Bán hàng online không còn dễ ăn

Thương mại điện tử tại Việt Nam trên đà phát triển, doanh thu từ kinh doanh trực tuyến tăng mạnh. Dù vậy, bán hàng online không còn là mảnh đất dễ kiếm lời đối với các nhà bán hàng nhỏ lẻ

Báo cáo tổng quan sàn thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam quý III/2023 do nền tảng số liệu thị trường Metric thực hiện cho thấy quý này tổng doanh thu trên 5 sàn TMĐT lớn nhất là Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và TikTok Shop đạt 63.000 tỉ đồng, tăng 54,42% so với cùng kỳ năm 2022. 

Tuy nhiên, quý III tiếp tục chứng kiến sự sụt giảm mạnh về số lượng nhà bán dừng hoạt động, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2022, tương đương hơn 49.500 gian hàng đã bị các sàn TMĐT xóa sổ.

Nhà bán lẻ nhỏ khó tồn tại

Thống kê của Metric chỉ ra tổng doanh thu và sản lượng toàn thị trường TMĐT quý III đều tăng trưởng trung bình trên 40% so với cùng kỳ năm 2022, tuy nhiên số lượng shop có lượt bán giảm mạnh 12%. Điều này cho thấy các nhà bán nhỏ lẻ và không chuyên nghiệp sẽ dần bị bật ra khỏi thị trường, lợi nhuận sẽ đổ về những nhà bán thật sự chuyên nghiệp và có đầu tư cho việc bán hàng trên sàn TMĐT.

Nguyên do tới từ tất cả các yếu tố khách quan từ thị trường như nền kinh tế còn nhiều biến động, người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng, nhiều điều chỉnh chính sách từ sàn mua sắm trực tuyến. Đặc biệt, yếu tố chủ quan từ chính nhà bán hàng không có chiến lược kinh doanh hiệu quả, không tìm hiểu kỹ thị trường trước khi nhập hàng/sản xuất, chi phí chưa được kiểm soát chặt chẽ… 

"Trong tương lai, thị trường TMĐT sẽ ngày càng chuyên nghiệp và trở thành sân chơi chính của nhiều doanh nghiệp lớn hoặc doanh nghiệp có đầu tư kỹ trong chiến lược kinh doanh" - báo cáo nêu.

Bán hàng online không còn dễ ăn-1

Giao hàng online cho khách. Ảnh: AN NA

Kết quả báo cáo này đã phản ánh gần như đầy đủ thực trạng hoạt động của các người bán nhỏ trên sàn TMĐT. Chị Nguyễn Thị Vân (ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM) chuyên bán loại đặc sản miền Tây như gạo sạch lúa tôm, tôm sú, nghệ… từng mở gian hàng tại 2 sàn TMĐT lớn, doanh số đạt chục triệu đồng/tháng nhưng nay 1 gian hàng đã bị khóa, gian hàng còn lại gần như không hoạt động.

"Trước đây, các sàn miễn phí cho nhà bán toàn bộ và tặng mã giảm giá đơn hàng, phí vận chuyển nên khách đặt mua nhiều nhưng hiện nay sàn đặt ra rất nhiều loại phí. "Họ cài đặt tự động cho gian hàng tham gia các chương trình quảng cáo, marketing… lúc đầu miễn phí, hết hạn họ gia hạn tự động mà không báo cho nhà bán biết" - chị Vân nêu lý do. 

Chị Vân nói vì không biết để hủy tham gia các chương trình này nên nhiều đơn hàng bị lỗ do bị sàn trừ phí. Để duy trì, chị tập trung rao hàng qua mạng xã hội, chăm sóc khách quen để họ đặt đơn mới và tự giao hàng hoặc gửi qua các đơn vị vận chuyển.

Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn Cầu (thương hiệu cà phê trái cây Meet More) chọn TMĐT để tập trung phát triển thị phần trong giai đoạn bán lẻ tiêu dùng chậm khởi sắc. Ông Nguyễn Ngọc Luận, nhà sáng lập và điều hành công ty, cho biết phần lớn doanh thu của công ty trong những tháng gần đây đến từ kênh bán hàng online. Dù vậy, lợi nhuận thu về từ kênh này không đáng kể. 

"Chi phí bán hàng trực tuyến rất cao, thường chiếm trên 40% giá bán sản phẩm nên nếu không tính toán kỹ, doanh nghiệp rất dễ rơi vào tình trạng có doanh thu nhưng không có lợi nhuận, thậm chí lỗ vốn" - ông Luận cảnh báo.

Sân chơi không dành cho người nghiệp dư

Chuyên gia TMĐT - ThS Đỗ Quang Huy cho biết TMĐT là xu hướng mà các doanh nghiệp phải tham gia khi kênh bán hàng trực tiếp sụt giảm mạnh, làn sóng trả mặt bằng vẫn tiếp diễn. Thế nhưng, bán hàng online qua sàn ngày nay không dành cho người nghiệp dư mà phải rất chuyên nghiệp và đầu tư bài bản. Muốn bán được hàng, nhà bán phải tham gia các khóa đào tạo, biết chụp hình, chỉnh sửa ảnh; bỏ tiền chạy các gói quảng cáo, marketing phù hợp.

