Tại sao nên dạy trẻ kỹ năng sống? Những kỹ năng sống cần thiết cho trẻ

Dù trẻ có học giỏi đến đâu mà thiếu kỹ năng sống cũng sẽ trở thành những đứa trẻ “gà công nghiệp” ngờ nghệch, dễ bị tổn thương và mắc sai lầm, đồng thời cũng khó mà có được tương lai vững vàng hay thành công.

Vì vậy, bên cạnh những kiến thức văn hóa cơ bản, rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ cũng là một yêu cầu vô cùng quan trọng đối với gia đình, nhà trường và xã hội.

Tại sao phải rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ?

Hiện thực cuộc sống đã từng chứng kiến nhiều học sinh học rất xuất sắc nhưng luôn sống phụ thuộc vào cha mẹ, nếu thiếu người lớn giúp đỡ trẻ không thể tự làm được việc gì hẳn hoi. Thậm chí có cả những sinh viên tốt nghiệp loại giỏi nhưng gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình xin việc, đi làm do thiếu và yếu trong các kỹ năng sống, giao tiếp. Cuộc sống của các em sẽ trở nên khó khăn, chật vật nếu không còn được dựa dẫm vào người khác, không được người khác quan tâm dìu dắt. 

Tại sao nên dạy trẻ kỹ năng sống? Những kỹ năng sống cần thiết cho trẻ-1

Chính vì vậy, việc hình thành các kỹ năng cơ bản trong học tập và sinh hoạt là yếu tố quyết định đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách cũng như sự thành công sau này của trẻ. Khi xảy ra vấn đề nào đó, nếu không được trang bị kỹ năng sống, trẻ sẽ không đủ kiến thức để xử lý các tình huống bất ngờ. Do đó, rèn luyện kỹ năng sống sẽ giúp trẻ sớm có ý thức làm chủ bản thân, giúp cho trẻ biết cách làm việc với người khác, biết cách ứng xử đúng mực, biết cách xử lý trước các biến cố phát sinh một cách bình tĩnh, linh hoạt. Nếu được rèn luyện những kỹ năng này từ nhỏ thì trẻ sẽ thêm tự tin, năng động, tự lập hơn, sống tích cực và hướng đến những điều lành mạnh cho chính mình cũng như xã hội.

Tuy nhiên những kỹ năng sống này cần có thời gian để các con thực hành và rèn luyện, trở thành những kinh nghiệm, thói quen cho các con hằng ngày. Vì vậy các bậc phụ huynh cũng như các thầy cô giáo cần có sự kiên nhẫn để từ từ hướng dẫn các con, chớ nóng vội mà sôi hỏng bỏng không.

Dạy trẻ kỹ năng sống cần thiết giúp trẻ rèn luyện bản thân

Theo các chuyên gia, muốn có được kết quả tốt nhất trong định hướng, rèn luyện, bồi dưỡng kỹ năng sống cho trẻ phụ huynh phải hiểu rõ con, hiểu rõ những kiến thức giáo dục kỹ năng sống cần thiết. Mỗi đứa trẻ đều có sự khác biệt về khả năng, có trẻ sinh ra đã tự tin hơn trẻ khác, có trẻ lại dễ dàng hòa đồng hơn, trong khi có bạn lại rất có khả năng lãnh đạo…

Bồi dưỡng cho trẻ những kỹ năng sống, những thói quen tốt không phải là việc một sớm một chiều mà là cả một quá trình và phải chọn đúng thời điểm thích hợp với độ tuổi của trẻ để bắt đầu mới có kết quả tốt nhất. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng cần biết con mình thiếu gì, yếu gì để rèn luyện kịp thời và hiệu quả. Dưới đây là một số kỹ năng sống cần thiết điển hình cho trẻ trong cuộc sống,  phụ huynh có thể tham khảo để trau dồi cho con:

Tại sao nên dạy trẻ kỹ năng sống? Những kỹ năng sống cần thiết cho trẻ-2

1. Giúp con tự tin

Tự tin là một trong những yếu tố quan trọng giúp mang lại thành công và kết quả tốt nhất trong mọi việc. Tự tin không phải là tất cả nhưng nếu thiếu điều này, không chỉ trẻ em mà cả người lớn đều khó đạt được những thành công trong trường học và cuộc sống.

Sự tự tin giúp trẻ thể hiện được mình trong các mối quan hệ xã hội, giúp trẻ không ngần ngại khám phá những điều mới mẻ thú vị trong cuộc sống, trau dồi và học tập các kiến thức, kỹ năng. Tự tin cũng giúp trẻ vượt qua được những khó khăn, trở ngại mà bất kỳ ai cũng sẽ phải đối mặt trong cuộc đời. Do đó, đây là một đức tính bố mẹ không thể bỏ qua trong quá trình trang bị và rèn luyện kỹ năng sống cho con.

2. Dạy con kỹ năng giao tiếp

Ngay từ khi trẻ chào đời, kỹ năng giao tiếp đã là một kỹ năng quan trọng giúp trẻ tồn tại và phát triển. Giai đoạn đầu, trẻ giao tiếp qua cử động tay chân, qua biểu cảm ánh mắt, qua tiếng khóc… Lớn hơn, kỹ năng giao tiếp của trẻ được hình thành và hoàn thiện dần qua ngôn ngữ, cử chỉ… Thế nên có thể nói giao tiếp chính là một trông những năng lực cần thiết nhất để trẻ phát triển và sinh tồn trong cuộc sống.

