Có nên cho trẻ mút tay không? Bé mút tay phải làm sao?

Mút ngón tay là hiện tượng phổ biến ở trẻ nhỏ giai đoạn nhũ nhi từ 1 tháng đến 1 tuổi, tuy nhiên nhiều cha mẹ vẫn rất lo lắng, không biết tại sao trẻ lại mút tay, có nên cho trẻ mút tay không? mút tay như vậy có an toàn hay gây ra tác hại gì không?..  Bài viết dưới đây sẽ cùng độc giả tìm hiểu về những vấn đề đó.

Tại sao trẻ mút tay?

Thông thường thấy trẻ mút tay, nhiều người lớn nghĩ ngay đến việc trẻ đang đói, cần cho trẻ ăn, tuy nhiên đây chỉ là một trong nhiều lý do của hành động này. Cụ thể, theo các chuyên gia về trẻ em, hiện tượng mút tay của trẻ có thể xuất hiện từ những nguyên nhân sau:

Có nên cho trẻ mút tay không? Bé mút tay phải làm sao?-1

- Trẻ thích: Ngậm mút ngón tay được các chuyên gia khẳng định là một sở thích bình thường của trẻ nhỏ. Trẻ thích mút tay vì hành động này mang lại sự sảng khoái, giúp trẻ lớn khôn từng ngày và đây còn được xem là một thú vui trong những tháng tuổi đầu đời của trẻ.

- Trẻ đói: Đây là nguyên nhân phổ biến bởi khi đói điều này làm trẻ cảm thấy dễ chịu hơn. Trẻ tự mút ngón tay mình như thể đang mút bầu sữa mẹ vậy, cho trẻ cảm giác yên tâm như đang được gần mẹ vậy.

- Thói quen: Nhiều khi trẻ mút tay cả khi trẻ vẫn đang no tức là không phải do đói, cũng không hẳn do thích, đó như kiểu một thói quen, một phản xạ tự nhiên tiếp nối với sự phát triển của trẻ từ khi còn trong bụng mẹ. Nếu bố mẹ không can thiệp kịp thời, thói quen này có thể theo trẻ đến tận khi bé lớn hơn và thôi bú mẹ.

- Cho trẻ cảm giác an toàn, dễ chịu: Theo các nhà nghiên cứu, mút tay mang đến cho một số trẻ cảm giác an toàn trong những giai đoạn khó khăn. Chẳng hạn, khi trẻ bị tách rời với bố mẹ, bị những người xa lạ bao quanh hoặc ở trong một môi trường không quen thuộc khiến trẻ căng thẳng, lo lắng… Cụ thể theo giải thích khoa học, ngậm mút ngón tay kích thích bài tiết endorphin (một chất giảm đau tự nhiên) để giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn khi cơ thể mệt mỏi, buồn chán, đói hoặc khi não bộ cần thư giãn.

- Giác quan phát triển: Giai đoạn 2 đến 3 tháng tuổi, cơ thể bé bắt đầu có sự phát triển vượt trội về các giác quan, trong đó quan trọng nhất là xúc giác. Sự phát triển xúc giác thể hiện ra ngoài bằng việc bé có sự hứng thú với các ngón tay của mình. Nếu chú ý quan sát, cha mẹ sẽ nhận thấy các bé cố gắng vươn tay lên, sau đó ngắm nghía, cuối cùng là đưa các ngón tay vào miệng và bắt đầu mút, gặm... Khi thực hiện điều này bé tỏ ra rất thích thú và thỏa mãn. Nếu cha mẹ cố tình kéo tay ra khỏi miệng hoặc ngăn cản việc trẻ thích mút tay có thể khiến bé tức giận, khó chịu và thậm chí gào khóc.

- Hình thành nhận thức: Trẻ thích mút tay còn là biểu hiện trẻ bắt đầu có sự nhận thức và khám phá thế giới xung quanh. Thông qua hành động mút tay, trẻ có thể cảm nhận được chính bàn tay của mình. Đồng thời, đây còn là cách bé học tập, giai đoạn đầu đưa cả bàn tay vào miệng, sau đó hành động dần chuyên nghiệp hơn khi đưa 3-2 ngón tay, cuối cùng não bộ phát triển cao hơn khi bé chỉ đưa 1 ngón tay nào đó vào miệng. Khi trẻ đưa ngón tay cái chính xác vào miệng chứng tỏ trẻ có khả năng điều khiển cơ quan vận động và điều khiển cơ bắp theo ý muốn.

Có nên cho trẻ mút tay không? Bé mút tay phải làm sao?-2

Có nên cho trẻ mút tay không?

