Bỏ ống 10% lương tháng: Mất việc, ở nhà thuê vẫn sống ổn qua đại dịch

Dù mỗi tháng, vợ chồng này có thu nhập không cao, chỉ 15 triệu đồng song nhờ biết tiết kiệm một khoản để dự phòng mà đến nay dịch bệnh kéo dài họ vẫn sống ung dung.

Tính đến thời điểm này, vợ chồng chị Đặng Thị Uyên ở Vĩnh Hồ, Đống Đa (Hà Nội) kết hôn đã được 5 năm. Nếu như chồng chị làm ở xí nghiệp nhựa, lương tháng 8 triệu đồng thì chị làm công sở, lương 7 triệu đồng/tháng. Tổng thu nhập của vợ chồng chị Uyên được 15 triệu đồng/tháng.

Quê ở Hòa Bình, ra Hà Nội đi làm nên cặp vợ chồng này phải thuê trọ trong một căn phòng 20m2, giá 2 triệu đồng/tháng. Lại thêm con nhỏ hơn 3 tuổi nên chi tiêu của cả nhà giữa Thủ đô, dù muốn tiết kiệm cũng phải tính toán đau đầu.

“Cũng may hai vợ chồng tôi là người biết lo xa và không muốn phải vay mượn người thân khi có chuyện đột xuất xảy ra. Do đó, ngay lúc cưới xong, cả hai đã ngồi lại và cùng lập kế hoạch chi tiêu với lương tháng chỉ 15 triệu đồng làm sao vừa không quá tay, lại dành dụm được một khoản tích lũy phòng thân dù là nhỏ”, người vợ trẻ này tâm sự.

Chị Uyên cho biết, từ năm 2016 đến giờ, vợ chồng chị luôn chú ý đến khoản tiền phòng thân nên quyết định mỗi tháng để dành 10% lương. Sau đó, mới tính đến các nhu cầu thiết yếu và các khoản khác.

Bỏ ống 10% lương tháng: Mất việc, ở nhà thuê vẫn sống ổn qua đại dịch-1

Ở trọ, có con nhỏ và thu nhập không cao nhưng vợ chồng này vẫn tiết kiệm được 160 triệu

Cụ thể, các giỏ chi tiêu được chị Uyên phân chia như sau:

1. Quỹ tiền phòng thân: 1,5 triệu đồng/tháng = 10% thu nhập

Quỹ phòng thân này để dành cho những lúc tai nạn, ốm đau, người thân có việc gấp. Hoặc đơn giản là phòng khi vợ chồng thất nghiệp một thời gian thì còn có khoản trông vào đó đỡ bị động phải vay mượn. Với quỹ này, chị Uyên dành 10% thu nhập mỗi tháng tương đương 1,5 triệu đồng.

2. Quỹ tiền cho các nhu cầu thiết yếu: 7,5 triệu đồng = 50% thu nhập

Đây là khoản chi tiêu lớn nhất mỗi tháng của vợ chồng trẻ này bao gồm tiền nhà, tiền điện nước, tiền ăn uống, tã bỉm của con, ma chay, hiếu hỉ.

“Trong 7,5 triệu đồng này thì tiền thuê nhà đã mất 2 triệu. Còn tiền điện nước mỗi tháng nhà tôi chỉ dao động từ 200.000-500.000 đồng tùy mùa đông hay hè. 5 triệu còn lại vợ chồng chi tiêu cho ăn uống, tã bỉm hàng ngày cho con cũng cố chắt bóp vừa đủ”, chị Uyên nói.

3. Quỹ tiền học của con: 1,5 triệu đồng/tháng = 10% thu nhập

Khác với những cha mẹ gửi con đi nhà trẻ tư hay trường mẫu giáo quốc tế đắt đỏ, vợ chồng chị Uyên vẫn gửi con đi học mẫu giáo công lập nên chi phí chỉ khoảng 800.000-900.000 đồng/tháng, ngoài ra là các khoản học phụ đạo và trông trẻ thêm ngoài giờ.