Phụ huynh yêu thương con, muốn con lớn lên thành công và vững vàng nhất định phải giúp con trau dồi các kỹ năng giao tiếp. Cụ thể, bố mẹ có thể tạo môi trường phù hợp cho con, tạo điều kiện cho con hòa đồng với những người xung quanh, cho con cơ hội, khuyến khích con tương tác, giao tiếp với bạn bè… 

Tại sao nên dạy trẻ kỹ năng sống? Những kỹ năng sống cần thiết cho trẻ-3

3. Dạy con kỹ năng bảo vệ bản thân

Xã hội ngày càng hiện đại, càng phát triển thì càng có nhiều điều mới lạ khiến trẻ tò mò, muốn khám phá. Với bản tính hiếu động và hiếu kỳ vốn có ở hầu hết mọi đứa trẻ thì những mối nguy hiểm cho trẻ cũng vì vậy cũng ngày càng nhiều hơn... Thực tế, đa phần các bậc cha mẹ đều ý thức được điều này, nhưng không phải bậc cha mẹ nào cũng có phương pháp dạy con những kỹ năng bảo vệ bản thân đúng đắn. Sự lựa chọn thường gặp của phụ huynh đó là tìm cách nghiêm cấm con tiếp xúc với các rủi ro. Việc chỉ nghiêm cấm mà không giáo dục, trau dồi các kỹ năng bảo vệ bản thân càng kích thích tính tò mò, muốn khám phá trong trẻ và không mang lại nhiều tác dụng.

Để trẻ có thể tự bảo vệ bản thân mình trước những nguy hiểm phụ huynh cần giúp trẻ hình thành thói quen và kỹ năng cần thiết. Ngoài ra cha mẹ cũng cần dạy cho trẻ biết những mối nguy hiểm và kỹ năng ứng phó với nguy hiểm mà trẻ có thể gặp phải trong gia đình, ở trường học và ngoài xã hội phù hợp với lứa tuổi của trẻ. 

4. Dạy con kỹ năng làm việc nhóm 

Trong cuộc sống, mỗi người sinh ra và lớn lên không chỉ có một mình mà còn có gia đình, có bạn bè, có đồng nghiệp, có các mối quan hệ xã hội. Nhất là thời kỳ hiện đại, các mối quan hệ xã hội ngày càng rộng mở và là một xu hướng tất yếu của sự phát triển. Việc biết cách hòa đồng, biết cách làm việc theo nhóm, tận dụng sức mạnh, ưu thế của tập thể để đạt được kết quả tốt nhất trong học tập và công việc là một trong những kỹ năng quan trọng.

Vì vậy, bố mẹ nên sớm định hướng và trau dồi cho con trẻ những kỹ năng học nhóm, làm việc nhóm ngay từ nhỏ. Điều này không chỉ giúp cho trẻ hòa đồng hơn với những người xung quanh mà còn giúp cho trẻ có được kết quả tốt nhất trong học tập và lao động.

Tại sao nên dạy trẻ kỹ năng sống? Những kỹ năng sống cần thiết cho trẻ-4

5. Dạy con giá trị của lao động và cách kiếm tiền, tiêu tiền

Rất nhiều trẻ em, đặc biệt là trẻ em sống tại các thành phố lớn thường được bố mẹ nuông chiều từ nhỏ. Trẻ hầu như không phải làm bất kỳ việc gì dù là việc nhỏ nhất và hoàn toàn phù hợp với khả năng của lứa tuổi. Việc duy nhất trẻ phải làm đó là học và chơi. Khi trẻ cần tiêu tiền vào việc học thêm, ăn quà vặt, mua quà tặng bạn…, nhiều phụ huynh cũng khá dễ dãi trong việc chu cấp, thường là cho tiền ngay mà không hỏi rõ mục đích. Tất cả những điều này dẫn đến việc trẻ ngày càng thiếu tính tự lập, hay đòi hỏi, luôn muốn dựa dẫm vào người khác, không hiểu được giá trị của lao động, giá trị của đồng tiền.

Trong cuộc sống hiện đại, việc dạy con biết lao động và quý trọng thành quả lao động, dạy cho con ứng xử như thế nào với tiền bạc là việc rất quan trọng. Giáo dục con giá trị của lao động giúp con có tính tự lập, không lười biếng, không ỷ lại vào người khác và có thể thích ứng với nhiều hoàn cảnh khác nhau. Giáo dục con nhận thức về giá trị của đồng tiền và việc tiết kiệm sẽ giúp con tránh được những quan niệm sai lầm về tài chính, giúp con trở thành những người trưởng thành có trách nhiệm với các quyết định tài chính cũng như định hướng nghề nghiệp trong tương lai. 

Theo V.K - Vietnamnet


Nuôi Dạy Con


Đưa hôn nhân qua mùa... thất vọng
Thất vọng là một "liều thuốc độc" của hôn nhân. Nó không gây ra cái chết ngay lập tức mà từ từ ngấm vào cuộc hôn nhân và đến một ngày, nếu không phát hiện ra mà "chữa" kịp thời, hôn nhân sẽ tử vong…

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.