Với những lý do nêu trên, rõ ràng mút ngón tay là một hiện tượng bình thường ở trẻ nhỏ, thậm chí còn có những lợi ích nhất định kích thích giúp trẻ phát triển hơn, linh hoạt hơn. Hơn nữa, đa phần trẻ sẽ tự động giảm và bỏ mút tay ở giai đoạn ngoài 3 tuổi hoặc sớm hơn, vậy nên bố mẹ cũng không cần quá lo lắng hay nhất quyết cấm cản con mút tay, tuy nhiên phải chú ý tiết chế để trẻ không mút tay quá nhiều, vệ sinh tay sạch sẽ cho trẻ, tránh trường hợp trẻ mút tay bẩn dẫn đến những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Trong trường hợp một số bé mút tay quá lâu, ngoài 4 tuổi vẫn mút tay thì bắt buộc bố mẹ phải can thiệp để bé bỏ hẳn tật này vì đây là thời kỳ bắt đầu có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến xương hàm trên, cấu trúc răng cũng như sức khỏe của bé. Cụ thể:

- Bé nào mút tay lâu quá thì xương hàm trên sẽ bị hô, răng giữa 2 hàm sẽ bị hở. Trường hợp nhẹ thì khi bỏ thói quen mút tay, răng 2 hàm về lại vị trí bình thường. Trường hợp nặng cần can thiệp bằng chỉnh nha rất tốn kém và đau đớn, nếu không răng bé vừa xấu vừa có thể dẫn đến những nguy cơ tiêu cực khác.

- Trẻ lớn vận động nhiều, bàn tay thường là không được sạch sẽ nên nếu trẻ vẫn thích mút tay thì sẽ là yếu tố nguy cơ lây nhiễm các tác nhân gây bệnh thông qua đường tay - miệng như tay chân miệng, cúm, thủy đậu, nhiễm giun sán và một số bệnh tiêu hoá nghiêm trọng khác.

- Trẻ mút tay quá mạnh, mút liên tục hay thậm chí một số còn nhai hoặc dùng lưỡi đẩy các ngón tay có thể gây nên các tổn thương ở da như nứt da ngón tay tái đi tái lại, lở loét và tạo điều kiện cho tác nhân bên ngoài xâm nhập gây nhiễm trùng da.

-  Nghiêm trọng hơn, những trẻ từ 5-6 tuổi trở lên bước vào thời kỳ thay răng vĩnh viễn, trẻ mút tay với động tác mạnh hoặc dùng lưỡi đẩy sẽ gây tổn thương lên răng và hàm, dẫn đến hiện tượng răng hô hoặc móm, lệch khớp cắn, khó phát âm.

- Về mặt phát triển tâm lý, trẻ thích mút tay còn được xem là biểu hiện của sự thiếu tự tin, xấu hổ, thậm chí bị bạn bè chọc ghẹo, gây mặc cảm khi đến trường.

Có nên cho trẻ mút tay không? Bé mút tay phải làm sao?-3

Bé mút tay phải làm sao?

Khi trẻ thích mút tay, bố mẹ cần lưu ý việc giữ vệ sinh thân thể cho trẻ, đặc biệt là 2 bàn tay, cắt móng tay gọn gàng, đồng thời vệ sinh môi trường xung quanh bé thường xuyên. Bố mẹ nên xem thói quen mút tay là công việc chính đáng của bé và tạo điều kiện tốt nhất để bé thực hiện hành động yêu thích của mình. Tuy nhiên bố mẹ cũng cần lưu ý là trẻ có thói quen mút tay có thể cũng cho bất cứ vật gì vào miệng và nuốt chúng, do đó cần tránh cho bé tiếp xúc với những vật sắc nhọn, những vật nhỏ, tròn... tránh trường hợp trẻ bị hóc hoặc có dị vật đường thở.

Với những trẻ còn bú mẹ cần cho bé bú sữa đầy đủ, đảm bảo trẻ không bị đói sẽ hạn chế được thói quen tìm tay để ngậm mút. Nếu trẻ thỉnh thoảng mới mút tay, khi đó bố mẹ có thể làm phân tâm trẻ, lôi cuốn sự chú ý của trẻ vào những trò chơi hợp với lứa tuổi, giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn. Những lúc trẻ căng thẳng hoặc khó chịu như trẻ bị bệnh, đau sau tiêm, sợ hãi... bố mẹ nên dành nhiều thời gian để gần gũi bên trẻ và chăm sóc trẻ tốt hơn, tạo tâm lý ấm áp giúp trẻ vượt qua khó khăn một cách dễ dàng, hạn chế được thói quen ngậm mút tay trong vô thức.

Khi trẻ bước qua giai đoạn nhũ nhi và bắt đầu đến 1 tuổi thì mẹ mới từ từ cai dần tật mút ngón tay cho trẻ. Phụ huynh hãy chịu khó tìm cách động viên, khích lệ trẻ, những lúc không mút tay cũng mang lại hiệu quả giảm dần rồi tự hết. 

Bên cạnh đó, có thể sử dụng một số biện pháp như băng kín hay mang găng che tay trẻ… nhằm làm giảm hứng thú mút tay cũng có hiệu quả nhất định. Với trẻ lớn, cần được giải thích lồng ghép trong tác hại của những thói quen kém vệ sinh, nhắc nhở trẻ thường xuyên rửa tay sạch, cắt móng tay, vệ sinh da để tránh lây bệnh.

Theo V.K - Vietnamnet


Trẻ sơ sinh


Đưa hôn nhân qua mùa... thất vọng
Thất vọng là một "liều thuốc độc" của hôn nhân. Nó không gây ra cái chết ngay lập tức mà từ từ ngấm vào cuộc hôn nhân và đến một ngày, nếu không phát hiện ra mà "chữa" kịp thời, hôn nhân sẽ tử vong…

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.