Dạy con nói gì khi người lạ cho bánh kẹo, rủ đi chơi nhưng không có bố mẹ ở đó

"Tránh xa người lạ" không còn là lời khuyên phù hợp với trẻ con ngày nay. Thay vào đó, bạn nên tin vào trẻ và nên dạy trẻ rõ ràng khi nào cần tránh và khi nào không.

Trẻ em thường trở nên tò mò hơn với thế giới khi chúng bị bố mẹ hoặc người lớn bảo "không được làm" bởi vì trẻ trong độ tuổi nhỏ sẽ sớm phát triển nhận thức độc lập và trở nên muốn làm mọi điều. Đó là cách mà não bộ của trẻ học để sáng tạo. 

Trẻ em ngày nay được quan tâm hơn vì cha mẹ hiểu hơn về tầm quan trọng của việc chơi, tương tác với trẻ nhỏ. Do đó, cách giáo dục trẻ không hướng đến việc cấm đoán vì nó không còn hiệu quả, mà thay vào đó, bắt đầu tôn trọng và dạy trẻ các kỹ năng cần thiết để hiểu thế giới tốt hơn. Đây là những điều nên dạy trẻ khi trẻ dần tham gia vào các hoạt động ngoài xã hội.

Dưới đây là một số lời khuyên trong vài tình huống cụ thể hay gặp ở trẻ từ Bác sĩ Anh Nguyễn, Phó Tổng Biên Tập tạp chí Harvard Public Health Review tại Đại học Harvard, hy vọng sẽ giúp ích cho bố mẹ. 

1. Làm gì khi người lạ cho bánh kẹo, rủ đi chơi nhưng không có bố mẹ ở đó

"Tránh xa người lạ" không còn là lời khuyên phù hợp với trẻ con ngày nay. Thay vào đó, bạn nên tin vào trẻ và nên dạy trẻ rõ ràng khi nào cần tránh và khi nào không. Khi tránh cần phải nói điều gì và tìm giúp đỡ ở ai.

- Nếu có bố mẹ bên cạnh hoặc đi cùng con, thì con có thể chào và cười vui vẻ lại với những ai chào con hay thể hiện thân thiện với con. Cha mẹ sẽ bảo vệ con nếu có bất kỳ điều gì không tốt xảy ra.

- Nếu không có bố mẹ bên cạnh, thì dù người đó có tỏ ra thân thiện hoặc cho con thứ con thích như bánh kẹo, đồ chơi… thì con nên hét lớn "không, con không quen cô" và chạy đi chỗ khác tìm sự giúp đỡ.

Tìm sự giúp đỡ từ ai? Bạn nên dạy trẻ nhận diện ai là người đáng tin để tìm kiếm sự giúp đỡ. Dùng các hình ảnh và đọc sách cho trẻ để trẻ dễ hiểu và dễ nhận dạng. Đây có thể là những người con có thể tin tưởng và nhờ sự giúp đỡ.

- Người mặc đồng phục: như chú cảnh sát, như nhân viên ngân hàng, cô giáo mặc áo dài, nhân viên bán hàng tiện lợi… những người mà trẻ có thể dễ dàng nhận diện.

- Người đứng bán trong cửa hàng gần nhất.

- Người có dẫn theo em bé hay trẻ con.

Con hãy kể cho người có thể giúp đỡ nghe về sự việc và nhờ họ điện cho cha mẹ. Bạn nên ghi số điện thoại của bạn ở giày hay cặp của trẻ và cho trẻ biết.

Dạy con nói gì khi người lạ cho bánh kẹo, rủ đi chơi nhưng không có bố mẹ ở đó-1

2. Bố mẹ đến đón trễ thì phải làm sao?

Việc nói đơn thuần như "tan học con nên ở trong lớp hay trong sân trường chờ bố mẹ" thường ít hiệu quả với trẻ. Bạn nên cho trẻ hiểu theo cách hiểu có thể giúp trẻ thực hành được. Nên dành thời gian ít nhất 2 tuần đến đón trẻ sớm để trẻ nhận ra và quan sát được không khí của buổi tan trường như thế nào. Thay vì, đón trẻ ngay và ra về, bạn nên dành thời gian đi dạo xung quanh và chơi với trẻ các trò chơi. 

