Những vật dụng trong nhà có thể trở nên "nguy hại" nếu sử dụng sai mục đích, vậy đâu là cách dùng đúng?

Nếu sử dụng các sản phẩm này không đúng cách thì chúng chính là "sát thủ" vô hình gây hại cho bạn và gia đình.

Ngày nay, trong hầu hết các gia đình đều không thể thiếu các sản phẩm tiện ích, hiện đại nhằm phục vụ tốt hơn cho cuộc sống con người, giúp giải phóng bớt sức lao động và nâng cao năng suất, chất lượng của công việc. Dù có vai trò rất quan trọng như vậy, nhưng các sản phẩm này cũng đem đến nhiều rủi ro, nguy hại cho con người nếu không được sử dụng đúng cách. Hãy cùng điểm mặt những loại đồ dùng, thiết bị dưới đây và chúng sẽ gây ra những tác hại gì khi bạn sử dụng không đúng cách.

1. Màng nhôm bọc thực phẩm (hay còn gọi là giấy bạc)

Màng nhôm bọc thực phẩm được sử dụng để bảo quản hoặc bọc thực phẩm khi đun nấu rất tiện lợi. Tuy nhiên, việc lạm dụng giấy nhôm quá nhiều khi đun nấu lại có thể gây ảnh hưởng xấu tới con người. Vì sau khi tương tác với nhiệt độ cao, nhôm có trong lớp màng bọc sẽ tạo ra phản ứng hóa học, đặc biệt đối với nhóm thực phẩm có tính kiềm và vị chua để tạo thành hỗn hợp nhôm. Nếu cơ thể hấp thu với số lượng lớn hợp chất nhôm sẽ dẫn đến việc đào thải canxi ra ngoài, gây bệnh loãng xương, nhất là những người vốn đã thiếu canxi thì càng phải cẩn thận hơn.

Những vật dụng trong nhà có thể trở nên nguy hại nếu sử dụng sai mục đích, vậy đâu là cách dùng đúng?-1

Cách dùng màng nhôm bọc thực phẩm đúng:

- Không nên quá lạm dụng màng nhôm để gói thực phẩm cho vào lò vi sóng. Nguyên nhân là lò vi sóng làm chín thực phẩm từ bên trong ra bằng sóng điện từ sẽ phá hoại màng nhôm cực nhanh. Từ đó I-on nhôm sẽ xâm nhập vào thực phẩm dễ dàng hơn. Tuy nhiên, một số loại lò có tích hợp chức năng nướng nhiệt thì có thể dùng được giấy bạc để bọc thực phẩm khi nướng bằng nhiệt. Khi chế biến thực phẩm có thể chảy nước thì khi nấu bạn nên chọc một lỗ bằng đầu đũa trên miếng màng nhôm để cho nước thoát hơi.

- Không dùng màng nhôm để bọc những thực phẩm có tính axít như chanh, giấm, cà chua, muối, gia vị của bất cứ thứ gì có chứa cồn. Vì lượng axít trong những thực phẩm này sẽ phản ứng với chất nhôm và ăn mòn chúng. Một lượng nhôm nhỏ có thể thẩm thấu vào thức ăn và làm cho món ăn có vị kim loại. Vừa không ngon miệng, vừa dễ gây ngộ độc.

- Không nên sử dụng màng nhôm để lâu ngày có nhiều vệt đen hoặc bị xỉn màu để bọc thực phẩm. Vì khi đó màng nhôm đã mất đi tác dụng của mình, làm cho đồ ăn bị dính, khi ăn vào sẽ gây hại cho sức khỏe.

2. Chảo chống dính

Chảo chống dính là một thiết bị nhà bếp hữu ích vì nó giúp việc làm chín thức ăn dễ dàng và tiết kiệm thời gian làm sạch. Nhưng những loại chảo này có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe vì bản chất lớp phủ trên bề mặt chảo là chất Polyfluoroalkyl, chất này có thể giải phóng khí độc và hóa chất khi bị đốt nóng.

Những vật dụng trong nhà có thể trở nên nguy hại nếu sử dụng sai mục đích, vậy đâu là cách dùng đúng?-2

Sử dụng chảo chống dính đúng cách

- Đổ dầu vào chảo trước khi chảo nóng: Nếu không thì nhiệt độ quá nóng trong chảo khi đổ dầu sẽ làm bong lớp chống dính, gây độc hại cho người sử dụng và giảm tuổi thọ cũng như chất lượng chảo.

