Mẹ già ân hận hết đời vì ép con học đến mức bị tâm thần

Người mẹ hơn 60 tuổi tưởng như đã hoàn tất sự nghiệp đời mình khi huấn luyện được cậu con trai học giỏi xuất sắc. Những chuyện tồi tệ bắt đầu khi con đi làm, tới mức tâm thần thể hoang tưởng nặng...

Thành tích học hành đánh đổi bằng gì?

Bà Trang (Hà Nội, tên nhân vật đã được thay đổi) trải lòng: "Con trai đầu của tôi hiện tại đã gần 40 tuổi. Ngày nhỏ, thằng bé vốn là một học sinh chăm ngoan và học rất giỏi.

Ban đầu, tôi không hề gây sức ép gì cho con, con tự học và tự giỏi. Nhưng vài lần nghe thầy cô khen con, tôi dần say men háo thắng. Thú thật, khi nghe những lời khen mà mọi người dành cho con, tôi cảm thấy rất sung sướng, rất tự hào, thấy bản thân mình thật giỏi, dạy được cậu con trai ai cũng ngưỡng mộ".

Từ ngày con trai lên cấp 2, vì sợ những lời chê bai, sợ thấy ánh mắt thất vọng, dè bỉu của thầy cô, người thân nếu con học kém đi, bà bắt đầu ép con học, bắt con thi cử và phải đạt giải, không cho phép con làm bất cứ việc gì khác ngoài học. Bà ca ngợi và nâng niu con, không để thằng bé gặp bất cứ trở ngại nào.

Khi con đạt giải, người mẹ khen ngợi hết lòng và khi thất bại thì chê bai, bêu rếu con với những lời đay nghiến nặng nề.

Bà luôn tung hô con, nghĩ con mình chỉ cần học giỏi là được nên ngoài việc học thì không dạy dỗ con bất kỳ điều gì. Vậy nên, kỹ năng mềm nào cậu bé cũng kém, tính cách thì khó chịu, tự cao tự đại.

Bị ép học vậy, quả thật con trai bà không phụ lòng mẹ, ngày càng học giỏi xuất sắc. Tốt nghiệp đại học, chàng trai ấy đã giành được học bổng sang Châu Âu học thạc sĩ rồi cũng vẻ vang trở về. Nhưng từ lúc con trai trở về, bà Trang thấy các vấn đề bắt đầu xuất hiện.

Mẹ già ân hận hết đời vì ép con học đến mức bị tâm thần-1
Nhiều cha mẹ vì sợ ánh mắt chê bai của mọi người mà bắt ép con mình học (Ảnh minh họa: Getty Images).

"Con tôi không thể hòa nhập được với bất kỳ môi trường cơ quan nào. Dù ở đâu, con cũng thấy mọi người ngu dốt, không hiểu con, vùi dập con. Từ cơ quan nhà nước đến doanh nghiệp tư nhân hay tổ chức quốc tế, con đều có những suy nghĩ như vậy cả.

Thế rồi, con tôi lấy vợ, một cô bé có ngoại hình khá xinh. Nhưng vì công việc, sự nghiệp lẹt đẹt, cộng với vợ xinh đẹp, thằng bé bắt đầu nảy sinh tính ghen tuông. Con tôi hành hạ, giam hãm con bé dù con dâu tôi rất ngoan ngoãn và nghe chồng.

Cuộc sống tồi tệ cứ tiếp diễn như vậy. Kết quả là, con tôi bị tâm thần thể hoang tưởng nặng, phải nhập viện điều trị. Từ một thằng bé khôi ngô tuấn tú, con gầy xơ xác, mặt mũi ngơ ngác, thẫn thờ. Hơn một năm điều trị tích cực, giờ con đã tạm ổn nhưng không thể đi làm được nữa. Giờ người đàn ông 40 tuổi ấy chỉ ở nhà và đưa đón con đi học.