4. Quỹ tiền cho các chi phí ốm đau, bệnh tật: 1,5 triệu đồng = 10% thu nhập

Nhà có con nhỏ nên chị Uyên thường xuyên phải dự phòng khoản chi phí ốm đau, bệnh tật. Nếu tháng nào con cái hay vợ chồng không ốm đau thì khoản này sẽ dồn vào quỹ dự phòng.

5. Quỹ tiền biếu bố mẹ: 1,5 triệu đồng = 10% thu nhập

Vì bố mẹ 2 bên ở quê chỉ ở nhà làm ruộng nên chị Uyên vẫn quyết dành một khoản để biếu nội ngoại hỗ trợ họ theo sức mình. “Mỗi tháng nhà tôi thống nhất để dành 10% lương biếu bố mẹ hai bên. Cứ tháng này biếu ông bà nội 1,5 triệu thì tháng sau sẽ lại gửi về biếu ông bà ngoại 1,5 triệu. Khi có việc cưới xin, giỗ chạp ở quê mà các con không về được, ông bà có sẵn tiền đó mừng giúp các con”, chị Uyên kể.

Bỏ ống 10% lương tháng: Mất việc, ở nhà thuê vẫn sống ổn qua đại dịch-2

6. Quỹ chi tiêu phát sinh và nhét lợn: 1,5 triệu đồng = 10% thu nhập

Số tiền này để chi tiêu trong ngắn hạn, nếu có khoản nào phát sinh hoặc bị tiêu lạm vào thì có sẵn để lấy ra bù vào.

Chưa kểm hằng năm, cả 2 anh chị cũng có khoản thưởng khoảng 40 triệu cố định dịp tết âm và dương bổ sung thêm vào các khoản chi lớn, bất thường trong năm.

Sau 5 năm áp dụng nghiêm ngặt việc chi tiêu có kế hoạch theo 6 giỏ trên, vợ chồng trẻ này đã có khoản tiền dự phòng 100 triệu đồng. Cộng thêm 20 triệu tiền dư từ  bỏ ống lợn. Vì thế, dù Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội, chồng chị Uyên đang tạm thất nghiệp ở nhà, nhưng họ không quá lo lắng. Bởi, khoản dự phòng vẫn đủ chi tiêu trong vòng cả năm.

Cũng theo bà nội trợ này, nếu nhiều gia đình thấy quá mệt mỏi vì dịch bệnh ập đến mà chưa hoặc không có khoản tiền dự phòng, ngay từ giờ hãy cố gắng thực hiện 3 điều này để thay đổi chi tiêu gia đình:

- Lập kế hoạch chi tiêu cụ thể mỗi tháng: Điều này giúp mỗi gia đình có cái nhìn rõ ràng về những khoản đã chi và phân biệt được những khoản nào là cần thiết, những khoản nào nên hạn chế. Từ đó, cắt giảm ngay những khoản không thiết yếu.

- Tiết kiệm khoản tiền dù nhỏ nhặt nhất: Để quỹ dự phòng mỗi ngày một nhiều, mọi người nên tiết kiệm từ khoản tiền nhỏ nhất, dù ít cũng không chê. Tiết kiệm được khoản tiền nhỏ thì mới có được khoản tiền lớn.

- Trân trọng thời gian và những đồng tiền lẻ kiếm được: Ai cũng phải đối mặt với những áp lực khác nhau, thậm chí là nợ nần. Vì thế, mỗi ngày nên làm thêm việc để kiếm tiền chi tiêu và tiết kiệm. Cuộc sống vì thế có ý nghĩa và cũng rủng rỉnh hơn.

Theo VietNamNet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tu-van-tai-chinh/moi-thang-de-danh-10-luong-5-nam-co-160-trieu-du-tien-du-phong-773190.html

chi tiêu

tiết kiệm


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.