"Mẹ ơi, bạn cùng bàn cứ sờ vào người con", câu trả lời thấu đáo của mẹ vừa xoa dịu vừa dạy con bài học xử lý tình huống tuyệt vời

Nhiều người cho rằng, trong trường hợp này câu trả lời của người mẹ rất đáng để học hỏi.

Khoảng 1 tuần gần đây, chị Trương (Trung Quốc) nhận thấy cảm xúc của cô con gái 10 tuổi dường như có gì đó không ổn. Người mẹ cho biết, con vốn là đứa trẻ hướng ngoại nhưng giờ luôn cảm thấy chán nản sau khi đi học về. Cuối tuần khi được mẹ đưa đi chơi, cô bé cũng tránh xa những bạn trai khác dù trước đó rất hòa đồng.

"Một lần sau khi đi chơi về, vì bận nấu ăn nên lúc con tắm xong, tôi nhờ chồng lau và sấy tóc cho con. Đột nhiên con bé hét lên: Con không muốn bố đụng vào con, rồi như chực khóc. Nhận thấy có vấn đề thực sự nghiêm trọng, tối đó tôi vào phòng con tâm sự, gặng hỏi và phát hiện ra vấn đề", chị Trương kể lại.

Mẹ ơi, bạn cùng bàn cứ sờ vào người con, câu trả lời thấu đáo của mẹ vừa xoa dịu vừa dạy con bài học xử lý tình huống tuyệt vời-1
Đứa trẻ chán nản, thu mình khi bị bạn cùng bàn quấy rối. (Ảnh minh họa)

Đứa trẻ tâm sự: "Những ngày đi học, bạn trai cùng bàn rất hay sờ vào người con. Con cảm thấy khó xử lắm. Khi được bố lau tóc, con cũng cảm thấy vậy".

Nghe con nói, huyết áp của người mẹ tăng lên ngay lập tức, cô vừa ôm vừa kiên quyết nói với con: "Mẹ rất cảm ơn vì con đã nói cho mẹ biết chuyện này. Ngày mai mẹ sẽ đến trường để giải quyết. Con à, ngay lần đầu tiên con phải nói với bạn ấy rằng tôi không thích điều này, nếu bên kia xin lỗi và thay đổi thì chúng ta có thể tha thứ cho bạn ấy, có thể cậu bé thích con quá. Nhưng nếu vẫn vậy thì con phải nói với cô giáo và mẹ. Hãy nói, vì bố mẹ sẽ luôn bên cạnh và giúp đỡ con".

Sau khi người mẹ gặp riêng cô giáo báo cáo tình hình, đứa trẻ đã được đổi sang ngồi cùng một người bạn gái mới, tinh thần cũng dần dần phấn chấn hơn.

Nhiều người cho rằng, trong trường hợp này câu trả lời của cô ấy quá đáng để học hỏi. Đứa trẻ rất bối rối trước sự việc mới mẻ này và phản ứng của cha mẹ là rất quan trọng. Giận dữ, chỉ trích con sẽ càng khiến trẻ sợ hãi, thu mình không dám tâm sự. Việc thấu hiểu và đề ra hướng giải quyết cụ thể sẽ tạo cho con sự an tâm và tin tưởng để con vượt qua biến cố khó khăn này.

Cha mẹ nên làm gì nếu trẻ bị quấy rối?

Dù con gái hay con trai thì đều có thể bị quấy rối tình dục và xâm hại tình dục, những đối tượng ấu dâm (có khuynh hướng tình dục với trẻ nhỏ) luôn lẩn khuất rất nhiều ngoài xã hội. Ranh giới giữa những tiếp xúc nhỏ và hành vi quấy rối tình dục là mong manh.

Nếu không được gia đình hướng dẫn cụ thể, các em cũng không thể phân biệt được đâu là hành vi âu yếm thân mật của người thân và đâu là hành vi của người xa lạ. Do vậy, các bậc cha mẹ cần cảnh giác trong mọi trường hợp.