- Sử dụng lượng ít dầu, mỡ, bơ khi chiên, rán: Vừa tiết kiệm, lại vừa tốt cho sức khỏe và an toàn cho chảo vì lượng dầu mỡ sẽ làm gia tăng nhiệt độ khi sử dụng chảo chống dính.

- Nấu ở nhiệt độ thấp hoặc trung bình: Ở nhiệt độ cao chất chống dính sẽ bắt đầu bị phân hủy và gây hại cho sức khỏe. Vì thế, tùy vào chất liệu và chất lượng chảo chống dính mà khi sử dụng cần lưu ý điều chỉnh mức nhiệt hợp lý. Tốt nhất chỉ để lửa cháy ở trung tâm đáy chảo, không cháy lan lên thành chảo. Sử dụng ở mức nhiệt trung bình và thấp sẽ đảm bảo tốt nhất cho tuổi thọ của chảo chống dính.

- Không dùng chảo để nướng hoặc kho: Lớp chống dính sẽ nhanh bị hư hại và bong tróc do nhiệt độ cao.

- Không nêm mắm muối trực tiếp khi đang sử dụng chảo: Việc này sẽ khiến bề mặt chảo dễ bị rỗ, hư hại lớp chống dính và giảm tuổi thọ chảo.

- Sử dụng dụng cụ nấu ăn bằng gỗ cho chảo chống dính: Sẽ không làm trầy xước bề mặt chảo như các dụng cụ bằng nhôm, inox. Còn các dụng cụ bằng nhựa sẽ không an toàn khi sử dụng dưới nhiệt độ cao. Vì thế, hãy chọn chất liệu gỗ cho dụng cụ nấu nướng sử dụng với chảo chống dính.

3. Hộp nhựa đựng thực phẩm

Hộp nhựa đựng đồ rất tiện dụng cho việc mang theo. Tuy nhiên, các hóa chất độc hại có trong những chiếc hộp này có thể chảy ra và lẫn vào thực phẩm khi ở nhiệt độ cao. Nếu bạn dùng những loại hộp nhựa để hâm nóng thức ăn trong lò vi sóng thì sẽ gây hại rất lớn cho sức khỏe.

Cụ thể, các phân tử nhỏ trong chất phụ gia tạo ra màu sắc, độ bền của hộp nhựa sẽ bị phân hủy và bám vào trong thực phẩm, trong đó Bisphenol A (BPA) và phthalates là 2 chất rất nguy hiểm, có thể phá vỡ các hormone và hệ sinh sản trong cơ thể của con người. Trong các thí nghiệm trên chuột, BPA đã được chứng minh là có liên quan đến sự phát triển của ung thư vú và tuyến tiền liệt và ảnh hưởng đến cả những bất thường về gen của các tế bào trong cơ thể.

Những lưu ý khi sử dụng hộp nhựa: 

- Lựa chọn hộp nhựa có xuất xứ rõ ràng và chất lượng tốt.

- Không cho thức ăn còn nóng ngay vào hộp nhựa: Nhiều loại hộp nhựa thường không chịu được nhiệt độ cao và có thể sinh ra những chất hóa học có hại.

- Không nên sử dụng hộp nhựa cũ, trầy xước: Dễ bị bám thực phẩm, khó vệ sinh, làm vi khuẩn dễ phát triển. Vì vậy, để đảm bảo an toàn, bạn không nên sử dụng chúng.

- Không nên sử dụng hộp nhựa một lần cho nhiều lần: Có thể sản sinh ra nhiều chất độc hại như BPA, phthalates, styrene, dioxins, cadmium... Do đó, đối với những hộp nhựa này, bạn chỉ nên dùng 1 lần, không dùng đi dùng lại.

- Không nên đựng những thực phẩm có tính axit cao, độ chua cao: Thực phẩm có độ chua cao có khả năng hòa tan các chất trong hộp nhựa. Nếu như hộp nhựa được làm từ những chất liệu kém an toàn, chúng có thể sinh ra các chất gây hại khi gặp môi trường có tính axit cao. Vì thế, bạn cần tránh bảo quản thực phẩm có độ chua hay tính axit cao trong hộp nhựa.

Theo An Nhiên - Vietnamnet


mẹo vặt gia đình


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.