Khi đó, bạn nói với trẻ là: khi chưa thấy mẹ, con chơi những thứ này chờ mẹ nhé. Cho trẻ biết nhìn phía nào có thể quan sát thấy mẹ tới và bạn hãy đi hướng đó cho mỗi lần đón trẻ để trẻ cảm thấy điều bạn nói là chính xác. Chờ đến khi mọi người về hết và dẫn trẻ đến bác bảo vệ để trò chuyện thêm và sau đó nói với trẻ: nếu không còn ai như lúc này, thì con ở gần bác bảo vệ nhé.

Chúng ta thường dùng mệnh lệnh để cấm đoán hay bảo điều trẻ phải làm, mà không tin vào trẻ thì trẻ sẽ không làm theo. Ngược lại, khi bạn tin vào trẻ, cho trẻ hướng dẫn để hiểu rõ và có cơ hội thực hành tốt thì đứa trẻ sẽ làm tốt hơn bạn nghĩ. Đó là cách bảo vệ trẻ hữu hiệu nhất.

3. Khi chơi ở công viên, khu vui chơi làm sao để luôn an toàn?

Khi trẻ vui chơi ở công viên hay khu vui chơi, nếu bạn để ý thì lúc đầu trẻ luôn quan sát bạn vì trẻ sẽ bắt đầu xây dựng 1 liên kết tạm thời để tự trấn an rằng "mẹ ở đó" và cảm thấy thoải mái để vui chơi. Tuy nhiên, sự tự trấn an này sẽ sớm biến mất sau đó, thậm chí trẻ sẽ tự đi chỗ này, tự đi chỗ kia vì trẻ bắt đầu hình thành suy nghĩ rằng "mẹ sẽ luôn bên trẻ". Đây có thể là 1 vấn đề. 

Sự trấn an ban đầu có lợi thế là giúp trẻ tìm kiếm sự an toàn từ bạn, nhưng bất lợi là làm trẻ không thoải mái hay rụt rè khi chơi. Điều bạn cần làm là: tạo sự trấn an có điều kiện để trẻ không bị mất sự tự trấn an, mà vẫn cảm thấy tự tin khi chơi. Để làm vậy, cách đơn giản là cho trẻ biết 2 điều trước khi chơi:

- Mẹ ở đâu.

- Thời gian kết thúc và mẹ rời đi.

Ví dụ, Bin, con chơi ở nhà hơi này 10 phút, mẹ ngồi ghế đá bên kia. Con nhìn thấy không? Khi gần hết 10 phút mẹ để chuông con nghe. Nghe chuông con lại đây và đi chơi trò khác.

Nghe có vẻ mất thoải mái, nhưng đó là điều mà đứa trẻ cần. Đứa trẻ cần xác nhận từ người mẹ là mẹ vẫn ở đó cho đến khi nào và sẽ rời đi. Khi làm vậy, bạn cũng sẽ cho trẻ hiểu giá trị của thời gian và có thể tránh được sự ương bướng đòi chơi thêm của trẻ.

Khi chơi ở công viên hay khu vui chơi, bạn nên nói rõ nguyên tắc khi vào chơi trước khi cho trẻ chơi. Đó cũng là luật chơi trẻ cần biết. Luật chơi bao gồm:

- Chơi bao lâu.

- Chơi mấy trò.

- Khu vực nào không được chơi.

- Khi nào biết kết thúc đi về. Ví dụ, mẹ để chuông điện thoại.

- Thái độ đúng khi chơi: nếu mọi người xếp hàng thì con phải xếp hàng, ai đó đưa con thứ gì phải nhận bằng 2 tay và cảm ơn...

- Hậu quả của việc vi phạm.

Thực ra không ai dạy con bạn những điều này khi con bạn lớn. Chính những điều bạn dạy trẻ về luật chơi đúng, thái độ đúng khi chơi lúc này sẽ giúp trẻ làm đúng với các hoạt động tập thể khi lớn.

Theo Phụ nữ Việt Nam

Xem link gốc Ẩn link gốc https://phunuvietnam.vn/day-con-noi-gi-khi-nguoi-la-cho-banh-keo-ru-di-choi-nhung-khong-co-bo-me-o-do-20230512162215797.htm

Nuôi Dạy Con


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.