khác,...

- Nhóm chất béo gồm có: dầu ăn cho bé, bơ, phô mai và các loại hạt có dầu.

- Nhóm vitamin và khoáng chất gồm có: rau củ và các loại trái cây tươi.

Khi chế biến, mẹ không nên cho quá nhiều muối, mắm hay bột ngọt vào thức ăn vì sẽ làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ do thận phải hoạt động quá sức.

Đặc biệt trong quá trình ăn dặm, phụ huynh tuyệt đối không nên ép trẻ ăn khi bé không thích hoặc đã chán ăn. Nếu trẻ có dấu hiệu biếng ăn khi ăn một thực đơn nào đó, mẹ nên tạm ngưng phương pháp này trong khoảng 5 - 7 ngày rồi mới thực hiện lại. Việc áp trẻ ăn dặm sẽ làm bé bị căng thẳng và khiến tình trạng chán ăn diễn ra nhiều hơn.

3. Một số kiểu ăn dặm cho bé

Độ tuổi ăn dặm tốt nhất cho bé chỉ nên bắt đầu từ 6 tháng tuổi nhưng về phương pháp ăn dặm thì bố mẹ có thể linh hoạt lựa chọn kiểu phù hợp và tối ưu nhất cho con em mình. Hiện có 3 kiểu ăn dặm phổ biến được nhiều phụ huynh lựa chọn nhất cho con là:

Ăn dặm truyền thống:

Đây là phương pháp rất phổ biến với các mẹ Việt Nam. Lúc bắt đầu ăn dặm, các bé sẽ ăn bột xay chung với các loại thực phẩm khác nhau. Đến khi mọc răng, bé sẽ đổi sang ăn cháo kèm thức ăn xay nhuyễn. Kiểu ăn dặm này có ưu điểm là thức ăn được xay nhuyễn giúp bé dễ tiêu hóa, bố mẹ cũng không mất nhiều thời gian chế biến vì công thức đơn giản, thường phù hợp với những mẹ bận rộn.

Tuy nhiên các loại thức ăn cùng được xay nhuyễn và pha trộn lại với nhau nên bé khó cảm nhận được mùi vị và mẹ khó phát hiện được bé không thích hay dị ứng với loại thức ăn nào. Ngoài ra có một nhược điểm nữa là có thể ảnh hưởng đến khả năng ăn thức ăn thô của bé, không tập được phản xạ nhai cho bé.

Cho bé ăn dặm đúng cách cầm nắm những nguyên tắc gì?-3

Ăn dặm kiểu Nhật:

Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật là cho bé ăn dặm ngay với cháo loãng qua rây tỷ lệ 1:10 chứ không quấy bột. Bé ăn theo chế độ ăn dặm kiểu Nhật sẽ được ăn cháo loãng kết hợp cùng các loại thực phẩm khác nhau với hương vị được giữ nguyên bản với độ thô tăng dần theo từng thời điểm thích hợp; và các loại thức ăn của bé sẽ được để riêng rẽ, không trộn lẫn.

Vế ưu điểm, bé ăn dặm kiểu Nhật có khả năng ăn thức ăn thô sớm hơn và tập kỹ năng nhai - nuốt tốt hơn; tạo cho bé tâm lý thoải mái khi ăn, giúp bé khám phá hương vị từng món ăn; tạo thói quen ngồi ăn giúp bé ăn được nhiều hơn và tập trung hơn; nâng cao kỹ năng tự lập cho bé. Vậy nhưng kiểu ăn dặm này cũng có nhược điểm là bố mẹ sẽ mất nhiều thời gian, công sức trong việc dạy bé ngồi, cách cầm thìa, cách ăn… và cũng bận rộn cho mẹ hơn để chế biến riêng biệt từng loại thức ăn.

Ăn dặm tự bé chỉ huy (Baby Led Weaning – BLW):

Kiểu ăn dặm này sẽ cho bé được tự quyết định quá trình ăn của mình ngay từ đầu. Bố mẹ chỉ chọn loại đồ ăn và bé là người sẽ quyết định cách ăn cũng như khối lượng thức ăn. Phương pháp ăn dặm này có các đặc điểm cơ bản sau: bé có thể ngồi cùng bàn và ăn chung với cả nhà; bé sẽ tự ăn và ăn thô y như người lớn; bé được tự chọn những gì bé thích bằng cách bốc và cầm nắm bằng tay nguyên miếng thức ăn đã được hầm mềm.

Ưu điểm của ăn dặm BLW là bé được giúp làm quen với từng loại thực phẩm nhanh hơn và ít tốn kém hơn do được trải nghiệm chế độ ăn và hương vị phong phú; Giúp bé ăn một cách tự nhiên và phát triển kĩ năng kiểm soát thức ăn, kỹ năng nhai cho bé; Định hình và phát triển thói quen ăn uống độc lập từ sớm; Giúp bé thêm khéo léo, học được cách kết hợp sử dụng tay và mắt qua mỗi lần sử dụng ngón tay đưa thức ăn vào miệng. Tuy nhiên ăn dặm BLW lại có nhược điểm là bố mẹ khó kiểm soát được chất dinh dưỡng và lượng thức ăn được đưa vào cơ thể bé, đặc biệt là bé dễ bị hóc đồ ăn nếu thức ăn to và còn cứng…

Cho bé ăn dặm đúng cách cầm nắm những nguyên tắc gì?-4

Có thể thấy, mỗi phương pháp ăn dặm đều có những ưu, nhược điểm nhất định và không có phương pháp nào là hoàn hảo nhất. Do đó, mẹ cần quan sát và chọn cho bé phương pháp ăn dặm phù hợp với sở thích, thói quen và thể trạng để đạt được kết quả tốt nhất.

Theo V.K (tổng hợp) - Vietnamnet


Ăn Dặm


Đưa hôn nhân qua mùa... thất vọng
Thất vọng là một "liều thuốc độc" của hôn nhân. Nó không gây ra cái chết ngay lập tức mà từ từ ngấm vào cuộc hôn nhân và đến một ngày, nếu không phát hiện ra mà "chữa" kịp thời, hôn nhân sẽ tử vong…

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.