Dồn tiền đánh vụ cuối năm, bà chủ trẻ sống trong lo sợ

Doanh nghiệp có thể sẽ được hưởng lợi từ hành vi “mua sắm trả đũa” dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2022 tới đây. Dẫu vậy, rủi ro bất định hậu Covid-19 là vẫn còn.

Tâm lý “mua sắm trả đũa” cuối năm

Minh Thành, chủ shop thời trang V.W (TP.HCM), đang vay mượn, dồn tiền làm cú “chốt” bán hàng cuối năm. Shop thời trang này chuẩn bị tung ra 30 mẫu quần, áo thiết kế mới với số lượng khoảng 6.000 sản phẩm phục vụ mua sắm Tết.

Nếu tháng 12/2020, doanh thu cửa hàng đạt 250 triệu, thì tháng 12 năm nay chỉ khoảng 100 triệu. Dẫu vậy, khách có dấu hiệu mua hàng trở lại, đơn hàng tăng dù không nhộn nhịp như các năm trước.

“Nhiều tháng nay, người dân đã kìm hãm mua sắm, nhưng tâm lý người Việt Nam ít nhiều vẫn muốn mặc đồ mới vào dịp Tết. Tôi tin khách hàng sẽ có tâm lý ‘mua sắm trả đũa’ dịp cuối năm, tức mua bù thời gian qua. Vì thế đợt này tôi quyết đầu tư, được ăn cả, ngã về không. Có thể chấp nhận mấy năm kinh doanh tại TP.HCM về tay trắng”, Minh Thành nói.

Dồn tiền đánh vụ cuối năm, bà chủ trẻ sống trong lo sợ-1

Rất có khả năng người tiêu dùng sẽ mạnh tay mua sắm Tết (ảnh: Trần Chung)

Tự do trong "bình thường mới" cùng nhu cầu tăng mạnh đã thúc đẩy người tiêu dùng mua sắm thả ga để “trả đũa” giai đoạn giãn cách vừa qua. Nhu cầu chi tiêu dồn nén sau nhiều tháng giúp các nhà bán lẻ có cơ hội lấy lại một phần lợi nhuận. DN hưởng lợi từ hành vi “mua sắm trả đũa” dịp lễ Tết. Đây cũng là nhận định của Thạc sỹ Hứa Mỹ Sang - Giảng viên Digital Marketing (Đại học RMIT).

Bà trích dẫn số liệu của Statista về hành vi “mua sắm trả đũa” của người dân Seoul (Hàn Quốc), ghi nhận người tiêu dùng dành 20% chi tiêu cho đồ điện tử; hơn 13% cho hàng xa xỉ và thời trang trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến Quý I năm 2021.

Theo khảo sát của Shopper, người tiêu dùng Úc cũng được dự báo chi tiêu lớn khi quy định hạn chế được nới lỏng. Cụ thể, họ có nhu cầu mua sắm các sản phẩm giá trị lớn từ 500-2.000 đô la Úc (tương đương từ 8-32 triệu đồng). Người dân Úc cũng cho hay sẽ chi nhiều hơn để đi ăn ngoài và giải trí.

Còn tại Việt Nam, Kantar cho rằng, sau gần nửa năm giãn cách xã hội nghiêm ngặt, gặp nhiều khó khăn tài chính cũng như không có dịp ăn mừng lớn, người dân đang háo hức chờ Tết đến. 44% người tiêu dùng có kế hoạch mua sắm từ 2 tuần trước Tết. Kantar chỉ ra, người tiêu dùng giảm tần suất đi mua sắm nhưng lại chi tiêu nhiều hơn mỗi lần mua hàng. Thói quen mới này sẽ thay đổi cách người dân mua sắm cho dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Do đó, các nhãn hàng và nhà bán lẻ nên đẩy mạnh bán hàng theo các gói sản phẩm để tối đa hóa tiềm năng từ xu hướng mua sỉ.

Rủi ro khi còn nhiều bất định

Dẫu vậy, cần cân bằng giữa cơ hội và rủi ro từ trào lưu “mua sắm trả đũa”. Bởi, “mây đen” Covid-19 vẫn có thể tiếp tục đe dọa sự phục hồi kinh tế khi các đợt bùng phát dịch và biến thể mới vẫn là nỗi lo thường trực.

Mặc dù thị trường bán lẻ và lĩnh vực thực phẩm, đồ uống có thể hưởng lợi đầu tiên nhưng người tiêu dùng đang có cái nhìn thực dụng hơn, thận trọng, tập trung vào tiết kiệm và duy trì các nhu cầu cơ bản. Họ nhận thức điều kiện kinh tế còn bất định.

Dồn tiền đánh vụ cuối năm, bà chủ trẻ sống trong lo sợ-2

Do dịch bệnh, người dân chi tiêu thực dụng hơn (ảnh: Trần Chung)

Dồn tiền đánh vụ cuối năm, bà chủ trẻ sống trong lo sợ-3

Thạc sỹ Hứa Mỹ Sang (trái) và Tiến sỹ Seng Kiat Kok 

TGĐ Saigon Co.op - ông Nguyễn Anh Đức - cho hay, vẫn là những khách hàng đó nhưng nhu cầu, thói quen mua sắm đã thay đổi, ảnh hưởng tới DN và chuỗi cung ứng. Người dân dịch chuyển nhu cầu từ việc tiêu dùng sản phẩm không thiết yếu sang sản phẩm thiết yếu.

Ông Đức dẫn chứng, trước đây có những chiếc ly bị mẻ thì có thể mua mới thay liền. Nhưng giờ họ sẽ giữ lại để dùng và số tiền đó phục vụ kế sinh nhai. Người tiêu dùng chuyển trạng thái từ mua những sản phẩm cao cấp sang mua sản phẩm có tính chất bình dân hơn.

TS. Seng Kiat Kok - Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị nguồn nhân lực và Khởi nghiệp (Đại học RMIT) khuyến cáo, khi ‘bình thường mới’ còn nhiều bất định, DN Việt Nam cần điều hướng quá trình phục hồi một cách cẩn thận.

Nhiều DN mong muốn trở lại kinh doanh như bình thường bằng cách tăng cường đầu tư và chi tiêu, cũng như tập trung tìm cách bù đắp cho khoản thu nhập bị mất trong thời gian đóng cửa. Nhưng DN cần cảnh giác, tránh rơi vào vòng xoáy nợ nần, khi mà cơ hội lại trở thành mối đe dọa về sự tồn tại của họ.

Ngoài ra, mặc dù chi tiêu của người tiêu dùng đã cải thiện so với năm 2020, nhưng thay vì đổ xô đến các cửa hàng để mua sắm trực tiếp, nay họ quan tâm hơn đến mua sắm trực tuyến. Trào lưu “mua sắm trả đũa” có thể chỉ là giai đoạn xả hơi ngắn hạn sau những bất ổn kinh tế do đại dịch gây ra.

“Lần đầu tiên trong vòng 5 năm qua, chỉ số niềm tin tiêu dùng CCI của Việt Nam rớt xuống thấp nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào quý III/2021. Mấu chốt là phải tác động đến niềm tin của người tiêu dùng. Gốc ở đây là người tiêu dùng có niềm tin trở lại thì thị trường mới phục hồi”, ông Nguyễn Anh Đức nêu quan điểm.

Theo VietNamNet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong/doanh-nghiep-trong-cho-suc-mua-tang-manh-dip-tet-803670.html

shop thời trang

Tết Nguyên Đán


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.