Dạy con cách theo đuổi mục tiêu bền bỉ

Theo Hiệp hội Tâm lý học Mỹ, sự kiên trì là yếu tố khác biệt giữa những cá nhân xuất sắc nhất với người khác.

Dạy con cách theo đuổi mục tiêu bền bỉ-1
Trẻ cần học cách không bỏ cuộc. Ảnh minh họa

“Grit” đã trở thành một từ thông dụng trong giới giáo dục và phát triển trẻ em. Trong tâm lý học, “grit” là cụm từ để chỉ niềm đam mê, động lực và quyết tâm, kiên trì của một cá nhân, nhằm đạt được mục tiêu nhất định.

Bà Angela Duckworth - nhà tâm lý học tại Trường Đại học Pennsylvania, diễn giả TED và tác giả cuốn sách bán chạy nhất “Grit: The Power of Passion and Perseverance”, lần đầu tiên bắt đầu nghiên cứu về sự bền bỉ khi còn là một giáo viên dạy Toán lớp 7. Vào năm 2007, bà đã xuất bản một nghiên cứu mang tính bước ngoặt về sự kiên trì.

Nghiên cứu mang tính bước ngoặt

Duckworth tập trung vào những sinh viên đã thể hiện thành công sự kiên trì trong học tập và cuộc sống. Chuyên gia này phát hiện, việc kết hợp giữa sự can đảm và tự chủ, tự tin cũng như tham vọng là những yếu tố đáng tin cậy nhất về một kết quả tích cực, hơn là trí thông minh.

Chẳng hạn, những đứa trẻ thắng cuộc thi đánh vần không nhất thiết phải thông minh hơn các bạn cùng lứa. Thực tế, trẻ chỉ học chăm hơn.

Không giống như chỉ số IQ, tính bền bỉ là kỹ năng mà bất kỳ ai cũng có thể phát triển. Một số trẻ bẩm sinh có thể can đảm hơn những bạn khác. Song, có rất nhiều điều phụ huynh có thể làm để giúp con mình phát triển sự can đảm và kiên trì.

Tìm thấy niềm đam mê

Hầu hết trẻ nhỏ không có “niềm đam mê”. Tuy nhiên, phụ huynh có thể giúp chúng phát triển sở thích trong những năm đầu đời.

Khi trẻ lớn hơn, việc cho phép con theo đuổi sở thích mà chúng đã chọn sẽ giúp thúc đẩy sự chăm chỉ và kiên trì cần thiết để thành công. Nếu cha mẹ chọn các hoạt động và yêu cầu con làm, khả năng cao là trẻ sẽ cảm thấy không được kết nối. Khi đó, chúng có thể không muốn làm việc chăm chỉ để thành công.

Đưa trẻ ra khỏi vùng an toàn

Cha mẹ nên khuyến khích con mình thử và tiếp tục những hoạt động có thể khó khăn. Khuyến khích trẻ em thử những điều mới sẽ cho chúng cơ hội chứng minh rằng, con có thể làm bất cứ điều gì.

Nhiều người có thể tin rằng, nếu họ giỏi hoặc không giỏi một kỹ năng nào, đó là bởi vì họ được sinh ra như vậy. Vấn đề với niềm tin này là nó khiến nhiều đứa trẻ dễ dàng từ bỏ mọi thứ nếu chúng không thành công ngay lập tức. Do đó, chuyên gia

Duckworth gợi ý rằng, phụ huynh nên cho trẻ cơ hội theo đuổi ít nhất một điều khó khăn. Đó có thể là một hoạt động đòi hỏi kỷ luật để thực hành. Hoạt động thực tế không quan trọng bằng nỗ lực và kinh nghiệm học tập đi kèm với nó.

Hãy để trẻ thất vọng

Cha mẹ ghét nhìn thấy con mình phải vật lộn. Tuy nhiên, thực tế, việc chấp nhận rủi ro và đấu tranh là một cách quan trọng để trẻ học hỏi. Khi trẻ đang làm quen một kỹ năng, vật lộn với hoạt động hoặc môn thể thao khó, hãy cưỡng lại ý muốn giúp đỡ trẻ. Đồng thời, không cho phép trẻ bỏ cuộc khi có dấu hiệu gặp khó khăn.

