Chuyên gia hướng dẫn cách xử lý nước lũ lụt thành nước sinh hoạt

Tình trạng thiếu nước sạch thường xảy ra ở những vùng ngập lụt, dưới đây là phương pháp dễ thực hiện giúp xử lý nước lũ lụt thành nước sinh hoạt an toàn.

Lũ lụt không chỉ gây ra những thiệt hại lớn về tài sản và cơ sở hạ tầng mà còn gây ra tình trạng thiếu hụt nước sạch - một nhu cầu thiết yếu của cuộc sống hàng ngày. Trong hoàn cảnh đó, người dân có thể xử lý nước lũ lụt thành nước sinh hoạt cho đến khi nước sạch được cấp trở lại.

Theo PGS.TS Trần Thị Tuyết Hạnh - Giảng viên Đại học Y tế Công cộng, người dân ở vùng bão lụt có thể sử dụng các hóa chất để làm sạch nước, từ đó có nguồn nước an toàn để tạm sử dụng, phòng chống dịch bệnh.

Những thứ cần chuẩn bị gồm phèn chua, viên khử khuẩn làm sạch nước Aquatabs hoặc viên Cloramin B.

Chuyên gia hướng dẫn cách xử lý nước lũ lụt thành nước sinh hoạt-1
Xử lý nước lũ lụt thành nước sinh hoạt.

Cách xử lý nước lũ lụt thành nước sinh hoạt được chuyên gia Trần Thị Tuyết Hạnh hướng dẫn như sau: 

- Dùng 1 gram (khoảng 1 thìa con, thìa cà phê) phèn chua tán nhỏ, hoà với một bát nước rồi đổ dần vào thùng nước lũ 20 lít, khuấy đều. Sau khi cho phèn chua vào, thùng nước lũ đang đục ngầu sẽ trở nên trong veo trong mấy phút. Đợi khoảng 30 phút là người dân có thể gạn lấy nước trong.

Nếu không sẵn phèn chua, có thể dùng vải sạch để lọc nước, loại bỏ cặn bẩn, làm vài lần cho đến khi được nước trong.

Chuyên gia hướng dẫn cách xử lý nước lũ lụt thành nước sinh hoạt-2
Nếu không có phèn chua thì có thể dùng vải sạch để lọc nước, loại bỏ cặn bẩn.

- Cho 1 viên khử khuẩn Aquatabs vào thùng nước vừa đánh phèn xong và chờ 30 phút để nó tan ra hết để tiêu diệt các loại vi khuẩn. Nếu không có Aquatabs thì người dân có thể dùng viên Cloramin B 250mg để khử khuẩn. Tuy nhiên 1 viên Cloramin B  250mg được dùng cho 25 lít nước. Với thùng 20 lít, bạn cần bớt đi  khoảng 1/5 viên.

Chuyên gia cho biết, chỉ với cách làm đơn giản như vậy, người dân đã có một thùng nước sạch 20 lít đã khử khuẩn để dùng trong sinh hoạt, rửa rau, đánh răng, rửa mặt, vệ sinh cá nhân. Loại nước đã xử lý này sau khi đun sôi lên có thể dùng tạm để ăn uống.

Theo PGS.TS Trần Thị Tuyết Hạnh, trong lũ lụt, thiếu nước sạch để ăn uống, sinh hoạt trong khi bốn bề ngập nước là một vấn đề sức khoẻ môi trường rất nghiêm trọng, kéo theo nhiều dịch bệnh, ảnh hưởng lớn tới sức khoẻ người dân. Trong thiên tai, mỗi người cần tối thiểu 15 lít nước sạch/ngày cho ăn uống và sinh hoạt.

Chuyên gia cũng lưu ý rằng cách xử lý nước lũ lụt thành nước sinh hoạt kể trên chỉ là giải pháp tình thế trong thiên tai thảm hoạ, áp dụng khi người dân không tiếp cận được với các nguồn nước sạch. Nhu cầu về nước sinh hoạt rất cấp bách trong hoàn cảnh thiên tai, do đó các đoàn cứu trợ nên bổ sung vào danh mục hàng tiếp tế các loại nước đóng chai, viên Aquatabs, Cloramin B, phèn chua, thùng nhựa để đựng nước.

Sau bão lũ, người dân cần thau rửa và khử trùng bể chứa, dụng cụ chứa nước ăn uống, sinh hoạt bằng chế phẩm khử khuẩn đã được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành còn hiệu lực để có nguồn nước sinh hoạt đảm bảo, phòng chống dịch bệnh.

Bạn cũng có thể tham khảo cách xử lý nước tương tự trong clip dưới đây do Báo Sức khỏe và Đời sống thực hiện, với sự hướng dẫn của chuyên gia Bộ Y tế:

Video: Chuyên gia hướng dẫn xử lý nước lũ lụt thành nước sinh hoạt. (Nguồn: Báo SKĐS)

Hàng triệu đồngbào miền Bắc đang phải chống chọi với mưa lụt, thiên tai khủng khiếp chưa từngcó. Công cuộc cứu trợ đồng bào vùng lũ lúc này rất cần sự chung tay của ngườidân cả nước. Sự chia sẻ, giúp đỡ sẽ giúp vơi bớt những đau thương, mất mát,giúp đồng bào vùng lũ nhanh chóng ổn định đời sống, khôi phục sản xuất.

Theo VTC news

 

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vtcnews.vn/chuyen-gia-huong-dan-cach-xu-ly-nuoc-lu-lut-thanh-nuoc-sinh-hoat-ar895345.html?fbclid=IwY2xjawFPKBpleHRuA2FlbQIxMAABHbPceXWUep3DIM-6Ayo1T7wtKuFeFmdU1BkrDrDOJtDgn3kVT22vmSSHcg_aem_6ZKwhjDUyUuS3c5meQLaUQ

nước sinh hoạt

Lũ lụt


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.