"Trước đây, các sàn TMĐT thu hút nhà bán mới bằng việc phân bổ cho họ có nhiều lượt xem, tặng mã khuyến mãi, nhà bán chỉ cần tính giá đầu vào cộng thêm lãi, toàn bộ tiền hàng sẽ về cho nhà bán nhưng nay chi phí bán hàng online lên đến 30% - 50% giá bán sản phẩm nên nhà bán phải biết tính toán chi phí để đưa ra giá bán phù hợp" - ông Huy phân tích.

Trước thực tế hàng chục ngàn nhà bán bị "loại khỏi cuộc chơi", ông Huy khuyến cáo các doanh nghiệp cần có nhân sự chuyên trách về TMĐT, quản lý và khai thác tốt dữ liệu khách hàng. Bên cạnh đó, trước rủi ro về việc bị khóa shop, các thương hiệu phải duy trì sự hiện diện của mình ở tất cả các sàn, trên mạng xã hội và xây dựng website riêng là điều nên làm" - chuyên gia TMĐT này khuyến cáo.

Ông chủ cà phê Meet More nêu kinh nghiệm: Người kinh doanh trực tuyến, đặc biệt là bán hàng trên TikTok Shop, phải có chiến lược về giá, phát triển thời điểm và điều tiết các chương trình khuyến mãi thường xuyên nhưng phải tính toán sao cho giá cuối cùng trên sàn TMĐT tương đương giá bán trực tiếp ngoài thị trường.

Ở góc độ người trong cuộc, giám đốc kinh doanh một sàn TMĐT thuộc tốp 5 tại Việt Nam cho rằng đang có cuộc sàng lọc tự nhiên các nhà bán hàng trên thị trường online. Theo quy luật, người bán hàng quy mô nhỏ sẽ dần bị loại. "Chi phí bán hàng trên sàn ngày càng tăng, một số sàn tăng phí vô tội vạ, cá biệt có sàn tăng phí 4 lần/năm cùng nhiều khoản phí khác khiến lợi nhuận của nhà bán ngày càng mỏng, một nhà bán trước đây bán hàng trên sàn TMĐT có thể kiếm lời ít nhất 15% - 20% nhưng nay chỉ còn khoảng 5%. Tỉ lệ này đối với doanh nghiệp lớn là số tiền lớn nhưng với nhà bán nhỏ, doanh số 100 triệu đồng/tháng thì chỉ được 5 triệu đồng, không đủ để họ bảo đảm cuộc sống. Ngoài ra, cũng có không ít nhà bán chủ động bỏ sàn TMĐT, chuyển hẳn sang kinh doanh trên mạng xã hội để né thuế" - giám đốc này dẫn chứng lý do tỉ lệ nhà bán rời sàn tăng lên.

Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Anthena, cho rằng không khó để tạo và đóng gian hàng trên sàn TMĐT. Cạnh tranh trên không gian mạng luôn diễn ra, vì vậy nhà bán phải đa dạng hóa sản phẩm, tìm được nguồn hàng giá tốt, thương lượng với nhà sản xuất để có giá tốt, đồng thời thương lượng với chủ sàn để có chi phí hợp lý.

"Do chi phí vận hành shop online cao, mức độ cạnh tranh trên sàn TMĐT cao nên ngày càng nhiều doanh nghiệp tạo hệ sinh thái TMĐT riêng gắn trực tiếp với khách hàng để phát triển bền vững mà không cần thông qua các sàn TMĐT" - ông Thắng nói. 

Không phải giá rẻ là thắng

Theo phân tích của Metric, không phải cứ giá rẻ là thắng. Khách hàng ngày càng có nhiều kinh nghiệm trong mua sắm online. Giá rẻ nhưng sản phẩm không xứng đáng sẽ nhanh chóng bị người tiêu dùng quay lưng, để lại nhiều đánh giá tiêu cực ảnh hưởng đến nhà bán. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đang lựa chọn hoặc phối hợp đồng thời nhiều chiến lược hoạt động nhằm đạt tối đa lợi nhuận, hạn chế bị cuốn vào cuộc chiến giá rẻ không hồi kết. Trong đó, xây dựng chiến lược giá phù hợp với chất lượng sản phẩm và mức chi tiêu của khách hàng, đặt biên độ khuyến mãi hợp lý.

Theo Người lao động


bán hàng online


Uống nước đá giải nhiệt mùa nóng coi chừng rước đủ bệnh vào thân
Vào mùa hè nắng nóng, việc uống một ly nước đá lạnh sẽ giúp chúng ta giải tỏa được cơn khát, đem về cảm giác mát lạnh dễ chịu. Mang đến lợi ích tức thì thế nhưng việc uống đá lạnh thường xuyên trong mùa nắng nóng sẽ khiến cơ thể chúng ta gặp phải nhiều vấn đề nghiêm trọng.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.