Giá vé máy bay có thể tăng trần trong năm nay: Chuyên gia nói gì?

Trần giá vé máy bay có thể tăng từ giữa năm nay khiến người tiêu dùng tốn tiền hơn nhưng mở thêm "đường sống" cho hàng không nội địa khi chi phí đầu vào tăng cao.

Bộ Giao thông Vận tải dự kiến từ quý II hoặc III năm nay điều chỉnh trần giá vé máy bay nội địa, trong đó khung giá dịch vụ hàng không tăng trung bình 3,75% so với hiện tại. Theo Bộ này, hiện trần giá vé máy bay vẫn được giữ ổn định từ năm 2019. Nhưng chi phí nhiên liệu tháng 12/2022 của các hãng hàng không tăng gần 62,4% so với tháng 12/2014 và tăng xấp xỉ 81% so với tháng 9/2015. Chỉ số này tác động làm tổng chi phí tăng gần 28% so với tháng 12/2014 và 33,5% so với tháng 9/2015.

Giá vé máy bay có thể tăng trần trong năm nay: Chuyên gia nói gì?-1Bộ Giao thông Vận tải dự kiến từ quý II hoặc III năm nay điều chỉnh trần giá vé máy bay nội địa. (Ảnh minh họa: VTV)

Trả lời VTC News về vấn đề này, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho biết việc tăng trần giá vé máy bay sẽ khiến giá vé đắt đỏ hơn, người tiêu dùng phải tốn kém hơn khi sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên, đây lại là điều cần thiết và phù hợp trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng cao.

"Trong bối cảnh chi phí đầu vào biến động mạnh, các hãng bay chịu sức ép rất lớn từ chi phí giá nhiên liệu tăng cao thì việc tăng trần giá vé máy bay nội địa là phù hợp và cần thiết. Tuy vậy mức tăng cần được tính toán kỹ dựa trên sự biến động các yếu tố chi phí đầu vào, hài hòa lợi ích doanh nghiệp và người tiêu dùng, hạn chế mức thấp nhất áp lực cho việc tăng chỉ số giá tiêu dùng...", ông Long nói.

Vẫn theo chuyên gia, trước đây, doanh nghiệp hàng không nhiều lần đề xuất thay đổi cơ chế điều hành giá vé máy bay nội địa, trong đó yêu cầu bỏ mức trần. Tuy nhiên, việc bỏ giá trần vé máy bay hiện nay chưa thể thực hiện ngay được, khi mà hàng không là lĩnh vực đặc thù, ít doanh nghiệp tham gia nên rất cần Nhà nước phải quản lý và định giá.

Theo quy định pháp luật về cạnh tranh, nếu hai doanh nghiệp có tổng thị phần từ 50% trở lên, hoặc ba doanh nghiệp có tổng thị phần từ 65% trở lên trên thị trường liên quan thì được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường. Thị trường hàng không Việt Nam hiện có 6 hãng đang khai thác là Vietnam Airlines, Pacific Airlines, Vasco, Vietjet Air, Bamboo Airways và Vietravel Airlines. Tuy nhiên, Vasco và Pacific Airlines là thành viên của Vietnam Airlines, trong khi Vietravel mới gia nhập thị trường. Hiện ba hãng lớn là Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airways chiếm khoảng 80% thị phần. Trong đó riêng đường bay Hà Nội - TP.HCM, Vietnam Airlines và Vietjet cũng đã chiếm trên 50% thị phần.

"Thị trường hàng không Việt Nam hiện nay vẫn còn một số doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh nên Nhà nước phải quy định giá trần để bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng”, ông Long nói thêm.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách Khoa TP.HCM, nêu quan điểm: "Tăng trần giá vé máy bay là tất yếu. Chi phí nhiên liệu tăng cao, nếu giá vé không tăng theo sẽ khiến các hãng hàng không gặp khó khăn do không cân đối được chi phí. Tuy nhiên, về lâu dài cần tiến tới bỏ trần giá vé máy bay. Các hãng hàng không sẽ cạnh tranh với nhau, ai giá rẻ, dịch vụ tốt thì người dân lựa chọn. Chỉ có cạnh tranh thực sự, hành khách mới được hưởng dịch vụ và giá cả hợp lý”.

Đại diện các hãng bay như Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Vietjet...trước đó đều đề nghị nên nới trần, trong khi chờ sửa luật để bỏ quy định khung giá vé nội địa, nhằm đảm bảo ngành hàng không phát triển bền vững lâu dài. Các hãng lý giải việc nới trần sẽ giúp các hãng có thể tự cân đối, bù đắp mọi chi phí đầu vào ngày càng tăng, cũng như lấy giai đoạn cao điểm bù thấp điểm, nâng cao chất lượng phục vụ.

Tổng Giám đốc Bamboo Airways Nguyễn Mạnh Quân cũng đề xuất Nhà nước vẫn quản lý giá trần với các đường bay chỉ có một hãng khai thác, còn đường bay có từ hai hãng cùng khai thác trở lên thì để thị trường tự điều tiết. Một số chuyên gia cũng cho rằng việc tồn tại khung giá trần là một sự vô lý, kìm hãm sự phát triển của ngành hàng không.

Cục Hàng không Việt Nam thì từng đề xuất bỏ trần giá vé trên đường bay có từ 3 hãng cùng khai thác để tăng cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, đề xuất này gặp nhiều phản ứng trái chiều từ chuyên gia và công luận.

Theo VTC

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vtc.vn/gia-ve-may-bay-co-the-tang-tran-trong-nam-nay-chuyen-gia-noi-gi-ar760930.html

máy bay


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.