Mẹ ơi, bạn cùng bàn cứ sờ vào người con, câu trả lời thấu đáo của mẹ vừa xoa dịu vừa dạy con bài học xử lý tình huống tuyệt vời-2
Trẻ có thể bị quấy rối ở mọi nơi. (Ảnh minh họa)

Hỗ trợ con

Dù là trẻ nói với bố mẹ rằng mình đã bị quấy rối tình dục hoặc bị tấn công tình dục ở trường, hay phụ huynh tự phát hiện ra thì phụ huynh phải kịp thời bày tỏ sự ủng hộ đối với trẻ.

Ví dụ, khẳng định rất hài lòng vì con dũng cảm nói ra điều này hoặc hiểu lý do tại sao con không dám nói với mình kịp thời. Khi trẻ bị quấy rối, trẻ sẽ bị tổn thương và hoảng sợ. Nếu cha mẹ không hỗ trợ đúng cách, chắc chắn trẻ sẽ bị tổn thương lần hai.

Đừng chỉ trích trẻ

Không ai muốn sự việc như vậy xảy ra, một số bậc cha mẹ vẫn cho rằng đó là sự sỉ nhục cho gia đình, để rồi khi nóng giận, họ lại đổ mọi tức giận của mình lên đầu con cái: "Một tay vỗ sao thành tiếng"; "Tại sao nó không đối xử với người khác như thế này"... Những lời chỉ trích này thậm chí có thể làm tổn thương trẻ nặng hơn là quấy rối tình dục. Trong tương lai, con cái không dám nói với cha mẹ về bất cứ vấn đề gì, đó thực sự là điều không ai mong muốn.

Dạy trẻ biết tự bảo vệ mình

Mẹ ơi, bạn cùng bàn cứ sờ vào người con, câu trả lời thấu đáo của mẹ vừa xoa dịu vừa dạy con bài học xử lý tình huống tuyệt vời-3


Các bậc phụ huynh vẫn coi trọng sự an toàn của con em mình. Mọi người luôn dạy các con tìm công an khi gặp sự cố, băng qua đường phải để ý đèn tín hiệu giao thông... Tuy nhiên, việc giáo dục giới tính lại vô cùng hạn chế.

Cha mẹ nên bỏ suy nghĩ xấu hổ khi nói về vấn đề giới tính để dạy con biết tự bảo vệ mình kịp thời, không cho ai đụng chạm vào vùng kín, nhất là người khác giới.

Giúp trẻ giải quyết vấn đề

Nhiều bậc cha mẹ cảm thấy tức giận khi con cái bị quấy rối, nhưng vì thể diện gia đình, họ đành nuốt giận. Trên thực tế, cách tốt nhất để cha mẹ chữa lành vết thương cho con cái là giúp trẻ giải quyết vấn đề một cách thiết thực, để trẻ cảm thấy rằng mọi chuyện đã thực sự kết thúc và không cần phải lo lắng về tương lai. Chỉ bằng cách này, trẻ mới thực sự buông bỏ và cảm nhận được sự che chở của cha mẹ.

Chú ý đến những thay đổi cảm xúc của trẻ

Sau khi sự việc như vậy xảy ra, nội tâm của con cái phức tạp và sâu sắc hơn cha mẹ. Trong cùng một khoảng thời gian, con có thể có những tâm tư tình cảm hoàn toàn trái ngược nhau. Ví dụ, ngoài việc cảm thấy sợ hãi và lo lắng, con còn cảm thấy tự hận bản thân.

Ngay cả khi cha mẹ giúp trẻ giải quyết vấn đề này, trái tim của trẻ không thể được chữa lành trong một sớm một chiều. Cha mẹ nên chú ý hơn đến những thay đổi cảm xúc của con và hỗ trợ kịp thời để con không tự làm tổn thương mình hoặc để lại sự ám ảnh tâm lý lâu dài.

Theo Pháp luật và bạn đọc

Xem link gốc Ẩn link gốc https://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/me-oi-ban-cung-ban-cu-so-vao-nguoi-con-cau-tra-loi-thau-dao-cua-me-vua-xoa-diu-vua-day-con-bai-hoc-xu-ly-tinh-huong-tuyet-voi-162202912180106021.htm

giáo dục giới tính

Cách dạy con


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.