Tôi thật sự rất buồn và ân hận. Tôi rất thương con trai, thương con dâu và hận bản thân mình. Giá mà tôi không quá quan tâm đến thành tích, giá mà tôi chú trọng dạy con đạo đức, rèn con về tính cách, thì cuộc đời của con tôi đã khác. Nhưng tất cả mọi thứ chỉ có thể gói ghém trong niềm ân hận với hai từ "giá như"…

Khi chứng kiến các bậc phụ huynh khác dạy dỗ con mình, không tạo điều kiện thi cử, không đề cao điểm thi, luôn yêu cầu con soi lại bản thân, tôi rất nể phục. Các bố mẹ đã làm đúng, cuộc đời con là cả một chặng đường rất dài chứ không chỉ là 12 năm phổ thông và 4 năm đại học. Vì thế, tôi mong các bậc phụ huynh hãy cố gắng giữ phong độ này, và khuyên các cha mẹ trẻ, đừng dại dột như tôi", chị Trang tâm sự.

Giá trị của trải nghiệm thất bại

Bàn luận về câu chuyện trên, chuyên gia giáo dục - Tiến sĩ Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội nhận định, cho con thành công quá sớm, và thành công kéo dài thì sẽ hình thành cho con thói quen tự mãn, tiếp tục kéo dài sẽ thành tính cách tự cao tự đại. Các bố mẹ chắc chắn sẽ không thích ở cạnh những người có tính cách khó chịu như vậy.

Mẹ già ân hận hết đời vì ép con học đến mức bị tâm thần-2
Chuyên gia giáo dục - Tiến sĩ Vũ Thu Hương (Ảnh: NVCC).

Ngoài ra, những trẻ như vậy thường không được học cách tôn trọng người khác, cũng không được học cách trân trọng những giá trị, ưu điểm riêng của từng người để có thể hòa hợp, làm việc với từng cá thể khác nhau. Hơn nữa, không được tiếp xúc với bất kỳ thất bại nào, cá nhân cũng không rút được kinh nghiệm từ các thất bại, không có trải nghiệm cảm xúc ân hận.

Do vậy, đến khi vướng thất bại đầu đời, những người chưa được trang bị kỹ năng xử lý thì sẽ vấp ngã rất đau, con sẽ không vượt qua được cảm xúc khó chịu đó, con sẽ tìm mọi cách để chống lại nó, đôi khi chống lại quá đà thì sẽ ảnh hưởng đến chính tâm lý và cảm xúc của con.

Vị chuyên gia cho rằng: "Chính vì vậy, bố mẹ cần phải cho con trải nghiệm các thất bại, những thứ sẽ cho con rất nhiều cảm xúc và những bài học, thậm chí còn tốt hơn hẳn là thành công".

TS Vũ Thu Hương phân tích, cuộc đời rất dài và đòi hỏi mỗi cá nhân rất nhiều sự chuẩn bị, kỹ năng, kiến thức, trải nghiệm, kinh nghiệm sống,... để xử lý mọi việc. Nếu cha mẹ chỉ tập trung vào một vài điểm cho là quan trọng với con, chắc chắn con sẽ bị thiếu hụt, và khi đó con sẽ phải chịu sự trả giá mà đôi khi chính phụ huynh cũng bất ngờ. Vì thế, cha mẹ cần kiểm soát chính cảm xúc của mình để giáo dục con toàn diện cả về đạo đức, kỹ năng, kiến thức và cả trải nghiệm sống.

Theo Dân Trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/me-gia-an-han-het-doi-vi-ep-con-hoc-den-muc-bi-tam-than-20230520083310434.htm?fbclid=IwAR36YJFlIFt7bITWyHkqEXHo2OTFSIRwPGBQ5qQuyg1A38YccIToKL8S92s

Nuôi Dạy Con


Bạn trai kém 4 tuổi ham mê cờ bạc nhưng tôi không thể chia tay
Bạn trai tôi thường xuyên "đốt tiền" vào những trò cá cược đỏ đen trên mạng, không ít lần tôi phải đi trả nợ thay cho anh ta. Dù tôi đã nhiều lần chia tay nhưng bạn trai liên tục níu kéo, thậm chí dọa dẫm khiến tôi không thể dứt khoát.
Phụ nữ cần chứng minh những gì khi chia tài sản lúc ly hôn?
Trong 14 năm hôn nhân với ông N.V, bà M. luôn vun vén, chu toàn quán xuyến mọi công việc gia đình để chồng an tâm lập nghiệp, ủng hộ sự nghiệp của chồng và đóng góp đáng kể vào tài sản chung. Thế nhưng, khi ra tòa ly hôn bà M. lại chỉ được chia 42% tài sản chung.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.