Phụ huynh cần chú ý đến mức độ lo lắng của bản thân. Đừng sợ cảm giác buồn bã hay thất vọng của trẻ. Bởi, đó là cách trẻ phát triển khả năng phục hồi.

Khi những đứa trẻ nghĩ không bao giờ có khả năng thành công ở một điều gì đó khó khăn, chúng sẽ không tự tin đương đầu với thử thách. Đừng để trẻ bỏ cuộc chỉ vì chúng có một ngày tồi tệ.

Việc cho phép trẻ từ bỏ ngay khi mọi thứ trở nên khó khăn sẽ khiến con hiểu rằng, đấu tranh không phải là một phần của sự chăm chỉ. Nếu bỏ cuộc, trẻ có thể sẽ không bao giờ được chứng kiến điều vĩ đại có thể xảy ra khi con nỗ lực vượt qua những khó khăn đó.

Vì vậy, câu hỏi được đặt ra là: Cha mẹ có nên ép trẻ làm theo tất cả các hoạt động, ngay cả những điều khiến chúng than vãn và khóc lóc? Trong trường hợp này, phụ huynh có thể đưa ra một thỏa hiệp.

Ví dụ, trẻ có thể thử hoàn thành tất cả các hoạt động cho đến khi kết thúc phiên. Nếu trẻ chọn không đăng ký lại, hãy cho phép điều đó. Điều quan trọng là trẻ đã vượt qua sự khó chịu. Đó là một phần tự nhiên của quá trình học hỏi điều gì đó mới.

Lập mô hình tư duy phát triển

Chuyên gia Duckworth cho biết, cách tốt nhất để tăng cường sự can đảm ở trẻ em là dạy cho trẻ về “tư duy phát triển”. Nhà tâm lý học Carol Dweck - tác giả của “Mindset: The New

Psychology of Success” đã phát hiện ra rằng, một số người có tư duy phát triển kiên cường hơn và có xu hướng vượt qua khó khăn. Bởi, họ tin rằng, làm việc chăm chỉ là một phần của quá trình. Họ đồng thời không tin rằng, thất bại là điều vĩnh viễn.

Tư duy phát triển được hình thành bởi người lớn thông qua ngôn ngữ và hành vi mà chúng ta làm mẫu cho trẻ em. Để khuyến khích tư duy phát triển ở trẻ, phụ huynh hãy chú ý đến suy nghĩ của chính mình và những thông điệp gửi tới con thông qua lời nói và hành động.

Việc khen trẻ thông minh cho thấy, tài năng bẩm sinh là lý do dẫn đến thành công. Trong khi đó, tập trung vào quá trình giúp trẻ thấy nỗ lực của mình dẫn đến thành công như thế nào. Khi cha mẹ nói chuyện tích cực về việc mắc lỗi, trẻ bắt đầu nghĩ về lỗi lầm như một phần tự nhiên của quá trình học tập.

Cùng nhau vượt khó

Nếu trẻ đang gặp khó khăn, điều tốt nhất phụ huynh có thể làm là khuyến khích con không bỏ cuộc. Thay vào đó, hãy sử dụng trải nghiệm này như một cách để dạy trẻ tính kiên trì.

Cha mẹ hãy thường xuyên nói chuyện với trẻ về thất bại của chính mình. Sau đó, nói với trẻ về cách cha mẹ kiên trì, hoặc phương pháp để có thể kiên cường hơn. Trẻ em học hỏi từ những người lớn xung quanh. Vì vậy, nếu muốn con mình vượt qua thất bại một cách bình tĩnh, cha mẹ cần phải làm gương.

Paul Tough - tác giả của “How Children Succeed” - Cách để trẻ thành công cho rằng, việc phát triển các kỹ năng như “sự bền bỉ, kiên trì, tự chủ, lạc quan, lòng biết ơn, trí thông minh xã hội, niềm say mê và sự tò mò” quan trọng hơn chỉ số IQ.

Ông Paul Tough cho rằng, những đặc điểm này có thể được thúc đẩy ở trẻ em, nếu cha mẹ cung cấp thử thách để con vượt qua.

Theo Giáo dục và Thời đại

Xem link gốc Ẩn link gốc https://giaoducthoidai.vn/day-con-cach-theo-duoi-muc-tieu-ben-bi-post624136.html

Nuôi Dạy Con


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.